Về phía bình minh

Thứ Bảy, 20/01/2024, 10:16

Đêm lạnh quá. Trà khẽ ôm vai. Ở đây, ban ngày nhiệt độ có khi lên đến hơn 50 độ, nhưng đêm thì chỉ còn hơn 20 độ. Trăng lên cao vời vợi, chẳng bởi vì bom đạn, khói lửa, chẳng bởi vì đau khổ mà bớt sáng. Dường như vầng trăng muốn dùng ánh sáng của mình để xoa dịu bớt những cay đắng, khổ ải của vùng đất này. Trà cũng muốn làm thêm được điều gì đó cho những em nhỏ ở nơi đây.

Đã quá nửa đêm mà Trà còn trằn trọc chẳng thể nào ngủ được. Những hình ảnh từ ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất này như cuốn phim tua chậm trong đầu. Trà dứt khoát ngồi dậy. Đêm nay trăng sáng quá. Vầng trăng vằng vặc như muốn dùng sự dịu dàng của mình để xua bớt đi những khắc nghiệt, đau thương mà mảnh đất này đang phải hứng chịu mỗi ngày. Nỗi nhớ nhà trong lòng Trà hàng ngày bị công việc cuốn đi, tạm lắng xuống lúc này cũng như muốn giãi bày với trăng.

Theo lịch ở nhà, hôm nay là ngày giỗ bố. Mọi người sẽ tự tay nấu những món bố thích, thắp hương mời bố về. Trong khói hương ngan ngát vướng vất nơi khóe mắt, bà nội sẽ lầm rầm kể cho bố nghe những việc của gia đình trong thời gian qua. Mẹ ngồi nghe bà kể, khẽ mỉm cười như thể bố đang bên cạnh. Anh Vinh, chồng Trà đón những đồng đội đến thắp hương cho bố, nghe các bác, các chú kể lại những kỷ niệm về bố. Trà hiểu bố qua ký ức của bà, của mẹ, của các bác, các chú. Vậy nên, dù bố rời xa lúc Trà mới lên năm mà lúc nào Trà cũng thấy bố gần gũi, thân thương. Bố vẫn hiện diện trong nhà, đồng hành bên bà cháu, mẹ con Trà, là điểm tựa cho Trà những lúc mệt mỏi, yếu lòng.

*

Trà tới thị trấn A vào những ngày đầu mùa mưa năm trước. Đây là một thị trấn nhỏ thuộc khu phi quân sự được thiết lập làm nơi giải quyết tranh chấp giữa Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan. Thị trấn nhỏ nghèo nàn như càng tiêu điều, u tịch dưới những cơn mưa tầm tã. Mưa sầm sập, kéo dài lê thê không dứt hàng mấy ngày trời. Tạnh ráo được nửa ngày, mưa lại kéo đến liên miên, thành một vòng lặp đi lặp lại hết mùa mưa. Mưa biến A thành một bãi lầy. Những ngôi nhà dân thấp lè tè nằm ảm đạm dưới mưa, ngập trong bùn đất lầy lội. Thi thoảng, những đứa trẻ con không chịu đựng nổi sự ẩm thấp, tù túng trong những căn nhà chìm trong mưa rủ nhau chạy ra chơi đùa, chạy nhảy trên những bãi lầy, mặc bùn đất bắt tung tóe lên đầu, lên cổ. Chúng nô đùa đến khi môi tím đi vì lạnh mới chịu vào nhà. Âm thanh của những đứa trẻ nô đùa có lẽ là âm thanh vui tươi nhất tại thị trấn này, mang đến cho thị trấn ảm đạm chút sinh khí cho thấy nó còn tồn tại.

Dù đã tìm hiểu trước khi lên đường, nhưng sau chuyến bay kéo dài hơn mười sáu tiếng đồng hồ, đặt chân xuống vùng đất cách Tổ quốc hơn mười nghìn cây số, Trà vẫn thấy có một điều gì xa xót, cay đắng ứ nghẹn trong tim mình. Những xung đột triền miên, những trận chiến đẫm máu đã biến vùng đất có những cánh rừng nhiệt đới, những thảo nguyên mênh mông thành nơi hoang tàn, đổ nát, đói nghèo bủa vây. Hàng ngàn gia đình tan nát kéo theo hàng ngàn đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc tàn tật.

