Hoa đá

Thứ Ba, 26/09/2023, 22:08

Xưa thoăn thoắt bước chân trên con đường mòn độc đạo, lởm chởm đá dăm nằm vắt ngang dãy núi, trông xa như sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo. Bộ cảnh phục trên người Xưa đẫm mồ môi. Cô phải đến ngôi nhà bên kia dãy núi, bắt bằng được A Sử. Hai bên đường, những nụ hoa ngăn ngắt xanh khép mình kết thúc một ngày rực rỡ. Loài hoa kỳ lạ đa sắc chỉ mọc ở trên những mảng rêu phong bám vào đá núi, chẳng có tên nên Xưa vẫn gọi là hoa Đá.

Mặt trời lặn sau đỉnh Nà Lưa, nắng tắt dần trong thung lũng, bóng tối bắt đầu tràn xuống khe suối, mỏm đá như muốn nuốt chửng ánh sáng yếu ớt còn lại của ngày. Xưa thoăn thoắt bước chân trên con đường mòn độc đạo, lởm chởm đá dăm nằm vắt ngang dãy núi, trông xa như sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo. Bộ cảnh phục trên người Xưa đẫm mồ môi. Cô phải đến ngôi nhà bên kia dãy núi, bắt bằng được A Sử. Hai bên đường, những nụ hoa ngăn ngắt xanh khép mình kết thúc một ngày rực rỡ. Loài hoa kỳ lạ đa sắc chỉ mọc ở trên những mảng rêu phong bám vào đá núi, chẳng có tên nên Xưa vẫn gọi là hoa Đá.

*

Đã 3 năm kể từ khi Xưa quyết định rời phố để về miền xa xôi, hẻo lánh, cô như đã gắn bó với Nà Lưa. Từng làn khói bếp bảng lảng lam chiều bay lên từ những mái nhà yên bình thu mình trong thung lũng, từng con dốc, ngọn đồi đến những cặp mắt trong sáng, tinh khôi của lũ trẻ khi chúng hùa ôm lấy Xưa mỗi lần cô xuống bản, tất cả những đẹp đẽ ấy đã khắc vào trong lòng người nữ chiến sĩ trẻ những luyến lưu khó tách rời. Xưa không có ý định trở về thành phố.

a3636046fce129bf70f05.jpg -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ông Chiến, bố cô, người lính biên phòng về hưu nổi trận lôi đình, mắng con gái như chan tương đổ mẻ khi Xưa nói về quyết định của mình. Ông chẳng thể tưởng tượng được đứa con gái rượu lại sẵn sàng rời bỏ ông bố già này, ông gay gắt liên tục. “Dẹp, không có đi đâu hết”. Ông nói bất chấp mọi thứ trên đời, cả nhà có cô con gái rượu, chân yếu tay mềm, như hoa, như lá, với ông nơi rừng sâu nước độc đấy chỉ dành cho cánh đàn ông. Rồi ông đùng đùng dắt xe đi lên Công an tỉnh gặp chú Kiên giám đốc, chú vốn là bạn học với bố từ thuở thiếu thời, hai người vẫn thường xuyên qua lại, gặp gỡ nhau.

“Đó là mong muốn của cháu, tôi nghĩ anh nên tôn trọng”. Thấy ông bạn ngạc nhiên, chú Kiên nói tiếp. “Tuổi trẻ nên cho cháu thử thách, rèn luyện, vài năm lại kéo cháu về”. Ngày Xưa nói nguyện vọng của mình, chú Kiên đã chần chừ, chú đoán kiểu gì ông bạn cũng sẽ lên gặp. “Bộ đang có chủ trương đưa Công an chính quy về xã, nhưng là nam cán bộ chiến sĩ, còn nữ như cháu thì cần phải tính toán kỹ”. Chú nói vậy, Xưa phải năn nỉ, tha thiết mãi chú mới đồng ý đưa ra Ban Thường vụ Công an tỉnh xem xét.

Biết chẳng thể thay đổi quyết định của tổ chức, về nhà, ông Chiến giận bỏ bữa, ông biết tính cách cô con gái bướng bỉnh này. Nó đã nói điều gì thì quyết tâm làm bằng được. Ông không nói chuyện với Xưa cả tuần cho đến ngày cô lên đường. Hôm ấy, Xưa lên phòng chào ông trước khi lên đường, gõ mấy lần cửa vẫn im lìm, cô chào vọng vào rồi chần chừ định quay bước đi.

