Cói hát
Ngoại thương tôi và tôi cũng thương ngoại, có chuyện gì tôi cũng đều kể cho ngoại, chỉ riêng việc tôi hay đến bên mộ mẹ là tôi giấu nhẹm đi. Tôi ngồi bên mộ mẹ cả chiều cho đến khi trời sầm sập tối, lần nào cũng vậy trước khi đứng lên, tôi luôn hỏi mẹ, tại sao mẹ lại bỏ con đi? Chẳng lần nào tôi nhận được câu trả lời ngoài những âm thanh của gió.
Tôi về Liên Thanh khi hoa sú vẹt nở trắng những bãi bồi ven biển, thị trấn nhỏ vùng triều nhiễm mặn, trong gió sóng nổi chìm chẳng cây gì có thể bật mầm đâm rễ, chỉ duy nhất cói vươn mình xanh tốt. Người thị trấn và cói bám víu lấy nhau nơi cửa biển mà cơ cầu cuộc mưu sinh qua hàng trăm năm. Cói trộn với mồ hôi, nước mắt và máu của người thị trấn để đổi lại cho Liên Thanh danh tiếng khắp dọc dài đất nước.
Thị trấn nghèo nơi tôi sinh ra sau bao nhiêu năm trở lại đã khoác lên mình chiếc áo đổi thay, hiện đại. Những đồng cói nhưng nhức bạt ngàn sắc xanh ngày nào giờ khiêm nhường thu mình lại để chỗ cho những ruộng tôm mênh mông sóng nước. Con đê làng đất đỏ, mùa mưa thì nhầy nhụa, mùa nắng bụi bay trắng trời cũng thay bằng bê tông láng mịn. Chỉ có những cơn gió biển mang theo hơi muối thổi ràn rạt vẫn vẹn nguyên cái cảm giác nhơm nhớp, dinh dính trên da thịt. Và hình ảnh mẹ ngụp lặn giữa đồng cói mùa thu hoạch trong tâm tưởng của tôi cũng vậy.
Mẹ tôi cả đời sống theo tâm linh, làm việc gì cũng xem mệnh người, đoán ý trời. Ấy vậy mà có một việc mẹ biết là nghịch thiên nhưng vẫn quyết định thực hiện để rồi từ đó những mùa cói trong tôi cứ hoang hoải, u uất. Liên Thanh trở thành một vết mực ký ức mà bao nhiêu năm tôi chẳng thể gột sạch.
*
Liên Thanh ngày ấy là một thị trấn nhỏ với vài chục nóc nhà, bao bọc tứ bề là đồng cói. Cây cói thân xanh mỡ, tròn thon từ gốc, nửa trên đến ngọn vuốt thành ba cạnh, bình dị như những người dân quê nghèo. Vào mùa thu hoạch cả cánh đồng xào xạc hát khúc hoan ca, hoa cói màu nâu thả phấn theo làn gió, tỏa hương thoang thoảng khắp một vùng duyên hải. Thị trấn tôi nổi tiếng bởi cây cói cao, sợi nhỏ, dai và óng mượt mà ít nơi nào có thể trồng được.
Khi bầy ong mật tìm về theo những bông hoa sú vẹt, trên đồng người thị trấn bắt đầu vào mùa cắt cói. Những đứa trẻ thị trấn sinh ra giữa đồng cói, lớn lên nhờ cói nên từ tấm bé đã biết thương loài cây cùng người dân quai đê lấn biển. Mùa thu hoạch cói, bố mẹ tôi ra khỏi nhà lúc ngày mới sang canh và trở về khi mặt trời đã đứng bóng. Mùa cói kéo dài hơn một tháng từ cắt cói, chẻ cói, phơi cói cho đến khi những sợi cói trắng xanh được mang về nhà. Với mười sào bảy thước, số cói thu về đủ cho bố mẹ tôi dùng cho đến vụ mùa sau.
