Người tị nạn trong thế khó

Thứ Sáu, 20/10/2023, 07:30

Đã hơn mười năm kể từ những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Quân đội của nhà nước Hồi giáo giờ chỉ còn là những đám tàn quân cố gắng bám trụ lại ở rìa xã hội các nước Trung Đông. Vậy nhưng vết sẹo do IS gây ra vẫn chưa lành hẳn.

Trại tị nạn al-Hol (còn gọi là al-Hawl) tại miền bắc Syria đang là nhà của hàng trăm nghìn người tị nạn từng sống dưới nhà nước IS. Cảnh sống khổ cực đang hành hạ những người tị nạn và hoàn toàn có thể biến al-Hol trở thành “cái nôi” cho khủng bố mới.

Khổ không kể hết

Ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai khi đi vào trại al-Hol là có nhiều trẻ con quá. Trẻ em có ở khắp mọi nơi trong trại. Chúng chơi đùa, làm việc nhà, hay thậm chí là ném đá vào những đoàn xe quân sự qua lại trại. Gần một nửa dân số trong trại al-Hol là trẻ con dưới 12 tuổi.

binh lính người kurd đi tuần trong trại tị nạn al-hol.jpg -0
Binh lính người Kurd đi tuần trong trại tị nạn al-Hol.

Trại tị nạn al-Hol được mở vào năm 1991 gần biên giới Iraq-Syria để làm nơi ở cho những người chạy loạn khỏi chiến tranh Vùng Vịnh. Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sau khi đánh đổ thành trì Baghuz của IS liền đưa vợ con của các tay súng IS đến sống ở al-Hol. Ước tính số dân tị nạn trong trại đã vượt qua con số 73.000 người chia ra làm 9 khu khác nhau. 4 khu dành cho 27.000 người Iraq. 4 khu khác chứa 18.200 người Syria. Riêng có một khu dành riêng cho 8000 người nước ngoài đến từ 58 quốc gia khác nhau, trong đó có khoảng 1.500 công dân Nga, 1.300 dân Trung Quốc, 1.000 dân Thổ Nhĩ Kỳ, và công dân một số nước khác như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Hà Lan, v.v... Ông Sheikhmous Ahmad, một quan chức người Kurd quản lý khu trại, cho biết: “Khu trại của người ngoại quốc được coi là “vùng nguy hiểm” vì toàn là những người trung thành với lý tưởng IS. Họ phải tin vào IS lắm mới dám bỏ hết tất cả rồi vượt hàng nghìn cây số để đến với IS”.

Cảnh sống trong trại al-Hol vô cùng khổ cực. Người tị nạn sống trong những căn lều vải bạt không đủ ấm trong những đêm sa mạc lạnh buốt. Không thiếu những cảnh người chết trong lều vì lạnh, đến mấy hôm sau thân nhân mở lều ra mới tìm thấy xác. Cái gì ở trong trại cũng thiếu: điện, nước sạch, thực phẩm, thuốc men. Điều khiến ban quản lý trại lo lắng nhất tuy vậy lại là làm gì với những thanh thiếu niên không được đến trường, không có việc làm.

Ali (tên giả) là một thiếu niên 16 tuổi người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Bố Ali đưa em đến Iraq để gia nhập IS khi em còn học lớp bốn. Ali được IS huấn luyện để trở thành “Sử tử con” -  tên gọi được IS dùng để chỉ những tay súng chưa đầy 18 tuổi của họ. Sau khi IS bị SDF đánh bại, Ali được đưa vào trại al-Hol còn bố em thì không biết đã chết rồi hay còn đang lẩn trốn ở đâu. Bây giờ Ali hằng ngày đi lang thang trong trại để cắt tóc miễn phí cho những người tị nạn khác.

Ali trả lời phóng viên Reuters: “Em không thích ở Syria. Em chỉ muốn về New York (Mỹ) để được đi học tiếp. Nhưng mà em quá tuổi thế này thì chắc không trường nào cho học đâu. Em thì chỉ biết mỗi nghề cắt tóc... Có nhân viên chữ thập đỏ cũng ở New York hỏi tên mẹ em để họ gửi thư hộ, nhưng em không nhớ nổi họ mẹ em. Em còn không nhớ tiếng mẹ như thế nào nữa”.

không ít trại tị nạn ở syria và iraq vẫn còn quá tải nhiều năm sau khi isis bị đánh bại.jpg -0
Không ít trại tị nạn ở Syria và Iraq vẫn còn quá tải nhiều năm sau khi ISIS bị đánh bại.

Anh Ahmed Lawend, nhân viên quản lý và cứu trợ tại trại al-Hol, cho biết: “Không người lớn nào ở đây lại không có liên quan đến IS. Một số là tay súng, số khác làm cảnh sát, thậm chí còn có những người được huấn luyện chỉ để đánh bom tự sát. Nhưng mà tội lỗi của người lớn chứ không phải của bọn trẻ. Nhiều đứa trẻ bị bố mẹ nói dối là đưa đi du lịch nhưng thực ra là được đưa đến đây. Lại còn những đứa bé được sinh ra trong trại nữa”.