Vùng đất xa lạ, nỗi nhớ nhà bủa vây khiến Trà thấy mình nhỏ bé, không biết liệu mình có thể vượt qua khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đây hay không. Trong một khoảnh khắc, Trà đã ước mình đang ở nhà, nghe tiếng bà nội đọc "Kiều", thấy mùi thức ăn mẹ nấu thơm lừng căn bếp nhỏ. Chồng Trà vừa trở về sau chuyến công tác, ôm cô con gái nhỏ ríu rít chạy ra cổng đón bố, hồ hởi khoe bố bức tranh đoạt giải họa sĩ nhí cấp trường.

f2ff6f3aa3a608f851b71.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Nhưng rồi Trà không có thời gian để nhớ, để phân vân hay ngần ngại. Những khó khăn, khắc nghiệt mỗi ngày đặt lên vai cuốn Trà và đồng đội vào guồng quay bận rộn. Ngày làm việc gần mười sáu tiếng đồng hồ, từ chiều hôm nay cho đến sáng hôm sau mới kết thúc một ca. Có đợt xung đột cao điểm, thời gian thay đồ cũng không có, đồ ăn mang theo từ sáng sớm nguội ngắt, khô cứng cũng cố phải nuốt để lấy sức làm việc.

Có lần, Trà cùng đồng đội đứng giữa vòng vây của hàng nghìn người dân địa phương. Họ vây kín sở chỉ huy, đòi lực lượng gìn giữ hòa bình thả một số phiến quân bị bắt. Không thể dùng bạo lực với người dân, các thành viên đứng ra giải thích cho mọi người hiểu nhưng không ai lắng nghe. Một số người quá khích dùng gạch đá ném, kích động mọi người xô đổ tường để tràn vào. Không ngần ngại, Trà xung phong đứng ra nói chuyện. Trà bảo, nhìn thấy một người phụ nữ, có lẽ đám đông sẽ bớt kích động, sẽ bình tĩnh hơn. Một lý do nữa mà Trà thầm tin tưởng và đã đúng, đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc và dòng chữ Việt Nam trên áo.

Những ngày ở đây, Trà luôn thấy tự hào với dòng chữ Việt Nam trên ngực áo. Những lần đi qua các chốt kiểm soát, binh lính phụ trách ở đó luôn tỏ ra thân thiện với các sĩ quan Việt Nam. Họ không ngần ngại bày tỏ hi vọng, mong muốn đất nước của họ cũng sẽ nhanh chóng phục hồi, thống nhất, người dân sớm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, nhìn thấy một người phụ nữ nhỏ bé nhưng rắn rỏi, ôn tồn nhưng kiên quyết, đám đông đã dừng hành động ném gạch đá và xô đổ tường bao. Cộng thêm sự có mặt của lực lượng chức năng địa phương, đám đông đã hiểu ra và giải tán.

Mọi người mỗi khi nhắc lại hay bảo sao mà lúc ấy Trà liều thế. Trà chỉ cười, lại nhớ bà, nhớ mẹ. Ngày bé, mỗi lần Trà nghịch ngợm, bà với mẹ hay mắng cái con bé này sao mà lì như con trai, giống y hệt tính bố. Đã làm cái gì thì nhất định phải làm cho bằng được. Rồi thì ai mà dám lấy.

*

Trà ở với bà nội, được bà chăm sóc từ lúc lọt lòng đến khi khôn lớn. Bố bận công tác chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Mẹ là bác sĩ ở bệnh viện huyện, khi thì trực, khi thì tăng cường khám chữa bệnh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tháng về nhà được đôi lần. Bà vừa thay bố, vừa thay mẹ chăm sóc Trà. Những hôm cả bố và mẹ cùng về, nhà vui như hội. Bố cõng Trà trên vai, mẹ ôm Trà trong lòng, bà nấu những món ăn cả bố, mẹ và Trà cùng thích. Bố mẹ còn hỏi Trà có thích có em không, Trà gật đầu, ngọng nghịu bảo mẹ Trà thích có em trai khiến cả nhà cười vang.

