Kia
Mobifone

Kẻ trộm trả ơn

Thứ Hai, 05/02/2024, 08:05

Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão tên là Song Hỷ, cha mẹ mất sớm, lớn lên nhờ ăn cơm thiên hạ. Vì siêng năng và sẵn sàng chịu đựng gian khổ, với sự giúp đỡ của những người cùng làng, ông đã làm nên cơ nghiệp ở tuổi ba mươi. Sau khi trở nên giàu có, ông thường giúp đỡ những người nghèo khó và được biết đến như một người giàu lòng nhân ái.

Đêm Ba mươi Tết năm ấy, khi ông lão Song Hỷ cùng ba người con trai thức chờ Giao thừa đến nửa đêm, ông nói với các con: "Con về phòng đánh thức vợ con dậy đi, bày ngựa giấy bái tế trời đất!". Ba người con trai rời đi không bao lâu, bỗng nhiên bên ngoài nghe thấy tiếng "lạch cạch", ông lão chú mục nhìn ra, phát hiện một bóng đen đang rón rén lẻn vào chuồng bò nhà mình. Hừm, canh năm mùng một Tết, lại có trộm đột nhập! Lặng lẽ không phát ra tiếng động, ông già theo dõi xem tên trộm sẽ làm gì tiếp theo.

untitled-3.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Một lúc sau, cửa chuồng bò khẽ lay động, người đàn ông dắt con bò ra khỏi chuồng. Hắn cầm dây thừng và kéo con bò ra ngoài, nhưng con bò ương bướng giật mạnh trở lại. Ông già Song Hỷ ở trong nhà ho khan, tên trộm nghe thấy, vội vàng dắt con bò quay vào chuồng.

Ông lão Song Hỷ nghĩ: Người đàn ông này phải mạo hiểm đi ăn trộm bò đúng vào đêm Giao thừa, kể cũng đáng thương. Ông lại hắng giọng, ho tiếp hai tiếng nữa, tên trộm nghe thấy có tiếng động trong nhà, biết là không dễ để lôi con bò ra, nên buộc lại sợi dây thừng vào máng, nấp vào góc máng chờ thời cơ.

Một lúc sau, các con trai, con dâu và các cháu lục tục kéo đến nhưng ông cụ Song Hỷ vẫn không ngừng rên rỉ và thở dài. Thấy vậy, người con cả hỏi: "Cha ơi, cuộc sống của chúng ta mấy năm nay như hạt vừng nở đều, cha có chuyện gì không hài lòng? Cha nói cho con biết, khi nào cúng ngựa giấy, chúng ta hãy cầu khấn trời đất". Người con trai thứ hai nói: "Được, nếu cha có bất kỳ điều gì không hài lòng, chỉ cần nói ra và con sẽ lắng nghe cha".

Ông lão chép miệng: "Ồ! Nói đi nói lại nhưng có một việc cha vẫn chưa nói với các con".

Cậu con thứ ba nói: "Nếu còn có điều gì làm khó cho cha, hãy nói cho chúng con nghe đi!".

Ông lão lại thở dài một tiếng, nói: "Nguyên là cha có một người em trai, chính là chú của các con, vì hồi nhỏ nghịch ngợm không chịu nghe lời nên bị ông nội các con đánh cho một trận rồi đuổi đi, anh ấy đi rồi cũng không có tin tức gì, cả nhà đều nhớ chú ấy, nhưng biết tìm chú ở đâu? Ông bà nội các con trước khi nhắm mắt cứ dặn đi dặn lại là phải trồng nốt chiếc răng, đừng để hàm răng khuyết một chiếc…".

Người con cả nói: "Xin cha đừng buồn, qua Tết rồi anh em chúng con sẽ đi thăm dò, tìm kiếm, chỉ cần chú ấy còn sống là nhất định sẽ tìm được".

"Không cần phải thế…", lão Song Hỷ nói, "vừa rồi qua cửa sổ, cha nhìn thấy chú ấy trèo qua tường vào nhà chúng ta, đứng trong sân xấu hổ không dám vào nhà, lúc các con tới chú ấy đành phải trốn vào chuồng bò. Các con hãy mau đi mời chú ấy vào nhà, chúng ta đã nhiều năm không gặp nhau, bây giờ trở về là đúng lúc để chúng ta uống với nhau chén rượu, rồi tâm sự cùng nhau…".