Chỉ đến khi ấy cánh cửa mới mở ra, trước mặt Xưa là người cha nuôi nấng cô khôn lớn, khuôn mặt chẳng còn nghiêm nghị như mọi ngày, ông thở những hơi dài thườn thượt nhìn Xưa. Không gian chỉ còn lại tình phụ tử, ánh mắt của ông ươn ướt, trĩu nặng. Cô ôm chầm lấy bố.“Khi nào nhớ nhà cứ gọi điện về cho bố, đừng lủi thủi một mình”. Nghe bố nghẹn ngào nói, Xưa không kìm được lòng dù cố tỏ ra mạnh mẽ, tình phụ tử bào nát ruột gan, cô vỡ òa, nức nở.

Xưa biết bố thương cô nhất, nhà có hai anh em, mẹ mất sớm, một mình bố gà trống nuôi con bao năm nay, không để cho anh em cô phải thiếu thốn gì. Anh trai lấy vợ ra ở riêng, còn mỗi mình Xưa là gần gũi, quấn quýt bên cạnh. Bố vẫn hay tâm sự, đời bố chỉ có hai nguyện vọng. Thứ nhất là nuôi hai anh em khôn lớn nên người, thứ hai là bố phải tìm bằng được người dân quân đã cùng bố chiến đấu hồi bố đóng quân ở đồn biên phòng Sỉ Lở Lầu. Bố kể, hồi xung đột biên giới, trong lúc ngăn quân giặc tràn lên đồn, người dân quân ấy đã bị thương khi lao lên hứng một viên đạn nhằm vào bố. Sau chiến tranh bố đã quay trở lại tìm nhưng không thấy tin tức, giờ nguyện vọng chưa thành khiến ông vẫn thắc thỏm. Đối với người lính, điều đó chẳng khác gì một vết thương chưa lành, cứ đau đáu mỗi ngày gặm nhấm tuổi già.

*

Đường lên Nà Lưa hơn trăm cây số nhưng phải đi mất nửa ngày đường. Khi còn sinh viên, Xưa đã từng theo đoàn tình nguyện lên trên này, một nơi heo hút, hẻo lánh thiếu thốn văn minh nhưng đầy ắp tình người. Hồi ấy mùa mưa, đường đất, sình lầy ngập bánh xe không đi được, muốn vào thung lũng chỉ còn cách đi bộ cả chục cây số. Những căn nhà đơn sơ, mỏng manh dựa vào núi cao, những người dân lam lũ thiện lương, người thầy giáo khắc khổ bán tuổi thanh xuân bám điểm trường dạy lũ trẻ thiếu cơm, đói chữ đã hằn sâu trong Xưa một tâm nguyện nhất định sẽ trở lại nơi này.

Sau thời gian ngắn công tác trên huyện, Xưa nhận nhiệm vụ vào xã Nà Lưa, nơi đây nằm gọn trong thung lũng, bốn bề là núi đá thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Cô gặp lại những người dân đôn hậu, họ nhận ra cô trong niềm nở hạnh phúc, nhưng cô chợt thấy trong sâu những đôi mắt ấy đầy những trăn trở, khổ đau. Hóa ra, mấy năm trước, cơn bão ma túy thổi qua, càn quét khiến những căn nhà trở nên sập xệ. Những đôi mắt long lanh từ thung lũng hướng lên đón ánh mặt trời trên đỉnh Nà Lưa mỗi sớm giờ mang nỗi buồn thăm thẳm. Cỏ cây héo úa. Phụ nữ tàn tạ. Từ con dốc xa tới cửa rừng, cả thung lũng nhuộm màu u uất, thâm trầm. Công an chính quy về, vất vả cật lực, bằng sự tận tâm và nhiệt huyết của thanh xuân, bằng sự chân thành để nhận lại tin yêu của dân bản. Xưa đã cùng đồng đội bóc gỡ lần lượt các tụ điểm ma túy đang ăn sâu bén rễ, những tên tội phạm bị bắt gần hết, chỉ còn lại A Sử. Hắn đã trốn thoát sang bên kia biên giới sau lần vây bắt của Xưa và đồng đội hồi đầu năm.

