Đối mặt
Thế là hôm nay điều tôi muốn đã toại. Thằng Đức đang đứng trước mặt tôi. Vâng! Chính nó, thằng chạy thoát trong đám buôn lậu lúc sáng chúng tôi bắt. Tôi đang đối mặt với nó. Nó khác xưa quá nhiều, nhưng tôi đã nhận ra nó, cũng như nó đã nhận ra tôi. Cuộc sống giang hồ đã làm nó trở nên lì lợm hơn. Đôi mắt nó vô hồn, cái đầu thì húi cua trọc lốc, mặt nó có vẻ câng câng. Hai cánh tay đen bóng nó xăm trổ lằng nhằng, tôi chỉ đọc được hai chữ “hận đời”.
Mặt trời đang khuất dần sau dãy núi bên kia biên giới. Ánh nắng yếu hẳn giống như một người đã đem hết sức lực làm việc đến giờ nghỉ về nhà ăn tối. Luồn lách suốt từ trưa tới giờ, tôi đã đến bên bờ con suối biên giới đầy thơ mộng này. Tôi nói là thơ mộng bởi vì nước của nó rất trong và xanh, giữa dòng lại có những lèn đá lô nhô đủ các hình thù, nhìn cứ như một mini Hạ Long vậv. Bờ suối dưới chân tôi đứng là một bãi mùi tàu xanh đậm và cứng. Giống mùi tàu tự nhiên ở bờ suối này chắc chắn hơn đứt những bó mùi tàu bán dưới xuôi về mùi hương và chất lượng. Hình như là cái gì của tự nhiên cũng “xịn” hơn nhân tạo. Giá như những hôm khác thì đến đây thế nào tôi cũng phải làm vài bó đem về đội. Thứ này ăn hoa chuối kèm rau kinh giới thì cứ gọi là tuyệt vời.
Vâng, quãng suối này quả là tuyệt vời nếu như giờ đây tôi không đối mặt với thằng buôn lậu sừng sỏ. Mất hàng tháng trời cất công điều tra, nghiên cứu, hôm nay Đội Đặc nhiệm của tôi đã cất một mẻ lưới khá mỹ mãn. Giữa lúc anh em đang xông vào khóa tay từng thằng một, thì tên này nhanh như chớp ôm chiếc ba lô lăn vào bụi rậm và mất hút. Có chiến sĩ định nổ súng đuổi theo. Nhưng tôi ngăn lại. Tôi chỉ kịp dặn anh em hãy giải đám bị bắt về trước, còn mình khẩn trương đi theo nó.
Phán đoán của tôi quả không sai. Nó chỉ có con đường mòn độc nhất qua quãng này để sang bên kia biên giới. Theo dấu vết của nó để lại tôi càng chắc chắn điều này và nó cũng không biết tôi còn có một lối tắt nữa đến đây trước để chờ nó. Nó sững người lại khi nhìn thấy tôi như dưới đất mọc lên. Hai con mắt nó ngó tôi trân trân. Tay nó vẫn nắm chặt chiếc quai ba lô trên vai. Nó định nhào xuống suối, nhưng hình như chân nó bị ríu lại không cất lên được.
Nó sợ tôi chăng? Có thể lắm chứ. Vì tôi, súng ngắn lên đạn đã cầm tay, ngang thắt lưng một con dao găm và bên cạnh lủng lẳng chiếc còng số 8. Nhưng mà cũng có thể không, vì với những người buôn lậu qua biên giới, lại buôn hàng quốc cấm nữa chúng đâu có sợ đến thế. Tôi đã đối mặt với bọn này nhiều lần rồi, bọn nó chống cự đến cùng, không bao giờ dễ dàng đầu hàng. Người ta bảo: “Đồng tiền liền với ruột” chả sai. Vậy cái gì đã làm nó ríu chân lại và bớt liều lĩnh? Lúc sáng, cả Đội Đặc nhiệm súng ống đầy đủ thế nó còn chẳng ngán, vậy mà lúc này trước tôi sao nó lại sững người. Đúng lúc này thì tôi cũng dụi dụi mắt để nhìn nó rõ hơn...