Những người con trai nghe lão nói vậy xách đèn lồng chạy ra chuồng bò. Tên trộm bò tưởng anh em họ đến bắt mình nên sợ hãi nấp sau lưng con bò. Hắn ta quay sang mông con bò, bò bị nhột, quẫy đuôi đập một nhát trúng vào mắt khiến mắt hắn nổ đom đóm và kêu lên đau đớn. Lùi lại mấy bước, con bò lại giơ chân sau đạp qua, nếu không có mấy anh con trai của ông lão kéo giật nó lại, thì nó mà bổ vó xuống thì dù không gãy tay, gãy chân thì cũng gãy mấy cái xương sườn, tệ hơn nữa mà bị đá vào đầu, e rằng tính mạng còn khó giữ.

Mấy anh con trai của ông lão thấy vậy cơ hồ đồng thanh: "Chú xem mình đã làm gì? Chuồng bò đã bẩn, lại còn nguy hiểm làm sao!", rồi cùng nhau hợp sức kéo kẻ trộm ra khỏi chuồng bò. Nhìn thấy vẻ mặt sợ hãi của hắn, anh cả nói: "Việc đã qua rồi, chú đừng có bận tâm nữa!".

Anh thứ hai nói: "Những năm qua, cha chúng cháu luôn nhớ về chú".

Anh thứ ba nói: "Chú đã đến rồi, chúng ta hãy đoàn tụ cùng nhau!".

Kẻ trộm gia súc bị mấy anh em hét lên "Chú, chú" khiến hắn vô cùng bối rối, tiến thoái lưỡng nan, đi cũng dở, ở cũng khó xong, cuối cùng bị ba anh em kéo vào nhà.

Ông già Song Hỷ ngồi trên chiếc giường lò và nói với kẻ trộm: "Chú Hai, nếu chú đã trở về, chú cứ vào thẳng nhà, tôi làm sao có thể không chào đón chú? Lại để bọn trẻ phải đi mời níu níu, kéo kéo là thế nào, bên ngoài lạnh cóng đúng không? Lại đây, lên giường mau. Rượu đã hâm nóng rồi, uống một chút cho ấm người đi".

Kẻ trộm bò đứng dưới chân giường, cúi đầu lắp bắp: "Tôi... quần áo của tôi bẩn lắm...".

Lúc này mọi người mới phát hiện ra trên người tên trộm dính đầy phân và nước tiểu bò, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ông lão lại gọi ra bên ngoài: "Anh cả, bưng chậu nước cho chú anh rửa ráy, bà nó tìm bộ quần áo của tôi để chú ấy thay!".

Người con cả vội vàng lấy nửa chậu nước từ trong vại, múc một gáo từ nồi nước sôi đang chuẩn bị nấu sủi cảo đổ vào, chậu nước vừa khéo không nóng không lạnh, để cho tên trộm rửa tay và mặt sạch sẽ. Bà lão cũng tìm được bộ quần áo mà ông lão chuẩn bị mặc trong dịp Tết để cho tên trộm thay ...

Khi sự việc đến đây, tên trộm bò chỉ còn biết nghĩ: không biết đây là phúc hay là họa, nếu là họa thì muốn tránh cũng không được, thôi cứ để kệ họ đi! Ăn uống no say rồi, ông lão Song Hỷ lấy ra một ít bạc, tự tay đưa cho tên trộm và nói: "Người anh em, không thức không biết đêm dài. Không cần xấu hổ, hãy cầm số bạc này để làm vốn, học cách làm ăn buôn bán đi!".

Kẻ trộm bò này là một tên trộm có nghề, trước đây nếu như bị bắt quả tang trộm vặt, hắn ta hoặc sẽ bị đánh một trận nhừ tử hoặc bị báo quan bắt bỏ tù. Tối nay, hắn muốn tận dụng lúc mọi người bận rộn chuẩn bị đón Giao thừa để làm một mẻ lớn. Khi đi ngang qua nhà ông lão Song Hỷ, từ ngoài tường nhìn vào, hắn tình cờ thấy một con bò bị nhốt trong chuồng nên lặng lẽ trèo tường vào, không ngờ đã làm kinh động chủ nhà. Nhìn lời nói và việc làm của gia đình này, thoạt đầu hắn tưởng họ nhận nhầm người nên mới liều mạng buông trôi. Tuy nhiên, trong quá trình ăn uống và giao tiếp, chỉ thấy mọi người trong nhà nhiệt tình tiếp đãi chứ không hỏi han gì khác. Nhưng nếu họ thật sự nhận ra hắn thì đã là ác mộng của hắn rồi!

Cần phải tìm cách chuồn thôi, hắn vội nói: "Anh ơi, đại ân không thể cảm tạ bằng lời", hắn nói lời cảm ơn, sau đó cầm tiền và bỏ đi không ngoảnh lại.

