Kia
Mobifone

Thị trấn quạnh hiu

Thứ Năm, 24/11/2022, 13:12

Hai năm, thị trấn như thể từ một cô gái chân dài đi bar mỗi tối giờ hết date về quê thành gái ế. Cái hào nhoáng đến với thị trấn nhanh như cơn lũ thượng nguồn, và bỏ đi hệt như con thú hoang chạy vào rừng sau khi thoát khỏi cái bẫy của thợ săn. Chẳng còn những đoàn xe tấp nập ngày đêm. Những quán hàng cửa đóng im lìm. Cánh thanh niên trai tráng ở những hầm mỏ xưa giờ túm tụm đốt lửa ngồi sưởi ở đầu phố, khói bay thảm cả thị trấn ngày đông.

Đường về nhà như đi trên sống trâu. Đưa ánh mắt nhìn xuôi, những ngọn núi lúp xúp như những chiếc nấm lim xanh, những nương ngô xám vàng sắp đến mùa thu hoạch, như một vệt mực lem trên bức tranh màu xanh thẫm. Khói lởn vởn từ một bản làng nào đó, quẩn quanh ngay dưới bình nguyên sâu hút cả ánh mắt nhìn. Lâu lâu không đi trên con đường ấy, Tuần thấy run run. Có nhiều thứ quen thuộc cả một tuổi thơ vậy mà giờ trở nên xa lạ, nhất là từ khi Tuần chuyển ra ở ngoài thị trấn…

Bản có tên Sinh Tồn. Xưa ông nội Tuần bảo những người Dao đầu tiên lên định cư ở đây đặt tên bản cũng bởi cái khốn khó của cuộc sống nơi đây. Những thế hệ tiếp nối tiếp nhau, đời nối tiếp đời, bản giờ có hơn ba chục nóc nhà sàn. Tất cả đều ở lưng chừng núi. Từ con dốc cao xuôi xuống bản, những vạt cải nương nở hoa vàng tràn xuống mãi dưới thung lũng. Mùa hoa cải nở, bản nhộn nhịp với những chiếc xe tay côn của người thành phố. Người ta tìm về bản mỗi năm chỉ vào tháng Chạp, tháng Giêng để rồi phủ đầy cõi mạng bằng những hình ảnh cải vàng, những câu thơ gieo vần đầy nỗi nhớ. Thị trấn nơi Tuần sống thay đổi từng ngày, còn bản nơi Tuần sinh ra thì nhiều năm vẫn thế. Lần này đi qua những triền hoa cải vàng ấy, Tuần lại khẽ thở dài. Có một cái gì đó quặn đau ở nơi rất sâu trong lòng mỗi khi Tuần nhớ về những mùa hoa cải đã qua…

Bà lọ mọ đi xuống cầu thang, cầm tay Tuần lắc lắc: “Lại về một mình à cháu?”. Tuần thở dài: “Vâng bà. Trời lạnh thế này, sao bà mặc phong phanh thế. Áo cháu mua cho bà đâu?”. Bà bảo: “Tao chỉ thấy lạnh khi mày cứ về một mình thế này…”. Tuần bảo: “Lần tới cháu sẽ đưa vợ con cùng về...”. Bà thở dài, lụi cụi đi lên nhà, nhẩm đếm từng bậc thang... Đây là lần thứ bao nhiêu Tuần nói với bà câu nói đó, Tuần không nhớ nữa…

Tuần lớn lên cùng những mùa cải nương hoa vàng tràn từ lưng chừng trời xuống núi, lấn vào tận khoảnh vườn nhỏ trước ngôi nhà sàn cũ kỹ. Mỗi khi thu đến, người ta ném những hạt cải li ti xuống khắp nương đồi dọc đường vào bản. Và hạt cải nảy mầm, rau cải nương xanh non được người ta mang ra chợ huyện. Rồi người ta lại gieo, chờ cải nở hoa vàng khắp bản, chờ hoa cải rụng, chờ những chiếc quả nhọn như mũi tên găm thẳng lên nền trời biêng biếc. Mùa xuân, Tuần theo bà và mẹ đi cắt những cây cải lúc liểng quả về treo trước hiên nhà để chờ cho vụ cải cuối năm. Những mùa cải vàng cuốn tuổi thơ Tuần trôi đi, nhanh như ánh nắng bỏ về bên kia núi mỗi chiều, như bọt bèo suối sông trôi theo dòng thác lũ…

Thị trấn quạnh hiu -0
Minh họa: Hà Trí Hiếu  

Tuần về nhà mỗi khi thấy nản. Nhưng mỗi lần về Tuần lại thấy buồn khi nhìn lên những mái nhà sàn bàng bạc khói. Tuần chuyển ra thị trấn đã được 7 năm. Con Tuần đã lên năm tuổi. Còn Mây, 25 tuổi, Mây vẫn chưa lấy chồng. Mây chẳng trách Tuần về chuyện Tuần bỏ bản mà đi, cũng như chẳng trách ngày ấy cho đến tận bây giờ, chưa một lần Tuần nói với Mây lời yêu.

