Chuyện thằng Bành

Thứ Năm, 08/12/2022, 13:12

Hắn sinh ra trên đời thật chẳng giống ai. Cái mặt vừa vuông lại vừa méo, mũi trông như quả cà chua chín đỏ, hai mắt ti hí kèm theo đôi lông mày mỏng dính, lơ thơ bạc. Đặc biệt cái mồm rộng quá mang tai, cùng đôi môi biến dạng như hai con đỉa trâu, mỗi khi cười để lộ hàm răng mọc chỗ cao, chỗ thấp, trông đến ngộ. Xét về nhân tướng học, chứng tỏ những điều may, không may về số phận và cuộc sống của hắn sau này đều lộ diện tất cả trên khuôn mặt.

*

Cả cái làng Vân Ái, từ người già đến con trẻ đều biết rõ gốc tích nơi hắn sinh ra và cha mẹ hắn là ai. Người ta giấu kín chuyện này bởi chẳng hay ho gì khi chính quyền đang kêu gọi người dân nơi đây xây dựng phong trào nông thôn mới. Có điều, lũ trẻ trong làng chẳng ai cấm được chúng. Hễ thằng Bành xuất hiện ở đâu, lũ trẻ đều nghêu ngao hát câu vè:

Trên trời có đám mây xanh
Hạ giới lại có thằng Bành dở hơi
Ngày ngủ gật đêm rong chơi
Bố thì không biết, mẹ thời không hay

*

Buổi sáng hôm đó, tại trụ sở thôn, người ta thấy ông Bùi Hiền, Trưởng thôn có vẻ tất bật, chạy tới chạy lui thúc giục mọi người chuẩn bị đón đoàn công tác trên huyện về xét duyệt lần cuối thôn Vân Ái đạt chuẩn nông thôn mới. Công việc đang diễn ra rất êm xuôi, bỗng ngoài sân đình, xuất hiện thằng Bành, cùng lũ trẻ nhỏ chạy theo nghêu ngao hát:

Trên trời có đám mây xanh
Hạ giới lại có thằng Bành....

- Khốn khiếp! Thằng Du, thằng Thủ đâu rồi, ra đuổi cổ lũ trẻ ranh cho tao, nếu không quan trên về nghe thấy thì khốn.

Một lúc sau, không gian trở lại yên tĩnh nhờ sự nỗ lực của hai trợ lý trưởng thôn dẹp yên đám trẻ tinh quái.

Bỗng ngoài sân, có tiếng ô tô đỗ xịch. Trên xe ba bốn vị quan huyện, xã vẻ nghiêm cẩn, trịnh trọng bước xuống. Từ trong phòng, ông Hiền cùng bà phụ trách tài chính, son phấn lòe loẹt tất tưởi chạy ra.

- Ấy chết, các anh về thôn, chúng em chậm trễ đón tiếp. Thất lễ, thất lễ quá!

- Không có gì. Thế các ông chuẩn bị đến đâu rồi, ta vào việc thôi!

Giọng vị Chủ tịch xã sắc lạnh.

Hôm đó, nhờ sự khôn khéo của vị Trưởng thôn, cùng đám thuộc hạ nghênh tiếp chu đáo nên các quan trên lấy làm hài lòng, thể tất bỏ qua chuyện. Trưởng thôn Bùi Hiền vui ra mặt, nháy bà phụ trách tài chính đến trao tay một sấp phong bì, rồi xuýt xoa:

- Giờ đã quá bữa, vậy kính mời anh, chị sang văn phòng dùng chén rượu nhạt, nhân thể em gửi đoàn chút đỉnh gọi là tiền thuốc nước, mong các vị nhận cho.

Phó Chủ tịch huyện, Đào Duy Bình nghiêm giọng:

- Các anh chỉ giỏi bày vẽ, không biết huyện quy định cấm phong bì phong bao hay sao. Thôi được lần này bỏ qua, lần sau không được làm vậy!

Nói rồi, vị quan huyện chìa bàn tay gân guốc bắt tay Bùi Hiền, khiến ông ta hết sức cảm kích, cúi gập người cảm ơn rối rít. Sau đó ít lâu, thôn Vân Ái chính thức được huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trước sự hoan hỷ của đám chức sắc và nhân dân trong làng.

