Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống của Lực lượng CAND Việt Nam (19/8/1945-19/8/2014)

Những người đánh án bằng... bàn phím

Thứ Tư, 27/08/2014, 08:00
Trong truyền thống vẻ vang 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND, có một đơn vị mới chỉ tròn 1 năm thành lập nhưng những thành tích mà đội quân non trẻ ấy đạt được lại vô cùng đáng nể. Chiến công của họ không chỉ khẳng định tài năng, ý chí, quyết tâm đấu tranh với loại hình tội phạm mạng ngày càng nở rộ và tinh vi mà còn thể hiện sự kế thừa xứng đáng với lớp lớp cha anh đi trước. Họ là cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội.

Chúng tôi có mặt tại Phòng PC50 - Công an thành phố Hà Nội đúng vào lúc các anh đang chuẩn bị chuyển sang trụ sở mới. Những thùng cáctông đựng tài liệu tràn lối đi, những bàn làm việc có tới 3 - 4 đồng chí ngồi chung… nhưng dường như không gian chật chội, đầy tính tạm bợ ấy không ảnh hưởng gì tới tinh thần làm việc của các cán bộ chiến sĩ trong phòng.

Thượng tá Ngô Minh An - Phó trưởng Phòng PC50 không giấu được niềm vui sắp được về trụ sở mới để anh chị em trong đơn vị có thể quy về một mối. Bởi từ khi đơn vị được thành lập đến nay, vì điều kiện Công an thành phố đang trong giai đoạn xây dựng, cải tạo trụ sở làm việc nên đơn vị chưa được bố trí trụ sở làm việc riêng. Vì vậy, suốt một năm qua, đơn vị phải làm việc trong tình trạng "một chốn bốn nơi".

Thượng tá Ngô Minh An cho biết, những năm gần đây, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc. Trong xu thế ấy, Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng ngày càng gia tăng, dưới nhiều hình thức tinh vi. Trước tình hình đó, tháng 8/2013, Bộ Công an và Công an Hà Nội đã thành lập thí điểm phòng PC50 với lực lượng nòng cốt từ hai đội của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hôiå và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ chuyển sang. Dù mới thành lập, khó khăn chồng chất nhưng với các chiến sĩ phòng PC50, họ chưa một ngày ngơi nghỉ; thành lập phòng xong là "đánh án" ngay.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây không lâu, vụ 14.000 thuê bao điện thoại di động bị cài đặt phần mềm nghe lén được các chiến sĩ phòng PC50 triệt phá đã gây chấn động dư luận. Đây là một trong những chiến công xuất sắc của các chiến sĩ phòng PC50 trong công cuộc đấu tranh với tội phạm mạng. Nếu sự việc vi phạm này không được ngăn chặn kịp thời, thì không chỉ 14.000 thuê bao bị lấy cắp thông tin, chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số, làm mất an toàn và bí mật người sử dụng điên thoại. Và hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc xâm phạm đời sống cá nhân người sử dụng mà còn gây ảnh hưởng xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an TP Hà Nội (hàng đầu tiên, thứ 5 từ trái sang) cùng các CBCS Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ngày thành lập. Ảnh: Lê Linh.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với Thượng úy Đào Tiến Công, cán bộ Đội phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử. Người có nụ cười hiền khô này cũng chính là một trong những cán bộ tham gia đấu tranh triệt phá chuyên án ngay từ ngày đầu. Anh chia sẻ, sự khác biệt khi bắt đầu chuyên án này là các anh không hề nhận được đơn trình báo nào bởi chủ nhân những thuê bao điện thoại hoàn toàn không hề biết mình bị theo dõi. Một vài người khi thấy điện thoại của mình nhanh hết pin hay thường xuyên tự kích hoạt 3G thì cũng chỉ nghĩ có thể do máy mình bị nhiễm virut… Tuy nhiên, qua công tác trinh sát, các anh được biết, phần mềm nghe lén điện thoại được quảng cáo khá công khai trên mạng.

Theo giấy phép, công ty Việt Hồng chỉ đăng ký kinh doanh hoạt động liên quan đến lĩnh vực xây dựng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, từ tháng 6 năm 2013, công ty này phát triển cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động (tên gọi là Ptracker). Tất cả dữ liệu như tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, lộ trình di chuyển... của máy bị giám sát này sẽ được phần mềm lưu lại và tải lên máy chủ. Chỉ sau khoảng 3 - 5 phút, người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào trang web đã được công ty cung cấp là có thể tiến hành theo dõi lại tất cả các dữ liệu trên.

Để thu hút khách sử dụng dịch vụ trên, công ty Việt Hồng đã cho đăng tải quảng cáo thông tin này trên một số trang mạng xã hội, một số website. Thậm chí, chỉ cần đóng 3 triệu đồng là bất kỳ ai cũng có thể trở thành đại lý của công ty. Với những ưu đãi như vậy, chỉ riêng cung cấp gói dịch vụ giám sát điện thoại di động trong một thời gian ngắn, công ty Việt Hồng đã bỏ túi cả tỷ đồng. Thượng úy Đào Tiến Công nhớ lại, từ khi chuyên án được thành lập cho tới khi hoàn thành là nửa năm trời các anh phải căng mình đi tìm chứng cứ khẳng định những sai phạm của công ty này. Để có thể nắm rõ được mô hình, quy luật hoạt động của công ty là không biết bao ngày các anh phải mật phục thông tầm.

