Hoa Tử đằng sẽ nở

Chủ Nhật, 03/12/2023, 21:49

Cô không bận tâm đến ánh mắt và thái độ của chồng nhiều nữa. Mỗi lúc trong lòng không vui, cô lại ra vườn. Thêm cái giàn, mảnh vườn như có thêm sức sống. Những cái lá tử đằng đong đưa trên mắt lưới - y như một giấc mơ. Là bàn tay và quyết tâm của cô biến giấc mơ thành sự thực. Và cô tin, sẽ đến ngày, trên cái giàn ấy lấp lánh những bông hoa tím biếc. Chắc chắn, hoa tử đằng sẽ nở!

Đó là một buổi trưa tháng 6, nắng ong óng vàng đến chói gắt. Hoài ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời, mắt chạm vào vài phiến lá xanh mướt mới thấy dịu đi đôi chút. Nhìn lá, cô lại nhớ ông ngoại. Nhanh quá, thoắt cái đã giỗ đầu ông. Vừa mới ngày nào cô nghẹn ngào khi nghe tin ông yếu. Ông nhập viện vài ngày rồi đi thật nhanh. Mợ kể, mấy hôm trước nắng nóng ông còn vào vườn thăm nom đám cây với mấy cái giàn. Hình như linh tính mách bảo. Ông đi nhẹ nhàng và thanh thản. Nhưng sau ngày ông mất, cây lá trong vườn dường như cũng xác xơ. Giàn bầu, giàn mướp lỏng khỏng, rối bời.

Mỗi lần gặp lại khu vườn này, Hoài lại thấy háo hức, rưng rưng. Tuổi thơ của cô gắn bó những ngày hè đỏ lửa, nhưng trưa chui lủi, len lỏi dưới những tán cây. Và cô đặc biệt yêu những cái giàn ông làm: những cái giàn xinh xẻo, xanh mát lá, quả, hoa… Không biết có phải thừa hưởng từ ông không, mà cô cũng thích trồng cây, sờ mó đất cát; khác một điều, Hoài chỉ thích trồng cây có hoa. Cô mê hương thơm, đặc biệt mùi hương tự nhiên chắt lọc từ những cái cây.

Trong mảnh vườn nhỏ trên sân tầng 2 của mình, cô đặt không biết bao nhiêu là những cái chậu, cây gì cũng trồng trong chậu. Từ hồng, mẫu đơn đến nguyệt quế, phù dung rồi cả hoàng lan, dã hương… Cô tin, chỉ cần có đất và sự chăm bẵm, những cái cây sẽ lớn lên và bung hoa, tỏa hương. Không phụ lòng cô, những mùa hoa thay nhau nối tiếp. Nhiều sớm vừa mở cửa, cô đã bắt gặp mùi hương ngạt ngào, nồng đậm, vương vãi không gian. Cô gọi góc nhỏ ấy là “vườn thơm”.

z4926372372354_0dde064df6c348b1b5ed7e69368dd507.jpg -0
Minh họa: Đào Quốc Huy

Những cái cây trong chậu không chê chật hẹp mà bươn bả, bung cành, cần mẫn ra hoa. Nhưng cô luôn thấy thiếu điều gì đó. Một buổi sớm, khi nhìn những bông đậu biếc rung rinh trong gió, lơ lửng bên mấy cành hồng, cô chợt hiểu, vườn cô đang thiếu những cái giàn.

Cô ngó khóm thiên lý đang lớn, thân hoàng dương bụ bẫm, ngắn ngủn mà đã muốn bật những chùm hoa màu vàng roi rói… một ý tưởng nảy ra, cô sẽ làm giàn, một cái giàn thật xinh cho đám cây dây leo ấy. Như những cái giàn ông ngoại từng làm khiến cô ngơ ngẩn.