Hôm nay, Xưa trực một mình tại trụ sở, những đồng đội khác đang đi công tác dưới huyện. Cô nghe tin báo có thể trong hôm nay A Sử sẽ về Nà Lưa, nhưng hắn không trở về nhà riêng dưới thung lũng mà về nhà bố mẹ đẻ hắn ở tít tận phía bên kia đỉnh Nà Lưa. Sợ vuột mất lần nữa, Xưa vội chuẩn bị công cụ hỗ trợ và một mình luồn rừng, vượt núi đến thẳng nhà bố mẹ A Sử, đồng thời thông báo cho đồng đội khẩn trương về phối hợp.

Bố mẹ A Sử đã già, Xưa gặp vài lần khi ông bà xuống bản. Trong mắt bố mẹ, đó là đứa con có hiếu, biết lo cho gia đình. Khi thông báo truy nã về gia đình, giọng người bố thống thiết. “Mong nữ cán bộ công an đưa con tôi về với xã hội, giúp nó khỏi lầm đường, lạc lối”.

*

Từ xa, giữa những màu xanh thẳm, căn nhà nhỏ dựa lưng vào núi của bố mẹ A Sử trông chẳng khác gì một sự cô độc, mái nhà đổ màu xanh rêu đặc sền sệt như muốn ẩn vào lẩn khuất núi rừng. Phía trước nhà, ông Chư đang buộc lại mấy cành đào tua tủa cho gọn lối vào. Cạnh đó, bà vợ lom khom hái những ngọn rau xu xu non trong vườn. Bà từng bị tai biến nên chân tay có phần chậm chạp, những công việc nặng ông chẳng để cho bà đụng vào. Có lần Xưa nghe ông Chư kể thằng A Sử bảo bố mẹ xuống bản ở với các con cho tiện chăm sóc lúc ốm đau nhưng ông bà chưa chịu, tết năm nay định xuống thì nó bị truy nã. Nhìn khung cảnh yên bình và thái độ của ông bà, Xưa biết A Sử chưa về, cô quyết định chưa vào nhà mà ngồi bên một mỏm đá dõi theo từ xa. Cạnh đó, những cụm hoa đá mong manh đã khép, loài hoa bé nhỏ nhưng mạnh mẽ, cứ gặp ánh mặt trời là rực rỡ, bung nở thăng hoa, đồng đội cô bảo loài hoa chỉ có ở nơi này trong dãy Hoàng Liên Sơn.

Mải mê với nhiệm vụ khiến Xưa không cảm thấy đói, trên người cô lúc này chỉ có khẩu súng K59 đầy băng đạn và một chiếc còng số 8. Đây là lần đầu Xưa thực hiện nhiệm vụ một mình nhưng cô chẳng hề nao núng. Đôi mắt người nữ công an vẫn neo bên sườn núi, không ngừng quan sát ngôi nhà. Vợ chồng ông Chư có lẽ chắc vẫn chưa biết gì nên không tỏ vẻ lo lắng, quan sát hay nghe ngóng xung quanh. “Có lẽ là tối nay”. Xưa nghĩ và đón bóng đêm đang lấp ló tràn ra từ phía cửa rừng.

Khói lam mờ ảo tỏa mùi sắn thơm lừng từ mái nhà bện rêu phong, Xưa thấy nao nao, cô nhớ đến bố mình. Đã hai năm nay cô không về ăn tết cùng ông, mấy hôm trước khi cô gọi điện về báo trực, giọng bố như khựng lại, phải một lúc sau bố cô mới nói chuyện tiếp. Xưa nghe trong sâu thẳm qua lời dặn dò những nghẹn ngào ngắt quãng của bố “Con đừng lo, cứ an tâm công tác”. Nay ba mươi tết rồi, chẳng biết ở nhà bố đã sắm đào, quất gì chưa, Xưa nghĩ. Bóng đêm như đùn lên từ đất, đặc sền sệt, nuốt chửng xung quanh, thứ ánh sáng duy nhất lúc này là ngọn lửa lay lắt trong căn nhà lọt ra ngoài càng làm cho cảm giác nhớ nhà của Xưa chênh chao đến tận cùng.

Đột nhiên, Xưa nghe tiếng gà cục tác liên hồi như sợ hãi phía sau nhà, cửa vội đóng im ỉm. Không kịp đợi đồng đội lên phối hợp, điện thoại chỗ này không có sóng. Chắc lúc này mọi người cũng đang lo lắng cho cô, có lẽ cơn mưa lúc sáng đã cản lối về của họ. Thoáng suy nghĩ, bằng linh cảm nghề nghiệp, cô khom người nhẹ nhàng bước về phía ánh lửa trong tiếng húng hắng ho như đá lăn của bà mẹ rơi vào đêm.