*

Lại nói chuyện thằng Bành, sáng nay thấy làng cờ giong trống mở đón bằng công nhận “Làng đạt chuẩn nông thôn mới” cũng lon ton chạy ra dự. Lạ hơn là hôm nay, hắn thấy mọi người, kể cả lũ trẻ con có vẻ đối xử tử tế hơn với hắn. Vui nhất là vị Phó Trưởng thôn, người béo tròn còn đích thân trao cho hắn và đám trẻ trong làng mỗi đứa một quả bóng bay và mấy cái kẹo màu xanh đỏ, khiến bọn trẻ rất thích thú.

Buổi trưa hôm đó, thằng Bành từ sân đình về, ăn vội bát cơm rồi lăn ra giường ngủ. Một lúc sau, từ ngoài cổng, một người đàn bà trạc tuổi 45, vẻ quý phái từ chiếc xe taxi bước xuống đi thẳng vào buồng to nhỏ với bà Cung một điều gì đó. Lát sau bà ta quay ra, ngắm nhìn hắn ngủ, đôi mắt ngấn lệ rồi bước nhanh ra cổng lên xe đi thẳng. Quá trưa, bà Cung gọi thằng Bành dậy rồi bảo:

- Nào ra đây bà mặc áo mới cho, quà mẹ mua cho mày đấy!

Chuyện thằng Bành -0
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Hắn bẽn lẽn bước ra phòng khách để bà khoác cho bộ quần áo màu xanh trứng sáo lần đầu tiên trong đời hắn được mặc. Hắn sung sướng, nhìn vào gương cười tít mắt và nhận thấy mình cũng đẹp trai ra phết.

Nhìn đứa cháu tội nghiệp, năm nay đã bước sang tuổi mười bốn, với khuôn mặt dị dạng, bà cố giấu đi những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt già nua khổ hạnh.

- Ôi, cháu bà oách ra phết. Hôm nay là ngày vui của làng, mày diện áo mới rồi ra sân đình chơi. Mà ra đó, có đứa nào trêu chọc cũng không được đánh nhau nghe chưa!

*

Thằng cháu đi rồi, bà ngồi thụp xuống chiếc ghế đi văng cũ kỹ, nước mắt nhòa đi, những ký ức đau thương mồn một hiện về:

Năm ấy, luồng gió đổi mới của đất nước tràn về cái làng này như một cơn lốc khiến vùng quê nghèo quanh năm lam lũ bỗng thay da đổi thịt. Sau khi có tin quy hoạch trung tâm hành chính huyện chuyển về khu vực thôn Vân Ái, giá đất bỗng nhiên sốt lên vùn vụt. Nhiều nhà xưa kia cơm không đủ ăn, nay nhờ bán đất bỗng chốc giàu lên trông thấy. Họ đua nhau xây nhà, mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh. Riêng Trịnh Văn Báu, Phó Bí thư huyện ủy nhiệm kỳ vừa rồi lại gặp hên vì ông Bí thư vốn sung sức, đột nhiên bị ung thư lăn ra chết. Đang là Phó Bí thư trực, Báu được Tỉnh ủy phân công quyền Bí thư. Thế là, Đại hội nhiệm kỳ huyện diễn ra, nghiễm nhiên Báu vào cấp ủy, được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện.

Dạo ấy, ở phố huyện có ả Tố Mai, chuyên kinh doanh bất động sản và đấu thầu xây dựng, nhờ người giới thiệu, ả nhanh chóng làm quen với Trịnh Văn Báu. Mê mẩn trước sắc đẹp của Tố Mai, Báu đã tạo cơ hội cho ả liên tiếp thắng thầu nhiều công trình xây dựng trọng điểm của huyện. Đương nhiên sau đó, lợi ích ả thu về phải chia đều cho Báu. Từ chỗ là đối tác làm ăn, hai người nhanh chóng trở nên “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Say mê ông chủ tịch huyện có vai vế, chịu ăn chịu chơi, ả đã không tiếc sinh hạ cho Báu cậu con trai. Nhưng thói đời thật trớ trêu, sau khi đứa bé sinh ra, càng lớn hắn càng trở nên kỳ dị khác người. Thấy vậy, Mai bàn với Báu đưa thằng Bành gửi cho bà thím trong làng Vân Ái nuôi dưỡng. Bởi theo ông thầy bói trên tỉnh: “Thằng bé khắc mệnh mẹ, nếu giữ lại sau này sẽ gây hậu họa lớn”.

