Nỗi buồn hoa bâng bấc

Thứ Năm, 27/04/2023, 16:29

Năm đó mẹ con và người đàn ông xã bên đang yêu nhau. Bố con cũng đem lòng say đắm người con gái khác nhưng do lời hứa hoa bâng bấc nên bố mẹ con vẫn phải đến với nhau. Người con gái yêu bố con vì không chịu được buồn đau chạy lên núi Vọng lao mình vào đá núi mà chết, nên bố con luôn mang trong mình nỗi đau về người cũ. Còn người cũ của mẹ con không ai khác chính là ông chủ cửa hàng hoa. Chính bởi lẽ đó nên khi hay tin mẹ con vẫn còn qua lại với người cũ bố con mới phản ứng như vậy.

Năm tôi rời đi, ở Nhồi suốt mấy tháng liền người ta chẳng thấy mặt trời, thị trấn nhỏ bị bao phủ bởi lớp bụi trắng như bông gòn ngăn những giọt nắng lao mình về phía đất. Thị trấn gần năm mươi nóc nhà hầu như lúc nào cũng đóng cửa im ỉm để ngăn bụi. Người thị trấn bỗng kiệm lời, lặng lẽ như những thây ma, chỉ có những tiếng búa nện vào đá, tiếng cưa, tiếng máy móc xèn xẹt thể hiện âm thanh của sự sống. Bụi bám trên đường hết lớp này đến lớp khác, quét chẳng sạch, dội chẳng kịp trôi, chúng chỉ chực bám vào bánh xe, vào chân người đi đường rồi tung mình lên không trung để dặm thêm cho không khí một màn bụi đặc quánh. Bụi bám vào cây cối, cây cối héo rũ. Bụi bám vào vật nuôi, vật nuôi chết. Cả thị trấn chỉ duy nhất loài hoa bâng bấc là mãnh liệt phát triển, bất chấp bụi, bất chấp đá núi cằn khô.

Bâng bấc mọc thành lùm cao ngang đầu trẻ con trên khắp triền núi Vọng. Đây là loài cây lạ lùng nhất mà tôi từng gặp. Cây cho hoa bốn mùa. Những bông hoa có năm cánh đơn mỏng như những tờ giấy bóng kính cảm giác nhìn thấu qua được. Hoa bâng bấc đổi màu theo ngày, ngày lẻ hoa màu trắng, còn ngày chẵn hoa đỏ bầm như ai đó phết lên thứ tiết gà đông đặc.

Mãi về sau, khi đã ở một nơi rất xa thì sắc hoa bâng bấc vẫn cứ trở đi trở lại ám lấy tâm trí, kéo tôi trở về với Nhồi…

*

Trong kí ức của tôi, Nhồi lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, núi uốn lượn, nhấp nhô đan nhau như những con sóng. Vọng là ngọn núi cao nhất trong những ngọn núi đó, tên Vọng bởi từ xa nhìn lại dáng núi trông như người phụ nữ đang bồng con, mắt hướng về biển đợi chồng. Trên núi Vọng có ngôi đền nhỏ, từ chân núi muốn lên đến đền phải leo qua ba trăm sáu mươi tư bậc thang được người thị trấn đục đẽo trong nhiều năm. Tôi vẫn thường nhẩn nha nhảy lò cò đếm số bậc thang ấy trong những lần lên núi Vọng hái hoa bâng bấc về cho mẹ.

Cả thị trấn tôi nhà nào cũng làm nghề đục đá, người ta đục đủ thứ từ cối đến bia, khánh, cột, rồi tượng đá, đặt gì làm nấy. Sản phẩm thị trấn chủ yếu phục vụ các vùng lân cận, chẳng được bao nhiêu nhưng cũng chẳng thể bỏ. Thợ đục đá được chia làm ba loại, thấp nhất là những người chỉ có thể đục được một số kiểu hoa văn, hình thù nhất định đã học trước đó. Loại thợ thứ hai là những người có khả năng đục lên đá theo tranh mẫu yêu cầu của khách. Cuối cùng, nhóm có tay nghề cao nhất là những người dựa vào dáng đá, hồn đá mà đục nên những bức tượng, hoa văn khác nhau. Đến chính bản thân người thợ cũng không thể làm lại một bức thứ hai bởi mỗi tảng đá một dáng, một hồn độc nhất. Ở thị trấn đếm trên đầu ngón tay những người đạt đến trình độ ấy. Trong số ít ỏi đó có bố tôi, người trẻ nhất.