*
Tôi với thằng Đức cùng tuổi với nhau, năm nay ba mươi, kể cả tuổi mụ là ba mươi mốt, tuổi Đinh Mùi. Người ta bảo con giai tuổi này có tài thì thật có tài còn không thì chỉ đi ăn cướp. Lúc nhỏ, nghe người lớn kháo nhau thì biết thế thôi, chứ chúng tôi hiểu cái gì đâu. Nhà tôi ở gần nhà thằng Đức, cùng một ngõ. Hai đứa chúng tôi chơi với nhau từ bé.
Tôi còn nhớ hồi chúng tôi mới năm tuổi thì B52 của Mỹ đánh phá. Ở chỗ sơ tán, hầm nhà thằng Đức chật, mẹ nó phải gửi nó sang hầm nhà tôi vì nhà tôi chỉ có hai mẹ con. Lúc ấy, hai thằng trẻ con chúng tôi lại thấy khoái vì tự nhiên được xuống “đất” để chơi. Chúng tôi chơi thân với nhau từ đấy.
Mẹ thằng Đức là một bà đồng cốt, chẳng hiểu sao, nhưng tôi nghe lỏm được hôm ấy bà nói chuyện với mẹ tôi: “Tôi tính tuổi cho hai đứa này rồi. Chúng nó cùng tuổi nhưng sinh khác tháng. Thằng Hà nhà cô được mùa sinh, sau khá đấy. Thằng Đức nhà tôi chắc chẳng ra gì! Mới bé thế mà thấy cái gì cũng nhặt đem về”.
Không ngoa chút nào nếu nói thằng Đức là thằng ăn cắp “bẩm sinh”. Hình như nó sinh ra là để... ăn cắp. Tôi với nó học cùng một lớp. Ngồi gần nhau. Trong lớp chỉ cần đứa nào có cái gì hay hay mắt hở ra là nó “thuổng” luôn. Bọn trong lớp, nhất là bọn con gái sợ nó vô cùng. Đang khoe khoang cái gì mà thấy thằng Đức bước vào là chúng nó im bặt. Ở nhà bất kể cái gì dù của gia đình hay của hàng xóm, từ tiền, trứng gà đến con dao, hễ nó thích là “bốc hơi” ngay.
Một hôm bà đồng - mẹ nó, lễ thổ thần ở ngoài sân, vừa quay vào nhà xong quay ra thì đã thấy biến mất nải chuối và gói oản. Bà chửi bới om sòm. Trong lúc đó thì thằng Đức đang chiêu đãi bọn bạn ngoài lũy tre. Thằng Đức “thuổng” được cái gì xơi rất hay chiêu đãi tôi. Hôm nào nó không làm bài được thì tôi sẵn sàng cho nó chép. Bây giờ lớn lên tôi mới hiểu, lúc ấy cho nó chép thì chẳng qua vì sợ “há miệng mắc quai”.
Thấy tôi lúc nào cũng cặp kè với thằng Đức, mẹ tôi bảo: “Mày cứ đi với thằng Đức thì hỏng đấy con ạ. Xa nó ra”. Tôi ậm ừ cho qua chuyện nhưng không xa nó. Xa thế nào được khi nó thuộc dạng “sư phụ” về những trò nghịch ngợm của trẻ con. Bố tôi là sĩ quan Công an. Một hôm ông về, nhìn thấy tôi đi với thằng Đức, một thằng da đen cháy, mắt trắng dã bèn hỏi mẹ tôi: “Chiều tôi thấy thằng Hà đi với con nhà ai đấy?”. Mẹ tôi trả lời: “Thằng Đức con bà đồng Tỵ ở ngõ nhà ta đấy mà”. Bố tôi im lặng đốt thuốc rồi tiếp: “Thằng này có tướng sớm vào trại”.
Trưa hôm sau, ăn cơm xong tôi đang nhổ tóc sâu cho bố thì nghe om sòm phía nhà thằng Đức, tôi đã thấy nó bị trói chặt ở gốc tre. Anh nó gấp tư cái dây thừng và cứ nhằm chân với lưng nó mà quật. Thằng Đức trố mắt ra không kêu câu nào, mặt nó lỳ lợm hết chỗ nói. Mẹ nó nhảy choi choi hét: “Cơm không ăn thì ăn cứt... Cơm không ăn thì ăn cứt”. Tôi hỏi bà chị nó đứng xem cạnh đấy. Chị nó nói rằng, hôm nay có khách đi “bình bịch” đến xem bói bà đồng. Thằng Đức mắt trước mắt sau “làm việc” luôn cái túi ở tay lái xe ông khách. Lúc ra về chưa biết xử lý ra làm sao thì bà đồng vào buồng bắt gặp thằng Đức đang đếm tiền... Sau khi phân bua với khách, bà đồng quyết định trừng phạt thằng Đức.
