Thời thế có tạo được anh hùng?

Thứ Tư, 26/10/2022, 17:10

Vậy là nước Anh lại có một tân thủ tướng – ông Rishi Sunak - nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, thay thế bà Liz Truss vừa rút lui với tư cách là thủ tướng có thời gian tại nhiệm vỏn vẹn 6 tuần, ngắn nhất trong lịch sử. Ổn định kinh tế được xác định là mục tiêu hàng đầu của ông Rishi Sunak, như chính ông khẳng định. Tuy nhiên, những thách thức đang chờ đợi ông sẽ không chỉ là câu chuyện ấy.

Người được chọn

"Điều đó thật đáng kinh ngạc! Một cột mốc mang tính đột phá và cực kỳ quan trọng". Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thốt lên như vậy, khi hay tin ông Rishi Sunak được tuyên bố trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ đang cầm quyền ở Anh, ngày 24/10.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ứng cử viên Penny Mordaunt tuyên bố rút lui và ủng hộ ông Rishi Sunak trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ. Đảng Bảo thủ phải tiến hành bầu chọn lãnh đạo mới, cũng sẽ chính là thủ tướng mới của nước Anh sau khi bà Liz Truss thông báo từ chức ngày 20/10. Đến ngày 24/10, theo ông Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922 phụ trách về các vấn đề bầu cử quốc gia, ông Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử lãnh đạo.

Thời thế có tạo được anh hùng? -0
Việc ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng đã lập dấu mốc mới trên chính trường Anh quốc.

Như vậy, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng thứ ba liên tiếp của Anh quốc trong chưa đầy 2 tháng và là thủ tướng thứ 57 của nước Anh. Đó chính là vị thủ tướng da màu đầu tiên trong lịch sử nước Anh, vị thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên trong lịch sử nước Anh, cũng là vị thủ tướng trẻ nhất của “đảo quốc sương mù” suốt 200 năm qua. Trên cương vị mới, ông Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.

Nhìn vào hồ sơ lý lịch cá nhân của tân Thủ tướng Rishi Sunak, bất cứ ai cũng có thể hiểu được câu nhận xét đầy tính cảm thán của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thời thế có tạo được anh hùng? -0
Bà Liz Truss đã thất bại trong việc điều hành chính phủ Anh.

Ông Rishi Sunak sinh năm 1980 tại Southampton, Anh. Bố mẹ ông là người gốc Ấn Độ, nhập cư Anh từ Đông Phi vào những năm 1960. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Winchester, sau đó theo học ngành triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Ông học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford và gặp bà Akshata Murty, con gái ông N.R. Narayana Murthy, nhà sáng lập công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Infosys của Ấn Độ, tại đây. Từ năm 2001 đến năm 2004, ông Sunak là nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs, rồi tham gia vào hai quỹ phòng hộ. Ông Sunak kết hôn với bà Murty năm 2009 và có hai con gái. Ông được mô tả là một trong những nghị sĩ giàu nhất trên chính trường Anh.

Oxford và Stanford, chỉ hai cái tên trường đại học ấy thôi, cũng đã đủ khắc họa rõ ràng sự “danh giá” cần thiết để thăng tiến trên chính trường Anh. Hơn thế, tổng tài sản ước tính 730 triệu bảng Anh mà ông và vợ đang sở hữu cũng lại càng tăng thêm sức nặng cho vị thế của ông, nhất là trong bối cảnh nước Anh hiện tại.

Một mớ bòng bong

Nước Anh hiện tại, có lẽ đang mang dáng dấp của một con tàu lạc hướng. Chúng ta khó có thể nhận xét điều gì khác, khi nhìn vào chính cách mà người tiền nhiệm của ông Rishi Sunak là cựu Thủ tướng Liz Truss phải rời cương vị chỉ sau 6 tuần. Bất kể, cho đến 24 giờ cuối cùng trước ngày tuyên bố từ chức, bà vẫn mạnh miệng khẳng định: “Tôi là chiến binh, không phải kẻ đào tẩu!”.

Thời thế có tạo được anh hùng? -0
Lạm phát ở Anh tăng cao nhất trong vòng 40 năm.

Cũng như ông Rishi Sunak bây giờ, khi tiếp nhiệm từ tay cựu Thủ tướng Boris Johnson, bà Liz Truss cũng đặt mục tiêu vực dậy nền kinh tế Anh. Song, cuối cùng, 44 ngày trên cương vị của bà lại chỉ là một chuỗi tranh cãi, sai lầm, hỗn loạn, các khẩu hiệu kêu choang choang nhưng mịt mờ và điểm nhấn duy nhất lại là việc Nữ vương Anh quốc Elizabeth đệ nhị từ trần.

Liz Truss giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9/2022 trước chính... Rishi Sunak, nhờ cam kết hành động nhanh chóng để ứng phó khủng hoảng chi phí. Bà tuyên bố trong vòng một tuần sẽ lên kế hoạch giải quyết tình trạng giá năng lượng gia tăng và đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong tương lai. Vấn đề là, có thể do quá “sáng tạo” hoặc do quá thiếu kiến thức căn bản về kinh tế, những quyết sách của bà - động chạm đến toàn bộ các cơ cấu tài chính nền tảng, kể cả Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) – không những bị phản đối dữ dội bằng ngôn từ, mà bằng cả những hành động như bán tháo cổ phiếu của các nhà đầu tư, khiến đồng bảng Anh trượt giá xuống xấp xỉ tỷ giá ngoại tệ với đồng USD. Đó thực sự là một cơn địa chấn mang tính thảm họa.