Từ hôm đó, thằng Bành được gửi về làng giao cho bà thím chăm sóc. Còn Mai, sau một thời gian thấy Báu không chịu bỏ vợ lấy ả như đã hứa nên đã lên kế hoạch thu vén tiền bạc cùng gã bồ bỏ sang nước ngoài định cư. Người ta nói: “Kẻ cắp bà già gặp nhau không chóng thì chầy cũng xảy ra chuyện”. Năm sau, Báu dính vào vụ nhận hối lộ bị bắt quả tang cùng đối tác tại một nhà hàng.

*

Sáng nay, Bành đang ngồi hút thuốc lá bên bậu cửa, thì mụ An, người cùng xóm đi qua thấy vậy bảo hắn:

- Thế mày đã biết mẹ mày chết chưa mà còn ngồi đó hút thuốc!

Nghe mụ hàng xóm nói, hắn ngớ người ra chẳng hiểu bà ta nói gì, chỉ há hốc miệng cười.

*

Năm tháng dần trôi, giờ thằng Bành cũng đã tròn hai mươi sáu tuổi, ra dáng một thanh niên chững chạc. Tuy vậy, người ta vẫn nhận thấy chất ngây ngô trên khuôn mặt, mỗi khi hắn cười. Được cái, Bành tốt bụng, hễ trong làng nhà ai có công to, việc bé cần giúp đỡ là hắn mở lòng không chối từ. Một lần, Bành đi chơi về muộn, đang lướt xe qua đoạn đường gần khu miếu hoang, bỗng nghe có tiếng phụ nữ kêu thất thanh, hắn vội rú ga lao xe tới thì thấy hai bóng đen đang lôi xềnh xệch một cô gái lên phía đồi sim. Như hiểu ra điều nguy hiểm đang đến với cô gái, hắn lao tới quát lớn:

- Này hai thằng kia, chúng mày định làm trò gì vậy!

Thấy có người, một tên trong bọn gầm lên:

- Mày là ai mà dám xía vào chuyện của chúng tao. Khôn hồn thì cút!

Không để cho chúng kịp trở tay, Bành dừng xe, vớ một khúc cây bên đường, chạy lại phang tới tấp vào đầu thằng áo đen khiến nó ngã gục. Thấy đồng bọn bị đánh, tên thứ hai hùng hổ xông lại đấm đá túi bụi vào mặt thằng Bành. Trước một đối thủ cao to, Bành yếu ớt chống trả, nhưng vẫn cố hết sức ôm ghì lấy hắn rồi hét lên:

- Cô gì ơi mau chạy đi!

Cô gái vẫn đứng đó sợ hãi, có lẽ vì quá bất ngờ trước sự việc diễn ra quá nhanh nên cô ta không kịp phản ứng. Thấy vậy, Bành gào lên:

- Tôi bảo cô chạy đi không nguy hiểm đó!

Lúc này cô gái như chợt tỉnh, cắm đầu chạy thục mạng, vừa chạy vừa la:

- Bớ làng ơi, có cướp, có cướp!

Rất may, lúc đó có một tổ dân phòng đi tuần đêm qua, sau khi biết sự tình, đã đến giải cứu kịp thời cho Bành và bắt gọn hai tên tội phạm. Hôm đó, Bành bị nhiều vết thương vào mặt sưng húp, vừa về đến đầu ngõ, hắn đã thấy bà Cung đứng chờ ở đó. Nhìn cháu mặt mày bầm tím, bà rên rỉ:

- Bành ơi là Bành. Mày đánh nhau với ai mà mặt mày trầy xước thế kia!

Bành mệt mỏi đẩy xe vào nhà, ngoan ngoãn ngồi xuống ghế để bà sát trùng vết thương, sau đó hắn nằm vật ra giường ngủ say như chết. Sáng hôm sau, đang ngủ mê mệt trên giường, hắn đã nghe tiếng loa truyền thanh xã oang oang vinh danh Trịnh Văn Bành, thôn Vân Ái, đêm qua đã dũng cảm cứu một cô gái bị kẻ xấu hãm hại với pha ẩu đả kịch tính. Nghe tin, bà Cung từ trong buồng chạy sang mừng rỡ hỏi:

- Trời đất ơi, cháu bà giỏi quá. Thế mà đêm qua, bà cứ ngỡ mày đi đánh nhau với ai, hóa ra là như vậy!