Nhưng khi cô ngỏ lời với Huy- chồng cô thì anh gạt phắt. Giàn cái gì mà giàn, làm giàn là phải khoan, đục, hỏng hết tường với sân. Có biết sửa những cái đấy tốn kém thế nào không? Nhưng em thấy nhà người ta vẫn làm mà. Nhà người ta, kệ nhà người ta. Huy sẵng giọng. Hoài chết lặng, cô không nghĩ việc làm giàn lại khó khăn vậy. Khi xưa, cô nhớ, ông chỉ cần lấy mấy thân tre chắc chắc, thêm ít cây que; thậm chí có chỗ ông chỉ đặt ít cành cây tỉa bớt trên gò, đám dây leo đã tha hồ bò, trườn; hồ hởi uống khí trời, nắng gió. Tại ông có vườn rộng. Hoài khẽ thở dài. Nhưng cô để ý, nhiều nhà nhà ống rất chật hẹp vẫn làm giàn đấy thôi.

Từ đó, mỗi khi đi trên đường hay qua phố, cô lại ngó những tàng xanh lấp ló. Đâu đó, những cái giàn nhỏ nhắn nhưng trữ tình đến lạ. Nhìn những nhánh lá bò lan, những chùm hoa thả dáng lơ đãng, dịu dàng, lòng cô bỗng dưng mềm lại. Và một lần, cô gần như reo lên khi nhìn một cái giàn rất hay trên ban công của một nhà cuối phố. Cô cẩn thận chụp lưu lại, dự định làm mẫu cho giàn nhà mình.

Hôm đó, đợi chồng đi làm về, cô háo hức nói luôn ý tưởng. Huy khó chịu ra mặt, buông mấy câu nặng nề: không giàn giếc gì nhé. Đã nói rồi!

Anh nhìn thử cái giàn này xem, đơn giản mà không phải khoan cắt nhiều đâu, chất liệu lại bền nữa. Cô định mở ảnh trong điện thoại cho Huy nhìn nhưng giật mình bởi tiếng chồng: Không phải nhìn.

Tuyên bố xong, Huy quay ngoắt đi, để mặc Hoài sượng trân, chết lặng.

Thôi, thế là không thể làm giàn. Những cái cây của cô sẽ bơ vơ, ngơ ngẩn.

Tối đó, cô lặng lẽ tưới cây, khuôn mặt vô cảm. Không hẳn vì những bông hoa đang nở, sắp nở của cô trên những cái dây mềm mại như những bàn tay gầy guộc chẳng biết đậu vào đâu mà là lòng cô cũng đang lửng lơ không bến đỗ.

Vợ chồng cô lấy nhau đã mười mấy năm. Người ta nói, thời gian khó khăn nhất của hôn nhân là 5 năm đầu tiên; vượt qua 5 năm đó, coi như qua ải. Năm năm đầu, cuộc hôn nhân của cô cũng nặng nề, khó nhọc; có lúc tưởng chừng không thể kinh qua. Huy hiền lành, tốt tính, thương vợ con, chịu khó. Chỉ ngặt nỗi công việc chưa đâu vào đâu, đi lại thì xa xôi, tốn kém. Hoài làm gần hơn nhưng vẫn là chân hợp đồng, việc nhiều mà lương thấp; nhiều nỗi lo vô hình lơ lửng trên đầu. Hai đứa con lần lượt ra đời, kinh tế nhiều lúc vô cùng eo hẹp; chưa kể cô còn học thêm, học nếm. Nếu không vén khéo và tằn tiệm, chắc phải vay nợ triền miên.

Thế mà trong mắt họ hàng, gia đình cô lại có điều kiện, chả gì hai vợ chồng đều là… cán bộ. Cô chỉ biết cười khổ trong lòng. Mỗi khi có việc chi tiêu lớn hay đối nội, đối ngoại, cô lại phải gồng lên, co kéo. “Cán bộ có điều kiện” gì mà ở trong ngôi nhà ngói xập xệ, những ngày nắng nóng giống như cái hầm. Dù cố nhưng cũng không thể lắp điều hòa vì sửa sang vừa tốn kém lại chẳng đâu vào đâu. Ngày mưa cổng ngõ như cái ao, ngày nắng sực mùi phân gia súc vì chuồng trại bao quanh. Hàng xóm chuyển gần hết ra ngoài vì địa thế và phong thủy ngõ “đẹp” quá.

