Lãng phí là một thứ “giặc ở trong lòng”
Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội) sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách.
Những nhiệm vụ cấp bách được Tổng Bí thư nêu cụ thể như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế để phát triển, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Trong số những nhiệm vụ cấp bách này, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh trong suốt nhiều năm qua, nay được tăng cường thêm nội dung chống lãng phí. Đây là chủ trương mới, được Bộ Chính trị cụ thể trong việc ban hành Quyết định số 192-QĐ/TW, ngày 29/10/2024, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực.
Cùng ngày ký ban hành Quyết định số 192-QĐ/TW, Bộ Chính trị còn ký ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo, thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Người căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người chỉ rõ: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng””.
Từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành cho đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Tuy nhiên, khách quan đánh giá, dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng việc chống lãng phí thời gian qua vẫn chưa như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức, trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương, dù nước ta vẫn đang ở nhóm các nước có thu nhập trung bình chưa cao, người dân chưa giàu. Lãng phí thực sự đã làm suy giảm nguồn lực của đất nước, thất thoát tài nguyên, kìm hãm sự phát triển... Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm từng có bài viết quan trọng “Chống lãng phí”.
Trong bài viết này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm: Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”...
Nói chống lãng phí là đề cập đến tất cả mọi lĩnh vực, ở tất cả mọi cấp ngành, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị nhưng không phải là chống lãng phí chung chung mà phải cụ thể và trọng tâm trước hết chính là chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì thế, khi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào ngày 30/10/2024, trong vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rõ: “Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân. Trước mắt, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn”.
Tổng Bí Thư Tô Lâm cũng khẳng định cùng với chủ trương tiếp tục tiến hành quyết liệt, triệt để việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì việc chống lãng phí là “công tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của dân, do dân, vì dân; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân”.
Đất nước đang bước vào một năm mới đặc biệt quan trọng - năm bản lề quyết tâm bứt phá, tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026, tạo tiền đề để đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (dự kiến tổ chức vào quý I/2026). Vì thế, ngay sau khi được công bố, thông lệnh về việc phòng, chống lãng phí đã nhanh chóng tạo được cảm hứng mới cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 27, tổ chức ngày 31/12/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã đề ra 5 nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện, trong đó có việc triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mới, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí cả ở Trung ương và địa phương; khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc rà soát và có giải pháp giải quyết dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực nhà nước, xã hội, mà trước hết là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành...
Theo thông tin từ Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thì tại phiên họp này, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã yêu cầu phải tiến hành thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, có kết luận thanh tra trước ngày 31/3/2025, sau đó triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện này vào sử dụng, không thể kéo dài hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một công điện ký vào đầu tháng 11/2024 cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công gây lãng phí nguồn lực, trong đó có cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... Ngay đầu năm mới, ngày 8/1/2025, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
Dự án này khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, có quy mô 1.000 giường/bệnh viện; diện tích 100.000 m2 sàn/bệnh viện, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng/bệnh viện và được kỳ vọng sẽ là 2 bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
4 năm sau ngày khởi công, khu khám bệnh của cả 2 cơ sở này đã được khánh thành vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động; Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Chính vì thế, tại một số kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến cho rằng không thể để các công trình lãng phí “trơ gan cùng tuế nguyệt”, kiến nghị sớm đưa dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 vào sử dụng.
Dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 chỉ là một minh chứng điển hình của việc thể hiện tinh thần quyết liệt chống lãng phí.
Trên thực tế, hàng loạt vụ việc khác cũng đã được triển khai với tinh thần quyết liệt như thế, đúng như tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu là phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “trở thành làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cở sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ.
Không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế"
Tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã ghi tên nước Việt Nam lên bản đồ thế giới; từ những người nô lệ, đã trở thành chủ nhân thực sự của đất nước. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986.
Tuy nhiên, Tổng Bí Thư Tô Lâm lưu ý không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế", như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn; phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, để đời sống người dân ấm no hơn, yên vui hơn, hạnh phúc hơn; phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Di chúc của Bác Hồ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.