Trung Quốc với lá bài kim loại chiến lược

Thứ Hai, 14/11/2022, 11:48

Vừa là một nước khai thác mỏ, vừa là một “gã khổng lồ” về chế biến công nghiệp, Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm của nền kinh tế công nghiệp mới. Bằng cách dựa vào nguồn tài nguyên địa chất và tiềm lực kinh tế - công nghiệp, Bắc Kinh đã tận dụng triệt để điểm mạnh của mình trên bản đồ công nghiệp thế giới.

Tài nguyên khoáng sản và áp lực địa chính trị

Một khảo sát nhanh về trữ lượng đã được kiểm chứng và sản lượng các kim loại chiến lược khác nhau cho thấy vị trí trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế công nghiệp. Nhờ trữ lượng lớn, Trung Quốc trở thành nước khai thác mỏ đứng đầu thế giới với sản lượng đa dạng có thể sánh với Nga. Tuy nhiên, vai trò này chỉ trở nên mạnh mẽ hơn khi quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu đối với tất cả các kim loại, từng bước đưa một số kim loại thông thường, chẳng hạn như đồng hoặc niken, vào danh mục các nguyên liệu thô chiến lược.

Trung Quốc với lá bài kim loại chiến lược -0
Một mỏ lộ thiên thuộc quyền sở hữu của công ty Trung Quốc tại nam Australia.

Cần lưu ý rằng phần lớn các kim loại không gia nhập một thị trường thống nhất và thực sự có tổ chức. Mặc dù Sàn giao dịch kim loại London hoạt động như một sàn giao dịch kim loại quốc tế, nhưng chỉ có một số lượng nhỏ kim loại quý và phổ biến được niêm yết. Những kim loại khác được giao dịch tự do giữa người sản xuất và người tiêu dùng, do đó làm tăng khả năng điều tiết thị trường của mỗi nhà sản xuất, đặc biệt trong những lĩnh vực đặc thù. Một số nước có ý định sử dụng năng lực sản xuất và cung cấp kim loại để gây ảnh hưởng, và Trung Quốc đã tận dụng năng lực của mình theo công thức: “Có dầu ở Saudi Arabia, có đất hiếm ở Trung Quốc”.

Nổi tiếng nhất trong số những hành động gây áp lực địa chính trị này là đòn trả đũa ngoạn mục của Trung Quốc đối với Nhật Bản vào năm 2010, sau nhiều vụ căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau một vụ đụng độ giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản vào tháng 9-2010, Bắc Kinh đã quyết định tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và sau đó áp dụng quyết định này đối với cả phần còn lại của thế giới. Việc tạm dừng này, kéo dài 1 năm, đã làm suy yếu toàn bộ chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.  Một thập kỷ sau, hành động địa kinh tế này vẫn là dấu mốc quan trọng khẳng định vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế và là biểu hiện của sự phụ thuộc của các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất – bao gồm Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu – vào tình trạng gần như độc quyền sản xuất của Trung Quốc.

Chiến lược tích hợp

Ngoài xuất khẩu các khoáng sản chiến lược, vốn không mang lại nhiều kết quả trong dài hạn, Trung Quốc còn hướng tới mục tiêu chi phối các thị trường công nghiệp theo nguyên tắc tích hợp các chuỗi giá trị. Trong vài năm qua, chiến lược này đã được thực hiện trong lĩnh vực xuất khẩu pin.

Trong “Triển vọng năng lượng thế giới 2017”, cơ quan năng lượng quốc tế dự đoán khoảng 300 triệu xe điện và 140 triệu xe lai điện sẽ được lưu thông vào năm 2040, chủ yếu ở những nước phát triển. Tuy nhiên, triển vọng này đòi hỏi phải giảm đáng kể chi phí pin, đồng thời cải thiện hiệu suất của chúng. Đây là lĩnh vực Trung Quốc lựa chọn để can thiệp, với chiến lược tích hợp về pin công nghệ lithium. Ở cấp độ khai thác, việc đảm bảo các mô lithium và cobalt được coi là bước đầu tiên trên chuỗi giá trị để thống trị thị trường.

Các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc, chủ yếu là Tianqi Lithium và Jiangxi Ganfeng Lithium (chuyên về khai thác lithium) và tiếp đến là China Molybdenum (chuyên về khai thác cobalt) đã bắt đầu mở cửa ra thị trường quốc tế thông qua chiến lược kép – mua lại tài sản và khai thác mỏ mới trên toàn cầu. Đối với lithium, kết quả đã rõ ràng: Trong vòng 5 năm qua, lĩnh vực khai thác kim loại này đã từ chế độ độc quyền bán bình đẳng chuyển sang sự thống trị của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc là nước sản xuất pin lithium lớn nhất thế giới và có khả năng điều tiết thị trường. Tesla – công ty Mỹ chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm ô tô điện và linh kiện cho các phương tiện chạy điện – từng đặt mục tiêu làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp pin lithium nhưng đã phải đầu hàng trong năm tài khóa 2018 – 2019 và ký thỏa thuận cung cấp lithium và    colbat với các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc.

Nguy cơ phụ thuộc

Tuy nhiên, sự chuyển đổi và tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970 đã tác động đến vấn đề kim loại chiến lược. Trong những năm 2000 – 2010, Trung Quốc từ chỗ là nước xuất khẩu kim loại đã trở thành nước xuất khẩu các thành phẩm công nghệ cao. Giờ đây, họ cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc nhập khẩu kim loại chiến lược để cung cấp cho các ngành công nghiệp trong nước.

Số liệu thống kê của nước này cho thấy sự gia tăng lượng nhập khẩu nguyên liệu phi thực phẩm, từ 20 tỷ USD (8,8%) vào năm 2000 lên 202,5% tỷ USD (12%) vào năm 2017. Do vậy, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhu cầu thiết lập các mạng lưới thương mại toàn cầu thực sự tập trung vào nguyên liệu, trong đó Sáng kiến “Vành đai và Con đường (BRI) là quan trọng nhất. Trung Quốc đang tiến tới vị trí thống trị thị trường pin lithium thế giới phần lớn là vì họ có khả năng đảm bảo an ninh nguồn nhập khẩu lithium (từ Australia và Nam Mỹ) cũng như cobalt (từ Trung Phi).

Bắc Kinh cũng đã phải đối mặt với sự trỗi dậy của một số quốc gia sản xuất hàng hóa vốn coi gã khổng lồ Trung Quốc là một đối tác quá tham lam. Đáng chú ý, trước nhu cầu niken của Bắc Kinh, Indonesia đã nhiều lần quyết định cấm xuất khẩu quặng niken để buộc các công ty Trung Quốc phải đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ của mình.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.