Nàng Sigyn của tôi
Thỉnh thoảng, tôi nghĩ mình đã yêu nàng Sigyn. Em vừa là tiên nữ trong thần thoại, vừa ở ngay đây, từ bãi rác. Em không có diện mạo, thế cũng chẳng sao. Em không thể thiêu đốt tôi bằng những ánh mắt độc địa và những lời cay nghiệt như nàng. Một người không có mắt, mũi, miệng, tay chân sao có thể làm đau kẻ khác? Nhưng rồi chính cái câm lặng của em lại như lưỡi dao xoáy vào tim tôi. Đứa bé thì đã đi mất từ lâu. Tôi vẫn nhớ câu hỏi của nó. “Anh đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu là gì?”.
Tôi cứ nhìn mãi cái vết ố trên trần nhà. Lớp sơn phủ bên ngoài bong tróc để lộ ra mảng tường đen pha lẫn đỏ, thành một cái màu chẳng biết phải tả thế nào. Thời gian cứ bám rêu ở trên đầu tôi một cách bền bỉ, cái trần nhà cứ lở loét ở trên đầu tôi một cách bền bỉ. Nhớ một đêm tôi cuộn vào lòng nàng đọc thơ: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh” (Thơ Đoàn Phú Tứ).
Tôi thì chịu chết, không nhìn được đời qua con mắt thi nhân. Nhưng tôi, lúc này đây, cũng thấy được những khía cạnh hữu hình này của thời gian, hay chí ít là tôi nghĩ thế. Màu thời gian là cái màu đen pha lẫn đỏ chẳng biết phải tả thế nào trên đầu tôi lúc này. Thời gian bong tróc. Thời gian lở loét. Thời gian rụng rơi lả tả, kéo theo đám bụi vô hình khiến tôi ho sặc sụa. Thời gian cũng có mùi đấy. Tuy nhiên đấy lại là chuyện khác.
Tôi nghĩ mình cảm nhận được cái gọi là mùi thời gian khi đứng cạnh bãi rác. Những thứ uế tạp, thối rữa và rời rã, nằm chỏng chơ ở đó chờ đến lượt được xe cẩu nhấc lên đưa đi tiêu hủy. Đó là một tối muộn, sau một trận mưa rào không những không cuốn phăng đi những rác rưởi của thành phố mà trái lại, lôi chúng ra khỏi những vỉa hè, những miệng cống, những bãi rác tạm bợ quanh gốc cây và cột đèn để ném lên trước mặt người đi đường.
Của các người đấy, nhận lại đi, triệu triệu giọt nước mưa cất tiếng. Tâm trí tôi trôi theo những mảng nylon trắng xóa, mắc lại ở một buổi tối khác. Dễ chịu hơn, ấm áp hơn, vì trên đầu tôi có một mái nhà che mưa và bên tôi có nàng. Mưa rào đầu hạ dai dẳng suốt đêm. Nền khu tập thể cũ kỹ mà nàng thuê lúc đó chỉ sau một cơn mưa đã ngập đến cổ chân. Đâu đó lềnh bềnh những túi rác rách bươm, lá mục, hình như còn có cả chuột chết.
Bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao quang cảnh ấy lại rõ nét hơn cả trong tâm trí mình, hơn cả những gì chúng tôi đã nói, hơn cả những gì chúng tôi đã làm, bên nhau. Nàng co người trong tấm chăn, đưa tay mở cửa sổ đón lấy chút mát mẻ sau những ngày hạ oi nồng miền nhiệt đới, trong khi chân vẫn gác lên bụng tôi. Chúng tôi yêu nhau đến nhường ấy, nhưng rồi thời gian phân hủy cả tình yêu. Cứ như thể tình yêu chỉ là một miếng thịt lợn bị bỏ quên trong túi nylon vài tiếng dưới nắng.
Quay lại cái bãi rác. Cái bãi rác sau cơn mưa. Dĩ nhiên vẫn đầy rác vì mưa có dọn rác được thay con người đâu. Đã đeo khẩu trang y tế, hai cái liền, nhưng mùi rác rưởi vẫn xộc lên mũi làm đầu óc tôi choáng váng. Mình đang làm cái trò điên khùng gì thế này, tôi tự hỏi, nhỡ mó phải kim tiêm thì có phải xong đời không. Đấu tranh tư tưởng thế nhưng tôi vẫn hoàn thành cái đã quyết tâm làm. Đi bao tay vào, bước chậm thôi. Thế. Nhặt vài thứ còn hình dạng. Nhặt vài thứ không còn hình dạng. Nhặt vài thứ bốc mùi, rồi lại vài thứ đỡ bốc mùi hơn. Cứ thế tiếp tục, nhặt đầy bao thì về. Cái gì có thể thiếu chứ rác thì luôn ngập ngụa. Thì thành phố có ngày nào không tiêu thụ bia, nước ngọt, hay không xả ra hàng tá nylon đựng thịt thà cá mú đâu.
