NATO sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Baltic

Thứ Năm, 02/01/2025, 11:16

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa thông báo sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại vùng Biển Baltic, sau vụ nghi ngờ phá hoại đối với tuyến cáp điện ngầm chạy giữa Phần Lan và Estonia. Tuyên bố này làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực diện giữa NATO và nước Nga.

Từ sự cố mất kết nối tuyến cáp điện ngầm

Tuyến cáp ngầm Estlink 2 đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện vào ngày Giáng sinh, chỉ hơn một tháng sau khi 2 tuyến cáp viễn thông bị cắt đứt ở vùng biển lãnh thổ của Thụy Điển tại Biển Baltic. Chính quyền Phần Lan đã bắt giữ một con tàu vào ngày 26/12, với lý do nghi ngờ rằng nó đã tham gia “hoạt động phá hoại” gây ra sự cố mất kết nối tuyến cáp điện Estlink 2. Con tàu bị bắt giữ mang tên Eagle S treo cờ Quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, đang trên đường đến cảng Said ở Ai Cập.

Vào ngày 27/12, cảnh sát Phần Lan cho biết họ đã thẩm vấn các thành viên thủy thủ đoàn của tàu Eagle S và nghi ngờ con tàu này tham gia “hoạt động phá hoại hình sự nghiêm trọng”. Các nhà điều tra tin rằng, con tàu có thể cố tình gây ra thiệt hại bằng cách kéo neo dọc theo đáy biển. “Nếu con tàu tiếp tục di chuyển với mỏ neo rà dưới đáy biển, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa”, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết.

NATO sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Baltic -0
Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo.

Sami Rakshit, người đứng đầu Cơ quan hải quan Phần Lan, cho biết giả định tàu Eagle S là một phần của “hạm đội ngầm” của Nga - những con tàu treo cờ của các nước thứ ba được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga và các sản phẩm dầu khác đã bị cấm vận do cuộc chiến tại Ukraine.
“Chúng tôi đã kiểm soát được tình hình và chúng tôi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi không bị bên ngoài phá hoại”, ông Stubb phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 27/12. “Chúng tôi đã nhất trí với Estonia và cũng đã trao đổi với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte rằng chúng tôi mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO”, ông cho biết.

“Tôi đã bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ hoàn toàn của mình”, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đăng trên X vào hôm 27/12, sau khi nói chuyện với ông Stubb. “NATO sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Biển Baltic”, ông nói thêm, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Tuyến cáp Estlink 2 có thể mất nhiều tháng để sửa chữa, với ngày hoàn thành dự kiến là vào tháng 8. Công suất giảm có thể đẩy giá điện tăng cao trong mùa đông.

NATO sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Baltic -0
Hệ thống cáp quang dưới đáy biển luôn gặp sự cố với tần suất hơn 100 vụ việc mỗi năm.

Estonia đã bắt đầu tuần tra hải quân ở Biển Baltic để ngăn ngừa thiệt hại cho một tuyến cáp điện khác chạy giữa Estonia và Phần Lan. Bộ trưởng Quốc phòng Hanno Pevkur cho biết: “Chúng tôi quyết định cử hải quân đến gần Estlink 1 để bảo vệ và đảm bảo kết nối năng lượng của chúng tôi với Phần Lan”.

Thụy Điển cũng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát giao thông hàng hải ở Biển Baltic. Lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này cho biết họ sẽ triển khai máy bay và tàu thuyền để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước.

Các quốc gia Baltic đã cáo buộc Nga tăng cường các cuộc tấn công hỗn hợp vào khu vực, với các cuộc tấn công thường xuyên vào các tuyến cáp điện, đường dây viễn thông và đường ống dẫn khí, cũng như một loạt vụ tấn công phá hoại bên trong các nước châu Âu.

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết hôm 26/12 rằng còn quá sớm để nói liệu Nga có vai trò gì trong vụ hư hỏng cáp mới nhất hay không, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cho biết thiệt hại đối với các cơ sở dưới nước trong khu vực xảy ra với tần suất cao đến mức khó có thể tin rằng tất cả các sự cố đều do tai nạn. Nga đã phủ nhận sự liên quan đến nhiều vụ việc dưới nước ở Biển Baltic.