Tôi cứ tưởng sau trận ấy, thằng Đức “tởn” đến già. Vậy mà tôi nhầm. Tôi cứ nghĩ nó như tôi. Hầu như tuần nào cũng có người đến cổng nhà thằng Đức mà réo gọi bố mẹ nó. Sau mỗi cuộc réo gọi của hàng xóm thì thằng Đức lại ôm gốc cau hoặc ôm gốc tre... Hình như nhà nó không bao giờ nói ngọt với nó, cứ có vụ việc là nện. Hay mẹ nó là bà đồng, ứng dụng học thuyết của Hàn Phi Tử “nhân chi sơ, tính bản ác” đối lập với học thuyết “nhân chi sơ, tính bản thiện” của Khổng Tử là lấy ác để trị ác. Đến lúc, việc đánh thằng Đức đã tạo thành phản xạ có điều kiện của nó. Cứ có người réo ngoài cổng thì thằng Đức tự giác ôm gốc cau, còn mẹ hoặc anh nó thì rút roi ra.
Một buổi chiều, chúng tôi thả trâu trên gò cây đa. Cạnh đấy là vườn ươm của các cụ phụ lão. Sau khi đã bơi, tắm chán chê chúng tôi bèn chia quân ra chơi đánh đạp. Có một thằng về sau báo rằng nó đã “trinh sát” được ngôi nhà ở vườn ươm có rất nhiều thức ăn. Thì, hôm ấy các cụ liên hoan tổng kết mà lại! Thằng Đức bảo thằng kia: “Biết rồi, nhưng có ai không?”. Tên kia trả lời: “Đi vào trong xã họp hết rồi”. Thế là thằng Đức hô: “Làm việc!”.
Cả bọn xông lên khu vườn ươm. Chúng tôi chia nhau gác các hướng và cử ba thằng nhấc cửa, vào nhà. Chúng nó bê được một nồi thịt kho. Đem lên gốc đa, cả bọn chúng tôi xúm vào nhúm ăn vã. Thời ấy còn bao cấp, bữa cơm hàng ngày chủ yếu là rau, đậu, tương, cà, muốn ăn thịt chỉ chờ có cỗ. Được ăn vã chán chê thịt, chúng tôi cảm thấy khoái kinh khủng. Thật đúng là “Trâu bò được ngày phá đỗ/ Con cháu được ngày... các cụ liên hoan”. Thằng Đức một lúc sau mới về. Nó còn xách thêm một nải chuối và giấu cái gì nữa trong áo. Nó gạt bọn bạn ra, xông vào và bốc thịt chén lia lịa. Nó bảo: “Mẹ tao cúng thì chỉ có xôi, chuối, oản thôi chứ không có thịt”. Nồi thịt đã hết nhẵn.
Đám “con cháu” tráng miệng bằng chuối xong, thằng Đức mới trịnh trọng lấy ra một cái đài. Bọn chúng tôi trố mắt ra nhìn, sợ xanh mắt. Không đứa nào nói được một tiếng. Một cái rađiô ba băng hồi ấy quan trọng lắm, không phải ai cũng có. Lúc ấy người lớn còn nài nỉ nhau để nghe galen một chút, vậy mà nó dám lấy cái đài. Nếu tôi không nhầm thì các anh thanh niên đi tán gái mà có “quả” đài đeo bên hông cứ gọi là “xong đứt”. Nhưng mà thằng Đức rất “tởm”, nó nói: “Sợ gì, chúng mày có thích nghe không?”. Miệng nói tay làm, nó vặn mấy cái thế là cái đài nói ngay. Đang đọc truyện “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”. Cơn sợ qua nhanh, cả lũ há hốc mồm ra ngồi nghe. Đến khi trời đã về chiều chúng tôi bàn nhau cho vào hốc cây đa để hôm sau nghe tiếp.
