Mong ước tội lỗi
Ông là nhà văn, nhà báo Argentina đến từ Resistencia tỉnh Chaco. Trong thời kỳ độc tài của chế độ Pi nô chê (1976 - 1983), ông sống lưu vong ở Mexico đến năm 1985 ông mới hồi hương. Truyện ngắn này được dịch từ ngôn ngữ Bồ Đào Nha sang Anh ngữ bởi Dario Bard, xuất bản năm 2005. Ngoài truyện ngắn ông còn viết một số tiểu luận trên các cột báo và các tiểu thuyết đã đoạt giải.
Bạn tôi - Luis Delgado - người giống như tôi - luôn mong muốn mình chết đúng lúc. Và giờ đây anh đang đợi tôi giết anh ấy. Chiều nào anh ấy cũng năn nỉ tôi làm giúp việc đó. Anh cầu xin tôi qua ánh mắt của mình. Bạn tôi muốn chết, anh ấy rất cần chết. Anh bị liệt tứ chi đã ngồi xe lăn suốt 3 năm qua. Tôi là người chứng kiến sự suy sụp về thể chất và chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng của anh ấy.
Anh là người có tình yêu với xe lửa một cách đặc biệt. Anh yêu những đường ray, âm thanh tàu chạy, tiếng còi khi tàu vào ga, những cuộc đưa tiễn gặp gỡ của người thân... Anh là một thanh niên cường tráng, loại đàn ông mà người ta hay so sánh với những loại cây cứng cáp như cây Sồi, cây Mẻ rìu (chặt mẻ cả rìu). Bỗng do một sơ xuất không may anh bị ngã, bị va chạm mạnh, bị tai nạn... trở thành một “đống đổ nát” vô dụng thật thảm hại? Trong tình cảnh đó người ta chỉ muốn kết thúc cuộc đời, không muốn đau đớn kéo dài thêm nữa.
Thật không thỏa đáng và không công bằng. Lẽ ra người đáng chết trước phải là tôi - vì tôi là người ốm yếu, bệnh tật. Thế mà giờ đây tôi lại là người đẩy anh đi khắp xóm làng. Anh ngồi trên xe lăn tàn tạ, nét mặt ngây ngô, vô cảm như một con búp bê méo mó liệt lò xo không kêu khóc được. Thật mỉa mai và đau buồn khi anh quay lại nhìn tôi với ánh mắt vô cảm mà chỉ tôi mới có thể hiểu được nó chất chứa sâu bên trong là sự nhịn nhục, cam chịu, lòng biết ơn, cay đắng, chua xót và cả sự thèm muốn, gen tỵ...
Buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, tôi đến chỗ anh đẩy anh vào thang máy rồi đưa anh ra lối đi bộ của các tòa nhà xung quanh đi đến sân ga tàu hỏa Coghlan. Đầu tiên là anh quan sát bên phải rồi bên trái nhà ga, say sưa nhìn các đoàn tàu vào ra ga, ngắm những khuôn mặt vui tươi, sầu não, nghiêm trang... nơi tập trung của hành khách chờ lên xuống tàu. Chúng tôi chọn một chiếc ghế băng dài ở cuối sân ga phía Seavedra để ngồi. Tôi yên lặng đọc báo. Thỉnh thoảng tôi kéo tấm chăn trùm lên chân anh để anh biết là tôi vẫn luôn chú ý đến anh.
Vào 9h18, tôi rời nhà ga hướng đến Retiro đưa anh về nhà rồi quay lại nhà ga để 9h 57 phút có mặt tại văn phòng làm việc. Đó là thói quen chúng tôi đã thực hiện 3 năm qua. Vào ngày cuối tuần anh ấy ở với em gái đến từ Carhue, còn tôi đi câu lạc bộ chèo thuyền đến chiều chủ nhật muộn mới về nhà mình.