Không ai khác, bằng kiến thức chuyên ngành, chính Rishi Sunak là một trong những người phản đối phương hướng hành động của bà Liz Truss. Nhưng, 6 tuần trước, ông đã thất bại. Còn bây giờ, ông lại thấy chất trên vai mình rất nhiều kỳ vọng, khi vật giá liên tục leo thang, còn mức lạm phát ở Anh (theo thống kê ngày 19/10) đã lên tới 10,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Thời thế có tạo được anh hùng? -0
Sự đổi vai chóng vánh thể hiện một tình thế khó khăn đối với đảng Bảo thủ.

Tín hiệu cực kỳ tích cực (và chắc chắn xuất phát từ profile cũng như quan điểm điều hành kinh tế vĩ mô của tân Thủ tướng Anh), là việc ngay sau khi kết quả bầu cử trong nội bộ đảng Bảo thủ được xác nhận, chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt tăng điểm.

Cụ thể, tại châu Âu, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 1,7% lên 3.537,16 điểm, trong khi chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 0,6% lên 7.014,28 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đã lần lượt tăng 1,8% và 1,9% lên 12.957,93 điểm và 6.147,93 điểm. Cùng chung xu hướng này, tại New York (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,6% lên 31.263,39 điểm. Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD đã cũng tăng từ mức 1 bảng đổi 1,1258 USD vào ngày 21/10 lên 1 bảng đổi được 1,1285 USD.

Thực tế này đang bước đầu chứng minh nhận định của nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Econonomics, bà Ruth Gregory: Việc bầu ông Rishi Sunak làm Thủ tướng Anh sẽ làm giảm các rủi ro bất lợi đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Gregory cũng nhấn mạnh: Tân thủ tướng vẫn phải nỗ lực khôi phục sự ổn định của thị trường tài chính, đồng thời lấp lỗ hổng tài khóa lên tới 34 tỷ bảng. Trong khi đó, bà Susannah Streeter, chuyên gia phân tích thị trường và đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Anh) cho rằng việc chi tiêu quá tay cho đại dịch đã kết thúc. Do đó, cựu bộ trưởng tài chính giờ đây sẽ phải đóng vai trò một thủ tướng nghiêm khắc và tằn tiện.

Còn bà Shevaun Haviland, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh, chỉ ra rằng những bất ổn về kinh tế và chính trị trong những tháng gần đây đã hủy hoại niềm tin của giới doanh nghiệp Anh và giờ đây cần kết thúc, nhấn mạnh tân thủ tướng sẽ phải vững tay chèo lái nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay.

Và, chuyên gia phân tích thu nhập cố định tại công ty quản lý tài sản Carmignac (Pháp), Michael Michaelides, cho rằng: Việc bổ nhiệm thủ tướng mới đã kết thúc vở kịch chính trị tại Anh, song cảnh báo Anh vẫn là một thị trường rủi ro đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Những ngã rẽ mơ hồ

Những vấn đề kinh tế là cơ sở để hoạch định sự phát triển cho mọi kết cấu xã hội. Bởi vậy, một vị thủ tướng vừa có kiến thức kinh tế - tài chính sâu rộng, vừa có những mối quan hệ tốt đẹp với giới doanh nghiệp như Rishi Sunak hẳn sẽ sở hữu rất nhiều lợi thế, để tập trung vào mục tiêu hàng đầu mà ông đã lựa chọn. Hoặc, ở chiều ngược lại, có thể nói rằng Rishi Sunak đã lựa chọn rất khôn ngoan, khi xác định “xuất phát điểm” chính là lĩnh vực mà ông có nhiều thế mạnh nhất, để “lập uy” trên chính trường.

Tuy nhiên, khuất lấp sau các vấn đề kinh tế, cũng vẫn tồn tại khá nhiều cạm bẫy đang chờ đợi nhà lãnh đạo trẻ tuổi.

Thời thế có tạo được anh hùng? -0
Phía trước vẫn chưa có gì thực sự rõ ràng.

Trước hết, với việc có thủ tướng thứ ba chỉ trong vòng 2 tháng và chấp nhận lựa chọn một nhân vật có quan điểm đối nghịch với lựa chọn trước đó, rõ ràng, chính nội bộ đảng Bảo thủ cũng đang trải qua những khúc quanh đầy mâu thuẫn và phức tạp. Không thể nói rằng uy tín của chính đảng này không bị ảnh hưởng - những điều có thể sẽ có những tác động sâu xa sau này.

Có lẽ cần phải nhấn mạnh: Ngay sau khi biết chắc mình đắc cử, ông Rishi Sunak đã nhanh chóng bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử. Động thái này lại cần phải được đặt cạnh một phản ứng trước đó từ Công đảng đối lập, khi ông Keir Stamer - lãnh đạo Công đảng - tuyên bố: “Đảng Bảo thủ không thể sửa sai bằng cách chọn thay đổi người lãnh đạo mà không có sự đồng thuận từ người dân Anh. Chúng ta cần một cuộc tổng tuyển cử, ngay lúc này". Nghĩa là, sự chia rẽ trong lòng nước Anh cũng như trên chính trường Anh là rất rõ. Vô hình trung, thái độ đối kháng ấy sẽ tạo thêm áp lực cho cá nhân tân thủ tướng, cho cả đảng Bảo thủ, lẫn cả tiến trình vực dậy nền kinh tế đảo quốc. Sâu xa hơn, nó sẽ đặt ra những mệnh đề hóc búa, cho cả tiến trình khôi phục  cũng như khuếch trương vị thế của nước Anh trên bản đồ dịa chính trị quốc tế.

Đơn cử, bà Liz Truss đổ lỗi cho hiện trạng xã hội nước Anh có phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Song, điều nghịch lý là bà lại muốn nước Anh can dự mạnh mẽ hơn vào cuộc xung đột đó. Vậy thì, với tân thủ tướng, đâu sẽ là lựa chọn đúng đắn?

Mây Linh
.
.
.