Anh Ahmed và một số nhân viên tình nguyện khác làm việc tại trung tâm al-Houri, nơi đang mở các lớp học dạy kiến thức và kỹ năng nghề cho trẻ em tị nạn. Họ làm vậy nhằm mục đích xóa đi những tư tưởng độc hại bị tiêm nhiễm vào đầu các em. Mục đích tốt, nhưng họ lại thiếu đủ thứ, từ tài liệu đến thiết bị dạy học. Ngay cả việc cho các em ăn trưa miễn phí trung tâm cũng chỉ đủ thực phẩm để làm 3 bữa/tuần.

Thất nghiệp, đói ăn và bệnh tật đã góp phần khiến bạo lực gia tăng trong trại al-Hol. Theo số liệu của Liên hợp quốc, chỉ trong năm 2022 đã có hơn 90 vụ giết người tại trại al-Hol. Một quan sát viên Liên hợp quốc kể lại về chuyến thăm trại của mình: “Gặp ai họ cũng tỏ ra căm ghét, thù oán hay nghi ngờ chúng tôi... Trước khi cả đoàn lên xe buýt về, một nhóm người tị nạn tụ tập lại để hát về những chiến thắng xưa của nhà nước Hồi Giáo và đe dọa rằng IS sẽ trở lại để giết hết chúng tôi.”

SDF đảm nhiệm việc kiểm soát an ninh cho al-Hol, nhưng quân số của họ quá mỏng so với quy mô trại. Ngoài việc tuần tra hằng tuần, cách duy nhất để SDF giữ gìn trật tự cho al-Hol là đôi khi tổ chức đột kích. Lấy ví dụ như trong đợt đột kích vừa rồi vào khu trại người Syria, SDF đã bắt giữ được 300 tay súng IS và tiêu diệt một số khác. Họ cũng thu giữ được một số súng và lựu đạn được quân khủng bố chôn dưới đất. Chưa hết, SDF còn giải cứu một số phụ nữ và trẻ em gái bị bắt làm nô lệ tình dục, trong đó có một cô gái 17 tuổi người Yazidi bị IS giam cầm và hãm hiếp trong vòng 8 năm trước khi được giải cứu.

15.jpg -0
Nhiều đứa trẻ sinh ra trong trại tị nạn chưa từng biết đến tự do thực sự.

Một binh lính SDF giấu tên trả lời phỏng vấn báo The Guardians: “Chúng tôi đã lập hàng rào và trạm kiểm soát quanh toàn khu trại mà IS vẫn tuồn vũ khí vào được... Người thì IS không thiếu. Chúng tuyển ngay thanh niên trong trại cũng được. Nhưng mà súng đạn lại là chuyện khác. Chắc hẳn đã có người nhận tiền của IS để “quay mặt làm ngơ”.

Không phải chỉ mình nam giới trong trại tị nạn bị IS dụ dỗ. Có khoảng 8.000 phụ nữ tại al-Hol là vợ của các tay súng IS. Họ lập ra một đơn vị cảnh sát tôn giáo tên là “Hesba” nhằm cai trị trại tị nạn chẳng khác gì cảnh sát IS ngày xưa. Hesba nhắm vào những nhân viên tình nguyện và bất kỳ người tị nạn nào bị cho là đã “phản bội” lý tưởng của IS. Hồi đầu năm nay thiếu tướng Joel Vowel, chỉ huy các lực lượng quốc tế chống IS ở Iraq và Syria, đến thăm trại tị nạn al-Hol và tuyên bố tình hình an ninh của trại đã có tiến triển tốt. Ngay ngày hôm sau chuyến viếng thăm, Hesba chặt đầu hai người phụ nữ và để xác họ ở ngay gần cổng trại.

Đưa đẩy quả bóng trách nhiệm

Nhà chức trách khu tự trị của người Kurd ở Syria lẫn đồng minh Mỹ của họ đều biết rằng trại tị nạn al-Hol chỉ là biện pháp tạm thời. Mục tiêu chính của các bên là đưa người tị nạn trở về quê hương để tái hòa nhập cộng đồng. Kể từ đầu năm đến nay đã có hai đợt người tị nạn rời trại. Đợt thứ nhất có 219 người trở về quê ở thị trấn Manbij, miền bắc Syria. Đợt thứ hai vừa mới diễn ra vào tháng 9 vừa qua với 92 gia đình gồm 355 người về thành phố Raqqa.

phụ nữ và trẻ em xếp hàng dài trước trạm kiểm soát của người kurd.jpg -0
Phụ nữ và trẻ em xếp hàng dài trước trạm kiểm soát của người Kurd.

