Nhà thơ Võ Quang Diệm: “Chốn quê neo đậu hồn tôi”

Thứ Bảy, 21/10/2023, 15:31

Võ Quang Diệm là học sinh chuyên toán Khóa 2 của Nghệ An, năm 1969 tốt nghiệp loại giỏi nên được cử đi du học ở Liên Xô. Năm 1987, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Trường Đại học Xây dựng Lê-nin-grát. Về nước anh làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo.

Trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Võ Quang Diệm là một nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế, quản lý và giảng viên đại học. Năm 2001, anh được đề bạt Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng. Anh có kiến thức chuyên môn sâu rộng, nhiệt tình, trách nhiệm, cương trực, thẳng thắn được đồng nghiệp và đối tác tin tưởng. Ở vai trò thỉnh giảng, anh đã thể hiện một nhân cách đáng quý: "Phụ huynh gặp thầy trao bì thư cảm tạ/ Thầy chỉ nhận lời và xin trả bì thư". Ở tuổi nghỉ hưu anh vẫn được tiến cử giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, tiếp tục cống hiến và không ngừng nghỉ hoạt động từ thiện: "Ta về với những mảnh đời yêu thương/ Ta về với những mái trường/ Giữa nơi biên viễn, bên sườn suối khe…".

Nhà thơ Võ Quang Diệm: “Chốn quê neo đậu hồn tôi” -1

Bạn đọc biết đến thơ Võ Quang Diệm qua 6 tập thơ: ''Ký ức tình yêu'', ''Chốn quê neo đậu hồn tôi'', ''Lời ru cho em'', ''Bỗng dưng thèm trách mắng'', ''Ta về lợp những mái che'', ''Hương tình người xứ Nghệ" do NXB Hội Nhà văn và NXB Văn học ấn hành. Anh đã có 8 bài thơ được phổ nhạc, trong đó, đặc biệt nhất là ca khúc "Nhớ chiều thu Hà Nội'' đạt giải Nhất Hội diễn ca múa nhạc chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Hiệp hội UNESCO Hà Nội. Đấy là kết quả bước đầu, sự đơm hoa kết trái của một tình yêu thơ và sự say mê sáng tạo không ngừng nghỉ.

Mỗi tập thơ có những chủ đề riêng, nhưng xuyên suốt 6 tập thơ, chữ tình 4T: Tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi và tình người là hồn cốt thơ anh. Anh đã dùng thơ để ghi lại những "Cảm xúc bất chợt tình cờ" của mình. Tất cả những rung cảm ấy cứ như mạch ngầm chầm chậm tích tụ rồi đến ngày bung ra chảy thành con suối thơ "mặn nồng'', "nhung nhớ''.

Điểm toát lên trong thơ anh là tiếng lòng vang ngân của chính anh với quê cha đất tổ, với những vùng đất đã đi qua cả trong và ngoài nước, với mẹ cha, vợ con, bè bạn trong đó có vài bóng hồng vụt thoáng qua, với nghề và với những trăn trở của thời cuộc.

Mảng thơ về quê hương đất nước trong thơ anh thật đẹp vì đầy ắp kỷ niệm. Đó là nơi anh sinh thành, nơi "ai cũng thuộc Kiều" và "cũng biết làm thơ". Đó là những "Lời ru ngọt ngào của mẹ": và những "đêm hát đối phường Vải" dọc đôi bờ sông Giang dịu mát. Đó là mái trường dạy chữ Nhân, chữ Nghĩa thuở đầu đời: "Sống nhân nghĩa có lý tình/ Lấy đạo trung hiếu răn mình tu thân". Và đó còn là nước Nga, nơi đã cho anh những kiến thức cần thiết để trở về phục vụ Tổ quốc. Nơi giao thoa cảm xúc để anh viết nên những vần thơ "Nhớ nhung" thật ấn tượng: "Thả hồn vào Nê Va/ Nghe Hồ Tây sóng vỗ/ Ánh chiều vương phố cổ/ Nhớ sương giăng Hồng Hà/ Nhìn Hải âu vờn sóng/ Mơ Sâm cầm bay xa''.   

Chủ đề gây xúc động nhất là phần thơ anh nói về mẹ, cha, vợ con, thầy cô, bè bạn và nghề nghiệp. Ở đây anh không tả theo lối kể thông thường mà theo lối gợi thông qua những hình ảnh đong đầy những kỷ niệm của đời anh.