*

“Đầu thú đi, suốt ngày trốn chạy như con ma đói khổ lắm con ơi, mẹ mày sắp không chịu nổi nữa rồi”. Giọng thào thào của ông Chư vừa nói vừa gắp từng miếng sắn trong nồi ra đĩa. Cạnh đó trên chiếc chăn cũ kỹ rải bện dưới sàn nhà, bà vợ đang ngồi vuốt ngực phì phò, tên A Sử quỳ phục ôm lấy bà mẹ. Khuôn mặt hắn lấm lem, nhếch nhác, rồi hắn vội vã cầm lấy một củ sắn còn đang nóng hổi, nghi ngút khói đưa lên miệng, hắn thổi phù phù hơi cho bớt nóng, rồi ngấu nghiến nhai. Hai hàm răng đen ố kéo lên xuống, ngang dọc liên tục, trông chẳng khác gì một con thú hoang bị bỏ đói nhiều ngày. “Đầu thú đi con”, giọng bà mẹ thều thào. A Sử ngừng nhai, ngước lên nhìn mẹ, lại liếc sang nhìn bố, mắt hắn trào ra dòng nước. “Không, sợ ở tù lắm”. A Sử mếu máo nói.

“Thế sao mày còn đâm đầu vào thứ ma quỷ ấy, ai sai khiến, rủ rê cái bụng mày để bây giờ thân tàn ma dại thế này”. Ông Chư gắt lên to hơn nhưng vẫn cố kìm lại để tiếng nói không lọt ra ngoài.

Sử trợn mắt, không phải với bố, mà hắn đang bị nghẹn, hắn vội với lấy cái siêu nước chè cạnh đó đưa lên miệng tu ừng ực. Xong hắn thở dài thành tiếng, bàn tay lại vớ miếng sắn tiếp theo. Lúc này, cánh cửa gỗ bật tung, A Sử giật mình ngã người về phía sau theo quán tính, miếng sắn trên tay rơi xuống đất. “A Sử, anh đã bị bắt”. Một giọng nói đanh thép vang lên, xé toang không khí lén lút, sự hoảng sợ bao trùm lên khắp ba khuôn mặt hai già, một trẻ.

Miếng sắn trên tay A sử rơi xuống, trước mặt hắn là nòng súng đen ngòm trên tay người nữ công an tên Xưa, khắc tinh của Sử và đồng bọn mấy năm qua đang hướng thẳng mặt hắn, chỉ cần có dấu hiệu chống đối là siết cò. Cạnh đó, ông Chư run rẩy giơ hai tay về phía Xưa lắp bắp. “Cán bộ… cán bộ bình tĩnh, nó vừa về, vợ chồng tôi đang thuyết phục nó ra đầu thú”. Nói rồi ông nhìn vợ tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ. Nhưng miệng ông há hốc khi thấy bà vợ đang ôm lấy đầu, mắt bà đờ đẫn. “Cứu vợ tôi”. Nói rồi ông Chư lao đến bên người đàn bà đang nằm vật ra sàn, có lẽ do hoảng sợ và lo lắng nên bà tái phát bệnh.

Trong khi súng vẫn đang hướng về A Sử, mắt Xưa nhìn bà mẹ đang vật vã, cô nghĩ đến căn bệnh cũ của bà. Thấy A Sử hốt hoảng có ý vùng dậy chạy, lý trí khiến Xưa định nổ súng, bõ công những ngày tháng vất vả, tìm kiếm, truy đuổi tên tội phạm nguy hiểm, cô hét lên. “Không được chạy, nếu không tôi bắn”. Nhưng hắn dường như vẫn cố tình nhoài người về phía cửa sau. Nhìn bà mẹ đang cận kề giây phút sinh tử khiến ngón trỏ của Xưa không thể bóp cò.