9ae4db872b93f4cdad82.jpg -0
Minh họa: Đặng Tiến

Trước khi xuống đục bố thường đứng thần cả buổi để ngắm đá. Để nghe được hồn đá tôi từng thấy bố thè lưỡi để nếm, còn việc áp mặt hay hít hà ngửi để cảm nhận đá đã là chuyện bình thường. Khi bố làm việc không ai được phép làm phiền. Một lần khi bố đang chìm trong tiếng gọi của đá, tôi vô tình gây tiếng ồn lớn làm ông giật mình, hậu quả bị một trận đánh nhừ tử. Hôm ấy nếu không có mẹ kịp về ngăn cản chắc tôi đã chết dưới tay bố. Mẹ con tôi chẳng bao giờ có được vị trí ngang hàng với đá. Thứ tình cảm bố dành cho chúng tôi nhờn nhợt như thứ nước tiết ra từ cuống hoa bâng bấc mẹ dùng thoa lên vết thương rớm máu của tôi.

Bố đục đá không phải chỉ để bán, dường như ông đang tìm kiếm điều gì đó, bởi vì không phải khách nào đến cũng mua được tượng. Ông xem thái độ, nhất nhất phải là người biết trân trọng đá thì mới bán. Sau này, khi chẳng còn vừa lòng với tượng mình đục ra, ông quyết định rời thị trấn đi học thêm về nghề đá…

*

Đục đá vốn là nghề của đàn ông, nên phụ nữ ở thị trấn phải làm thêm đủ món nghề, từ chăn nuôi, đồng áng đến bán hàng tạp hóa. Nhà tôi nằm ở trung tâm thị trấn nên mẹ mở một tiệm tạp hóa, dăm ba gói mì chính, chai dầu ăn, vài gói muối, mấy hộp diêm bày trên sạp bụi bám cả lớp mà chẳng mấy khi có người mua. Để tranh thủ thời gian mẹ còn nhận làm vòng hoa đám ma. Vòng hoa tang được mẹ kết từ hoa bâng bấc rất đẹp, không chỉ những người trong thị trấn mà người từ vùng lân cận cũng tìm đến đặt mua. Mỗi lần đến lấy vòng hoa, ông chủ tốt bụng đều cho tôi khi thì viên kẹo mấu, lúc thì cái bánh rán vừng. Mẹ nhìn người đàn ông ái ngại, để đáp lại mẹ luôn lấy giá thấp hơn so với những người khác.

Làm ra được một vòng hoa tang rất cầu kì và tốn thời gian, từ phần tìm nguyên liệu đến các công đoạn thực hiện. Đầu tiên là phần khung hình ô van của vòng hoa được kết từ thân bèo tây tươi và cành tre khô. Sau khi hoàn thiện phần khung thì cắm hoa bâng bấc lên trên. Hoa bâng bấc được chọn làm vòng hoa một phần bởi vì chúng lâu héo. Còn nguyên nhân chủ yếu vẫn là người thị trấn tin rằng những người mới mất trong khoảng thời gian bốn chín ngày chờ luận tội lúc sống vong linh rất mong manh. Các vong linh này dễ bị những âm hồn vất vưởng không có ai thờ cúng đến quấy phá, đánh cho hồn bay phách tán không thể siêu thoát. Những vòng hoa bâng bấc đặt xung quanh mộ có tác dụng bảo vệ vong linh trước những ác linh, oán linh đó. Hoa bâng bấc trắng dùng để làm vòng hoa cho người chết trẻ, người chưa có gia đình, còn bâng bấc đỏ cho những người còn lại.