Tôi theo bố mẹ ra đồng những mùa thu hoạch cói chỉ để được vục chân xuống lớp bùn non mềm mịn hay đi dọc theo bờ mương để bắt những con cá cờ, lia thia mang về nhà nuôi. Đồng cói là khu vườn xanh cổ tích với những đứa trẻ con và những cây cói cao hơn đầu người lớn luôn ẩn chứa những điều bí mật. Sau khi những thân cói cao gầy bị cắt xuống cả cánh đồng xanh nhưng nhức trước đó như bị lột trần, phơi bày ra trước vầng dương những gộc gầy xác xơ.
Năm nào cũng vậy vào mùa thu hoạch trên thửa ruộng nhà tôi kiểu gì cũng trơ ra những tổ chim quyên. Tôi thường mang chim non về nuôi mặc cho trong ráng chiều hoàng hôn đỏ thẫm tiếng chim mẹ mất con thất thanh kêu đến lạc giọng. Những con chim ngây thơ tin vào đồng cói sẽ là nơi che chở cho gia đình chúng, nhưng cói nào có hứa hẹn với ai điều gì. Dù bắt tôm cá về mớm cho chúng nhưng những con chim tôi nuôi chẳng bao giờ có thể sống quá một tuần. Lần nào vùi xác chúng xuống những gốc cói tôi cũng khóc nức nở, tôi cướp chúng từ đồng cói rồi lại trả chúng lại cho cánh đồng thân xác vẹn nguyên chỉ là phần hồn đã đi mất. Để rồi đồng cói thay những ẩn ức của loài chim ấy lấy đi của tôi những tháng ngày tuổi thơ êm đềm, khoét sâu vào ký ức của tôi những ám ảnh không thể quên.
Chiếu cói Liên Thanh mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông nên rất được ưa chuộng. Thị trấn nhà nào cũng làm nghề dệt, trong số những chiếc chiếu được làm ra, chiếu nhà tôi có tiếng nhất vùng bởi lá chiếu dày, mặt chiếu mịn. Để dệt chiếu cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên dùng sợi đay xuyên qua lỗ go rồi mắc thành từng hàng theo chiều dài, mỗi sợi cách nhau độ một phân. Mỗi và chiếu cần hai người dệt, mẹ tôi phụ trách việc mắc sợi cói vào văng để đưa qua và đay. Văng là một cây gậy nhẹ thường được làm bằng tre nứa có ngàm ở đầu để mắc cói vào. Còn bố tôi ngồi trên và đay phụ trách việc dập go. Dệt được một lá chiếu loại thông thường mất khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ. Còn với những chiếc chiếu hoa, chiếu đậu phải nhuộm màu thì thời gian cần lâu hơn. Khi chiếu được dệt xong sẽ được cắt ra khỏi và chiếu rồi ghim những đầu đay thừa để cói không bị bong ra khi sử dụng.
Dệt chiếu muốn đều, đẹp và nhanh thì người trên và dưới phải phối hợp ăn ý với nhau. Bố mẹ tôi thuộc nằm lòng nhau đến từng động tác, khi nào cần nghiêng go, cần đưa văng để sợi cói nhịp nhàng được đan vào. Những chiếc chiếu nhà tôi làm ra người ta đến tận nơi để lấy chứ ít khi phải vất vả đem đến những phiên chợ chiếu sớm hôm như những nhà khác. Trong dệt chiếu cả hai hiểu nhau là vậy, nhưng những thứ khác về bố, mẹ tôi không thể hiểu cũng như bố luôn mơ hồ về mẹ cho đến tận cái ngày mẹ đi.
Người quê cói tình yêu cũng được dệt nên từ những tấm chiếu, năm nào vào những ngày tiết xuân ấm áp thị trấn cũng tổ chức thi dệt chiếu để những thanh nam, tú nữ có dịp khoe tài. Lần thi năm ấy mẹ tôi nổi bật lên giữa những cô thôn nữ vùng triều. Ngoài đôi mươi mẹ mang vẻ đẹp của hoa cói, không lộng lẫy mĩ miều nhưng cái duyên ngầm qua từng cử chỉ khiến cánh trai chưa vợ ngả nghiêng như cói trong mùa gió bão. Bố tôi không quá nổi bật về ngoại hình nhưng những chiếc chiếu của chàng trai độ tuổi tam thập làm ra lại mê đắm lòng cô gái đẹp nhất vùng. Mẹ gật đầu đồng ý nhận đôi chiếu hoa của đàng trai vào mùa cói trổ bông năm sau và theo bố về nhà kể từ ngày ấy.