*
Nói về tôi.
Tôi chẳng có gì đáng kể - ngoại hình tàm tạm, không xấu chẳng đẹp, học hành thường thường bậc trung. Lớn lên, tôi chỉ làm văn phòng, và có lẽ sẽ làm cho đến ngày kết thúc một cuộc đời nhạt nhẽo. Nhưng được cái tôi tương đối khéo tay. Đúng hơn là thích mày mò, mày mò nhiều thành thích, chứ không phải nghệ sĩ gì. Hồi nhỏ, những tờ giấy lịch xé xong, đáng lẽ phải đem đi đốt hoặc vứt cho khỏi chật nhà được tôi gấp thành hình các con vật, hình bông hoa, hình ngôi sao.
Họ hàng sang chơi, biết chuyện tôi thích gấp, hào hứng mang hàng cân giấy lộn sang cho tôi nghịch. Có người tặng những tập giấy màu, giấy kim tuyến óng ả, nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian là tôi quay trở lại với đống giấy bị bỏ đi. Ngoài giấy lịch, đa số chúng là những giấy in tài liệu một mặt hoặc giấy báo đen xì, người chủ thấy không còn cần thiết thì đem bỏ.
Hồi ấy, trong phòng tôi luôn có cả một sở thú, ở đó con hươu cao cổ vốn là tờ báo cáo tài chính của Công ty X, con voi là bài thuốc trị bách bệnh bằng giấm táo mèo còn con hổ là bài tường thuật một trận bóng đá. Ai cũng bảo sao không dùng giấy màu cho đẹp, nhưng tôi thấy ưng ý những tác phẩm dớ dẩn đó khi và chỉ khi chúng được làm từ giấy lộn. Thỉnh thoảng, một ngày đẹp trời nào đó dân số trong sở thú bị quá tải, tôi sẽ đem một vài con đi đốt. Về sau tôi nhận ra đấy là thứ duy nhất tôi đốt được.
Vào ngày chúng tôi chia tay, tôi đã đứng đó, nhìn nàng, một lúc lâu. Hình bóng nàng xiêu vẹo trong bộ váy trắng, cứ thế lướt đi như hình nhân bằng giấy. Trong phút chốc, tôi ngờ ngợ nàng không có thật. Hay nàng cũng chỉ là một mẩu giấy được tôi gấp ra? Số phận của nàng đã vậy rồi, nàng sẽ phải rữa mục trong mưa. Một cuộc tình bằng giấy sao có thể lâu bền? Vậy mà tôi vẫn hy vọng, hy vọng mãi, hy vọng đến kiệt quệ.
Tôi bây giờ mang đống tạp phế lù từ bãi rác về nhà, rửa ráy kỹ càng rồi đem chất đầy một góc. Kéo, dao rọc giấy, bìa các tông, thước kẻ, keo dính, màu nước… tôi sắm đủ rồi, giờ được dùng để vần vò đống đồng nát. Tôi muốn dựng mô hình quán cà phê, nơi người ta ghé qua rồi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Tấm bìa sơn phết xong, dựng làm khung nhà. Sau đó đến những chi tiết khác như quầy tính tiền, bàn ghế, con người được đẽo gọt từ đống phế thải. Hì hục mấy đêm thì cũng thành hình. Làm để khỏi phải ngước nhìn vết ố trên trần nhà, và quên đi những giọt thời gian tù đọng đang bão hòa không khí.
Đây là phòng trong một ngôi biệt thự Pháp cổ rất đẹp, nhưng thuê rẻ như cho vì nhà có ma. Ngày đầu thấy tôi dọn về, hàng xóm người liếc nhìn ái ngại, người rủ rỉ kể chuyện với vẻ kiêng dè. Nhà này vốn có ba người, đứa con đẹp như tranh vẽ nhưng vắn số, đi biển bị sóng cuốn đi, chết không thấy xác. Cái oan hồn ấy về ám ngôi nhà, làm người ta sợ không dám ở. Tôi thì chỉ thỉnh thoảng thấy nước rỉ ra từ những vết nứt trên tường và trên trần, như rỉ ra từ một miếng thịt ôi.