Thường ở thị trấn rất hiếm khi phải dùng đến vòng hoa bâng bấc trắng, bởi vậy, đa số tôi chỉ lên núi vọng vào ngày chẵn. Làm một vòng hoa tang có khi phải mất đến cả giành hoa đầy mới đủ, mà mỗi đám tang ít cũng phải dùng đến cả chục vòng. Hái nhiều vậy nhưng tôi chẳng bao giờ lo hết hoa, bởi những bông bâng bấc luôn nở với tốc độ chóng mặt.

Thường hái hoa xong tôi không về luôn mà tha thẩn lên đền chơi, gặp cụ Tứ.

*

Cụ Tứ trông đền tuổi đã cao nhưng còn minh mẫn, mỗi lần tôi lên chơi chỉ cần đến cửa đền, nghe tiếng dép loẹt xoẹt là cụ cất tiếng ngay, Trân đấy à vào đây cụ cho cái này. Tôi biết thể nào cụ cũng để dành cho tôi quả cam, nải chuối hoặc cái oản. Ngoài lúc tụng kinh cụ Tứ hay ngồi trên cái chõng tre dưới gốc cây hoa đại, miệng móm mém nhai trầu, đọc sách viết về các loại thuốc đông y. Cụ am hiểu nhiều loại cây thuốc chữa bệnh, cũng nhờ cụ Tứ dạy nên mẹ tôi mới biết lá hoa bâng bấc có thể chữa bệnh kiết lị, con trai bảy lá, con gái chín lá nhai nuốt sẽ khỏi. Mẹ nghe lời hái chín lá về cho tôi ăn, không ngờ khỏi thật. Lần đấy tôi cũng mới biết lá bâng bấc ăn được, ban đầu nhai vị hơi tanh, nhưng càng nhai càng thấy ngọt. Từ đó mỗi lần đi hái hoa tôi thường nhóp nhép một vài lá cho vui miệng.

Ngoài việc am hiểu về cây thuốc, cụ Tứ còn biết nhiều truyện cổ tích. Lần nào lên đền tôi cũng đòi cụ kể cho nghe, trong số đó truyện về núi Vọng có sức hấp dẫn kì lạ. Truyện rằng, ở ngôi nhà nhỏ dưới chân núi có đôi vợ chồng trẻ, vợ lo việc đồng áng, chồng làm nghề đục đá thuê. Cuộc sống của họ rất hạnh phúc cho đến một năm trời hạn hán, lúa ngô ngoài đồng chết khô, người thuê đục đá cũng ít đi. Để có tiền lo cho vợ và đứa bé trong bụng sắp chào đời, chàng trai giong thuyền ra biển tìm tới vùng đất khác làm thuê. Người vợ ở nhà chờ đến khi đứa bé sinh ra vẫn chưa thấy tin chồng. Nóng lòng, ngày nào cô cũng bồng con lên đỉnh núi hướng về phía biển.

Bất chợt tối đó trời đất vần vũ, sấm chớp ì đùng, người ta thấy tia sét đánh về phía núi. Sáng hôm sau họ thấy trên đỉnh núi xuất hiện tảng đá hình mẹ bồng con. Nước mắt hai mẹ con rơi trên núi mọc lên những cây hoa bâng bấc với khả năng đổi màu kì lạ. Người ta cảm phục tấm lòng chung trinh mà thờ làm thần núi. Sau này thần núi nhiều lần hiển linh xua đuổi quỷ dữ, dạy nhân dân cách khắc đá đục tượng. Để đáp lại công đức, người thị trấn đã làm ba trăm sáu mươi lăm bậc thang đá và dựng ngôi đền ở bậc thang thứ ba trăm sáu mươi tư để người dân đến hương hoa cúng bái. Bậc thang thứ ba trăm sáu mươi lăm trên đỉnh núi là vùng cấm nơi thần ngự trị, không người nào được phép lên.

