Bí mật kho báu của người Cathar

Thứ Bảy, 14/07/2018, 07:09
Được coi là huyền thoại của Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ SS Đức Quốc xã, trung tá Otto Skorzeny nổi tiếng với những hoạt động xuất quỷ nhập thần mà cụ thể là ông ta đã nhảy dù xuống Roma, Italia, giải thoát thành công nhà độc tài Benito Mussolini lúc ấy bị Hội đồng Chấp chính Italia bắt giam nhằm vô hiệu hóa liên minh giữa Italia và Đức Quốc xã.

Chưa hết, Skorzeny còn cầm đầu một nhóm 200 lính SS, ăn mặc như lính Mỹ, đến Paris để ám sát tướng Eisenhower, tổng tư lệnh quân Đồng minh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Tuy nhiên, ít người biết rằng Skorzeny còn tìm ra một kho báu của người Cathar, có từ thế kỷ thứ 6, trong đó có chiếc Chén Thánh, vật thờ cúng linh thiêng của họ…

Bài 1: Từ truyền thuyết đến sự thật

Nguồn gốc chiếc chén thánh

Mùa thu năm 1942, cục diện Chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu có dấu hiệu thay đổi. Ở phía đông, Hồng quân Liên Xô chặn đứng đà tiến công của quân Đức Quốc xã ngay trước cửa ngõ dẫn vào thành phố Stalingrad; còn ở EI Alamein, Bắc Phi, binh đoàn xe tăng của tướng Đức Erwin Rommel, người được mệnh danh là "Cáo sa mạc" bị liên quân Anh, Mỹ, đánh cho tan tác. Ở Prague, Tiệp Khắc, Reinhard Heydrich, chỉ huy Cơ quan mật vụ Gestapo chết vì bị du kích kháng chiến ám sát.

Trước tình hình ấy, Heinrich Himmler, tư lệnh lực lượng SS quyết định thu hồi một kho báu, tương truyền rằng nó là của người Cathar, sống ở miền nam nước Pháp từ thế kỷ thứ 6. Trước đó, năm 1941, khi đang say men chiến thắng vì chỉ một thời gian rất ngắn, quân đội Đức đã làm chủ Ba Lan, Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Tiệp Khắc, Rumani cùng nhiều vùng lãnh thổ ở Bắc Phi…, Himmler đã có ý định là khi nào Đức Quốc xã chiếm được toàn bộ châu Âu - bao gồm cả Liên Xô, Trung Đông và một nửa châu Phi thì lúc ấy ông ta mới tuyên bố với toàn thế giới, rằng nước Đức đã sở hữu một kho báu vô giá của người Cathars, trong đó có chiếc Chén Thánh.

Skorzeny, người tìm ra kho báu Cathar.

Ngược dòng thời gian vào đầu thế kỷ thứ 10, Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã tiến hành những cuộc chinh phạt những vùng đất không chịu theo đạo Thiên Chúa, trong đó có người Cathars sống ở Montsegur, miền nam nước Pháp. Những người này bị gọi chung là "bọn dị giáo" còn cuộc chinh phạt được đặt tên là cuộc "Thập Tự chinh". 

Ở Montsegur, Pháp, sau nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra vào năm 1244, quân Thập Tự bao vây pháo đài Cathar. Người Cathars không chống cự nổi nên ngày 16-3-1244, họ đã rút lui, mang theo toàn bộ kho báu gồm chiếc Chén Thánh và những thánh tích, đồ thờ cúng, tất cả đều bằng vàng. 

Suốt hơn 600 năm sau đó, rất nhiều những cuộc tìm kiếm chén thánh đã được các triều đại vua chúa ở châu Âu tiến hành. Ai cũng mong làm chủ nó vì họ tin rằng nó có những quyền năng vô biên nhưng tất cả chỉ là con số không. Một số hậu duệ của người Cathar hoặc là không biết, hoặc có biết cũng chẳng nói. Dần dà, theo thời gian chuyện về kho báu Cathar chỉ còn là những lời truyền khẩu, mỗi nơi kể một phách, thật giả khó lường.

Mãi đến năm 1929, Otto Rahl, một nhà sử học người Đức sau nhiều năm nghiên cứu về kho báu Cathar, đã đến vùng Montsegur rồi tiến hành khảo sát pháo đài Cathar cùng những dãy núi xung quanh. Trên một số vách đá, Rahl ghi nhận những hình khắc có liên quan đến chiếc Chén Thánh. 

Theo Otto Rahl, kho báu của người Cathar có thật, và nó được chôn giấu ở đâu đó xung quanh dãy núi Pyrenees. Dựa theo những tài liệu cổ, Rahl thuê người khai quật một số địa điểm nghi ngờ và một trong số những địa điểm ấy, Rahl tìm được một mảnh da bò đã gần như mủn nát, có những hình vẽ nhìn giống tấm bản đồ. Tuy nhiên, ông ta và nhiều người khác - cũng là những nhà khảo cổ - không giải được các ký tự cổ viết trên bản đồ ấy.