Đến những “sự cố cáp viễn thông”

Sự cố đứt cáp viễn thông gây ồn ào gần đây nhất xảy ra vào ngày 17 và 18/11/2024, trong đó 2 tuyến cáp quang ngầm dưới Biển Baltic đã bị hư hại trong một hành động mà Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho là “có thể là phá hoại”. Cảnh sát Thụy Điển cho biết một tàu chở hàng của Trung Quốc mang tên Yi Peng 3 đã ở trong khu vực cáp khi xảy ra sự cố và là “đối tượng đáng quan tâm”. Cho đến nay, cuộc điều tra của cảnh sát Thụy Điển vẫn chưa làm sáng tỏ được nguyên nhân thật sự của sự cố đứt cáp, nhưng mục tiêu nhắm tới vẫn là người Trung Quốc và cả Nga, dù 2 quốc gia này đã tuyên bố “không liên quan”. Các quan chức tình báo phương Tây từ nhiều quốc gia cho biết họ tin rằng con tàu Trung Quốc đã gây ra vụ cắt cáp sau khi rời cảng Ust-Luga của Nga, mặc dù quan điểm khác nhau về việc liệu vụ cắt cáp là vô tình hay cố ý.

Tiến sĩ Sidharth Kaushal, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một nhóm nghiên cứu về quốc phòng và an ninh, cho biết cáp ngầm rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và do đó, rõ ràng là mối quan tâm của bất kỳ quốc gia nào muốn gây rắc rối. 

Theo Recorded Future, có hơn 100 sự cố cáp ngầm mỗi năm, được định nghĩa là các sự cố mà cáp bị hư hỏng hoặc đứt hoàn toàn, làm gián đoạn khả năng truyền dữ liệu của chúng. Phần lớn thiệt hại là do tai nạn, thường do lưới kéo tàu hoặc tàu kéo neo hoặc, trong một trường hợp vào năm 2022, do núi lửa phun trào ngoài khơi bờ biển Tonga. Howard Kidorf, đối tác quản lý tại Pioneer Consulting, công ty tư vấn cho các công ty về mạng cáp ngầm, cho biết các đường dây bọc thép có thể bị cắt "khá dễ dàng" nếu những kẻ gian muốn gây gián đoạn. Cho đến cuối những năm 1950, cá mập cắn cũng là một vấn đề đối với cáp điện báo, mặc dù không có cuộc tấn công nào như vậy xảy ra trong những thập kỷ gần đây, theo Ủy ban Bảo vệ cáp quốc tế. Ủy ban này cho biết phần lớn các sự cố cáp kể từ năm 1959 là do đánh bắt cá và neo.

Việc sửa chữa có thể tốn kém và mất thời gian. Theo nhóm nghiên cứu Dgtl Infra, một tuyến cáp ngầm có giá khoảng 40.000 USD một dặm (1,6 km) và một tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương mới sẽ có giá từ 200 triệu đến 250 triệu USD. Ở điểm sâu nhất, cáp xuyên Đại Tây Dương đạt tới độ sâu khoảng 4.000 mét.

Chuyển sang tư duy thời chiến

Cuối một con đường không có biển báo trên một hòn đảo nhỏ ở rìa quần đảo Biển Baltic rộng lớn của Stockholm (Thụy Điển) là một cabin gỗ nhỏ không dễ thấy, được sơn màu đỏ thẫm. 
Địa điểm này cung cấp rất ít manh mối về vở kịch địa chính trị đã diễn ra ở bán đảo Scandinavia trong những tháng gần đây, do những cáo buộc phá hoại cơ sở hạ tầng. Nhưng, trên thực tế, cabin này chứa một mắt xích quan trọng trong kết nối kỹ thuật số của châu Âu và là điểm dễ bị tổn thương trong một cuộc chiến “lai” tiềm tàng: Một trung tâm dữ liệu khuếch đại tín hiệu từ cáp quang dài 2.600 km chạy từ phía bắc Thụy Điển đến Berlin.

NATO sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Baltic -0
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev.