*
Mẹ bảo tôi mệnh thủy, làm việc gì liên quan đến nước cũng sẽ được thuận lợi và dễ dàng. Tôi chẳng biết điều mẹ nói có đúng không, nhưng ở thị trấn của tôi những cơn mưa luôn mang đến điều phiền toái. Mưa có khi rả rích cả tháng trời khiến mọi thứ ẩm ướt và nhớp nháp, cói phơi không kỹ sẽ lên mốc xanh mốc đỏ, thị trấn vốn mang vẻ u buồn trong màn mưa bụi lại càng thêm ảm đạm. Nhưng đáng sợ nhất có lẽ là những cơn mưa miền biển, trời đang nắng như muốn xé vỡ sọ người bỗng những giọt nước từ đâu rơi xuống, ai đó hô lớn mưa, mưa… và sau đó là cảnh người thị trấn nhớn nhác chạy cói. Cói dính mưa coi như hàng bỏ. Tôi nhớ một buổi trưa năm nào đó, chỉ có hai mẹ con tôi ở nhà, những tiếng hô hoán kéo mẹ con tôi ra đường, cuống cuồng vơ cói ôm vào nhà chạy đua với cơn mưa nhưng lần đó trời nhanh hơn, trong màn mưa trắng xóa che khuất tầm nhìn tôi vẫn có thể nhận ra từ khóe mắt mẹ những giọt nước đang rỉ ra.
Ngay cả giây phút đó tôi vẫn thấy mẹ thật đẹp, bộ quần áo ướt khoe trọn những đường cong của người đàn bà một con, đôi mắt rũ luôn mang một vẻ đẹp u buồn. Ai cũng bảo tôi giống mẹ, thế nhưng rất lâu về sau khi đã rời xa Liên Thanh đến vùng trời xa lạ xứ người, nhiều lần tôi cố soi mình trong gương thật lâu để rồi thất vọng bởi chẳng tìm được dáng vẻ của mẹ năm ấy. Những cơn mưa luôn bất chợt mà chẳng báo trước, cứ thế mà xối xả tuôn. Mưa miền biển hệt như mẹ tôi, cuộc ra đi cũng chẳng hề có dấu hiệu hay chuẩn bị nào để tôi có thể đoán biết. Còn bố có biết hay không đến tận bây giờ tôi vẫn không thể trả lời.
Mẹ tôi đẹp, dường như đồng đất phù sa vùng duyên hải theo thời gian lại bồi thêm cho vẻ đẹp ấy khiến bà lúc nào cũng như có lửa, cháy bỏng và đốt mọi ánh nhìn. Những cơ cực của nghề cói cũng chẳng thể bào mòn vẻ ngoài của mẹ. Cái đẹp đó theo mẹ đến tận ngày bà nằm trên giường xung quanh là nắm thuốc rơi vãi đầy đất.
*
Trong kí ức của tôi bố chẳng bao giờ to tiếng với mẹ như những người đàn ông khác trong thị trấn. Từ lúc tôi có thể nhớ, trong căn nhà ba người nơi cuối thị trấn lúc nào cũng lặng lẽ. Lần mẹ khóc trong mưa ấy, bố về khi mặt trời đã hửng nắng, nhìn đống cói ngậm nước trương phình lên bố không nói gì lẳng lặng vào nhà rót một chén trà đầy uống ực một hơi như muốn nén tiếng thở dài bật ra, rồi bước ra sân ôm từng bó cói ướt rũ nước để phơi lại.
