Vũ khí của Israel có từ những nguồn nào?
Sức ép buộc các quốc gia phải ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Israel đã tăng lên. Một số chính phủ đã phải đối mặt với một loạt chiến dịch chính trị và xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các cuộc điều tra và thách thức pháp lý liên quan đến chính sách cung cấp vũ khí cho Israel...
Sau khi Israel phát động cuộc chiến trả đũa ở Dải Gaza, bên cạnh một số quốc gia nhanh chóng khẳng định quyền tự vệ của Israel, thì cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về số người chết cao, về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và cách Israel tiến hành chiến tranh, bao gồm cả các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm mục tiêu hoặc đánh trúng các bệnh viện, trường học, nơi trú ẩn khẩn cấp, các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc, cũng như các khu vực từng được Israel chỉ định là “khu vực an toàn” ở Dải Gaza. Các cuộc tấn công này khiến nhiều nhà báo, nhân viên nhân đạo, người biểu tình ôn hòa và dân thường thiệt mạng.
Bất chấp yêu cầu ngừng bắn
Tháng 1/2024, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã vạch ra các biện pháp tạm thời trong một vụ kiện do Nam Phi đưa ra liên quan đến việc áp dụng Công ước diệt chủng năm 1948 đối với tình hình ở Dải Gaza. Theo đó, Israel phải lập tức thực hiện các bước nhằm ngăn chặn quân đội thực hiện các hành vi có thể bị coi là diệt chủng và cho phép cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Tháng 5/2024, ICJ cũng yêu cầu Israel lập tức dừng cuộc tấn công quân sự của họ ở tỉnh Rafah. Tháng 6/2024, Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc khẳng định cả Hamas và Israel đều phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh kể từ ngày 7/10/2023.
Ngày 18/9/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mới yêu cầu Israel nhanh chóng chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp của mình tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia ngừng cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị liên quan cho Israel trong tất cả những trường hợp có cơ sở pháp lý để nghi ngờ rằng chúng có thể được sử dụng tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Sức ép buộc các quốc gia phải ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Israel đã tăng lên. Một số chính phủ đã phải đối mặt với một loạt chiến dịch chính trị và xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các cuộc điều tra và thách thức pháp lý liên quan đến chính sách cung cấp vũ khí cho Israel.
Mối liên hệ giữa tội ác chiến tranh và chuyển giao vũ khí đã được định nghĩa rõ ràng. Theo Công ước Geneva, các quốc gia cam kết tôn trọng và đảm bảo sự tôn trọng đối với Luật Nhân đạo quốc tế (IHL). Đây được xem là yếu tố dẫn tới việc các quốc gia được yêu cầu phải đảm bảo rằng vũ khí mà họ xuất khẩu sẽ không được sử dụng cho những hành vi vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế.
Theo Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí SIPRI, có 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí thông thường lớn hàng đầu thế giới trong danh sách này, ngoại trừ chính mình và 3 nước không chuyển giao vũ khí lần này cho Israel thì còn lại 6 quốc gia.
Những quốc gia nào chuyển giao vũ khí cho Israel?
Trong thập kỷ qua, Israel đã gia tăng đáng kể lượng vũ khí nhập khẩu. SIPRI ước tính Israel là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 15 thế giới, chiếm 2,1% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 2009-2013, nước này chỉ xếp thứ 47.
Mặc dù chỉ có 3 quốc gia cung cấp vũ khí lớn cho Israel trong giai đoạn 2019-2023, nhưng Mỹ, Đức, Italy và nhiều quốc gia khác vẫn cung cấp linh kiện quân sự, đạn dược và dịch vụ. 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn còn lại trong số 10 quốc gia hàng đầu bị loại khỏi danh sách phân tích này là Nga, Trung Quốc - là hai quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 và 4 - vì không có bất kỳ thông tin nào về các loại vũ khí hai nước này cung cấp cho Israel. Ngoài ra còn có Hàn Quốc (quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10) vì lượng xuất khẩu của họ sang Israel là rất ít và chính Israel (quốc gia xuất khẩu lớn thứ 9).
Mỹ
Trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ chiếm 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel. Mỹ cung cấp nhiều loại vũ khí lớn, bao gồm máy bay, xe bọc thép, tên lửa vừa tàu chiến. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Ví dụ, tất cả các máy bay chiến đấu đang hoạt động trong lực lượng không quân Israel đều do Mỹ cung cấp với những cải biến đặc biệt riêng cho nước này.
Năm 2016, Mỹ cam kết mỗi năm cung cấp 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel trong giai đoạn 2019-2028, gần bằng mức hỗ trợ trong thập kỷ trước. Ngành công nghiệp vũ khí của Israel và Mỹ hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả phòng thủ tên lửa. Israel và Mỹ cùng nhau phát triển và sản xuất hệ thống phòng không 3 tầng của Israel chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa, gồm: Iron Dome (Vòm sắt), David’s Sling (Chiếc địu của David) và Arrow (Mũi tên).