Ngày ra thị trấn, Tuần bảo Mây chờ Tuần, rồi Tuần lặng lẽ đi. Năm đầu, Tuần mua tặng Mây những chiếc vòng tay bằng đá cẩm thạch, cả chiếc khăn choàng mỏng như tơ trời. Mây cất kỹ trong chiếc hòm gỗ vì sợ phai màu. Những lần theo bà lên những triền đồi tràn hoa cải, Mây vẩn vơ nghĩ sẽ choàng tấm khăn ấy, đeo những chiếc vòng cẩm thạch ấy, cùng Tuần đi trên con đường vàng hoa cải trong ngày cưới. Nhưng chẳng có lời tỏ tình nào cả.

Hai năm sau ngày Tuần ra thị trấn, Mây nhận được tin Tuần cưới vợ. Mây chẳng khóc, nhưng gần như đã ngất đi. Luống cải trước sân nhà Mây hoa nở bời bời. Những thân cải vàng dập nát, những cánh hoa cải vần bay trong gió,nhòa trong đôi mắt đẹp của Mây. Suốt những buổi chiều sau Mây ngồi ở bậu cửa, nhìn ra những ngọn đồi hoa cải tối dần, và khóc khi làn sương hòa vào bóng tối bủa vây khắp bản. Mây chẳng còn bố mẹ. Mây chỉ sống với bà nội khi mới lên mười. Suốt cuộc đời Mây chỉ có nỗi buồn…

Bảy năm qua, thị trấn ấy chưa bao giờ là của Tuần cho dù với nhiều người, đó là cuộc sống trong mơ. Thị trấn với những ngôi nhà tầng chen lấn nhau, sầm uất, nhộn nhịp và hối hả. Người dân tứ xứ đổ về đây để tìm kiếm một sự đổi đời từ vàng và quặng. Thị trấn nháo nhào với thông tin cánh thợ này kia trúng mỏ vàng sa khoáng. Thị trấn sôi sục, gầm gào với những đoàn xe chở quặng hàng đêm ngoài phố, kéo theo bụi đường hắt lên cả mái nhà. Đỏ quạch. Tuần chẳng còn thích cái vẻ hào nhoáng của thị trấn như ngày mới đến. 17 tuổi, Tuần về đây để kiếm việc làm trong mỏ quặng. Tuần có đôi vai rộng, đuôi mắt kéo dài nên được con gái ông chủ mỏ thích. Mấy anh em thợ bảo Tuần: “Mày được nó để ý, khác gì chuột sa chĩnh nếp”. Tuần mặc kệ. Tuần chỉ thích Mây.

Một chiều cuối năm, ông chủ làm cơm để cánh thợ về ăn Tết. Khi rượu đã say nồng, ông chủ kéo cánh thợ đi hát ở quán karaoke ngoài phố. Tuần ngủ vùi dưới dãy nhà ngang dành cho thợ. Trong giấc ngủ mê man đó, Tuần thấy làn da mềm mại, nóng hổi quấn lấy Tuần, rụt rè rồi cuồng nhiệt, vội vã và đê mê. Tuần thấy nhức nhối… Dòng thác lũ tuổi 19 non tơ ào ạt chảy, nóng bỏng như lửa cháy, ẩm ướt như vạt cải vàng thẫm sương đêm. Rồi Tuần lịm đi… Ra Tết, ông chủ bảo Tuần chuẩn bị để làm đám cưới… Bố hỏi Tuần: “Mày nghĩ kỹ chưa. Tao nghe nói…”. Tuần ngắt lời bố: “Thôi bố đừng nói nữa. Nhà mình chẳng đủ tiền để họ phạt vạ đâu”. Mẹ Tuần thở dài, quay mặt đi nơi khác…

*

Bóng chiều chầm chậm trôi trên những nương cải hoa vàng chảy tràn như dòng thác về bản. Đàn sẻ ngô ríu rít trong luống cải nương, giật mình bay lên khi thấy bóng hai người va vất đi bên nhau thật nhẹ. Mây hỏi Tuần sao lâu nay chỉ về một mình, Tuần cười trừ: “Là do vợ Tuần bận, không về được”. “Sao mà bận suốt thế, hay chị ấy không muốn về”, Mây hỏi lại. Tuần phân trần: “Không, bận thật mà. Cô ấy phải theo xe đi đổ quặng, ở tít mãi gần Trung Quốc ấy”. Mây lại hỏi: “Thế còn con, sao Tuần không đưa con về?”. Tuần lặng im. Một cái gì đó thốc ngược lên ngực Tuần, nhói buốt.