Thị trấn nhỏ trường học cách nhà chỉ chưa đầy cây số nhưng những ngày mưa bố luôn đến trường để đón tôi. Có lẽ đây là điều duy nhất tôi thích ở những cơn mưa Liên Thanh. Khi bước ra cổng trường tôi biết bố sẽ luôn mặc áo mưa ngồi trên xe đạp chờ tôi với nụ cười thật tươi. Hình như không chỉ riêng mình tôi mà bố cũng phấn chấn đến lạ thường, dọc đường về lần nào bố cũng huýt sáo, có khi vô tình hát vu vơ một câu gì đó, điều mà ở nhà tôi chẳng bao giờ có thể bắt gặp.
Tôi ngồi đằng sau bố núp mình trong chiếc áo mưa, ôm lấy tấm lưng to bè của bố còn hai chân cố dạng hết cỡ để không bị kẹt vào nan hoa. Mưa vẫn cứ lộp bộp rơi trên đầu nhưng chúng chẳng cách nào có thể chạm đến được tôi. Trùm áo mưa tôi có thú vui nhìn xuống mặt đất để đoán xem hai bố con đã về đến đâu. Để về đến nhà chúng tôi phải đi qua ba ngã ba, tôi chỉ có thể đoán đúng được hai trong ba ngã ba đó. Thực sự thì tôi chỉ có khả năng nhận dạng được một ngã ba cuối cùng nơi rẽ vào cánh đồng cói để dẫn vào nhà tôi, bởi tiếng mưa chẳng thể nào át được tiếng cói xào xạc. Khi bản hòa tấu của cói vang lên tôi biết ngay đến đoạn đường dẫn về nhà mình.
Ngã ba thứ nhất bao giờ tôi cũng đoán sai, đường đất trong mưa chỗ nào cũng hệt nhau, có khi đã qua rất xa hoặc còn một quãng đường nữa mới tới tôi đã nhận định đó là ngã ba thứ nhất. Ngã ba thứ hai tôi vẫn luôn đoán đúng nhưng nhờ sự trợ giúp của bố. Chắc có lẽ bố cũng từng như tôi sau lưng ông nội vào những ngày mưa thị trấn để đoán những ngã ba, nên khi đến nút giao ấy bố sẽ nói, về nhé. Lần nào cũng vậy tôi sẽ dạ một tiếng đầy thích chí và bố bắt đầu nhấn bàn đạp để những vòng xe lăn nhanh hơn về nhà.
Những ngày mưa lúc bố đi đón tôi, mẹ sẽ ngồi bên hè chăm chú đan mấy thứ lặt vặt như mũ, dép, thảm từ số cói loại để dùng trong gia đình. Khi chiếc cổng tre ngoài ngõ kêu cọt kẹt báo hiệu hai bố con về mẹ tôi sẽ dừng công việc đang làm đứng lên dọn cơm. Bố tôi đã kịp trở về với dáng vẻ mọi ngày, không vui, không buồn. Bữa cơm lặng lẽ diễn ra như bao bữa cơm khác, có hay chăng là thêm những tiếng mưa rơi trên mái hiên. Tôi còn quá nhỏ để nhận ra điều khác lạ, chỉ thấy ngồi ăn cơm nhưng ánh mắt mẹ cứ mãi nhìn về phía những hạt mưa, ánh mắt mơ màng và xa xăm.
*
Tôi nhớ đó là một ngày mưa rả rích, dù chẳng phải ngày tuần nhưng mẹ vẫn dẫn tôi lên chùa. Mẹ vận chiếc áo nâu đi trên con đường đê nhòe nhoẹt những dấu chân người, xe. Gió biển thổi phần phật về phía mẹ con tôi, hai người vẫn cứ lặng lẽ, kiên định xé gió mà đi.
Ngôi chùa nằm trên đỉnh ngọn núi giáp biển, tôi theo mẹ leo từng bậc thang dẫn lên chùa. Mẹ con tôi tới nơi lúc sư thầy đang tụng kinh, mẹ quỳ mọp trước tượng Phật và bắt đầu khấn vái. Tôi cũng làm theo mẹ quỳ xuống bên sư thầy để hành lễ nhưng khi thấy cuốn kinh thầy đang đọc còn dài tôi bắt đầu chán và nhanh chóng trốn ra đằng sau chùa chơi.