Sau ngày 7/10/2023, Mỹ nhanh chóng tăng cường viện trợ quân sự khẩn cấp cho Israel. Đến ngày 10/10/2023, Mỹ được cho là đã chuyển 1.000 quả bom dẫn đường cỡ nhỏ GBU-39, đợt giao hàng nhanh theo hợp đồng đã ký từ trước. Kể từ đó, Mỹ cũng đẩy nhanh việc chuyển giao các loại vũ khí lớn theo hợp đồng đã ký từ trước và gửi thêm viện trợ quân sự khẩn cấp cho Israel. Những đợt chuyển giao này bao gồm bom đường kính nhỏ, bộ dẫn đường đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM), tên lửa cho hệ thống Iron Dome của Israel, đạn pháo và xe bọc thép.
Tháng 1/2024, Mỹ và Israel đã thúc đẩy việc cung cấp thêm máy bay chiến đấu F-35 và F-15 cho Israel. Tháng 6/2024, một thư thỏa thuận đã được ký kết để cung cấp F-35. Tháng 8/2024, Chính phủ Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch cung cấp F-15. Việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Israel vấp phải sự phản đối trong nước, từ cả các thành viên Quốc hội lẫn xã hội dân sự rộng lớn.
Mặc dù sự phản đối này hầu như không tác động rõ ràng đến dòng viện trợ quân sự, nhưng ngày 9/5, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đình chỉ việc chuyển giao lô vũ khi bao gồm bom hạng nặng 500 pound và bom Mk-84 2.000 pound cho Israel với lý do quan ngại về việc nước này đe dọa tấn công Rafah. Tuy nhiên, ngày 11/7, Chính phủ Mỹ cho biết sẽ tiếp tục cung cấp bom 500 pound cho Israel.
Đức
Theo dữ liệu của SIPRI, Đức chiếm 30% lượng vũ khí lớn mà Israel nhập khẩu trong giai đoạn 2019-2023. Những vũ khí này chủ yếu dành cho lực lượng hải quân của Israel: 81% số đợt chuyển giao là khinh hạm và 10% khác là ngư lôi. 8,5% còn lại là động cơ xe bọc thép, bao gồm cả động cơ cho xe bọc thép được sử dụng trong cuộc chiến ở Dải Gaza. Khinh hạm do Đức cung cấp, cụ thể là khinh hạm lớp Sa’ar 6, cũng đã được sử dụng trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
Tháng 11/2023, Chính phủ Đức được cho là đã thành lập một nhóm công tác, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao liên bang, Bộ Kinh tế và hành động vì khí hậu liên bang và Văn phòng Kinh tế và kiểm soát xuất khẩu liên bang, có nhiệm vụ xúc tiến cung cấp vũ khí theo yêu cầu của Israel.
Tháng 3/2024, Nicaragua đã trình đơn kiện lên ICJ yêu cầu tòa án lệnh cho Đức phải lập tức ngừng viện trợ quân sự và xuất khẩu vũ khí cho Israel, vì những vũ khí này đang được sử dụng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi hoặc tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước diệt chủng, Luật Nhân đạo quốc tế hoặc các quy định bắt buộc khác của luật pháp quốc tế. Trong quyết định công bố ngày 30/4, ICJ đã bác bỏ yêu cầu này.
Tháng 6/2024, một số cư dân Palestine ở Dải Gaza đã đệ trình 3 yêu cầu lên Tòa án Hành chính ở Berlin để ngăn Chính phủ Đức cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho đến khi chiến sự ở Dải Gaza chấm dứt, với lý do việc phê duyệt những giấy phép như vậy có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Tòa án cũng bác bỏ những yêu cầu này.
Italy
Trong giai đoạn 2019-2023, Italy chiếm 0,9% lượng vũ khí lớn mà Israel nhập khẩu. Phần lớn trong số này bao gồm trực thăng hạng nhẹ (59%); phần còn lại là pháo hải quân (41%) được trang bị cho các khinh hạm do Đức cung cấp. Ngoài ra, Italy cũng là đối tác trong chương trình F-35 và các linh kiện cũng do nước này sản xuất. Trả lời phỏng vấn hồi tháng 1/2024, Ngoại trưởng Italy và Phó Thủ tướng Antonio Tajani cho biết: “Kể từ khi chiến sự nổ ra, chúng tôi đã đình chỉ mọi chuyến vận chuyển hệ thống vũ khí hoặc vật liệu quân sự các loại cho Israel”.
Tuy nhiên, tháng 3/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã làm rõ rằng các chuyến vận chuyển hàng hóa sang Israel vẫn tiếp diễn, nhưng đó chỉ là các chuyến hàng theo hợp đồng đã ký trước ngày 7/10/2023. Điều này phù hợp với tuyên bố mà ông đưa ra hồi tháng 11/2023. Bộ trưởng Quốc phòng Italy cũng cho biết những chuyến hàng này chỉ được phép thực hiện sau khi kiểm tra để đảm bảo rằng không một vũ khí nào trong số chúng được sử dụng để chống lại dân thường ở Dải Gaza.