*
Một ngày nọ tôi thấy anh đặc biệt buồn. Anh nhìn xuống đường ray với một cảm xúc mãnh liệt lạ thường khi tàu vào ga. Tôi biết rõ trong đầu anh đang nghĩ gì nên hỏi: “Anh có muốn tôi đẩy xe rời khỏi thềm sân ga xuống đường ray tàu đang chạy không?”. Tôi thấy lông mày anh nhướng lên, khóe môi cũng nhếch lên và qua ánh mắt dữ dội đã xác nhận là anh đang muốn tôi giúp anh ấy chết nhưng tôi không thể?
Chúng tôi thường tranh luận với nhau và với bạn bè về vấn đề sẽ là một hành động đẹp đẽ và nghĩa cử nhân ái nhất là giúp Luis kết thúc cuộc đời anh ấy. Tôi tin vào quyền của chúng tôi được làm những gì về cơ thể của mình và quyết định khi nào mình muốn chết. Nếu cần sự giúp đỡ của người khác thì người đó cũng không bị ràng buộc, bị pháp luật quy cho tội lỗi, sai trái phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tất nhiên người nhiệt tình hăng hái nhất là Luis Delgado. Chúng tôi nói việc đó trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã thân thiết với nhau hơn 20 năm qua, hiểu biết về công việc, cuộc sống và tâm tư, suy nghĩ của nhau. Bất thành văn nhưng cả hai đều hiểu rằng nó như một hiệp ước, một thỏa thuận ngầm là bất kỳ ai trong hai người bị bệnh tật nan y, bị tàn phế thì người kia sẽ đẩy bạn mình từ ban công xuống đất hoặc vào bánh xe buýt hay tàu hỏa... tức là phải có hành động cần thiết, hợp lý để chấm dứt sự đau khổ của người kia mà không một chút lưỡng lự. Chúng tôi coi sự phục vụ giúp đỡ nhau vào những lúc ấy là sự nhân ái cao cả chứ không phải coi người này là đao phủ của người kia.
Từ ngày này sang ngày khác tôi quan sát, theo dõi thấy sự thay đổi trong cách nhìn và ánh sáng trong con mắt anh ấy trên đà suy sụp thể chất và tinh thần. Tôi hỏi anh muốn nói điều gì không? Cầu xin anh chỉ cần một chớp mắt, một cái nhướng mày hay cử động ngón tay để cho biết có hoặc không để tôi đi đến quyết định giết anh ấy. Nhưng anh ấy không có bất cứ cử động nào? Làm sao bạn biết anh ấy muốn gì. Bạn luôn phải đoán và có thể mắc sai lầm. Nhưng tới hôm qua thì tôi biết rõ anh ấy muốn nói với tôi điều gì. Tôi biết nó là cái gì.
Như trên đã nói chúng tôi có một “hiệp định” với nhau nhưng khi thực hiện lại không thể và khó khăn thay? Không phải tôi không muốn giúp Luis vì tôi biết làm được việc đó sẽ là trút đi gánh nặng, là cách giải thoát nhẹ nhõm cho anh ấy cũng như tất cả những người thân và chúng ta - những người đang giúp đỡ chi tiền cho anh ấy mà đã đến lúc không còn khả năng chi tiếp - ngay cả với tôi nữa. Đã 3 năm nay tôi dành hơn 1 giờ mỗi sáng đẩy xe đưa bạn mình đi dạo. Nhưng điều đó ảnh hưởng, tác động và có hiệu ứng tới cuộc sống của tôi ghê gớm biết chừng nào? Tôi yêu quý Luis. Tôi yêu anh ấy đã 20 năm. Tôi không thể? Tôi phải làm việc đó để giúp Luis? Nhưng tôi không thể...
Đôi khi tôi tuyệt vọng. Đêm trước đó một tuần và đêm qua tôi mơ lại giấc mơ kinh hoàng. Tôi mơ tôi đã lên kế hoạch, tính toán một cách chi tiết thật khoa học, hợp lý, hoàn hảo để làm việc đó. Đó là một giả thuyết khi tôi đẩy xe lăn chở Luis đi dọc sân ga. Một tay tôi đẩy xe còn tay kia cầm tờ báo khổ rộng để vừa đi vừa đọc. Đúng lúc tàu vào đường ray phía dưới chúng tôi, tôi vô tình rời tay đẩy xe để giở sang trang báo khác - vì khổ báo quá rộng nên phải dùng tay kia mới có thể giở trang được. Thế là chiếc xe đẩy cùng Luis rớt xuống đường ray có con tàu đến từ Retiro đang vào ga lúc 8h47.