Tuần nghe người ngoài thị trấn nói phong thanh nhiều thứ, rằng chẳng phải tự nhiên mà đứa con gái nhà giàu như thế, lại hơn Tuần ba tuổi mà lại chịu lấy Tuần. Người ta còn bảo thằng cu chẳng có nét nào của Tuần. Tuần nghĩ mà buồn rười rượi. Mây bảo: “Trẻ con không có tội, Tuần hãy nhớ lời này của Mây, nếu không lần sau đừng gặp Mây nữa…”, rồi đi thật nhanh lên con dốc nhỏ.

Tuần đứng lại, trân trân nhìn về phía ngôi nhà sàn đen sẫm. Nhiều lần Tuần định nói với Mây lời xin lỗi nhưng Mây không cho Tuần nhìn vào mắt mình để nói. Cũng bởi thế mà bảy năm qua, những tháng ngày xưa cũ ấy với Tuần vẫn là cả một sự dằn vặt còn nguyên vẹn. Tuần nợ Mây một tình yêu tinh khôi như những hạt sương thẫm ướt trên những bông cải vàng cả triền đồi mỗi sáng mùa đông mà có lẽ mãi sau này, Tuần không thể nào trả được, không thể nào quên được…

*

“Lần gần nhất tôi gặp Mây thế đó. Đã 2 năm rồi Phan ạ. Và tôi vẫn nợ cô ấy lời xin lỗi”, Tuần nói với tôi, giọng buồn buồn như cái thị trấn ngày đông. Gió rít qua khe cửa lọt vào gian nhà ngang khiến thi thoảng Tuần phải với tay kéo tấm chăn đắp cho thằng cu đang co ro nằm ngủ… Tuần bảo: “Ông thấy đấy, cuối cùng tôi cũng chẳng còn lại gì. Đời tôi khổ thế này cũng do tôi ngu tôi dại mà ra, tôi chẳng trách ai cả, chỉ thấy có lỗi với cô ấy. Giá mà cô ấy đi lấy chồng thì tôi chẳng phải dằn vặt như thế này…”. “Thế Mây đi đâu?”, tôi hỏi. Tuần thở dài: “Hai năm qua tôi ít về, về cũng chẳng gặp cô ấy. Có lẽ cô ấy tránh mặt tôi…”. Tôi hỏi: “Ông chỉ về có một mình?”. Tuần khẽ gật đầu, quay sang nhìn thằng cu con đang say sưa ngủ…

Hai năm, thị trấn như thể từ một cô gái chân dài đi bar mỗi tối giờ hết date về quê thành gái ế. Cái hào nhoáng đến với thị trấn nhanh như cơn lũ thượng nguồn, và bỏ đi hệt như con thú hoang chạy vào rừng sau khi thoát khỏi cái bẫy của thợ săn. Chẳng còn những đoàn xe tấp nập ngày đêm. Những quán hàng cửa đóng im lìm. Cánh thanh niên trai tráng ở những hầm mỏ xưa giờ túm tụm đốt lửa ngồi sưởi ở đầu phố, khói bay thảm cả thị trấn ngày đông. Tuần bảo gia đình vợ Tuần khánh kiệt chỉ sau một trận sập mỏ khai thác quặng, ông bố vợ nghe đâu bỏ trốn vào tận miền Nam hay Tây Nguyên gì đấy. Còn vợ Tuần bỏ theo một đại gia khoáng sản gần biên giới…

Tôi nhìn thằng nhỏ đang cuộn tròn vo trong chiếc chăn bông cũ rồi hỏi Tuần: “Thế giờ ông tính sao?”. Tuần bảo: “Về nhà thôi. Tôi sẽ đưa con về. Giờ tôi chỉ còn có nó”. Tôi quay mặt ra ngoài cửa sổ, cố để không nhìn vào ánh mặt tồi tội của Tuần. Chẳng hiểu vì sao sau lần gặp Tuần ở mỏ quặng mấy năm trước, tôi cứ nhức nhối mãi về ánh mắt của Tuần để bao bài viết của tôi khi thấp thoáng, lúc phủ đầy ánh mắt buồn buồn đó…