Còn Thượng úy Dư Đình Hiếu, Đội phó Đội 5 thì chia sẻ đặc điểm của loại hình tội phạm này các đối tượng đa phần đều có trình độ và còn rất trẻ. Gần đây nhất, các anh đã triệt phá thành công chuyên án với thủ đoạn khá phổ biến hiện nay mà đối tượng phạm tội mới 17 tuổi. Vào khoảng 9h15' ngày 9/7, chị Hiền vào sử dụng facebook có nick là "Bảo Hiền Nguyễn" thì thấy em gái là Nguyễn Thu Hằng đang cư trú tại Đức vào chat (trò chuyện). Trò chuyện được vài câu thì "em gái" ngỏ ý nhờ chị mua thẻ cào mạng mobifone mệnh giá 500.000 đồng. Chị Hiền đã mua tổng số tiền là 12.500.000 đồng rồi gửi mã thẻ qua hộp thư chat facebook. Chỉ đến khi chị Hiền điện thoại cho em thì mới biết em mình không hề nhờ mua thẻ điện thoại. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định được địa chỉ IP thời điểm nick “Thu Hằng Nguyễn” bị hack tại địa chỉ ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo, Trảng Bom, Đồng Nai. Tổ công tác lập tức cử người tiến hành rà soát, xác minh và chỉ vài ngày sau, thủ phạm với bộ mặt non choẹt đã lộ diện. Đó chính là Lê Như Thắng, sinh năm 1997 tại Quảng Trị nhưng học hết lớp 10 thì Thắng bỏ học vào Đồng Nai ở cùng anh trai. Thay vì kiếm việc làm, Thắng thường xuyên lên mạng internet tạo tài khoản facebook ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sau khi lấy cắp được thông tin tài khoản facebook của người khác, Thắng thường mạo danh bạn bè trong danh sách để lừa mua thẻ cào điện thoại. Chỉ trước khi bị bắt một ngày, vẫn bằng thủ đoạn ấy, Thắng đã lừa đảo được một người khác nạp tài khoản điện thoại cho mình…

Không chỉ lừa đảo, cưỡng đoạt qua điện thoại, facebook, gần đây tội phạm mạng còn thực hiện nhiều hoạt động phi pháp như đột nhập vào hệ thống máy tính của các công ty, ngân hàng để đánh cắp dữ liệu khách hàng, từ đó làm giả thẻ tín dụng để rút tiền hoặc ra lệnh chuyển tiền…. Đặc biệt, tội phạm công nghệ cao đã không giới hạn trong nước mà vươn ra nước ngoài với tính chất hoạt động xuyên quốc gia. Nhiều chuyên án đã được xác lập và triệt phá thành công. Những thành tích như bắt quả tang đối tượng Feng Hai Qiang mang quốc tịch Trung Quốc đang sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại cây ATM thuộc địa bàn quận Thanh Xuân hay 2 đối tượng người Đài Loan là Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin đang móc ngoặc với một số đối tượng người Việt dùng thủ đoạn gọi điện giả danh công an để đe dọa chiếm đoạt tài sản… đã chứng minh sự quyết tâm cao độ của các chiến sĩ phòng PC50 trong việc trấn áp loại hình tội phạm này.

Khác với các loại hình tội phạm như hình sự, ma túy… tội phạm sử dụng công nghệ cao hầu hết đều là những người trẻ, có trình độ hiểu biết về công nghệ nên họ gây án một cách tinh vi, không có giới hạn về vị trí… Nếu như các loại hình tội phạm khác thường để lại những dấu vết tại hiện trường thì với loại tội phạm này, để có những chứng cứ điện tử trong mê cung xa lộ thông tin mạng vô cùng khó khăn. Đặc điểm ấy đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phòng PC50 ngoài ý chí,á bản lĩnh là trình độ để “đấu trí”å với tội phạm. Và, với các CBCS phòng PC50, sau mỗi chiến công, ngoài niềm vui, họ không tránh khỏi cảm giác nuối tiếc khi chứng kiến những người có trình độ nhưng đã sử dụng kiến thức của mình vào hành vi phạm pháp.

Dù " Không ít CBCS sinh ra không phải dân công nghệ" - như lời Thượng tá Ngô Minh An chia sẻ - nhưng kể từ ngày thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc mà trực tiếp là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, các cán bộ, chiến sĩ Phòng PC50 đã có được thành tích đáng tự hào là đấu tranh triệt phá được 147 vụ việc, ổ nhóm với 197 đối tượng, trong đó có 24 ổ nhóm với 78 đối tượng có hành vi sử dụng công nghệ cao để hoạt động tội phạm. Đã có 67 lượt cá nhân và tập thể được lãnh đạo các cấp ra quyết định khen thưởng…

Thảo Duyên
.
.
.