Cụ Tứ còn nói gì đó nhiều lắm mà mắt cứ díu lại, tôi nằm ngủ ngon lành. Trong mơ tôi thấy mình đứng giữa triền hoa bâng bấc, đối diện là người con gái mặc váy trắng. Cô gái có khuôn mặt trái xoan, mắt lá liễu, dù cho trên trán có vết chàm cũng không làm bớt đi vẻ đẹp của mình. Thế nhưng trông cô có vẻ giận dữ, cô nhìn tôi bằng ánh mắt vằn lên những tia máu, rồi đột nhiên cười phá lên. Tiếng cười khiến tôi giật mình tỉnh dậy, hoảng hốt nhìn xung quanh. Trời chiều đỏ ối nơi đỉnh núi, thấy sắp tối tôi vội vàng chào cụ Tứ mang hoa về cho mẹ, chẳng kịp kể giấc mơ vừa xong…

*

Những chuyến đi của bố cứ dài ra, số lần về nhà cũng ít dần. Lần nào về bố cũng mang theo khuôn mặt chán chường, chẳng nói năng. Tôi nhìn bố, thấy càng ngày càng xa cách, ông lạ lẫm như vị khách lỡ đường ghé tạm nhà trọ. Mẹ vẫn lẳng lặng kết những vòng hoa tang, chất đầy nơi góc nhà để kịp giao cho người ta đến lấy. Một lần bố về, ông lồng lên như con hổ đói, vớ lấy những vòng hoa, vừa đập vừa hét:

- Hoa này… hoa này… loại đàn bà như cô nên để những vòng hoa này cho chính mình.

Những vòng hoa bâng bấc rụng lả tả, cánh hoa dập nát đỏ thẫm vương khắp nhà như thể vừa xảy ra một trận chiến tang thương. Mẹ thu dọn số hoa, bình tĩnh như chẳng có gì, cho đến khi bóng bố khuất nơi đường lộ mới ngã khuỵu xuống khóc…

Từ lần đi đó hơn năm sau bố mới về. Cùng về có đám người ăn vận sang trọng khác hẳn người ở thị trấn. Bố dẫn họ đi xem dãy núi đá, ông thao thao bất tuyệt về đá với họ. Đá núi Nhồi sắc óng ánh, màu xanh biếc như ngọc, thớ đá mịn, chất đá mềm nung vôi không để lại cặn, nghiền đá mạt năng suất cao không nơi nào có. Họ nghe bố nói vẻ mặt rạng rỡ hài lòng. Ngay ngày hôm sau, những chiếc xe tải, máy xúc, máy cẩu ùn ùn kéo về Nhồi. Thị trấn nhỏ heo hút bỗng trở nên náo nhiệt, họ mở một xưởng đá và bố chuyển hẳn ra đó ở. Thị trấn bắt đầu xuất hiện những tiếng nổ ì đùng như tiếng sấm rền giữa trời đất trong xanh. Họ dùng mìn để xẻ núi, những chuyến xe đêm ngày rậm rịch mang theo mìn đến và chở đá từ thị trấn đi. Những lò đốt nung vôi, những máy nghiền đá cũng theo nhau dựng lên, người thị trấn chẳng ai còn quan tâm đến nghề đục đá vất vả nữa bởi số tiền kiếm được từ việc bán đá rất lớn. Và bụi cũng từ đó sinh ra.