Năm 1934, Otto Rahl quay lại Berlin, bắt đầu công bố những khám phá của mình trên một tạp chí chuyên về khảo cổ. Lúc này, Hitler đã lên nắm quyền cai trị nước Đức và những bài viết của Otto Rahl nhanh chóng được Himmler, tư lệnh lực lượng SS chú ý bởi lẽ ông ta là người rất thích những chuyện siêu nhiên nhằm củng cố cho thuyết "dân tộc thượng đẳng". 

Với sự nâng đỡ của Himmler, Otto Rahl gia nhập đảng Quốc xã rồi chỉ 6 tháng, Rahl được Himmler phong chức chỉ huy nhóm nghiên cứu đặc biệt với hàm trung úy. Sau đó, Rahl dẫn đầu một nhóm tìm kiếm kho báu trở lại pháo đài Cathar nhưng cũng như lần trước, ngoài những chứng cứ mơ hồ, nhóm của Rahl vẫn không tìm thấy gì.

Năm 1939, một thời gian ngắn sau khi Hitler xua quân xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho Thế chiến II, Otto Rahl bỗng dưng đột tử. Tang lễ của ông ta được cử hành theo nghi thức sĩ quan cao cấp Đức Quốc xã nhưng trong nội bộ SS có tin đồn rằng Himmler giết Otto Rahl vì Himmler đã nắm được những bí mật về nơi chôn giấu kho báu, nên sự tồn tại của Rahl không còn cần thiết.

Khởi động săn lùng

Tháng 6-1943, theo lệnh Himmler, một nhóm các nhà khảo cổ, sử gia và nhà địa chất đến Montsegur. Họ được bảo vệ bởi quân đội Đức và lực lượng dân quân Pháp theo Đức Quốc xã. Tiến hành tìm kiếm các hang động nằm ở những ngọn núi xung quanh đồng thời khai quật nhiều nơi khác nhau trong vùng  Rennes -le-Chateau và Languedoc nhưng không thu được kết quả. Trong một báo cáo gửi Himmler, nhà khảo cổ Von Steinner, người cầm đầu nhóm tìm kiếm viết: "Những lần khai quật đã cho thấy hoặc là kho báu không tồn tại, hoặc nó tồn tại nhưng không chôn ở Montsegur, hoặc Otto Rahl cố tình che giấu nó…".

Lính SS trong nhóm tìm kiếm kho báu Cathar.

Nhận được báo cáo, Himmler thẳng thừng bác bỏ giả thuyết kho báu Cathar không tồn tại. Ông ta gọi nhóm nghiên cứu là "một lũ dở hơi". Martin Kluger, thư ký riêng của Himmler viết trong hồi ký: "Quan điểm của Himmler lúc ấy là không cần đến giới khoa học. Việc tìm kiếm kho báu phải được thực hiện bởi một nhà lãnh đạo quân sự có nền tảng tháo vát, can đảm, là người có thể nhìn ra mọi manh mối, biết cách giải quyết mọi vấn đề…".

Và thế là trung tá Skorzeny được chọn. Sinh ngày 12-6-1908 tại miền nam nước Áo, Skorzeny đã tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí và là cử nhân ngôn ngữ học. Khi Thế chiến II nổ ra, Skorzeny viết đơn tình nguyện vào Không quân Đức Quốc xã nhưng bị từ chối vì năm đó ông ta đã 31 tuổi. Theo gợi ý của Đô đốc Canaris, Tư lệnh Cơ quan Tình báo quân đội Đức Quốc xã (Abwehr), Skorzeny gia nhập Lực lượng SS rồi sang chiến đấu ở Nam Tư, Liên bang Xôviết. Rất nhanh chóng, ông ta leo lên hàm trung tá vì "sự dũng cảm và những chiến công tuyệt vời".

Cuối năm 1942, Hitler quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt, chuyên hoạt động phía sau phòng tuyến địch quân - tương tự như những đội Commando Anh Quốc. Được Đô đốc Canaris tiến cử, Skorzeny trở thành người đứng đầu "Commando Đức Quốc xã". 

Bằng cách xây dựng một thao trường ở Friedenthal, cách Berlin 40km, Skorzeny huấn luyện những người lính của mình bằng những bài tập rất khắc nghiệt. Họ được chia thành từng nhóm nhỏ, hoạt động độc lập, tác chiến trong điều kiện không được tiếp tế hoặc không có quân cứu viện. 