Từ mỏm núi sau chùa nhìn về phía biển có thể thấy những con sóng ì oạp vỗ bờ, biển động nước đục ngầu và gió thì gào thét dữ dội làm mấy con thuyền nhỏ của ngư dân dập dềnh trong sóng nước. Lác đác trên bờ biển một vài bóng người đang cặm cụi bắt thứ gì đó. Trong chùa tiếng mõ tụng kinh vẫn đều đều vang vọng khiến khung cảnh thêm phần cô liêu đến rờn rợn. Nhìn về phía thị trấn những đồng cói chao nghiêng theo từng cơn gió đang ra sức quăng quật.
Cói có sức sống mãnh liệt, rễ luôn bám sâu vào đất chẳng có sóng, gió, mưa bão nào có thể hạ gục được nó trừ con người. Và có lẽ những người đàn bà Liên Thanh cũng vậy, họ như những cây cói chẳng có lá, có cành bao nhiêu dinh dưỡng để dành cho hoa, là gia đình, chồng con của họ. Những bão giông vất vả chẳng thể nào có thể làm đàn bà nơi thị trấn đổ gục, nhưng họ dễ dàng bị gãy dập bởi chính con người. Mẹ tôi là một cây cói tội nghiệp như vậy.
Khi đã nghịch chán chê đằng sau chùa và tiếng mõ trong chùa đã dứt tôi chạy vào tìm mẹ, thấy mẹ đang nói chuyện với sư chùa, tôi nép đằng sau cánh cổng nghe thầy nói gì đó mà đầu óc mơ hồ chẳng thể nào có thể hiểu ra. Sư thầy nói, mọi việc trên đời này đều tuân theo quy luật nhân quả, bánh xe luân hồi sẽ không bao giờ chấm dứt, đừng vì trốn nghiệp mà chọn cách gây thêm nghiệp. Nói rồi sư thầy đọc mấy lời Phật dạy, bảo mẹ tôi hãy về suy nghĩ "Đứng lại thì chìm xuống/ Tiến tới thì trôi dạt/ Chỉ có vượt qua".
Mẹ tôi chào sư thầy ra về mà người bần thần như thể gió biển đã cuốn đi mất một phần hồn. Thị trấn ngày mưa trời chiều tối sầm từ lúc nào chẳng hay, mẹ con tôi lại lặn lội trong mưa để ngược lối trở về. Tôi chẳng biết những lời sư dạy mẹ có suy nghĩ hay không nhưng rồi mẹ vẫn chọn cách bỏ lại bố con tôi vào một ngày Liên Thanh mưa rả rích. Hôm đó bố chở tôi đi học về đến nhà, trên thềm hè mẹ chẳng còn chờ chúng tôi. Mẹ nằm trên giường tựa như đang ngủ, chỉ là lồng ngực chẳng còn phập phồng sinh khí. Không một lý do, không một lá thư để lại trăng chối ngoài chiếc chiếu mẹ đang nằm bị cắt làm đôi.
Rất nhanh sau đó người ta mang đến một chiếc quan tài, khi tiếng trống nhập quan nổi lên đám người cùng tiến đến để nâng mẹ đặt vào chiếc quan tài nhưng lạ một nỗi toàn những đàn ông lực lưỡng nhưng không làm sao nhấc người phụ nữ hơn bốn mươi cân lên được. Cuối cùng thầy cúng bảo hãy cuốn mẹ tôi trong chiếu, tấm chiếu bọc lấy người mẹ tôi gọn gàng lúc đấy quay trở lại nhẽ bẫng.