Vậy mà chỉ sau một chuyến công tác, bố không về nữa. Căn nhà của bà cháu, mẹ con Trà vĩnh viễn vắng đi dáng hình cao lớn, vững chắc, vắng đi nụ cười trầm ấm của bố. Bố hi sinh khi truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy qua đường mòn biên giới. Ngày ấy, Trà còn bé, chưa hiểu sự chia ly là gì, cứ ngỡ bố chỉ đang ngủ say. Trong đám tang bố, chốc chốc Trà lại chạy đến gọi bố dậy khiến nhiều người đến viếng đều không cầm được nước mắt.

Mẹ mê man. Bà nội nuốt nước mắt đau đớn vào trong lòng để làm chỗ dựa cho con dâu, cho cháu nội. Căn nhà của ba bà cháu, mẹ con kể từ ấy lúc nào cũng như lệch đi một phía, lúc nào cũng thấy trống vắng, nhất là những dịp lễ, tết. Dù bà và mẹ thường an ủi nhau rằng bố đi xa mà vẫn như ở đây, trong cái cây bố chồng, trong món đồ gỗ bố tự tay đóng nhưng nỗi buồn vắng bố lúc nào cũng như âm ỉ dưới mái nhà của ba người phụ nữ. Bà nội giục mẹ đi bước nữa nhưng mẹ ở vậy chăm sóc bà, nuôi dạy Trà.

Đến khi Trà kết hôn, anh Vinh quyết định hai vợ chồng cùng dọn về chăm sóc bà và mẹ thì căn nhà mới bớt đi sự trống trải. Anh Vinh hơn Trà hai tuổi, là con đồng đội của bố. Từ lúc bố mất, hai vợ chồng bác thường xuyên ghé qua nhà giúp bà nội, giúp mẹ những công việc trong nhà. Sau này thì đến lượt anh Vinh. Bởi vậy mà mặc dù nhà thiếu bàn tay đàn ông nhưng cổng giả, cửa nẻo lúc nào cũng chắc chắn. Quen nhau từ bé, lại cùng ngành rồi yêu nhau, thành vợ chồng, bất cứ công việc gì của Trà cũng có sự ủng hộ của anh.

Lúc Trà quyết tâm nối nghiệp bố trở thành một chiến sĩ Công an, bà và mẹ không ngăn cản nhưng cũng không giấu sự lo lắng. Công việc vất vả, rồi còn chuyện chồng con, sao cho vẹn toàn. Chính anh Vinh đã động viên bà và mẹ giúp Trà. Ngày nhận quyết định đến châu Phi, Trà có chút phân vân. Con nhỏ, bà nội đã lớn tuổi, công việc của chồng ở đơn vị cũng bận rộn. Nhưng anh Vinh bảo Trà cứ yên tâm. Trà đi công tác, bà nội bé Bống sẽ sang ở cùng để phụ bà ngoại chăm sóc bà cố, đưa đón Bống đi học. Việc của Trà là hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ Công an nhân dân mũ nồi xanh. Vinh dự đấy, đâu phải ai cũng được nhận. Anh tự hào về vợ còn không hết đây. Anh làm công tác tư tưởng khéo đến mức, hôm tiễn Trà lên đường, mặc dù mắt rân rấn nước nhưng bà cầm tay Trà, dặn dò Trà không phải lo một điều gì hết. Bà vẫn còn khỏe, vẫn minh mẫn, chăm sóc cháu chắt được.

*

Nhớ chồng, nhớ con, Trà nghĩ đến những đứa trẻ trên đất nước loạn lạc này. Những đứa trẻ chỉ độ tuổi bé Bống mà ngay cả những nhu cầu tối thiểu nhất như đồ ăn, thức uống, quần áo, giày dép cũng không có. Chúng hồn nhiên nhặt những vỏ chai cũ, hòn sỏi ven đường để làm đồ chơi. Chúng vô tư tắm trong những đầm lầy, lăn lộn trên bùn đất rồi cười khúc khích. Quần áo không có để thay, chúng cởi ra giặt rồi phơi trên đường trước khi tắm, tắm xong quần áo khô lại mặc tiếp. Phận nghèo khó, mỗi khi được cho bánh kẹo hay chỉ là nắm lạc rang, chúng cũng để phần mang về cho các anh chị em ở nhà.

Mới hôm qua, trên đường tuần tra, tổ của Trà gặp một người mẹ ôm con ở ven đường. Đứa bé bị vết thương sâu ở chân, không được chạy chữa kịp thời dẫn đến nhiễm trùng, sốt cao. Nhưng người mẹ không thể đưa con đi khám vì bệnh viện ở xa, chân chị bị tật, di chứng để lại sau một lần trúng đạn. Chị không có tiền thuê xe. Chồng chị bị quân phiến loạn bắn chết hồi năm ngoái. Đứa con trai lớn không biết sống chết ra sao.