Lúc này, trái tim Xưa đã lấn át hoàn toàn lý trí, không thể để nỗi đau chồng lên nỗi đau. Chẳng băn khoăn, cô rút súng lại, chỉ chờ có thế A Sử lao vụt về phía cửa sau rồi biến mất vào màn đêm đen kịt. Xưa nhìn tên tội phạm tẩu thoát mà bất lực, có thể sẽ phải chờ rất lâu nữa, hoặc không bao giờ Xưa mới bắt được A Sử. Cô vội lao đến chỗ bà mẹ cùng với ông Chư sơ cứu rồi đưa bà đến trạm y tế xã. Người chồng đã già yếu hổn hển cõng bà vợ được một đoạn thì khuỵu xuống, Xưa phải cõng bà suốt chặng đường dài, đến nơi thì cô cũng lả đi.

*

Do được đưa đến kịp thời nên bà vợ đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn rất yếu, cần chuyển xuống bệnh viện tuyến trên để điều trị. Sáng hôm sau, trong khi chờ đợi xe cứu thương từ huyện đến, ông Chư hớt hải chạy sang trụ sở công an xã ngay cạnh trạm y tế để tìm Xưa. Nhìn Xưa, ông Chư rơm rớm nước mắt. “Gia đình chúng tôi nợ cô hơn một mạng người”. Xưa vội đỡ dậy trước khi ông kịp quỳ xuống. Người đàn ông tội nghiệp sụt sùi lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt gầy khắc khổ, đời ông cũng lắm biến cố, thăng trầm. Dù không bắt được A Sử nhưng có lẽ lòng Xưa cũng thấy nhẹ nhàng khi kịp thời cứu được bà mẹ.

“Xưa ơi”. Cô giật mình nghe tiếng ai quen thuộc phía xa, nơi đầu con dốc dẫn vào Nà Lưa, dáng người ấy, giọng nói ấy chẳng lẫn vào đâu được. “Bố ơi”, tiếng Xưa hạnh phúc vọng ra phía con đường có người đàn ông đang đi đến. Nhìn con gái chạy ra, ông Chiến ôm chầm lấy con gái âu yếm .“Bố lên ăn tết với con”. Xưa rúc vào bàn tay thô ráp của người đàn ông đang vuốt lên mái tóc mình. Lúc này, ánh mắt ông Chiến để ý người đàn ông phía sau con gái, bố cô khựng lại, hai mắt ông nheo lên như muốn nhìn rõ người đàn ông kia “Chư phải không, có phải Chư ở Nậm Cáy, Phong Thổ không?”. Ông Chư cũng ngớ người, ngờ ngợ. “Phải, ông là…”.

“Tôi, Hoàng Văn Chiến ở đồn Sỉ Lở Lầu đây”.

“A, nhớ rồi, bộ đội Chiến”. Ông Chư reo lên, hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau sung sướng. Chưa bao giờ Xưa thấy bố cô vui đến thế, dường như vết thương âm ỉ bao năm qua của bố đã tan biến giữa thung lũng này.

Qua câu truyện của hai người, Xưa biết được ông Chư chính là người dân quân du kích bố cô vẫn thường nhắc đến, sau chiến tranh ông đã dạt sang dãy núi Nà Lưa và lấy vợ tại đây, vết thương trên bả vai giờ vẫn đau âm ỉ mỗi khi mưa gió. Trước khi chia tay đưa vợ xuống viện ông Chư nhìn bố con Xưa bịn rịn như muốn nói điều gì mà không thể thốt thành lời. Ông hẹn nhất định sẽ gặp lại sau khi vợ ra viện.

*

Tết năm ấy là một cái tết đáng nhớ đối với ông Chiến, ông tìm được người dân quân cứu mình năm xưa, được cô con gái rượu đưa đi thăm khắp thung lũng Nà Lưa, đến đâu cũng tự hào khi nghe người dân ai cũng hồ hởi, quý mến con gái ông, coi cô như ân nhân của người dân nơi này. Ông thích thú khi thấy ở đây hoa đào, hoa mận nở khắp nơi nhưng ông vẫn chú ý đến một loài hoa đẹp đến lạ. Tò mò hỏi, con gái ông bảo đó là hoa Đá, loài hoa đã sắc nở rực rỡ trong ánh mặt trời. Ông Chiến cười khà khà, trong ông bây giờ có một bông hoa đá đang rực rỡ mỉm cười.

A Sử ra đầu thú ngay hôm sau, nghe mọi người nói, hắn ta muốn trả ơn người nữ công an đã cứu mẹ mình.

Truyện ngắn của Bùi Tuấn Minh
.
.
.