Bụi chẳng có cơ hội lắng xuống hay gột đi mà ngày một dày lên. Từ rất lâu rồi tôi cũng chẳng thấy mưa, thị trấn khô rang, héo rũ trong bụi. Dãy núi đá trùng trùng tưởng dài vô tận cứ nhỏ dần theo tiếng sấm khô. Bụi đến đem theo tiền nhưng tiền chẳng thể giúp người thị trấn thoát khỏi cái chết do chính bụi gây ra. Số tiền đó chỉ có thể mua được những vòng hoa tang kết bằng hoa bâng bấc mẹ làm. Người mua vòng hoa ngày một nhiều, tôi phải lên núi hái hoa bâng bấc từ tờ mờ sáng để kịp mang về cho mẹ. Bãi tha ma dưới chân núi rờn rợn đầy những vòng hoa đỏ. Mẹ tôi kết đêm ngày mới đủ cho những đám tang. Lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ hoa bâng bấc không đủ cho người thị trấn dùng. Ngoài ngày chẵn bắt đầu xuất hiện những đơn vòng hoa hái vào ngày lẻ.

*

Buổi sáng hôm đó chẳng biết tôi ăn phải thứ gì mà cơn đau bụng kéo đến hành hạ. Đi ngoài liên tục, người mệt lả vì mất nước. Thấy thế, mẹ vội đội nón lên núi Vọng hái lá bâng bấc. Mẹ đi đến trưa mới về, người xanh tái, thất thần bước vào nhà quên cả khóa cửa. Tôi lo lắng hỏi nhưng mẹ không nói gì, chỉ đưa ra nắm lá bâng bấc bảo ăn. Ăn xong tôi chạy ra khóa cửa đúng lúc thấy người đàn ông trên xe máy từ cổng nhà rời đi, nhìn dáng như ông chủ hàng hoa.

Từ hôm đi hái lá bâng bấc cho tôi sức khỏe mẹ ngày một yếu, chẳng rõ lí do. Triệu chứng cũng không giống bệnh do bụi gây ra, tôi bảo mẹ đi khám nhưng mẹ kiên quyết không. Mẹ vẫn kết những vòng hoa tang, nhưng chỉ làm được lúc là mệt, công việc kết hoa giờ đây chủ yếu do tôi làm. Mẹ ăn mỗi ngày mỗi ít, người gầy sọp, hai hốc mắt hõm sâu cùng tiếng ho như xé cổ họng.

Bố chẳng về thăm mẹ lấy một lần. Nhìn mẹ xanh xao, nằm hom hem như con mèo ốm khó nhọc thở trên giường tôi nước mắt giàn giụa năn nỉ:

- Mẹ, mẹ ơi, mẹ có thương con không? Mẹ thương con thì đi khám bệnh đi.

Mẹ nhìn tôi mắt ngân ngấn nước, trả lời, không ích gì đâu…

Cho đến hơn tuần sau, mẹ gọi tôi đến bên giường bảo lên núi hái thật nhiều bâng bấc đỏ mang về để mẹ kết vòng hoa. Tôi thấy lạ vì nay không ai đặt hái làm gì, nhưng vẫn đi. Về, mẹ cầm những bông hoa bâng bấc run khen hoa đẹp, rồi nắm tay tôi dặn:

- Trân à, mấy nay mẹ mệt quá, chắc chẳng sống được lâu nữa. Mẹ cả đời làm hoa tang nên không mong gì hơn chết được bảo vệ bởi những vòng hoa đẹp nhất. Sức mẹ sắp kiệt chẳng thể tự mình kết hoa, con giúp mẹ. Mẹ đi, con ở lại một mình sẽ vất vả, nhưng làm sao được, thần núi gọi mẹ trót thưa mất rồi.

Sau mấy lời dặn dò tay mẹ buông lỏng dần, tôi òa khóc, mẹ ơi, con còn đang kết hoa, chưa xong đâu mẹ đợi con đã…

Mãi đến lúc phát tang bố mới về. Vừa bước chân vào nhà thấy sự xuất hiện của ông chủ cửa hàng hoa mặt bố đỏ bừng, hai nắm đấm siết chặt lao đến đấm đá túi bụi. Mọi người can, cụ Tứ bảo người đàn ông rời đi tang lễ mới diễn ra bình thường.