Mẹ tôi được chôn ở cồn đất giữa đồng cói, như bao người dân thị trấn khác. Tôi thẫn thờ chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, cho đến khi người ta đặt mẹ xuống huyệt, những giọt nước mắt mới thi nhau túa ra. Tôi gào lên thảm thiết, đừng để mẹ cháu đi, các bác ơi giữ mẹ lại cho cháu với và bắt đầu vô thức lao về phía chiếc hố đang nuốt dần lấy mẹ tôi. Một bàn tay giữ lấy tôi và ôm thật chặt, màn nước mắt che mờ khiến tôi chẳng thể nhận ra ai, chỉ nghe thấy tiếng nói rất khẽ, để mẹ được thanh thản gái nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Năm ấy tôi bảy tuổi, còn chưa kịp hiểu về cái chết thì nó đã hiển hiện ngay trước mắt tôi, những ký ức của mẹ theo những mùa cói cứ ghim sâu vào trong tôi. Và tôi ước giá như những ký ức chỉ dừng lại mãi ở đấy thôi.
*
Tôi không có ý định về nước nếu như dịch dã không bất ngờ ập đến. Tôi của tuổi hai bảy, sau ngót mười năm bôn ba xứ người đã rõ mồn một về cái chết vẫn bàng hoàng về những sự ra đi đột ngột bởi COVID-19. Cái chết lẩn trốn trong không khí, trong từng lời nói, những cái ôm, bắt tay khiến tôi hoảng sợ. Tôi bỏ chạy về nước hệt cách mà tôi chạy thật xa những cánh đồng cói năm 18 tuổi.
Đàn bà Liên Thanh như những cây cói, tôi vốn thấy làm cói cũng tốt kể cả khi mẹ bỏ bố con tôi đi. Mẹ mất, một mình bố tôi chẳng thể nào dệt được chiếu, người bạn hàng vẫn thường đến nhà nhập chiếu của nhà tôi rủ ông cùng đi thu mua chiếu về để bán. Bố miên mải theo những chuyến đi nhập và bán hàng, tôi được gửi về nhà ngoại, mỗi lần bố về sẽ dúi vào tay tôi những xấp tiền dặn ăn uống đầy đủ và học hành chăm chỉ.
Nhà ngoại ở đầu thị trấn muốn đến đồng cói phải đi thêm một đoạn đường. Mẹ mất, tôi thân hơn với cánh đồng cói, những ngày không phải đến trường tôi thường lang thang trên những bờ ruộng, cói thay mẹ ấp tôi vào lòng ru tôi lớn lên bằng những khúc hát xào xạc. Lần nào ra đồng cói tôi cũng đến mộ mẹ để thắp nén hương, trong tiếng cói hát tôi kể mẹ nghe về những chuyến đi của bố. Kể mẹ nghe về một chiều màu nắng hòa cùng với màu nước triều dâng tôi chạy về nhà ôm bà ngoại khóc nức nở và biết rằng mình đã là con gái.
Ngoại thương tôi và tôi cũng thương ngoại, có chuyện gì tôi cũng đều kể cho ngoại, chỉ riêng việc tôi hay đến bên mộ mẹ là tôi giấu nhẹm đi. Tôi ngồi bên mộ mẹ cả chiều cho đến khi trời sầm sập tối, lần nào cũng vậy trước khi đứng lên, tôi luôn hỏi mẹ, tại sao mẹ lại bỏ con đi? Chẳng lần nào tôi nhận được câu trả lời ngoài những âm thanh của gió.
Bố đi nhiều nhưng lạ thay càng đi bố càng trẻ ra, những chuyến đi như thổi vào bố luồng sinh khí mới, chẳng riêng gì những ngày mưa nơi cổng trường như những năm cũ, nụ cười của bố nở nhiều hơn trên môi. Có lẽ ngôi nhà cuối thị trấn như lá bùa phong ấn những xúc cảm của bố để rồi chỉ cần rời khỏi đó bố sẽ được là chính mình.
Những mùa thu hoạch sau này, tôi vẫn theo chân bố ra đồng nhưng không phải để bắt cá hay nghịch bùn mà để thay phần mẹ cầm liềm để cắt cói phụ bố. Những con chim non vẫn còn sức hút với tôi, nhưng thay vì bắt về nhà tôi để chúng lại tổ cho mẹ chúng và chỉ thi thoảng mang đến ít cá tép. Lũ chim quyên non có mẹ và phụ trợ của tôi lớn nhanh như thổi, ngày cái tổ trống không lòng tôi có chút gì đó hụt hẫng nhưng vẫn vui vì biết những con chim chỉ ở đâu đó nơi đồng cói Liên Thanh này thôi. Và rồi chút niềm vui con trẻ duy nhất với đồng cói còn sót lại ấy của tôi cũng bị tước đi mất vào mùa cói định mệnh năm ấy.