Buổi tối, ăn cơm xong tôi đang nghịch, cầm đuôi con mèo giật giật thì thấy anh Sang Công an xã vào. Anh và mẹ tôi rì rầm to nhỏ một lát ở cái bàn nước ngoài sân. Tôi bỗng thấy chột dạ, định chuồn đi chơi thì mẹ tôi gọi giật lại: “Hà, mẹ bảo!”. Tôi đến gần cố bình tĩnh nhưng chân run bắn rồi. Mẹ nói: “Con đi với anh Sang có việc”. Tôi không nói được câu nào. Anh Sang cầm tay tôi: “Đi chứ cậu cả”. Xuống đến ủy ban, tôi đã thấy một đám lốc nhốc ở đấy rồi. Không cần hỏi nhiều, có gì chúng tôi phun ra hết. Sau đó, thằng Đức phải dẫn anh Sang đi lấy đài về. Chúng tôi được tha nhưng bị thông báo cho nhà trường. Năm ấy tôi xếp loại đạo đức trung bình. Thằng Đức thì bỏ học hẳn. Đó là năm cuối cấp hai.
Tôi thi đỗ vào cấp ba. Bố tôi cho tôi xuống học ở Hà Nội và sống cùng. Tối hôm trước khi đi, tôi với thằng Đức ra lang thang mãi trên đê. Nó nói: “Mày đi rồi tao không biết chơi với ai, mà ở nhà thì tao chán lắm. Đi thì thôi chứ về đến nhà tao chỉ muốn biến ngay. Các ông, các bà ấy coi tao là người bỏ đi rồi”. Tôi nói: “Thỉnh thoảng tao sẽ xin phép về, chúng ta lại đi chơi”. Thằng Đức không nói gì. Nó đưa cho tôi năm đồng nhưng tôi không dám lấy, sợ nó lại “thuổng” được của ai đấy.
Mấy năm cấp ba, thỉnh thoảng tôi về vẫn đi chơi với nó. Nhưng từ khi đỗ đại học thì tôi ít về quê hẳn. Thỉnh thoảng, mẹ tôi lại khăn gói từ quê xuống thăm bố con tôi. Năm thứ ba Đại học Biên phòng, tôi có về quê mấy bữa. Mẹ tôi nói: “Thằng Đức đi bụi rồi con ạ”. Tôi không tin, bởi làng tôi vốn chân chất, xưa nay chưa có ai hư hỏng bao giờ. Thằng Đức hồi trước chẳng qua là thói trẻ con thôi. Nhưng mẹ tôi vẫn nói rằng: “Ở làng mỗi khi thấy mặt nó về là người ta sợ. Tối đến nhà nào cũng đóng chặt cổng cửa kẻo có cái gì bọn thằng Đức nó làm hết”.
Có nhà chị nọ bị mất con lợn. Sáng hôm sau gặp thằng Đức, chị hỏi: “Mày không thương chúng tao à! Nuôi con lợn là ky cóp cả năm chứ giàu có gì đâu”. Thằng Đức thản nhiên: “Đợt này chúng em không “đi” lợn, chỉ “đi” gà thôi”. Nó cứ làm như trộm cắp là một nghề rất chính đáng vậy. Tôi hỏi mẹ: “Thế Công an xã chịu à?” Mẹ tôi thở dài rồi bảo: “Thì chúng nó cứ vặt vãnh vậy thôi, có bắt được quả tang đâu. Có những vụ bắt được, Công an bắt lao động công ích vài ngày rồi thôi. Bây giờ đến tháng củ mật thì những thằng như thằng Đức bắt buộc phải ngủ tập trung ở ủy ban, sáng hôm sau mới cho về đi làm cũng đỡ phần nào”.
Năm tốt nghiệp ra trường, chuẩn bị nhận công tác, tôi về thăm mẹ vài ngày. Lần ấy, tôi đã đụng hội thằng Đức trong một tình thế rất oái oăm. Buổi tối tôi đi chơi nhà ông anh họ về khuya. Lúc qua đê, tôi nghe có tiếng kêu thất thanh phía trước, bèn đứng lại. Được một tý thì có hai bóng đen chạy thục mạng trở lại, cả hai đứa đều bịt mặt. Tôi chợt nghĩ “cướp giật” và quát, “Dừng lại!”. Hai thằng kia nhảy vào tấn công tôi nhằm tẩu thoát. Tôi đâu có sợ. Tôi vừa ra trường, thanh niên trẻ nên “máu” lắm. Quả nhiên, chúng không “làm việc” được tôi.