Ngôi mộ mẹ dưới chân núi hoa bâng bấc đỏ phủ kín. Mẹ à, ở nơi đó mẹ đã an lòng chưa. Tôi gào khóc bên ngôi mộ mới đắp khi mọi người đã ra về, duy có cụ Tứ ở lại. Tôi nhận ra người chủ cửa hàng hoa vẫn nép sau gốc xoan chứng kiến lễ hạ huyệt của mẹ. Tôi bắt đầu hoài nghi mối quan hệ giữa mẹ và người đàn ông đó.

*

Mẹ mất, từ trên giường, đến bậu cửa, ra ngoài giếng, đâu đâu tôi cũng thấy bóng dáng bà. Tại sao mẹ đang khỏe mạnh mà suy kiệt rồi bỏ tôi đi nhanh như vậy? Ông chủ bán hoa rốt cuộc là ai? Nỗi buồn và những hoài nghi cuốn lấy khiến tôi chẳng còn tâm trí để làm việc gì. Tôi bèn tìm lên đền, tin chắc cụ Tứ biết câu trả lời cho những câu hỏi của mình.

Sau một tháng không lên, đi qua triền hoa bâng bấc tôi ngỡ ngàng khi ngày chẵn mà những bông hoa lại trắng. Màu trắng khác lạ so với ngày thường, trắng muôn muốt như dải khăn tang ai đó thắt ngang qua núi Vọng.

Cụ Tứ đang ngồi gõ mõ. Nhìn dáng cụ lấp ló sau cánh cửa chẳng hiểu sao tôi bật khóc. Tôi nhớ những khi theo chân mẹ lên đây cúng bái vào ngày rằm, mùng một. Thấy tôi đến nhưng không vào cứ sụt sùi ngoài cửa, cụ Tứ đứng dậy ra đón. Như biết được mục đích của lần lên đền này, cụ lên tiếng trước, chuyện dài lắm con à…

Ông ngoại và ông nội con là bạn nối khố năm xưa, vì từng cứu nhau mà lập lời thề hoa bâng bấc, nếu đẻ con khác giới sẽ kết thông gia. Lời thề hoa bâng bấc được thực hiện bằng cách chích máu tay của cả hai nhỏ lên hoa bâng bấc trắng để cánh hoa nhuốm đỏ. Nếu ai đã hứa mà không thực hiện thì cây hoa bâng bấc đó ngày chẵn cũng sẽ muôn muốt trắng, tang thương kéo đến người hứa cho đến khi gia đình không còn một ai.

Năm đó mẹ con và người đàn ông xã bên đang yêu nhau. Bố con cũng đem lòng say đắm người con gái khác nhưng do lời hứa hoa bâng bấc nên bố mẹ con vẫn phải đến với nhau. Người con gái yêu bố con vì không chịu được buồn đau chạy lên núi Vọng lao mình vào đá núi mà chết, nên bố con luôn mang trong mình nỗi đau về người cũ. Còn người cũ của mẹ con không ai khác chính là ông chủ cửa hàng hoa. Chính bởi lẽ đó nên khi hay tin mẹ con vẫn còn qua lại với người cũ bố con mới phản ứng như vậy.

Hôm mẹ con lên núi hái lá bâng bấc có gặp ta. Mẹ bảo gặp người cũ dưới chân núi, anh ta rủ mẹ con con cùng rời thị trấn, nhưng mẹ con từ chối, bâng bấc vẫn đỏ au như nhắc nhớ về lời hứa năm nào. Mẹ con khóc, cô ấy cầu xin ta chỉ cách hóa giải lời hứa. Ta bảo ta cũng không biết cách giải trừ, nhưng câu trả lời chắc có nơi thần núi ngự trị. Ta cũng không quên cảnh báo cái giá của việc người phàm dám bước chân lên bậc thang thứ ba trăm sáu mươi lăm rất đắt, có thể là cả tính mạng, nhưng mẹ con không nghe...

Tôi nghe chuyện của bố mẹ mà lòng hoang hoải.

Rốt cuộc mẹ đã thấy gì nơi bậc thang trên đỉnh núi?