Nhắc đến đứa con trai lớn, người mẹ đáng thương ấy không kìm được nước mắt cay đắng. Buổi sáng, cậu bé mới tròn mười ba tuổi còn chào bố mẹ để đến trường mà không hề biết rằng từ giờ phút ấy đến tận bây giờ, cậu không thể trở về nhà. Người mẹ ngóng con trong vô vọng rồi ngã quỵ khi biết tin một nhóm phiến quân đã mang vũ khí vào trường học, ép những đứa trẻ phải đi theo để "bảo vệ bộ tộc của mình".

Đã có những đứa trẻ trốn thoát, có những đứa trẻ được giải cứu nhưng cũng có những đứa trẻ bị buộc phải chiến đấu. Mỗi ngày, niềm hi vọng của người mẹ lại bị bào mòn thêm một chút. Từng đêm, những cơn ác mộng hành hạ chị. Chị mơ thấy đứa con trai bị một viên đạn, một mảnh bom xuyên qua thân thể khiến nó đổ gục và không bao giờ có thể trở về với chị được nữa. Điều duy nhất níu chị ở lại là đứa con nhỏ thì giờ nó lại bị một mảnh sắt cứa vào chân dẫn đến nhiễm trùng.

Chẳng phải lần đầu tiên gặp những hoàn cảnh éo le, nhưng trái tim của một người mẹ vẫn khiến Trà cảm thấy xót xa. Ở vùng đất mà người dân từ lúc cất tiếng khóc lọt lòng, lớn lên, già đi và chết đi trong tàn bạo, thảm khốc của chiến tranh, mỗi cuộc đời là một câu chuyện buồn.

*

Đêm lạnh quá. Trà khẽ ôm vai. Ở đây, ban ngày nhiệt độ có khi lên đến hơn 50 độ, nhưng đêm thì chỉ còn hơn 20 độ. Trăng lên cao vời vợi, chẳng bởi vì bom đạn, khói lửa, chẳng bởi vì đau khổ mà bớt sáng. Dường như vầng trăng muốn dùng ánh sáng của mình để xoa dịu bớt những cay đắng, khổ ải của vùng đất này. Trà cũng muốn làm thêm được điều gì đó cho những em nhỏ ở nơi đây.

Lúc tối, Trà tranh thủ gọi điện về nhà. Lúc nói với anh Vinh ý định ở lại thêm một năm, anh Vinh im lặng. Nhưng chỉ một chút thôi, anh đồng ý. Anh bảo, để anh thắp hương báo cáo với bố. Chắc hẳn bố sẽ tự hào vì cô con gái rượu của mình lắm. Anh cũng sẽ tâm sự với bà nội, bố và hai mẹ để mọi người hiểu, thông cảm cho Trà. Anh kể chuyện bé Bống. Bữa nay con đã bắt đầu làm quen với chữ cái và số. Trà tăng cường thêm một năm, lúc trở về con gái đã biết đọc, biết viết rồi. Như để cho Trà yên lòng, anh cười:

- Bống bảo Bống sẽ đọc giỏi để sau này đọc truyện cho em bé nghe đấy. Mẹ Trà tính thế nào thì tính nhé. Thêm một năm nữa về, chị Bống đọc thông viết thạo là vừa đẹp.

Trà cũng phì cười. Giá mà ở cạnh chồng lúc ấy, Trà sẽ phát khẽ vào lưng anh. Lúc nào anh cũng pha trò, động viên để Trà bớt căng thẳng, bớt suy nghĩ. Trà đùa lại chồng:

- Nhớ chờ em về. Đừng có mà léng phéng đấy. Em sẽ nhờ hai mẹ trông chừng anh.