Tôi tóm được tay một thằng và bẻ quặt ra sau. Thằng kia nhảy vào cứu thì tôi cho một gót vào giữa mặt. Nó lảo đảo rồi chạy luôn. Tôi lột cái khăn ở mặt thằng này ra, thì sững người: Thằng Đức! Tôi buông nó ra: “Không ngờ mày đốn mạt đến thế này”. Nó cúi gằm mặt xuống. “Tao không muốn nhưng trót nợ chúng nó một số tiền. Mày tha cho tao, bây giờ mày bắt tao về xã thì không còn mặt mũi nào. Nhá! Tha cho tao đi. Một lần này thôi”.
Tự nhiên máu anh hùng trong người tôi nổi lên. Ừ thì tha cho nó một lần, đã sao. Ở đây chỉ có tôi và nó cốt thu giữ được cái túi trả lại người mất là được. Lúc ấy tôi rất ngây thơ, tôi nghĩ là nó nói thật. Tôi nhặt cái túi lúc nãy tôi đánh văng ra khỏi tay nó rồi quát, giọng rất kẻ cả: “Thôi được, biến đi, đừng để lặp lại lần thứ hai nữa đấy”. Nó quay đi và nói: “Tao ơn mày”.
Vừa lúc đó người đàn ông bị giật túi hớt hải chạy tới. Sau khi nghe kể lại đầu đuôi, tôi đưa cho ông ta cái túi. Ông ta ngạc nhiên: “Chú đánh được chúng à? Giỏi thật! Nhà chú ở đâu để tôi biết”. Tôi xua tay: “Không có gì, thôi ông về đi. Lần sau đi đâu phải cẩn thận”, rồi lầm lũi bước về nhà. Tới nhà, mẹ tôi cầm đèn ra mở cổng. Bà ngạc nhiên nhìn quần áo tôi xộc xệch, dính đầy đất rồi hỏi: “Sao quần áo đầy đất thế này?”. Tôi lấp liếm: “À lúc nãy ngắm trăng, con bị trượt xuống chân đê”. Mẹ tôi chỉ nói: “Đi đứng phải cẩn thận, lớn rồi mà mày cứ như trẻ con”.
Hôm sau thì tôi lên đường về đơn vị mới. Từ đợt ấy tôi không được tin tức gì về thằng Đức nữa. Lâu lâu về nhà nghe người ta nói thằng Đức đi ăn cướp bị đánh “hội đồng” chết trên bãi vàng. Lại có người nói thằng Đức bây giờ là trùm một băng cướp lừng danh. Tôi không biết tin vào đâu. Tôi chỉ cầu mong nó đi làm ăn xa chứ không phải đi ăn cướp. Nếu quả nó đã trở thành thằng tướng cướp thì tôi ân hận quá.
Tôi có sang nhà nó thấy gia cảnh rất bí bét. Ông anh nó được bốn con “vịt giời” bực bỏ đi lấy vợ hai. Bố nó đã bị lòa đôi mắt, còn bà mẹ thì vẫn nhảy múa, bói toán quanh năm, suốt tháng. Có lẽ tiền bói được đều đổ vào mấy cái “tàu há mồm” kia hết, nên nhà cửa tiều tụy lắm. Tôi hỏi thăm thằng Đức, mẹ nó trả lời: “Cho nó đi luôn, đừng về nữa. Ngài phạt nó”. Chán tôi bỏ về.
*
Tôi về Đội Đặc nhiệm biên phòng đã được 8 năm. Công việc cuốn hút làm cho tôi quên hẳn thằng Đức. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn cứ viết thư cho tôi. Mẹ nói, làng xóm đã có nhiều thay đổi, tình hình an ninh giờ rất khá. Mẹ còn đang nhắm cho tôi một cô giáo trường làng. Bố tôi đã làm một Trưởng phòng trên Bộ. Gửi thư cho tôi, ông vẫn hay nói về “tâm lý học tội phạm”.
Có một hôm cao hứng, tôi bỗng viết thư và kể lại lần tha cho thằng Đức ngày xưa. Ông mắng tôi rằng, tôi là thằng sĩ diện hão, hảo hán rởm. Nếu biết được, hồi ấy ông sẽ đề nghị cơ quan hạ hẳn một cấp cho tôi biết thân. Và ông lại nói về thằng Đức, ông tự hào là ông phán đoán không sai. Sai đúng tôi không biết, nhưng mới nhìn một thằng nhóc con mà khẳng định sau này nó sẽ vào tù thì tôi không đồng ý với bố.