Sau khi kẻ trộm bò đi khỏi, vợ con ông già ngờ vực hỏi: "Rốt cuộc người này là ai?". Ông lão cầm tẩu thuốc rít một hơi rồi đáp: "Đừng hỏi gì nữa, sang năm mới rồi, chúc mừng!".

Một thời gian sau, kẻ trộm bò đã cải tà quy chính, dùng số bạc mà ông Song Hỷ cho để làm vốn, mở một sạp hàng kinh doanh rau quả, nhờ chăm chỉ làm ăn nên việc buôn bán ngày càng phát đạt.

Chớp mắt đã một năm trôi qua, đêm Giao thừa lại đến, ông lão Song Hỷ và gia đình vẫn vừa ăn bữa cơm tất niên vừa cười nói rôm rả, nói không biết đêm nay có "khách" đến gõ cửa nữa hay không. Ai dè qua lúc nửa đêm, cánh cửa nhà lại có những vị khách không mời mà đến thật!

"Vị khách" đó là một con bạc trong làng, đồ đạc có giá trị trong nhà đều bị anh ta nướng sạch vào chiếu bạc. Người vợ về nhà ngoại mượn được mười nén bạc đưa cho anh ta đi chợ sắm Tết, nhưng kết cục anh ta lại thua sạch. Vợ chồng cãi nhau, không những anh ta không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình mà còn đánh cho vợ một trận và trong cơn tức giận, cô vợ đã treo cổ tự tử. Con bạc không có tiền chôn cất vợ, suy tính hồi lâu rồi thừa dịp đêm khuya, vắng người đưa xác vợ đến trước cổng nhà ông lão Song Hỷ, treo lên cổng nhà, hy vọng đợi đến rạng sáng để ăn vạ, tống tiền.

Rạng sáng mùng một Tết, ông lão Song Hỷ ra mở cổng, thấy trên cổng có treo lủng lẳng một con lợn béo đã giết thịt sạch sẽ, gọn gàng thì vội vàng gọi các con đến hạ con lợn xuống. Cha con lão còn đang bận rộn với công việc của họ, đột nhiên có một người từ xa chạy đến, bất kể ba bảy hai mươi mốt, ôm đầu khóc rống lên: "Ới vợ ơi, mình chết thật thê thảm làm sao!".

Mấy cha con nhà Song Hỷ ngớ người, không hiểu mô tê ra sao. Ông lão vội hỏi: "Chuyện gì vậy? Đây là vợ của anh sao?".

Khi con bạc nhìn thấy ông lão đang cõng một con lợn, anh ta trợn tròn mắt và không nói nên lời. Lạ thật, chính tay mình treo xác vợ lên, tại sao lại biến thành con lợn được?

Con bạc gân cổ cãi: "Vợ tôi đi chơi cả đêm qua không về, có người nhìn thấy cô ấy treo cổ trước cổng nhà ông nên tôi đến đây... Ông, ông phải bồi thường cho vợ tôi...".

Hàng xóm xung quanh ồn ào kéo đến xem. Nghe được cuộc đối thoại của bọn họ, những người có mặt đều không nhịn được cười, bản chất của yêu ma cờ bạc ai cũng biết, căn bản đã không có bằng chứng chứ đừng nói là người ta tin vào lời nói dối của hắn. Nhưng sáng mồng một Tết, ai lại mổ lợn treo trước cổng nhà lão nhân Song Hỷ? Đối với loại chuyện này, mọi người cũng không quá hiếu kỳ hay ngạc nhiên, bởi vì danh tiếng của đại thiện nhân không phải là ông ấy tự đặt cho mình, nhất định là phải có người tới báo đáp ân nghĩa!

Sau đó nghe người ta nói rằng trước rạng sáng hôm đó, có một người bán hàng rau quả đã nán lại trước cổng nhà ông lão Song Hỷ khá lâu. Có lẽ, con lợn là do anh ta mang đến, thay thế cho xác của vợ gã cờ bạc, được cho là đã được đưa đến nha môn để báo quan.

Còn có một chuyện thú vị là, sau khi về đến nhà, ông lão Song Hỷ xẻ thịt lợn định phân chia bớt cho hàng xóm, nào ngờ từ tai lợn lại rơi ra một tờ giấy cuộn tròn, trên đó có viết dòng chữ "chú hai của gia đình Song Hỷ kính biếu".

Trần Dân Phong (dịch)

Trật Danh (Trung Quốc)

.