Anh giả vờ than thở rằng thời gian này anh bận đến độ chỉ thèm có ngày nghỉ để ngủ cho đã. Lắm khi còn chẳng rảnh rỗi một chút mà dành thời gian nhớ vợ, lấy đâu ra giây phút nào mà để ý đến cô nào khác. Trà hiểu và thương chồng nhiều hơn. Trà lên đường mấy tháng thì ở nhà anh nhận nhiệm vụ tăng cường cho Công an xã. Anh cùng đồng đội ngày đêm căng mình bám dân, bám địa bàn, vừa đảm bảo tốt an ninh trật tự vừa vận động người dân không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, rồi còn công tác hành chính, công tác an sinh xã hội. Thi thoảng, anh trêu đến lúc Trà về khéo không nhận ra chồng vì anh đen cháy lại gầy chẳng khác gì người mẫu. Trà thấy mình may mắn khi có Vinh. Anh vừa là chồng vừa là người đồng đội luôn sát cánh bên Trà.

Trước khi Trà lên đường, anh tìm mua đủ loại hạt giống rau. Từ mồng tơi, rau đay, rau muống, rau cải đến mướp, su su, bầu bí, đậu đen. Thậm chí, anh còn gói cả hạt giống đu đủ. Anh bảo, đi đâu thì đi, cố trồng lấy mấy luống rau để cải thiện. Anh lên mạng tìm tài liệu về cách gieo hạt, trồng rau in ra cho Trà đọc. Trà cười rũ rượi, bảo anh phải làm hậu cần mới đúng, lo cho vợ từ ngọn rau trở đi. Nhưng sang đến nơi, Trà thầm cảm ơn chồng không biết bao nhiêu lần. Những túi hạt giống của anh không chỉ giúp đoàn công tác đủ rau ăn mà còn giúp Trà làm công tác "dân vận" với người dân.

Ngoài nhiệm vụ chính, thời gian rảnh rỗi, Trà giúp người dân xới đất làm vườn, chia sẻ cho họ những giống rau, quả chị mang từ Việt Nam sang. Từ một nhà, hai nhà, rồi năm nhà, mười nhà, cứ trồng rồi để lại ít cây già lấy hạt, lấy quả làm giống, đã có mấy chục hộ trồng được vườn rau muống, bầu bí, đậu. Trà dạy họ cách chế biến từng món rau, dạy cách nấu chè đậu đen. Trà kể lại chuyện này cho chồng nghe, anh cười bảo, các chiến sĩ Việt Nam đi tới đâu là màu xanh mọc lên tới đó, em có thấy đúng không?

Trà không muốn gia đình lo lắng nên mỗi lần gọi về, Trà chỉ kể toàn chuyện vui. Chuyện làm kênh mương thoát nước để mùa mưa thị trấn không còn ngập úng. Chuyện làm đường để người dân đi lại được thuận tiện. Chuyện khoan giếng lấy nước sạch. Chuyện xây những lớp học kiên cố, làm sân trường cho trẻ em có chỗ học tập, vui chơi. Những bộ bàn ghế xinh xắn được tận dụng bằng gỗ cũ. Rồi dụng cụ học tập, giấy bút, màu vẽ. Tất cả được tạo nên bởi bàn tay, khối óc và tấm lòng của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam.

Những đứa trẻ ở đây bảo các cô chú mặc áo có thêu lá cờ đỏ sao vàng là những người có phép thuật, làm ra được bao nhiêu thứ mà ai cũng thích. Ngồi trong nhà mà nhìn thấy các cô chú Việt Nam, chúng chạy ào ra đuổi theo để được bắt tay. Mỗi khi đồng đội của Trà hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, chúng bịn rịn, lưu luyến, bảo nhau vẽ những bức tranh, làm những món quà lưu niệm để gửi tặng. Bởi vậy mà mỗi lần có dịp, mọi người đều tranh thủ gửi quà từ Việt Nam sang cho bọn trẻ.

Còn thật nhiều những câu chuyện Trà muốn tâm sự với chồng để anh hiểu thêm về công việc của Trà ở đây. Chắc hẳn, anh cũng sẽ thương những người ở nơi này giống như Trà vậy và ủng hộ hết lòng quyết định của vợ…

*

Trà đứng dậy, đi thăm các luống rau xanh mình đã trồng. Trăng đã lặn trên vòm trời, nhường chỗ cho ngày lên. Một ngày mới lại bắt đầu. Sương sẽ tan trước bình minh lấp lánh. Bình minh mang theo những hi vọng về hành trình bước tới những ngày tươi sáng hơn mà Trà cùng đồng đội đang cố gắng làm cho mảnh đất này.

Truyện ngắn của Cao Việt Cường
.
.
.