*
Từ một người bán buôn nhỏ lẻ, bố đã mở đại lý thu mua chiếu và cói khắp thị trấn. Sự nghiệp kinh doanh của bố phất nhanh hơn cả tốc độ phát triển của những cây cói vùng duyên hải. Năm tôi mười bảy tuổi một công ty Nhật Bản tìm đến tận Liên Thanh để hợp tác đặt hàng.
Công ty Cói Liên Thanh ra đời trong sự phấn khởi, tự hào của cả vùng quê nghèo. Cói nguyên liệu ở thị trấn không đủ bố tôi phải nhập thêm cả những vùng lân cận, với máy móc hiện đại những chiếc chiếu dệt với năng suất tăng gấp đôi. Ngoài chiếu, công ty của bố tôi còn sản xuất đủ các loại sản phẩm liên quan đến cói từ giỏ, dép, túi, mũ, nón… nghe đâu đều là những mặt hàng ưa chuộng ở nước ngoài.
Từ mùa cói bao lơn năm ấy tôi chẳng còn quan tâm nhiều đến những việc bố làm, tôi đâm đầu vào học, học ngày học đêm, học để mình không phải như mẹ tôi làm cây cói rút ruột nuôi hoa. Năm 18 tuổi tôi nhận học bổng toàn phần nơi trời tây, tôi đi như chạy khỏi Liên Thanh, một chuyến đi gần chục năm mới trở về.
Đón tôi nơi ngã ba đường dẫn vào đồng cói rẽ vào nhà, bố tôi của mười năm sau đã già đi trông thấy, mái tóc đen ngày nào giờ đã điểm đầy muối tiêu. Thấy tôi từ xa ông chạy lại giơ tay định ôm nhưng rồi lại rụt lại cầm lấy chiếc vali của tôi để kéo hộ. Nhìn người đàn ông gầy ốm trước mặt không dưng gió đồng thổi mà sao mắt tôi cay xè. Căn nhà cấp bốn xưa cũ nơi cuối làng giờ thay bằng ngôi nhà hai tầng, tôi bước vào ngôi nhà xa lạ như một người khách, mâm cơm đã được dọn sẵn. Bố bảo tôi rửa tay chân lên phòng cất đồ rồi xuống ăn cơm.
Phòng bố làm dựa theo những sở thích ngày xưa của con không biết, con có thích không. Căn phòng được sơn màu xanh của cói, màu mà những ngày xưa cũ tôi đã từng rất thích, cái màu gợi lên cảm giác mênh mang đến vô tận. Cửa sổ phòng mở ra phía đồng cói, tấm thảm xanh trải dài như vô tận. Nhưng bố không biết cói và màu xanh ấy đã không còn là niềm yêu thích của tôi từ rất lâu rồi.
*
Mùa thu hoạch năm ấy trời có bão nên mưa rả rích suốt cả tháng ròng, tôi sợ những con chim non ướt nên đội mưa phi ra đồng để thăm chúng. Ngụp lặn giữa những bãi cói đang thu hoạch dở để rồi thở phào nhẹ nhõm khi biết lũ chim quyên an toàn bên mẹ chúng. Trời rả rích mưa, đường trơn trượt nên tôi không về nhà ngoại ngay mà vòng qua căn nhà cũ để trú tạm. Cánh cổng tre đã mục nát từ lâu không ai thay, tôi cứ thế mà bước vào nhà để rồi bàng hoàng khi nhận ra hai thân thể trần trụi đang cuốn lấy nhau, những âm thanh giao hoan như hòa cùng tiếng mưa ngoài trời.