Một vài lần tôi nằm mơ thấy đứa bé ấy, nó áp sát gương mặt vào tôi, cái sức nặng của một bóng ma khiến chân tay tôi cứng đờ, miệng muốn nói mà khô khốc, lưỡi như biến đi đằng nào. Nó bảo em thèm chocolate, ngoài biển không có anh ạ. Thế là sáng hôm sau tôi đi mua hai thanh chocolate, một thanh tôi ăn, một thanh cúng nó. Yên chuyện. Chẳng có gì mà sợ. Đứa bé nói biển lạnh và buồn, nó nhớ ba mẹ lắm nhưng không biết họ đã đi đâu. Giờ đây nó mắc kẹt trong ngôi nhà tuổi thơ của mình, ngôi nhà có vết ố màu đỏ đen trên trần. Có lẽ nó nói đúng, bởi thỉnh thoảng nằm dưới vết ố ấy tôi vẫn có cảm giác ngộp thở như đang ở trong lòng biển.
“Anh đã yêu bao giờ chưa?”- Một lần, đứa bé hỏi tôi như vậy. “Liệu có ai chưa yêu bao giờ?”- Tôi hỏi lại. “Có em - đứa bé khúc khích cười - Khi chết em vẫn còn nhỏ quá nên chưa biết yêu là gì”. “Vậy sao lại hỏi về tình yêu?”. “Tự dưng nghĩ ra thì hỏi thôi, bởi bố mẹ em yêu nhau nhiều lắm, nhưng sau khi em chết, họ lại ly dị. Sao họ không tiếp tục ở bên nhau hả anh?”.
Tôi biết phải nói gì bây giờ? Không lẽ lại bảo với hồn ma đứa bé rằng nỗi đau còn lớn hơn cả tình yêu?
Thế tình yêu là gì?
Tôi im lặng.
Thời gian trôi đi, những lần tôi gặp đứa bé cứ thưa vắng dần. Có một lần buồn quá, tôi thèm nói chuyện với nó nên mua nửa cân chocolate Pháp xịn mời nó về ăn. Nhưng nó đi rồi, chắc là đi luôn. Thế là chocolate Pháp của tôi đem cúng lũ chuột, thật uổng. Người sống chạy đua với thời gian đã đành, thành ma rồi vẫn không trụ lại được trong cái nhà của mình mãi. Tôi buồn lắm, chẳng lẽ linh hồn con người cứ thế mà tan biến vào hư không. Nhưng rồi tự an ủi, thế chắc còn tốt hơn bị ôi thiu thối rữa như cái xác.
Nhiều lúc, tôi ước gì mình là giấy. Một tờ giấy lộn thật xấu xí, thật cục mịch, chẳng ai đoái hoài đến để hóa kiếp. Tôi sẽ vùi mình trong lửa, sẽ hóa thành tàn tro. Tàn tro là vĩnh viễn, là xác quyết, bởi còn gì nữa đâu.
*
Những ngày cuối đời, bố tôi có vẻ thanh thản lạ. Ông nói với tôi, đứa con trai độc nhất, rằng ông sẵn sàng chấp nhận cái chết ngay bây giờ, ngay lúc này. Ông không hối tiếc điều gì ngoài việc đã để vợ con vất vả. Cái chết không có nghĩa lý gì nếu vợ con và bạn bè của ông vẫn nhớ đến ông, ký ức của họ về ông vẫn còn mãi. Tài sản của con người có là gì đâu ngoài ký ức. Hồi ấy, sau khi ông mất, tôi cũng nghĩ thế. Tôi ở đây là để lưu trữ cuộc đời của ông, danh tính của ông, hình ảnh của ông. Nhưng đến bây giờ, tôi biết tôi không thể nghĩ được như ông. Ký ức cũng sẽ mai một. Đến một lúc nào đó sẽ chẳng còn ai biết về ta còn sống trên đời này cả. Sự tồn tại là hạt cát bị gió cuốn đi. Mai sau biết van xin ai “hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa?” (Nhạc Trịnh Công Sơn).
Tôi sợ chết. Sợ phải chết một lần dưới đất rồi lại chết lần nữa khi những người nhớ tôi không còn. Sự sợ chết đó chắc đã nảy mầm trong tôi thời nhỏ, khi tôi cố gắng tạo ra một đời sống mới cho những tờ giấy lộn. Bây giờ vẫn thế, chỉ có điều cấp độ của nỗi sợ đã tăng lên. Tôi mới khám phá ra rằng ngoài hai kiểu chết trên còn một kiểu nữa, đau đớn hơn, là chết từ bên trong, là cảm nhận được sự mủn nát, tan rữa của từng tế bào trong cơ thể. Tôi lao vào cắt gọt bìa các tông, những mảnh thiếc, đồ hộp, vỏ lon nước ngọt và bia để tạo các hình thù, nhằm thoát khỏi sự gặm nhấm và chực chờ nuốt chửng của cái chết.