Nhưng những điều đó không phải là nguyên nhân cho những nặng nề giữa hai vợ chồng. Có một vách ngăn sừng sững và sắc nhọn lởm chởm ngăn giữa cô và Huy là mẹ anh. Mà càng muốn xóa bỏ, mài bớt gai góc càng thấy lởm chởm, đau rát. Dần dà, cả hai cùng tổn thương. Cùng phải chùng xuống, gạt bỏ bao điều mà càng ngày càng đuối. Hoài lặng lẽ, mất hết niềm vui sống, chỉ cần mẫn làm việc. Vì gia đình, con cái vẫn phải ăn uống, học hành và lớn lên. Người ta có thể buồn, thất vọng, đau khổ nhưng không thể ngồi một chỗ mà ủ ê. Chỉ khi nào mệt quá thì nghỉ chút rồi lại phải đứng lên, dù loạng choạng. Và từ bao giờ, Huy cũng thay đổi: nói nhiều, hình thức, cảm tính… Sợi dây mỏng mảnh nối giữa vợ chồng cô chùng chình, căng giãn.

Càng ngày, hai người càng ít nói chuyện, như một giải pháp hòa bình sau cuối. Để đỡ va chạm vào bức tường gai nhọn ở giữa, đỡ xây xát, đứt tay chân.

Năm năm nữa. Không chỉ vượt qua cửa ải lần thứ 2, gia đình Hoài còn chuyển ra được nhà mới, chia tay với căn nhà bốn mùa rụng bụi và phân rơi dày mỗi sáng, với cái ngõ ngày càng vắng vẻ. Nhà mới- là bao nhiêu mồ hôi, căng thẳng, nhọc nhằn, rối rắm trong từng hàng gạch xây, tấm chấn song inox.

Rời căn nhà ấy, lòng Hoài nhẹ như vừa trút được gánh lúa nặng trên vai khi mặt mày xây xẩm. Nếu có điều gì lưu luyến, chắc chỉ là cái giàn chắc chắn bao gần kín mảnh sân vuông vắn, mùa nào thức nấy dây lá leo xanh mát. Bên dưới, cạnh gốc khế còn có chiếc xích đu em trai cô hàn cho, được sơn cẩn thận- vừa xinh xắn vừa vững chãi. Những điều nhỏ bé ấy từng làm dịu mát tâm hồn cô những ngày rệu rã. Cô luyến tiếc vì đã phải ròng rã kiên trì bao nhiêu năm mới thuyết phục được chồng mình làm cái giàn vừa nên thơ vừa hữu dụng ấy. Bao nhiêu năm, chồng cô mới nhận ra mong muốn của vợ là hợp lý. Bao nhiêu năm, đánh đổi cho sự cố chấp là sự chán nản. Mặc những lời bào chữa, lòng cô mỗi ngày thêm lạnh.

Nhà mới xây, không có người giám sát, khâu chuẩn bị không kĩ càng, bao nhiêu sai sót, lấn cấn. Biết làm sao? Điều buồn nhất là không có phòng đọc sách- nơi Hoài sẽ được đắm chìm với việc viết lách, riêng tư, yên tĩnh- điều cô ao ước bấy lâu. Đến căn phòng của cô cũng chật chội, lích kích. Bù lại, cô mừng rơi nước mắt khi có mảnh sân nhỏ để trồng cây và hoa. Cô yêu cây, yêu hoa. Yêu màu xanh và những thứ dịu dàng mà tràn đầy sức sống. Mảnh vườn nhỏ sẽ tưới mát tâm hồn cô. Dù để có những bông hoa rực rỡ, hàm tiếu và tiếng chim hót ríu ran mỗi sớm, đôi tay cô chi chít vết gai cào, những cái móng thâm màu lá úa. Những lúc bê đất, chuyển chậu tưởng gù lưng, những tối đi làm về chỉ muốn nằm ngay mà vẫn phải bò dậy tưới tắm… Tất cả những cái đó, Hoài không ngại ngần bởi cô hiểu, có điều gì đẹp đẽ, ý nghĩa mà không phải nỗ lực và bỏ tâm sức đâu. Cô lặng lẽ vun trồng, lặng lẽ chăm bẵm và lặng lẽ tận hưởng hương hoa cùng bao âm thanh cuộc sống trong trẻo, ngọt ngào. Để học cách vui vầy với những điều gần gũi, học cách trở về tự trong tâm.