Công việc ở vùng biên giới này, mấy năm qua đã làm tôi rắn rỏi hơn nhiều. Tôi không còn là một sĩ quan trẻ mới ra trường, nhìn đời đầy thơ mộng nữa. Trong công việc, tôi đã không còn mềm lòng trước những dòng nước mắt, những lời van xin não ruột của đám phụ nữ vượt biên cũng như không hề run sợ trước những tên buôn lậu hoặc côn đồ hung hãn.
Đọc lá thư của bố, tôi cứ nghĩ mãi đến thằng Đức. Có phải nó không hoàn lương được? Có phải con người sinh ra đã được định đoạt số phận sẵn rồi? Có phải nó sinh ra trên đời là để phạm tội? Tôi đã nhớ cái hôm (hồi nhỏ) nghe lỏm được bà đồng, mẹ nó nói về tương lai của nó với mẹ tôi. Chả lẽ bà đồng “thánh” thật? Nghề nghiệp của tôi không cho phép tôi tin tưởng điều này. Đã có lúc, trên này chúng tôi cho một lô, một lốc thầy mo đi cải tạo lao động là gì? Nhưng còn bố tôi? Bố tôi cũng “thánh” hay sao? Sau đó tôi đã tìm ra câu trả lời. Đúng, bố tôi “thánh thật”, nhưng không phải “thánh mớ bái”. Một thằng nhóc hay ăn cắp vặt mà gia đình không có phương pháp giáo dục đúng đắn thì sau này nó tất hỏng. “Bé không vin, lớn gẫy cành” mà. Có thế mà mãi tôi mới nghĩ ra. Ngu quá! Tôi muốn đối mặt với thằng Đức lần nữa.
Thế là hôm nay điều tôi muốn đã toại. Thằng Đức đang đứng trước mặt tôi. Vâng! Chính nó, thằng chạy thoát trong đám buôn lậu lúc sáng chúng tôi bắt. Tôi đang đối mặt với nó. Nó khác xưa quá nhiều, nhưng tôi đã nhận ra nó, cũng như nó đã nhận ra tôi. Cuộc sống giang hồ đã làm nó trở nên lì lợm hơn. Đôi mắt nó vô hồn, cái đầu thì húi cua trọc lốc, mặt nó có vẻ câng câng. Hai cánh tay đen bóng nó xăm trổ lằng nhằng, tôi chỉ đọc được hai chữ “hận đời”. Nó hận cái gì? Hận bố mẹ, anh em hay hận tình? Nó đã làm gì cho đời mà dám hận đời?
Tôi nhìn thẳng vào mắt nó, nhìn xoáy vào tận tâm can nó. Đôi mắt trắng dã của nó không chịu nổi ánh mắt tôi, cụp xuống. Bóng tôi và bóng nó ngả dài trên bãi mùi tàu tuyệt vời này. Tôi lên tiếng: “Bỏ ba lô xuống”. Nó nghe theo như một cái máy. Tôi nói tiếp: “Trước kia tao không tin bố tao nói đúng, nhưng bây giờ tao phải tin. Tao đã quá sai lầm khi tha cho mày 8 năm trước”. Nó cúi gằm xuống: “Mày thông cảm, tao cũng định “đi” một chuyến này rồi thôi. Hãy tha cho tao một lần này nữa thôi. Tao còn chục triệu và cái dây chuyền 5 chỉ mày cầm lấy”.
Điên tiết tôi quát: “Im ngay cái mồm thối của mày lại. Cả hai lần tha, giá rẻ thế!”. Nó luống cuống: “Không phải vậy. Không phải vậy... Là tao nói thế... Tao thề là lần cuối cùng trong đời đấy”. Tôi im lặng mân mê cái còng số 8. Nó cứ lải nhải rằng tôi tha cho nó, rằng tôi cứ xách cái ba lô thuốc phiện này về bảo nó chạy qua biên giới mất, rằng sau lần này nó sẽ về chăm sóc gia đình và tu chí làm ăn.