Hình ảnh người mẹ trong thơ anh thật ấn tượng qua loạt bài "Mẹ là duy nhất đời con", "Ước mong của mẹ", ''Kính mừng mẹ đại thọ 100 tuổi", ''Còn mẹ còn quê''… Nhưng bài "Mẹ tôi", là bài thơ xúc động nhất. Với hai bàn tay trắng, bắt đầu từ con số không, Mẹ luôn giữ nếp gia phong và ngược xuôi đêm ngày tần tảo "nuôi con nên người": ''Khuyên con cháu chắt ở đời/ Gieo tâm gặt phúc rạng ngời tổ tông/ Một đời giữ nếp gia phong/ Vẹn tình hiếu nghĩa êm trong ấm ngoài''.

Khác với mẹ, bố anh dạy con theo tâm đức người thầy, hướng nghiệp cho con trở thành người có ích cho đất nước: "Bố đã mở nút thắt/ Cho con học nước ngoài/ Chính bố người mở khóa/ Đường con vào tương lai".

Thơ của Võ Quang Diệm đẹp bởi cái chân tình, dung dị và lấp lánh những sắc màu của cuộc sống, những tình cảm thiết tha với quê hương, đất nước, con người. Trong mạch thơ tự sự của anh tôi ấn tượng bởi bài "Bỗng dưng thèm trách mắng" anh viết tặng người vợ hiền tần tảo, và  "Sao không về họp lớp". Bài thơ là bức tranh xúc động về cuộc hội ngộ nhóm bạn thời phổ thông sau 40 năm gặp lại. Có bạn về từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Có bạn về từ Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ. Có bạn là doanh nhân, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn. Có bạn là Tướng, Tá thuộc lực lượng vũ trang, có bạn là nông dân. Trong phần điểm danh, tự giới thiệu đôi nét về bản thân, gặp tình huống sau khi xướng tên, "Không một lời thưa lại". Bởi đó là người bạn "Tuổi 20 ra đi, ngã xuống vì chiến tranh", "Không biết nơi mộ chí". Và đúng giây phút ấy, "Cả lớp mắt lệ trào đứng dậy, Một phút cúi đầu thương nhớ bạn đồng môn".

Nhà thơ Võ Quang Diệm: “Chốn quê neo đậu hồn tôi” -0
Một trong những tập thơ của nhà thơ Võ Quang Diệm.

Mảng thơ thế sự có pha chút triết lý không nhiều như "Bánh vẽ", "Những điều phải nói", "Nhẫn", "Những điều trông thấy"… nhưng chừng ấy cũng đủ xác lập cách suy ngẫm có chiều sâu của anh: "Thể chế nào cũng vậy cả thôi/ Mọi thuyết giáo chỉ đẹp trong sách vở/ Danh lợi ái tình vẫn là điều cám dỗ/ Và bạc tiền cứ chèo lái lương tâm".

Tình yêu đất nước luôn quyện chặt trong thơ Võ Quang Diệm. Biên giới, hải đảo đau đáu trong anh để tuôn trào ra "Tổ quốc ơi", "Cột cờ Lũng Cú", "Chiều biên cương", "Thương về Hoàng Sa", "Điều không nhân nhượng"…là những khúc ca bi hùng, lay động người đọc và khẳng định ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Viết về nghề, anh có một loạt bài "Nghề tôi yêu", "Chuyến đi về Mù Cang Chải", "Bước chân thiện nguyện", "Viết ở Mái ấm Giusê", "Trở lại Cần Thơ", và bài lục bát khá hay "Ta về lợp những mái che". Bằng những nét chấm phá lược tả, với tâm nguyện "Lợp cho mát những trưa hè nắng nung/ Lợp cho ấm những đêm đông" để làm ấm những mảnh đời yêu thương: "Ta về lợp những mái che/ Những vòm trời khát mát hè ấm đông/ Nhóm nhen những đốm lửa hồng/ Xua đêm đen đón nắng hồng ban mai".