Hoài tự làm tất cả công việc liên quan đến khu vườn, cô ghét cảm giác phiền lụy. Thế nhưng, từ khi phát hiện ra thiếu những cái giàn, cô biết, mình không thể tự hoàn thành được. Cô đã phải xuống nước, dẹp tự ái, nhũn nhặn nhờ vả chồng. Nhưng hình như vô tác dụng. Thậm chí, nếu Huy không làm, Hoài sẽ thuê thợ. Nhưng điều đó cũng bất khả thi. Huy không muốn ai động chạm đến những bức tường, không thích những thứ mà anh cho là “phù phiếm”. “Phù phiếm”, Hoài chua chát nghĩ, niềm yêu thích, nguồn tái tạo năng lượng của cô bị cho là “phù phiếm”- dù nó không hề gây tổn hại gì, thậm chí còn rất tích cực. Trong khi Huy thích đồ điện, suốt ngày tìm mua những thứ linh tinh, thừa thãi để chật khắp nhà. Lại khoan chỗ nọ, đóng chỗ kia, lúc chuyển cái này, khi rời cái khác… lỗ chỗ, bụi bặm. Hoài không hề ý kiến. Dù cô thích sự gọn gẽ, ngăn nắp, vừa đủ.

Sự bao dung, tôn trọng người khác không phải qua lời nói mà phải bằng hành động cụ thể. Càng ngày Hoài càng thấm thía điều đó. Và càng ngày cô càng kiệm lời với những người thân quen ngang ngược, thích thể hiện.

Cuối xuân. Những ngày mưa ẩm ướt và chông chênh. Mỗi sáng đi làm Hoài đều thấy e ngại vì con đường trước nhà lấm láp, vài cơn gió mơn man còn cất giấu cái lạnh thấm thía. Nhưng chiều tối về, cô lại thầm cảm ơn cái thời tiết ẩm ương đó. Vì những cái cây trong vườn sau một ngày đã được uống no nê nước, chiếc vòi tưới lặng lẽ gác trên cành cây dẻ.

Nhìn đám chồi bật lên tua tủa, mập mạp, những đêm chợt tỉnh giấc, cô như nghe tiếng sinh sôi âm thầm mà mãnh liệt sau lớp vỏ xù xì, khô nẻ. Đúng rồi, cô sẽ trồng thêm cây mới. Còn lúc nào trồng cây phù hợp hơn cữ này nữa chứ? Nhưng mảnh vườn đã khá chật chội, len thêm cây nào được nhỉ? Cả tuần cô suy nghĩ rất lung để chọn ra một cái cây tha thiết trồng nhất. Cuối cùng, tử đằng được quyết định. Cô yêu màu hoa tím, yêu ý nghĩa của loài cây ấy. Và không ít lần, cô đã nhìn thấy hoa tử đằng yêu kiều, mạnh mẽ trong nắng, gió. Những bông hoa màu tím đong đưa, trở đi trở lại trong tim cô.

Một người bạn đã kì công tìm mua bầu cây cho cô. Hẳn 2 bầu, để lỡ bầu này hỏng còn có bầu kia. Dù bầu nào cũng đã nhú ra những cái nhánh xanh non mơn mởn.

Hai bầu cây là 2 cái vòng cuộn nâu sẫm, chắc nịch, bằng một vòng tay ôm. Vì thế, khi chọn chậu trồng không đơn giản. Hoài thích chậu sứ nhưng nghĩ tới cảnh mang vác nặng nề lại chuyển sang chậu nhựa. Chậu nhựa nhẹ nhưng to nên cồng kềnh, dù em bán hàng đã chằng buộc cẩn thận nhưng trên đường về cô vẫn làm rơi mấy bận.

Sau khi xách đất lên tầng đổ vừa kín 2 bầu cây trong chậu, Hoài đầu hàng. Để được lưng chậu như dự định, chắc phải thêm mấy lần lên tinh thần nữa.