Trong thần thoại Bắc Âu, Loki từng phải chịu hình phạt bị trói nghiến dưới con rắn độc. Cái lưỡi con rắn nhô ra, nhỏ xuống từng giọt chất độc đen ngòm, tanh tưởi, cháy xèo xèo. Vợ của Loki là nữ thần Sigyn tình nguyện cầm cái bát kề bên miệng rắn, bảo vệ chồng khỏi thứ nọc đáng gờm. Sau cái quán café vắng tanh và cô độc, tôi nhận ra tôi cần nàng Sigyn. Tôi bắt đầu đắp hình một người đàn bà. Nàng Sigyn của tôi. Nàng Sigyn từ bãi rác. Nhưng có cái bát nào đủ lớn để chứa những sầu muộn trong lòng tôi?
Phải nói thêm rằng, nàng Sigyn của tôi chưa bao giờ hoàn thành. Dù đã thêm vào suối tóc dài óng ả và chiếc váy trắng, tôi vẫn không tài nào vẽ được khuôn mặt nàng. Những gương mặt phụ nữ cứ nhòa nhạt dần trong trí óc tôi, dù cho đó là nàng hay đứa bé chết đuối kia. Ký ức bay biến khỏi tôi như cánh chim tan vào trong gió. Tâm trí tôi mịt mùng. Bốn bề lặng thinh, không một tiếng vọng, không một tiếng khỏa nước, không một cơn gió lung lay. Tôi tự hỏi rằng liệu đây có phải những gì đứa bé đó cảm nhận khi gặp nạn hay không. Khi rơi xuống, nước sẽ tràn vào mũi, vào tai, rồi vào phổi. Ta sẽ chết mà không thể nghe thấy gì, chỉ có tiếng sóng biển làm khúc nhạc cầu hồn.
Biển quả thực lạnh và buồn đến không thể chịu nổi. Mọi tình yêu đều bị đông cứng dưới lòng biển.
*
Miếng thịt treo trong túi nylon chảy nước dưới tác động của ánh mặt trời, còn thế giới bên trong tôi rữa ra dưới sự thiêu đốt của tâm trí đã bị nhiễm độc. Tôi không sợ hồn ma trong ngôi nhà tôi đang ở, nhưng tôi không dám nhìn lâu căn phòng của bố tôi sau khi ông qua đời. Dọn dẹp những đồ vật của ông khiến tôi thấy ngạt thở, bởi nó nhắc tôi nhớ về một cuộc chiến chúng tôi đã không chiến thắng. Tôi chưa bao giờ gặp lại bố kể từ sau khi ông chết. 49 ngày ông không trở về nhà, sau này cũng không. Bố đã đi đâu? Làm sao người sống như chúng tôi có thể rõ. Hay tất cả con người ta chỉ là giấy, sau khi hỏa thiêu là tan biến vào hư không?
Cũng từ ngày ấy mẹ tôi sống như một người chiến bại, im lặng và hiu hắt. Tôi có cảm giác một phần trong chúng tôi đã chết theo bố. Có những ngày không ai nói với ai lời nào, chúng tôi lặng lẽ đắm chìm trong những sự trống rỗng. Rồi tôi dọn ra ngoài, với hy vọng nhờ sự ra đi ấy mà mẹ tôi có thể sống lại.
Về phần tôi, tôi từng nghĩ tôi đã có thể tái sinh, nhờ có nàng. Tình yêu là để chữa lành những vết thương, ai đó từng nói thế. Đấy là nếu vết thương ấy còn chữa được. Có những ca bệnh khiến y học bó tay thì tình yêu cũng vậy. Tình yêu chỉ là hữu hạn. Tôi không được tình yêu cứu rỗi dù đã là một con chiên ngoan đạo, giống như một cái cây chết thì tìm đủ mọi cách chăm bón nó vẫn không sống lại.
Thật ra tôi đã từng cảm nhận được hạnh phúc, khi được cuộn vào lòng nàng, đọc bài thơ “Màu thời gian” trong một buổi chiều nhạt nắng. Nhưng thời gian trôi đi, hạnh phúc và tình yêu cũng bay màu, để lộ cái hình hài tôi tả tơi rách nát. Lúc ấy, màu thời gian tím ngát hóa thành cái màu ố của trần căn nhà lâu không tu sửa. Lòng tôi lại tấy lên vết đau của đứa con không còn cha.