Anh
Theo dữ liệu của SIPRI, Anh không xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí lớn nào cho Israel kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, nước này lại cung cấp cho Israel linh kiện cho nhiều hệ thống khác nhau như máy bay (bao gồm cả F-35), radar và thiết bị ngắm mục tiêu. Năm 2023, Anh được cho là đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu trị giá ít nhất 17 triệu bảng Anh (khoảng 22 triệu USD) cho các mặt hàng xuất khẩu quân sự sang Israel, không bao gồm giấy phép mở cho phép xuất khẩu một lượng không giới hạn các mặt hàng cụ thể.
Phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 4/2024, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Anh Leo Docherty cho biết: “Chính phủ Anh không cung cấp bất kỳ thiết bị sát thương hay thiết bị quân sự nào khác cho Israel kể từ ngày 4/12/2023”. Dữ liệu chính thức về giấy phép xuất khẩu được công bố hồi tháng 6/2024 cho thấy có tổng cộng 345 giấy phép còn hiệu lực. Trong số này, 108 giấy phép đã được phê duyệt từ ngày 7/10/2023, bao gồm giấy phép xuất khẩu linh kiện cho trực thăng và máy bay cánh cố định, đạn dược cho các loại vũ khí nhỏ phục vụ mục đích huấn luyện, linh kiện tàu ngầm và linh kiện áo giáp. Số liệu thống kê cho thấy có thêm 185 đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu đang được xem xét.
Tháng 12/2023, hai tổ chức xã hội dân sự là Mạng lưới Hành động pháp lý toàn cầu (GLAN) và Al-Haq đã đưa vụ kiện ra Tòa án Tối cao ở London để phản đối việc chính phủ tiếp tục phê duyệt giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Israel. Ngày 2/9/2024, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Jonathan Reynolds cho biết Anh sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu đối với những loại vũ khí mà họ cho rằng sẽ được sử dụng trong các hoạt động quân sự ở Dải Gaza và do đó có thể vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến khoảng 30 giấy phép - đối với các mặt hàng bao gồm linh kiện cho máy bay chiến đấu F-16 và UAV, hệ thống hải quân và thiết bị nhắm mục tiêu.
Reynolds cho biết các giấy phép liên quan đến chương trình F-35 đã bị loại bỏ, ngoại trừ trường hợp các linh kiện sẽ được chuyển trực tiếp từ Anh đến Israel. Trích dẫn việc miễn trừ các linh kiện của F-35, GLAN và Al-Haq tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện hành động pháp lý của mình.
Pháp
Cũng như Anh, dữ liệu SIPRI không cho thấy bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn nào của Pháp sang Israel trong giai đoạn 2019-2023. Hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn gần đây nhất của Pháp sang Israel là vào năm 1998. Tuy nhiên, Pháp lại cung cấp linh kiện cho vũ khí.
Tháng 2/2024, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội rằng hàng xuất khẩu của Pháp sang Israel chỉ là các linh kiện cơ bản, chủ yếu để Israel tái xuất khẩu. Ông nói thêm rằng kể từ tháng 10/2023, ông đã yêu cầu các cán bộ phải kiểm tra nghiêm ngặt hơn hàng xuất khẩu sang Israel, đồng thời cho biết Chính phủ Pháp không muốn bị chỉ trích vì xuất khẩu vũ khí sang Israel chống lại dân thường Palestine.
Các thành viên Quốc hội cùng các tổ chức xã hội dân sự đã yêu cầu Chính phủ Pháp đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel. Ví dụ, ngày 11/4/2024, một nhóm tổ chức xã hội dân sự Pháp đã trình 3 đơn kiện lên Tòa án Hành chính đối với Chính phủ Pháp về việc khẩn cấp đình chỉ chuyển giao vũ khí cho Israel. Tuy nhiên, cả 3 đơn kiện đều bị tòa án bác bỏ.
Tháng 6/2024, tổ chức điều tra độc lập Disclose cáo buộc rằng Chính phủ Pháp đã cho phép xuất khẩu sang Israel các thiết bị điện tử được sử dụng trong UAV Hermes 900, mà có thể được triển khai để theo dõi các diễn biến trên thực địa ở Dải Gaza.
Tây Ban Nha
Chỉ sau một thời gian Israel phát động cuộc chiến, ngày 25/10/2023 Bộ trưởng Xã hội Tây Ban Nha Ione Belarra đã kêu gọi các nước châu Âu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, cũng như áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố không chào đón Liên hợp quốc trên lãnh thổ nước này.
Trước các tin tức trên một số phương tiện truyền thông, ngày 12/2/2024, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha và EU đã ra thông cáo báo chí xác nhận Tây Ban Nha không có bất kỳ hoạt động bán vũ khí nào cho Israel kể từ ngày 7/10/2023.