Tôi quay đầu bỏ chạy, đầu óc tôi tê dần đi theo từng bước chân, con đường trơn khiến tôi ngã dúi dụi vào đồng cói, tôi nằm thở hổn hển mặc cho những vết xước đang bắt đầu tứa máu đau xót. Hai nhân ảnh cứ mờ mờ tỏ tỏ trong tâm trí của tôi, một trong hai người đó tôi đã quá quen thuộc, người còn lại cái dáng hình đó đưa tôi về với những ngày sau lưng bố trong những ngày thị trấn mưa rả rích.
Tại ngã ba thứ hai, sau câu nói về nhé của bố là một lời đáp rất khẽ, ừ về nhé. Tôi khi đó mải miết đuổi theo những tiếng mưa và thích thú đáp lại lời bố nên không nghe ra. Cũng chính cái giọng nói khe khẽ đó trong ngày mẹ tôi mất đã động viên tôi. Và người ấy chẳng ai xa lạ là người vẫn hàng ngày đến nhà tôi nhập chiếu. Bất chợt mọi thứ trong tôi bỗng nhiên sáng tỏ đến lạ, lý do mẹ tôi thà chọn kiếp sau không được siêu sinh chứ không ở lại với tôi.
Những giọt nước mắt của tôi cứ thế mà tuôn chảy thi cùng với cơn mưa. Tôi cứ nằm như thế cho đến khi nước mắt cạn khô, bố từ đâu xuất hiện và bế tôi lên, tôi cố vùng vẫy, cào cấu vào người bố hét lớn, cút đi, cút đi rồi ngất lịm đi trong vòng tay của bố. Sau cái lần đó, một phần hồn tôi đã chôn lại nơi đồng cói. Tôi chỉ biết học và học.
*
Nhìn mâm cơm còn nghi ngút khói tôi biết trong nhà vẫn còn người nữa. Tôi bảo bố, gọi người ta cùng lên ăn. Bố tôi nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng xuống bếp gọi. Mâm cơm ba người hệt như những ngày trong căn nhà cấp bốn xưa cũ, chỉ khác là không khí nặng nề như muốn bóp nghẹt ba nhân ảnh. Tôi hỏi bố về tình hình công ty, bố khẽ lắc đầu, dịch dã khó khăn lắm con ạ, hàng hóa không thể xuất đi nhưng nếu ngừng sản xuất thì nhân công mất hết việc, cói thu hoạch nếu không bán được năm sau họ sẽ bỏ hết rồi cả vùng triều sẽ chẳng còn bóng dáng cây cói. Nên bố tính cầm cố căn nhà này để lấy tiền xoay xở. Cói cho mình nhiều, giờ cũng đến lúc trả nợ cho cói. Bố nói giọng nhẹ nhàng tựa như thể mọi việc trên đời ân oán, trả vay đều do số phận an bài.
Ngày tiễn tôi ra sân bay đi du học, bố ngập ngừng muốn nói gì đó rồi lại thôi. Để rồi sau 10 năm những suy nghĩ cứ mắc mãi lại trong lòng. Sau những câu hỏi về công ty không khí lại chìm trong im ắng. Lần này người lên tiếng là người im lặng từ đầu buổi, những câu nói khó nhọc mới có thể thốt ra, con có tha thứ cho chúng ta không?
Tôi của những ngày nơi Liên Thanh đã từng rất hận hai người trước mắt, nhưng những va vấp cuộc đời đã dạy cho tôi biết một cộng một không phải lúc nào cũng là hai. Căn nhà cấp bốn năm ấy không chỉ phong ấn cảm xúc của bố tôi mà có lẽ nó cùng đè nặng lên mẹ khiến mẹ tôi chẳng thể nào vượt qua, cây cói bám rễ sâu vào đất chẳng thể nào có thể bật gốc mà rời đi. Một câu chuyện mà cả ba người đều mang trong mình những vết thương lòng. Tôi không trả lời câu hỏi, mà thay vào đó rút từ trong túi một chiếc thẻ, đây là số tiền con tích góp được, không nhiều nhưng chắc đủ để công ty qua thời điểm khó khăn. Có lẽ bố nói đúng, chúng ta phải trả nợ ân tình cho cói. Bữa cơm hôm ấy có hai người đàn ông bật khóc.