Trong căn nhà thời gian như đóng rêu, nhưng ngoài kia thì chảy trôi không ngừng. Tôi bị kẹp giữa cả hai, tôi vừa đã chết lại vừa đang chết. Thành phố nơi tôi sống là một đô thị lớn đang chuyển động tịnh tiến liên tục, nhiều lúc như quên ngoái lại phía sau, với đầy hứa hẹn về sự phát triển và thịnh vượng. Thế nhưng tôi lại cảm thấy nó đang chết từng ngày, giống như tôi. Thành phố ấy đang bị ngộ độc bởi đủ thứ rác thải, bởi ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn luôn vượt mức báo động. Người ta bám vào sự bất an để tồn tại. Tôi thấy mình giống như người chết, nằm trong cái nghĩa địa khổng lồ là thành phố này. Chỉ khi đi làm hoặc làm mô hình, tôi mới tạm quên mình đang chết. Hoặc đã chết.
Khi một thứ không có linh hồn lìa đời thì có gọi là chết không? Tôi vẫn luôn thắc mắc điều này.
*
Thỉnh thoảng, tôi nghĩ mình đã yêu nàng Sigyn. Em vừa là tiên nữ trong thần thoại, vừa ở ngay đây, từ bãi rác. Em không có diện mạo, thế cũng chẳng sao. Em không thể thiêu đốt tôi bằng những ánh mắt độc địa và những lời cay nghiệt như nàng. Một người không có mắt, mũi, miệng, tay chân sao có thể làm đau kẻ khác? Nhưng rồi chính cái câm lặng của em lại như lưỡi dao xoáy vào tim tôi. Đứa bé thì đã đi mất từ lâu. Tôi vẫn nhớ câu hỏi của nó. “Anh đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu là gì?”.
Giờ đây, tôi nghĩ mình đã có thể trả lời nó. Yêu là chạy mải miết qua một đường hầm mù tối để tiến về phía ánh sáng mơ hồ không có thật.
Nàng Sigyn vẫn lặng câm, và có lẽ sẽ lặng câm thêm một ngàn năm nữa. Tôi không biết liệu mình có đợi được em.
*
Tôi làm đến cái mô hình phế phẩm thứ năm thì một điều chẳng ai ngờ xảy ra. Nhà cháy. Lúc đó tôi đang có việc bên ngoài, nhận được điện thoại thông báo từ hàng xóm thì sự đã rồi. Không ai bị thương nhưng đồ vật thì cháy sạch. Không biết ai đốt hay tàn lửa ở đâu bắn vào, tôi cũng không có ý định tìm hiểu. Biết đâu đứa bé kia muốn đi cùng ngôi nhà của nó. Còn về mấy cái mô hình, dù bỏ ra nhiều đêm để hoàn thành chúng, nhưng chẳng hiểu sao khi đối diện với ngọn lửa phừng phừng và đám tro bụi đen kịt tôi không thấy tiếc. Ho sặc sụa nhưng đầu óc tôi tỉnh táo lạ lùng. Đã rất lâu rồi, tôi mới có cảm giác nhẹ nhõm nhường ấy, và hình như còn ở đâu đó một niềm vui lẩn quất. Vì ít nhất, nhờ vụ cháy này, cái vết ố trên trần đã không còn nữa.
Chắc các bạn cũng đang thắc mắc về số phận của nàng Sigyn. Khi trở về nhà, tôi đã thấy em khiêu vũ trong tàn lửa đỏ, chiếc váy trắng lộng lẫy tung bay. Và trong ánh hoàng hôn bập bùng ấy, gương mặt em dần dần hiện ra. Đôi mắt màu hồng ngọc của em rực rỡ như dương quang rọi xuống biển đêm, phản chiếu muôn vàn tia lửa. Em nở nụ cười dịu dàng và đưa bàn tay cho tôi, như muốn mời tôi cùng tham gia điệu vũ. Bên tai tôi không còn những tiếng gió khô khốc, mà là âm nhạc. Em đang hát, em đã cất lời với tôi từ khuôn miệng xinh xắn. Thế là tôi không suy nghĩ gì thêm nữa, mặc cho những tiếng réo gọi xung quanh đầy vô vọng. Đã đến lúc rồi.
Điều cuối cùng tôi làm là mỉm cười. Giờ đây, nàng Sigyn của tôi, tôi sẽ thuộc về em mãi mãi.