Tôi hét lên thất thanh, mọi người xung quanh quát lên dữ dội nhằm báo cho lái tàu nhưng đã quá muộn. Tôi bấn loạn, cuồng điên xỉ vả tội lỗi của mình thể hiện nỗi đau tột độ. Trạm trưởng nhà ga an ủi, động viên tôi và Cảnh sát được gọi đến. Phần còn lại chỉ liên quan đến những thủ tục giấy tờ giải quyết vụ việc. Không có bất kỳ ai nghi ngờ hành động cố ý giết người của tôi. Mọi người ở khu phố và khu vực nhà ga đã chứng kiến đôi bạn thân sáng nào cũng cùng nhau đến ga đã 3 năm nay. Anh ấy là người bạn thân nhất, yêu quý nhất của tôi. Tôi không có hứng thú gì ngoài việc đẩy xe cho anh ấy đi dạo cả đời... Sẽ không ai nghi ngờ hành động giết người của tôi.
Nhưng tôi không thể làm như vậy vì cảm giác tội lỗi. Không phải tội lỗi khi làm điều đó mà là cảm giác tội lỗi đã có trước đó khi tôi tưởng tượng ra “tai nạn” và thấy nó diễn ra như một bộ phim kinh dị khủng khiếp đâm sâu vào trái tim tôi và lắng trong tâm trí tôi suốt cuộc đời mình...
Nhưng mỗi chúng ta đều có giới hạn của mình. Vào thời điểm này tôi không thể chịu đựng được thêm nữa. Đó là lý do tại sao tôi quyết định tìm đến nói chuyện với Claudio. Anh ấy là người bạn đáng tin cậy nhất của tôi hiện đang là một linh mục sống ở Oregon Hoa Kỳ. Khi còn thuở học sinh ở Don Bosco chúng tôi đã thề rằng dù ở đâu xa xôi đến mấy chúng tôi vẫn giữ liên lạc và là bạn của nhau suốt đời. Anh ấy còn là cha đỡ đầu đứa con trai đầu lòng của vợ chồng tôi. Những khi gặp những điều khó khăn, bế tắc tôi đều hỏi ý kiến của anh ấy. Ngoài ra lần cuối ở Buenos Aires anh ấy đã gặp Luis và biết rõ về anh ấy. Tôi không theo đạo nữa, không coi mình là một người Cơ đốc giáo. Có lẽ tôi là người theo thuyết “Bất khả tri”, một người vô thần không tin vào sức mạnh, phép thuật của những nhân vật siêu nhiên. Song dù tôi là gì đi chăng nữa không quan trọng. Điều quan trọng là tôi cảm thấy tội lỗi như thể tôi là một tín đồ Do thái? Tôi đã xin được visa và mua vé máy bay đi Mỹ. Chuyến bay của tôi khởi hành tối nay. Chuyến bay mất 12 giờ và tôi sẽ có mặt ở sân bay quốc tế Ezeiza trước 7h30 sáng ngày mai.
Như thường lệ mỗi buổi sáng tôi cạo râu trước khi đến gặp Luis. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu mình có giúp Luis chết đúng như mong muốn không? Nếu đủ can đảm và dũng khí đẩy anh ấy vào đường ray xe lửa, giúp anh ấy chết trong một tai nạn do tôi tạo ra, thì tôi sẽ nói với anh ấy rằng tôi coi đó là một hành động, nghĩa cử hào phóng dành cho người bạn mình yêu quý nhất.
Từ khi máy bay cất cánh trong hành trình dài trước khi chúng tôi đến Potdland điều duy nhất tôi cảm thấy, điều đáng ghét, đáng nguyền rủa nhất ngự trị trong tôi mênh mông vô tận và sâu thẳm như đại dương phía dưới cánh bay chính là tôi đã giết bạn thân của mình. Tôi không biết liệu Claudio có chấp thuận, đồng ý cho tôi được xá tội, tha thứ hay không?
Đinh Đức Cần (dịch)