Tôi không thể tin nó được nữa. Cứ dẫn giải đã rồi hẵng hay. Nó muốn chuộc lỗi thì tôi cũng phải chuộc lỗi. Tôi chuộc lỗi bằng cách kiên quyết bắt nó lần thứ hai. Thấy tôi im lặng không nói, nó tưởng đã xuôi, bèn móc xấp tiền và sợi dây chuyền đặt xuống cạnh chiếc ba lô. Tôi không thể chịu được quát: “Cất ngay và theo tao về”. Mắt nó trợn trừng, mồm há hốc. Nó lạy tôi rối rít. Tôi bảo: “Thôi bỏ cái trò ấy đi”. Nó bỗng bật dậy rít lên: “À! Công an, Biên phòng chúng mày cũng đều một giuộc như nhau thôi, lần trước mày thả tao cũng là “tinh tướng” thôi. Tình cảm mẹ gì. Bây giờ tao sẽ xử sự như một thằng buôn lậu đích thực. Tao chạy đấy”.
Tôi nâng súng lên: “Mày chạy tao bắn”. Nó nói: “Mày không dám bắn đâu. Nhưng mà thôi, nếu mày coi tao là bạn thì tao với mày tay bo. Mày thắng tao chịu. Còn mày thua sẽ phải thả tao”. Tôi giận sôi người lên. Thằng này nó khích. Đã thế thì phải cho nó biết thế nào là đặc nhiệm. Tôi đồng ý và cất súng vào bao. Nó nhảy vào tôi như con gấu. Phải công nhận thằng này khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn trước nhiều. Nó ra đòn hiểm liên tiếp nhằm hạ tôi.
Tôi cũng không muốn kéo dài trận đánh đến tối vì như thế sẽ bất lợi cho tôi. Bỗng nó hét lên một tiếng và đá song phi vào mặt tôi. Tôi đoán được, nghiêng người tránh, thuận đà, lấy chân trái làm trụ chân phải móc cho nó một cú vào hạ bộ. Nó rú lên và rũ xuống. Tôi còng tay nó ra sau lưng cho chắc ăn. Sau đó tôi lôi nó ra sát mép nước té lên mặt nó. Nó tỉnh lại. Bây giờ thì nó không còn gì để nói nữa rồi. Tôi khoác ba lô lên vai nó rồi hất hàm: “Đi về thôi, ông bạn”.
Đề phòng trời tối, trước khi ra khỏi cửa rừng, tôi rút dao găm cắt một đoạn dây rừng buộc vào cái còng rồi dong nó như kiểu dong trâu. Trước khi đi tôi tiếc mãi không hái được một nắm mùi tàu. Đang đi bỗng nó khóc hu hu và kêu: “Thế là đời tôi đã tắt”. Mặt trời khuất hẳn sau đỉnh núi. Bóng tối trùm xuống rất nhanh. Tôi tự khen thầm mình thông minh khi đã có sáng kiến dong thằng Đức như dong con trâu. Không dong thế, tối thế này nó mang cả còng chạy thì làm gì nó. Bắn nó thì tôi không nỡ. Lối mòn trong rừng thì khó đi, nó vấp ngã dúi dụi.
Thấy nó cứ ri rỉ kêu than mãi, tôi bảo: “Thôi đi. Đời còn dài, chỉ cần mày về khai báo cho thành khẩn là được, giỏi lắm thì vài năm chứ mấy. Đàn ông mà lè nhè bỏ mẹ, chẳng bù cho lúc nãy nhảy vào đánh tao”. Nó im bặt. Bỗng dưng tôi thấy nó lại giống như thằng Đức ở quê ngày xưa. Tôi nói một cách chân tình với nó: “Cái chính là có thật lòng muốn hoàn lương không. Tự mày mới cứu được mày. Xong vụ này tao sẽ về phép. Tao sẽ về xem tình hình gia đình mày thế nào. Có gì tao sẽ lo và thông báo cho mày. Nhớ là phải thành khẩn”. Từ đấy trở đi chúng tôi im lặng, lầm lũi bước. Mặc dù vậy tôi vẫn nắm chắc sợi dây và giữ khoảng cách nhất định với nó.
Sau hơn 2 tiếng thì tôi và nó đến cửa rừng. Trăng thượng tuần đã chênh chếch trên đầu. Phía thị trấn, nơi tôi dẫn nó về ánh đèn nhấp nháy như sao sa. Quãng đường từ cửa rừng về tới đó không còn xa nữa.