Tuần bảo mai này Tuần ổn, sẽ mời tôi về bản. Tôi quay trở về thành phố, trước khi lên xe vỗ vào vai rộng của Tuần bảo: “Nếu cần gì ông cứ bảo. Giờ cuộc sống số hóa rồi, tìm người cũng dễ, tìm nguồn gốc của đứa con cũng chả khó là bao”. Tuần bảo: “Để làm gì. Tôi chẳng cố tìm những thứ không thuộc về tôi, và không thể để mất đi những thứ thuộc về mình…”. Tôi chợt thấy mình vô duyên với lời đề nghị ấy. Hoặc tôi không hiểu hết về Tuần…

*

Gã đồng nghiệp cùng phòng tôi có niềm đam mê đi phượt vào những ngày hè nóng như đổ lửa hoặc những ngày đông rét thấu sương. Mỗi khi trở về từ những chuyến đi, gã bô lô ba la kể về những chuyến lên rừng xuống biển, khoe khắp cả phòng về những shot ảnh có một không hai trong cuộc đời gã. Lần này cũng thế, gã đứng giữa phòng xuýt xoa về nơi gã vừa trở về, nơi những triền cải vàng rực rỡ như dòng suối chảy tràn từ lưng chừng trời xuống mãi dưới bình nguyên. Gã bảo cuộc đời gã chưa bao giờ đến nơi đẹp như thế, ở tại cái homestay mộng mơ của cô chủ nhà có đôi mắt đẹp tuyệt vời như thế…

Mấy cậu thanh niên nghe vậy nhao nhao hỏi: “Thế anh có kiếm chác được gì không?”. Gã phẩy tay ra chiều hùi hụi tiếc: “Kiếm gì, con cô ấy 10 tuổi rồi, hai mẹ con theo nhau như hình với bóng”. Tôi giật mình đứng lên hỏi với sang: “Anh vừa đi đâu?”. Gã bảo: “Bản Sinh Tồn, chú đến đấy chưa…”. Tôi lại hỏi: “Thế chồng của chủ nhà đâu?”. Gã lắc đầu: “Chịu, mắc mớ gì mà hỏi”. “Cô chủ nhà đó tên Mây đúng không?”, tôi hỏi dồn. Gã bảo: “ Ừ, mà chú biết nhà đấy hả?”. Tôi đứng thần ra, một cảm giác bất an dần dần kéo đến. Tôi thấy lo cho Tuần.

Ngày đông với cái lạnh heo hắt. Tôi về đến Sinh Tồn đúng lúc nắng hanh vàng trên sườn núi và cái lạnh dấm dứt thốc ngược lên đầu. Qua con đường đất nhỏ trên đỉnh núi, miền cải vàng hiện ra khắp cả bình nguyên. Những tấm biển homestay được vẽ bằng mực tàu tô điểm thêm những cánh hoa mềm mại, thật thà chất phác như con người của bản. Tôi rẽ theo hướng ngôi nhà sàn ở lưng chừng núi, nơi người ta bảo ở Sinh Tồn, homestay Mây trắng là đẹp nhất.

Người phụ nữ trẻ bận rộn sắp phòng cho đoàn thanh niên ngoài thành phố, lát sau mới bước xuống hỏi tôi đoàn có bao nhiêu người. Tôi nhìn vào đôi mắt đẹp ấy hỏi: “Cô tên Mây phải không”. Người phụ nữ trẻ thoáng chừng bỡ ngỡ, khẽ gật đầu. “Nhà anh Tuần có gần đây không”, tôi lại hỏi. Cô bảo: “Trước kia nhà anh Tuần ở bên quả núi kia, nhưng…”. “Nhưng sao?”, tôi thảng thốt hỏi. Cô khẽ liếc nhìn tôi bảo: “Nhưng giờ đây là nhà anh ấy rồi ạ”. Tôi ngạc nhiên: “Thế anh Tuần đâu?”. Cô bảo: “Mấy hôm nay anh Tuần đi Hà Giang cùng cán bộ xã để học mô hình làm du lịch homestay. Ngày mai anh về đó. Anh là bạn của anh Tuần?”.

Tôi không trả lời Mây. Tôi bảo mai Tuần về, nhắn với Tuần có bạn tên Phan đến chơi, và hứa sang năm vào mùa hoa cải, sẽ lên uống rượu với Tuần.

Tôi trở về thành phố, lòng mang theo những triền đồi đầy ắp hoa cải vàng reo vui trong gió mùa đông.

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)

.