Rời đền, những suy nghĩ chất chồng càng thêm trĩu nặng. Trước khi về cụ Tứ còn dặn, bâng bấc trắng suốt cả tháng là dấu hiệu thần núi đang nổi giận, e rằng thị trấn sắp có tai ương đổ xuống. Tôi phải về nói cho mọi người biết.

Nhưng chẳng ai buồn nghe tôi nói về những cây hoa bâng bấc trắng, người thị trấn dường như quên hẳn lời thề nơi núi thiêng từ trăm năm trước, họ còn mãi chìm đắm trong cơn khát tiền.

Tôi đến xưởng đá tìm gặp bố, từ cổng đi vào đập vào mắt là phần lưng của pho tượng đá cao đến năm mét, bố đang đứng trước bức tượng vẻ mặt hài lòng hiện rõ. Thấy tôi, ông lạnh lùng bước tới và cũng như bao người khác cho rằng điều tôi nói thật vớ vẩn. Trước khi về tôi nhìn qua bức tượng. Đó là tượng một cô gái có khuôn mặt trái xoan, mắt lá liễu và trên trán có vết chàm. Giật mình kinh hãi, bước lùi về sau vấp hòn đá, ngã lăn ra đất, đây chính là cô gái tôi từng gặp trong giấc mơ.

*

Những ngọn núi đá cứ nhỏ dần rồi biến mất, sau cùng chỉ còn mỗi núi Vọng. Bất chấp ngọn núi thiêng nơi thần núi ngự trị, khi lòng tham đã choán hết tâm trí, người thị trấn hò nhau mang mìn tiến lên. Bố tôi mặc áo đỏ hăm hở đi đầu. Họ đặt mìn, nhìn những thớ đá ánh xanh chắc nịch như thấy những đồng tiền lấp lánh.

Tôi đã kịp lên núi dẫn cụ Tứ dời đi, từ xa nhìn lại cụ quỳ mọp xuống khóc, thần núi ơi xin hãy khoan dung với lũ người phàm ngu dốt chúng con. Không biết bố giờ có còn lặng mình nghe hồn đá nữa? Liệu bố có biết đá núi đang oán khóc? Chỉ thấy bố hét lớn với đám người, san sạch ngọn núi này, ngọn núi cuối cùng rồi, từ nay đá Nhồi sẽ vĩnh viễn biến mất và không có bức tượng nào đẹp hơn người con gái của ta. Nói rồi bố cười lớn, vẫy tay ra hiệu, uỳnh uỳnh uỳnh…, tiếng nổ liên thanh nối nhau váng trời. Khói trắng mù mịt, những phiến đá rào rào rụng xuống, mặt đất rung chuyển như muốn toác ra, trong làn khói trắng bốc lên lẫn lộn tiếng la hét, tôi thấy ai đó bị hất tung lên. Khi khói bụi lắng xuống một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Đá từ đỉnh núi chôn vùi cả đám thợ, mộ phần dưới chân núi bị cày lên tung tóe, mùi tử thi trộn với mùi thuốc nổ nồng nặc. Máu, khắp nơi là máu, những cây hoa bâng bấc trắng nhuốm đỏ máu tươi. Người mới chết lẫn tử thi đang phân hủy nằm xen kẽ nhau. Tôi gào khản cổ chạy lại tìm bố, chỉ thấy trên nhành bâng bấc sót lại mảnh áo đỏ dính máu. Bức tượng của bố nơi xưởng đá cũng bị cơn rung chấn xô đổ, nứt đôi.

Tôi quyết định rời thị trấn.

Hôm tôi đi trời đổ mưa rào, mưa như muốn rửa trôi, đánh thức mọi người tỉnh dậy sau cơn u mê. Cụ Tứ nắm chặt tay thì thầm:

- Con đi đi, bâng bấc rồi sẽ ra hoa đỏ, vết thương nào rồi cũng lành thôi… 

Truyện ngắn của LÊ ĐÌNH TRUNG
.
.
.