Kể từ khi xảy ra cuộc chiến Ukraine vào năm 2022, Thụy Điển đã chứng kiến sự gia tăng của “chiến tranh hỗn hợp” - các cuộc tấn công vào đối thủ bằng các phương pháp khác ngoài hành động quân sự truyền thống - bị đổ lỗi cho các nhóm thân Nga. Các chính phủ ở Bắc Âu đang trong tình trạng báo động cao về các hoạt động hỗn hợp này.

Daniel Aldstam, Giám đốc an ninh tại GlobalConnect, đơn vị truyền tải 50% dung lượng internet của các nước Bắc Âu và điều hành trung tâm dữ liệu ở Stockholm, đã mô tả cách tiếp cận vị trí và vẻ ngoài bình thường của trung tâm là “an ninh thông qua sự mơ hồ”.

Sau vụ việc đứt 2 tuyến cáp quang, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đề xuất sáng kiến triển khai lực lượng “cảnh sát hải quân” bao gồm các cuộc tuần tra quân sự chung của các quốc gia quanh vùng Baltic.

Khi đi từ Stockholm bằng trực thăng qua quần đảo, được hình thành từ 30.000 hòn đảo, đá và đá ngầm, có thể thấy rõ rằng việc bảo vệ bờ biển là một thách thức như thế nào. Nhưng, sự rộng lớn của nó cũng cho thấy cách tiếp cận “bảo mật thông qua sự mơ hồ” có thể hiệu quả như thế nào - ít nhất là đến một mức độ nào đó. Bản đồ hiển thị vị trí lắp đặt tất cả các tuyến cáp ngầm đều được công khai. “Chúng tôi có hàng trăm nghìn km cáp quang. Làm thế nào để bảo vệ chúng về mặt vật lý? Bạn không thể”, Aldstam nói. “Điều quan trọng ở đây là sự dự phòng, tức là sử dụng nhiều tuyến cáp cung cấp các tuyến đường thay thế nếu một tuyến bị cắt”.

NATO đã thành lập một trung tâm chuyên trách về an ninh dưới nước. Khối này đã cảnh báo rằng an ninh của gần 1 tỷ người trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đang có nguy cơ bị các đối thủ của liên minh này tấn công bằng hình thức chiến tranh hỗn hợp, do các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng trang trại điện gió, đường ống và cáp điện. Đầu tháng này, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi người châu Âu “chuyển sang tư duy thời chiến”.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng

Tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại Biển Baltic đang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ việc này sẽ càng làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng do đối đầu “nóng” lẫn “lạnh” giữa NATO và Nga. 

Trung tuần tháng 12, Báo Wall Street Journal của Mỹ đã gây chú ý với thông tin nổi bật rằng vùng Biển Baltic hiện đang trở thành “điểm nóng” mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và NATO. Theo Wall Street Journal, trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tần suất các vụ việc đối đầu, đụng độ giữa Nga và NATO xảy ra ngày càng dày đặc hơn. Sự cố nổ tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2 vào tháng 9/2022 và tuyến ống dẫn khí Balticconnector không lâu sau đó cho đến nay vẫn chưa kết thúc điều tra. Ban đầu, phương Tây khăng khăng cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, nhưng điều tra của cơ quan chức năng Thụy Điển và Đức đã chỉ ra nghi phạm có liên quan đến chính quyền Ukraine. Tháng 8/2024, một kẻ tình nghi người Ukraine đã bị cảnh sát Đức bắt giữ để điều tra thêm.

Tháng 11/2024 đã xảy ra một vụ đụng độ giữa tàu hộ tống Merkuriy của Nga với tàu khu trục F223 của Đức gần đảo Bornholm (thuộc Đan Mạch). Khi một trực thăng Sea Lynx của Đức tiến lại để giám sát, tàu Nga đã bắn pháo sáng, buộc phi công phải quay lại. Dù không có ai bị thương, sự việc này đã gia tăng nguy cơ leo thang.

Trong những phát biểu gần đây được truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã nhiều lần cảnh báo sự hiện diện quân sự của phương Tây, đặc biệt là việc triển khai các khí tài hạng nặng đến khu vực lân cận sát biên giới nước Nga có thể được xem là hành động gây hấn và Nga sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Các lãnh đạo Nga đã không nói suông, mà đã cụ thể hóa bằng việc chuyển giao tên lửa chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus - đồng minh thân cận của Nga nằm sát cạnh các quốc gia Baltic của NATO.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.