Chỉ mới có 26 trong số 60 quốc gia có công dân tị nạn tại al-Hol đã ký vào cam kết đưa người trở về nước. Trong đó chỉ có Iraq, Syria, Đức, Pháp, Nga, Uzbekistan, Kosovo và một số quốc gia Trung Á khác là đã đưa được người về quê. Nhiều nước Tây Âu thật sự không muốn tiếp nhận lại công dân của mình vì lo sợ những người này vẫn còn mang trong đầu tư tưởng cực đoan. Vậy nhưng họ cũng không muốn thành lập ủy ban xét xử công dân mình ngay tại Syria vì sợ vướng mắt pháp lý. Kết quả là nhà chức trách Syria loay hoay không biết phải giải quyết thế nào cho những người tị nạn nước ngoài. Syria không thể xét xử hoặc bỏ tù công dân ngoại quốc, nhưng trục xuất họ về nước thì cũng không được.

Luật sư Liam Mertens, người từng xử lý một số vụ xét xử công dân Bỉ gia nhập IS, cho biết: “Đa số các nước châu Âu áp dụng luật hình sự đối với các công dân tham gia hoạt động khủng bố ở nước ngoài. Mức án trung bình cho hành vi này là 5 năm. Một số nước như Anh và Pháp còn sẵn sàng tước quyền công dân của các đối tượng này. Nhưng kể cả khi đã phạt nặng như vậy rồi thì nhà chức trách vẫn còn lo ngại. Họ nghĩ đến việc sẽ phải theo dõi đối tượng phạm tội suốt cả đời mà thấy ngại tốn tiền lẫn nhân lực”.

Hơn 30 tổ chức nhân đạo đang hoạt động tại al-Hol trong tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng. Cô Hannan Farlane, một nhân viên tình nguyện đã ở tại al-Hol hơn một năm, cho biết: “Chúng tôi lo sợ rằng nhiều trẻ em, người già và bệnh nhân sẽ không sống nổi qua mùa đông sắp tới... Chúng tôi đang rất cần quần áo, chăn màn, vải lều, kerosene và bếp lò để giữ ấm cho mọi người. Đây không phải chỉ là chuyện giúp người tị nạn sống sót. Tôi biết rằng có những người không thể chịu nổi được nữa nên đành phải quay lại với IS. IS sẵn sàng cung cấp cho họ những gì chúng tôi không có để cho họ”.

Quả thật là ngoài vũ khí, IS còn tuồn vào trại những nhu yếu phẩm để phân phát cho người tị nạn. Thậm chí IS còn kết nối người trong trại với thân nhân ở nước ngoài để họ chuyển tiền hỗ trợ cho nhau. Đây là chiến lược từng được IS sử dụng thành công tại các khu vực chúng chiếm đóng - hành xử như một chính quyền thực sự bằng cách phân phối các hàng hóa, dịch vụ cần thiết cho cuộc sống của người dân. Không phải ai cũng đồng tình với hệ tư tưởng của IS, nhưng trong bối cảnh ngay cả nhà chức trách thực sự cũng không thể giúp đỡ họ, sẽ có ít người công khai chống lại tổ chức này khi họ là nhân tố giúp xã hội tiếp tục hoạt động.

IS đã suy yếu nhưng chưa chết hẳn. Chỉ mới cách đây hơn một năm thôi, IS sử dụng hai xe tải chở bom để chiếm lấy nhà tù ở thành phố Al-Hasakah, miền bắc Syria. Chúng bắt cóc quản giáo và trang bị vũ khí cho những đồng đội cũ bị giam cầm. Một số tay súng IS ở lại phòng thủ nhà tù, số còn lại phân tán ra các khu dân cư ở bên ngoài. SDF cùng quân đồng minh Mỹ - Anh phải mất mười ngày mới dẹp được loạn. Họ tiêu diệt được 374 tay súng IS, nhưng cũng tổn thất 117 người gồm binh lính lẫn nhân viên quản giáo. Cuộc điều tra được tiến hành sau vụ tấn công cho thấy trong số những tay súng IS vốn là tù nhân trại giam Al-Hasakah, không phải ai cũng bị kết án khủng bố. Một số người vào tù vì tội dân sự nhưng đã bị các đối tượng khác lôi kéo vào con đường cực đoan.

Đáng lẽ ra chuyện hồi hương người tị nạn ở al-Hol đã phải được tiến hành ngay sau khi SDF đánh bại IS, nhưng các nước phương Tây liên tục trì hoãn vấn đề để đến mức trại tị nạn trở thành một cái “nhọt” lớn. Chưa hết, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến nhiều nguồn viện trợ đến al-Hol nói riêng và Syria nói chung bị cạn kiệt, đẩy cuộc sống của nhiều người tị nạn vào chỗ càng khó khăn hơn. Ý kiến chung của các nhà quan sát là nếu cứ để al-Hol trong tình trạng như hiện nay, nơi đây sẽ “sản sinh” ra một thế hệ những kẻ Hồi Giáo cực đoan mới.

Lê Công Vũ
.
.
.