Khi Skorzeny thành công trong việc giải thoát nhà độc tài Mussolini, phá hủy một số cơ sở quân sự của Hồng quân Liên Xô ở núi Ural, ngay cả Đô đốc Canaris cũng phải nói rằng: "Đội Commando Skorzeny là những người giỏi nhất của những người giỏi nhất Đệ Tam Đế chế". Tiếng tăm của Skorzeny lớn đến nỗi ông ta được Hitler mời uống trà, ăn trưa với Chủ tịch Quốc hội Marin Borman, cà phê với Ngoại trưởng Ribbentrop, ăn tối với Tiến sĩ Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã.

Tháng 2-1944, Skorzeny nhận được điện thoại của Himmler, tư lệnh Lực lượng SS. Sau cuộc gặp gỡ, ông ta lập tức chuẩn bị lên đường đến Montsegur, miền nam nước Pháp với sứ mệnh tìm kiếm kho báu Cathar. Những lính SS đi cùng ông ta đều là những người can đảm, tháo vát, có khả năng ứng biến cao và có trình độ leo núi. Vẫn theo Martin Kluger, thư ký riêng của Himmler: "Cuối cuộc trao đổi với Skorzeny về kho báu Cathar, Himmler chỉ hỏi Skorzeny một câu duy nhất: "Anh có thể tìm được không?". Skorzeny cũng chỉ trả lời một câu duy nhất: "Thưa tướng quân, được".  (Năm 1945, lúc ra đầu hàng quân Đồng minh, Skorzeny đã khai về chuyện này như sau: "Thoạt đầu, tôi không tin cái gọi là kho báu. Tôi nhớ là mình đã đọc một vài bài trên các tạp chí khảo cổ nhưng theo tôi, nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một số sử gia. Tuy nhiên, Himmle đã thuyết phục được tôi, rằng ông ấy có đủ cơ sở để khẳng định kho báu Cathar là thật").

Những manh mối ban đầu

Vào ngày 10-3-1944, Skorzeny cùng nhóm của ông ta đến Languedoc rồi lập chỉ huy sở ở Montsegur. Nói thạo tiếng Pháp, lại thông thuộc địa hình vùng này nên ngay hôm sau, Skorzeny tiến hành khảo sát pháo đài Cathar. Để tránh những cặp mắt tò mò, Skorzeny cho lính phao tin rằng họ đang tìm cách vô hiệu hóa những quả bom hạng nặng của quân Đồng minh ném xuống nên những người dân Pháp ở xung quanh không ai dám đến.

Một phần tàn tích của pháo đài Cathar.

Chiều 11-3, Skorzeny phát hiện một tàn tích là một cầu thang bằng đá 3.000 bậc, dẫn từ pháo đài Cathar đến một lối ra ở thung lũng bên dưới. Tìm kiếm khắp thung lũng nhưng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ người Cathars chôn giấu kho báu ở đó nên Skorzeny đi đến kết luận, rằng nhà sử học Otto Rahl đã có những nhầm lẫn. Theo Skorzeny, bị ấn tượng bởi hai chữ "Chén Thánh", Rahl tin rằng vật thờ cúng này phải được chôn giấu ở những nơi thiêng liêng. 

Bên cạnh đó, dựa trên tư duy quân sự của mình, Skorzeny chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Cathars phải tính đến những con đường rút lui trước khi bắt đầu trận đánh, và con đường rút lui chính là con đường mang theo kho báu vì họ không thể để nó lọt vào tay quân Thập Tự. 

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là trải qua 700 năm, thiên nhiên đã thay đổi, pháo đài Cathar hùng vĩ xưa kia nay chỉ còn là một đống đổ nát. Những con đường mòn chỉ được nhận ra bởi những phiến đá xếp thành hàng lối, nằm khuất trong những bụi rậm um tùm. Câu hỏi lớn nhất đối với Skorzeny là trong trận vây hãm cuối cùng của quân Thập Tự chinh xảy ra vào ngày 16-3-1244, đâu là lối thoát của người Cathar. Tìm được lối thoát nghĩa là tim ra kho báu.

Ngày 12-3, dưới những cơn mưa nặng hạt mùa xuân, sau khi đi hết 3.000 bậc thang đá và ở bậc cuối cùng, Skorzeny thấy nó chiếu thẳng lên một ngọn núi mà 1 trong 4 mặt núi là một vách đá dựng đứng, trần trụi, cao hơn 300m tính đến mặt đất. 

Theo các tài liệu cổ, khi bị vậy hãm và khi biết không còn đường thoát thân, người Cathars đã bện những sợi dây thừng dài, thả từ trên vách đá, leo xuống. Và bởi vì quân Thập Tự chẳng bao giờ ngờ rằng người Cathars lại có thể mạo hiểm rút lui theo lối tử địa nên họ không cho quân bao vây. Vì thế, theo suy luận của Shorzeny, họ đã trốn thoát cùng với kho báu…

Vũ Cao (theo History)
.
.
.