Thế mà, mặc chút đất khiêm tốn, 2 cái cây cứ lên vù vù. Một chậu còn chìa ra cái nhánh vô cùng dũng mãnh, mải mốt vươn ra quấn rịt lấy cành quất bên cạnh. Mỗi ngày ra vườn, thấy cái vòng tua quấn dài và dày hơn, Hoài vừa ngạc nhiên vừa nóng ruột. Cô vốn định để 2 cái cây tử đằng lớn chút rồi cắm cọc vào chính giữa. Cô từng nhìn thấy những cái cây leo mắc vào một cái cọc trơ trọi mà vẫn miệt mài ra hoa. Như mấy cái cây dây leo trước đó của cô đấy thôi. Nhưng nhìn cái nhánh cây mạnh mẽ hồn nhiên kia, cô không đành lòng. Cô phải làm cho nó một cái giàn. Cô chưa biết sẽ làm như thế nào. Nhưng nhất định sẽ có.

Mấy ngày liền cô kì cụi lên mạng tham khảo, hết giờ làm lại rẽ vào mấy hàng bán cây, hoa, vật liệu hỏi han, tìm kiếm. Nhưng chẳng có phương án nào khả thi. Cái dây leo vẫn dài ra mỗi ngày.

Rồi trong một lần hí húi, cô thấy mớ dây lưới trong một cửa hàng, mắt lưới dai, chắc nhưng khá to. Người bán bảo đó là giàn dây cho mướp leo. Một tia sáng lóe lên trong đầu Hoài. Và mớ lưới được mang về nhà. Sáng hôm sau, Hoài dậy sớm hơn thường lệ, trước khi đi làm cô mang tấm lưới lên ban công tầng 3. Một mình xoay xỏa, tung rũ để có 2 đầu buộc cố định vào 2 điểm trên chỗ gờ. Sáng hôm đó nhiều gió, tấm lưới đằm tay nhưng cứ chao đảo chực rơi xuống. Hoài nhẹ nhàng nắm, giữ. Mối buộc đầu bên này sau một hồi xoay xở cũng xong.

Nhưng khó nhất là việc trèo qua cái lan can kính để men ra đầu bên kia, buộc nốt đầu còn lại vào thanh inox nhà hàng xóm. Cô vốn sợ độ cao. Trong đầu đã thoáng nghĩ đến Huy nhưng cuối cùng quyết định tự làm. Khi đầu dây cuối cùng được buộc gọn ghẽ chắc chắn, Hoài men trở lại, cô cười mỉm lấy tinh thần. Từng bước chân đặt cẩn trọng, chính xác, không cho phép bất cẩn. Cô thấy ông ngoại đang dõi theo và cổ vũ cô, ủng hộ niềm yêu thích của cô và truyền năng lượng vào những bước chân của đứa cháu gái bé bỏng. Xong, Hoài thả cái giàn xuống, nó buông vừa vặn gần chạm mấy chậu cây. Màu trắng lấp lóa như tấm mành với vô số con mắt đang cười hấp háy. Một cái giàn độc đáo chưa từng thấy, không tốn không gian, không phải khoan lắp mà vẫn có chỗ cho những ngọn cây của cô mặc sức leo, bám. Quả thật khó tin!

Cô còn kịp chuyển 2 chậu tử đằng ra chỗ thích hợp nhất, vén lá, đặt tay cho chúng lồng vào những mắt lưới đầu tiên rồi mới vội vã đi làm. Khít giờ nhưng lòng cô dâng lên niềm gì đó thật dạt dào.

Có giàn, nhánh cây vươn lên như thổi. Sớm sớm, cô có thêm niềm háo hức xem nó bò đến đâu. Có lúc, cô lặng người ngắm nghía. Mỗi cái cây quả thật giống như con người. Cô không bận tâm đến ánh mắt và thái độ của chồng nhiều nữa. Mỗi lúc trong lòng không vui, cô lại ra vườn. Thêm cái giàn, mảnh vườn như có thêm sức sống. Những cái lá tử đằng đong đưa trên mắt lưới- y như một giấc mơ. Là bàn tay và quyết tâm của cô biến giấc mơ thành sự thực. Và cô tin, sẽ đến ngày, trên cái giàn ấy lấp lánh những bông hoa tím biếc. Chắc chắn, hoa tử đằng sẽ nở!

Như trong lòng cô nở những bông hoa nhẹ nhàng, yên tĩnh. Và cô biết, những bông hoa đó sẽ giúp cô vượt qua bao giông gió phía trước của cuộc đời!

Truyện ngắn của Nhất Mạt Hương
.
.
.