Anh có nhiều bài viết về tình yêu đôi lứa khá độc đáo, hóm hỉnh và rất gợi: "Chao trời, rung đất, nghiêng cây/ Chiều thăm thẳm biếc, tình ngây ngất tình". Thật thú vị khi được xem bức tranh "Về tình yêu bất chợt" thuần túy Việt do anh vẽ ngay trên đất nước của thi hào Puskin:

"Bất chợt vẫn gặp em đoan trang như thuở trước". "Bất chợt cơn mưa xứ trời âu đổ xuống". "Bất chợt cầm tay em chạy vội" "Bất chợt cụng đầu em". Để rồi "Phút giây thôi ta chẳng của nhau rồi". Thơ tình của anh luôn nồng nàn nhưng chân thành và rất mực thủy chung: "Lặng thầm vẫn dõi theo nhau/ Lặng thầm yêu đến bạc đầu vẫn yêu". Đó là thứ tình yêu cháy hết mình và cao thượng "Tôi yêu em cháy hết mình/ Vẫn mong em được người tình yêu hơn".

Thơ Lục bát dễ viết nhưng khó hay. Dễ viết khi lục bát là vè. Khó viết khi lục bát là thơ. Chưa đạt tầm lục bát của thế hệ cùng trang lứa: Nguyễn Duy, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo… nhưng lục bát của Võ Quang Diệm đã đạt chuẩn thi vị, mượt mà, hấp dẫn có nhiều bài hay và nhiều câu thơ xuất sắc. Những bài lục bát hay: "Bức tranh quê", ''Mẹ tôi", Cảm xúc", ''Tự chuốc mình", "Anh ơi", ''Nhút Thanh Chương", "Đón bạn trở về" ''Hoa rừng'', ''Còn mẹ còn quê''… đều được anh viết theo thể thơ lục bát truyền thống đậm chất dân gian: "Trời thu mây biếc gió lành/ Dập dìu chim bướm lượn quanh rừng vàng".

Anh cũng đã để tâm làm mới lục bát, có nhiều bài anh viết theo lối phá cách, ngắt nhịp gấp gáp để phù hợp với cảnh và tình và đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ trong các bài: "Hồn quê", "Mua mùa thu", "Về quê"

Về quê
hưởng chút lộc trời
Nắng nung nung kết
tính người thẳng ngay
Gió hầm hập
rạc cỏ cây
Mồ hôi bạc trắng luống cày mưu sinh.

Trong số gần trăm bài lục bát của mình, có nhiều câu rất được và hay.

Có câu hay về tính cách điệu: "Trời xanh ai đẩy lên cao/ Áo thu ai đã mặc vào cho cây". Có câu hay về tả: "Chiều nghiêng tím biếc chân trời". Có câu hay về giới: "Thượng huyền trăng vỡ làm đôi/ Kẻ mơ làm Cuội vẫn côi cút tình". Có câu hay về thi ảnh: "Tí tách từng giọt thu rơi/ Buồn vương vương nhớ thu vời vợi xa/ Sắc vàng óng ả thu Nga/ Ta thung thăng giữa thiết tha rừng chiều". Có câu hay ở cảm: "Chốn quê neo đậu hồn tôi/ Câu thơ ngọt lịm từ lời mẹ ru". Có câu hay ở tính triết lý: "Giọt buồn, giọt đắng, giọt cay/ Nhâm nhi từng giọt mới hay giọt đời".

Sáu tập thơ là một đại lượng chữ nghĩa, ngôn từ được "Nâng niu, chưng cất nên thơ tặng đời", được biểu đạt qua nhiều thể thơ là rất đáng trân trọng "Thơ Võ Quang Diệm đã tạo được cho mình một cái bến mang tên "Chân tình" để níu giữ hồn thơ, trải nghiệm, giao hòa cùng cõi đời biến động", như tạp chí ''tapchinhavan.vn'' đánh giá. Hầu hết các bài thơ của anh đều dung dị, ý tứ nhẹ nhàng, khúc chiết, sâu lắng, dễ đọc, dễ thấm. Lục bát thì mượt mà, không gò ép về vần điệu. Tất cả đều toát lên một tình cảm chân thành, thiết tha với quê hương, đất nước, người thân, bạn bè và nỗi trăn trở, day dứt của người cầm bút trước những biến động của thời cuộc.

Với sự đam mê, luôn học hỏi, tìm tòi vươn lên, người viết tin rằng Võ Quang Diệm sẽ đi tiếp trên con đường sáng tạo mới, cách tân trên nền truyền thống tộc để trình làng những tập thơ mới, phong cách mới.

Chúng ta mong và tin như thế.

Nguyễn Đăng An
.
.
.