Thế là những ngày sau đó, đi đâu người ta cũng truyền khẩu chuyện thằng Bành dũng cảm cứu mỹ nhân như một chiến tích có một không hai ở cái làng Vân Ái này.

*

Bà Cung, chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chưa kịp cho bà một mụn con, từ đó, bà ở vậy một mực thờ chồng. Nhờ nhân duyên mà giờ đây ông trời cho bà thằng Bành, chỗ dựa duy nhất để bà tiếp tục sống. Một buổi tối, sau khi cơm nước xong, bà gọi thằng Bành lại thủ thỉ:

- Bành à, năm nay cháu đã hai mươi bảy tuổi, cái tuổi phải lấy vợ, để bà còn có cháu bồng, nay mai xuống suối vàng còn có người hương hỏa tổ tiên chứ!

Nghe bà nói vậy, hắn nhe bộ răng vàng ám khói thuốc lá cười nói:

- Cháu không lấy vợ đâu, xấu hổ lắm!

- Không được. Mày phải nghe bà. Bà đã nhắm cho mày con Thắm, người xóm trên, kháu khỉnh ngoan hiền. Nó nói đồng ý lấy mày bởi cảm phục và biết ơn mày hôm trước đã cứu nó ở khu miếu hoang đấy!

*

Thế là, chuyện thằng Bành cưới vợ lan truyền nhanh đến chóng mặt khắp làng trên, xóm dưới. Người ta thêu dệt nhiều nhất vẫn là chuyện con bé Thắm, đẹp người đẹp nết, không hiểu ăn phải bùa mê thuốc lú hay sao mà lại đâm đầu lấy một kẻ dở hơi như thằng Bành. Rồi mọi chuyện cũng an bài bởi ít lâu sau đám cưới giữa cô dâu Mai Thắm và chú rể Trịnh Văn Bành diễn ra rất suôn sẻ tại sân kho hợp tác xã. Được tin, bà con khắp nơi kéo đến dự lễ cưới rất đông, một phần do hiếu kỳ, một phần vì mừng cho thằng Bành tốt số lấy được vợ đẹp ngoan hiền.

*

Sau ngày cưới, cuộc đời của thằng Bành đã bước sang một trang mới. Hàng ngày ngoài chăm lo cho gia đình, Thắm còn giúp chồng phục hồi trí nhớ cũng như rèn luyện tư duy một cách bài bản. “Gái có công, chồng không phụ”, sau một thời gian khổ luyện, thằng Bành đã có một sự đổi thay ngoạn mục. Từ chỗ đi lại chậm chạp, trí nhớ lộn xộn, Bành đã trở nên khác lạ trước con mắt mọi người. Giờ thì Bành đã biết chăm lo đến tổ ấm gia đình, coi bà Cung như người mẹ thứ hai và càng thương yêu người vợ hiền thục nhiều hơn.

*

Một năm sau, Mai Thắm sinh ra cho Bành một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Trịnh Nhân Đức. Rất may gen mẹ nổi trội hơn nên nó giống mẹ nhiều hơn. Hôm đầy cữ thằng cu, bà con lối xóm kéo đến rất đông, mừng cho bà Cung từ nay có cháu bế bồng. Vui nhất là Trưởng thôn Bùi Hiền, đến trao cho gia đình một món quà bất ngờ: “Giấy công nhận gia đình văn hóa” đóng khung trang trọng, khiến cả nhà rất vui.

Hôm đó, thằng Bành mặc bộ comle mới, lúng túng chạy vào, nằng nặc đòi bế thằng cu đang khóc thét từ tay vợ rồi hát một câu đồng dao nựng con nghe đến ngộ:

Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri

Thật lạ kỳ, câu hát ru vừa dứt, thằng cu không khóc nữa mà im thin thít ngủ ngon lành. Nhìn con trai bé nhỏ say sưa giấc nồng trên đôi tay thô ráp của mình, những giọt nước mắt hạnh phúc của hắn nhòa đi chảy xuống đôi gò má cao xấu xí.

Truyện ngắn của Phạm Công Thắng
.
.
.