Giai đoạn “xuống thang” hiếm hoi ở Trung Đông

Thứ Hai, 12/09/2022, 19:35

Từ lâu, khu vực Trung Đông đã là một trong những khu vực có nhiều biến động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện khu vực này đang chứng kiến một giai đoạn “xuống thang” hiếm hoi và tốc độ hòa giải chưa từng có giữa các cường quốc trong khu vực.

Sự bất ổn, xung đột, cạnh tranh và tranh giành giữa các nhân tố quan trọng ở Trung Đông đã là “tiêu chuẩn” đến mức người ta không thể nhớ lần cuối cùng khi tất cả những “người chơi” ở Trung Đông cùng nhất trí về một vấn đề. Tuy nhiên, theo một cách đáng ngạc nhiên, Trung Đông có vẻ như đã bình thường hóa quan hệ và mở ra một trang mới.

Quá trình này bắt đầu với việc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tiếp cận với Iran vào cuối năm 2020 và Saudi Arabia tiếp cận Qatar vào đầu năm 2021. Sau đó, các cam kết ngoại giao sâu rộng bắt đầu giữa Ai Cập và Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Saudi Arabia và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Giai đoạn “xuống thang” hiếm hoi ở Trung Đông -0
Tổng thống Israel Isaac Herzog và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo ở Ankara, tháng 3-2022.

Tìm thấy tiếng nói chung

Các quá trình bình thường hóa này không thể xảy ra nếu không có những diễn biến nhất định ở cấp độ quốc tế, khu vực và tiểu khu vực.

Những diễn biến này tạo tiền đề cho việc xuống thang trong khu vực, tạo ra môi trường thích hợp và điểm chung cho các bên xung đột ngồi lại với nhau, thảo luận về lợi ích chung, hòa giải và bình thường hóa quan hệ theo cách chưa từng có.

Một ông chủ Nhà Trắng mới đồng nghĩa với một cuộc chơi mới. Đặc biệt, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập cũng đi theo con đường tương tự sau khi không thực hiện được chương trình nghị sự khu vực của họ. Israel đã “thua lỗ” khi đầu tư vào dự án được mệnh danh là “Thương vụ thế kỷ” của Jared Kushner, cựu cố vấn của ông Trump. Ngoài ra, Tel Aviv đã trải qua một sự thay đổi nội bộ với sự thất bại của thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, Benjamin Netanyahu, người đã nắm quyền trong 15 năm.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ cảm thấy cần phải tránh bị dàn trải lực lượng quá mức trong khu vực. Do đó, họ đã cân bằng quyền lực cứng với quyền lực mềm để tận dụng lợi thế về mặt chính trị và kinh tế từ hoạt động quân sự thành công ở Syria, Iraq, Libya, Nagorny-Karabakh và Đông Địa Trung Hải.

Tuyên bố Al-Ula ngày 5-1- 2021 là thành tựu chính đầu tiên từ khi ông Joe Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng. Tuyên bố ban đầu xuất phát từ thỏa thuận song phương giữa Saudi Arabia và Qatar. Thỏa thuận đã chấm dứt lệnh phong tỏa do Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập áp đặt đối với Doha và mở ra một trang mới giữa Qatar và các nước láng giềng. Kết quả là thỏa thuận Al-Ula đã thúc đẩy quá trình hòa giải trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thúc đẩy các cam kết ngoại giao trong khu vực, mở ra cánh cửa cho các sáng kiến hòa giải.

Thách thức phía trước

Bất chấp tác động tích cực, hiện vẫn còn những câu hỏi liên quan đến tính bền vững của tiến trình hòa giải và khả năng kéo dài của quá trình bình thường hóa. Hơn nữa, hiện vẫn chưa rõ đây là tình huống tạm thời do tính toán chiến thuật của một số quốc gia liên quan hay là một xu hướng và quy chuẩn mới xuất hiện dựa trên các tính toán chiến lược. Dù vậy, một số thách thức sẽ sớm kiểm chứng hiện tượng mới này ở Trung Đông.

Thứ nhất, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 sẽ có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định đối với khu vực.

Thứ hai là cuộc bầu cử tổng thống năm 2023 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số cường quốc khu vực và quốc tế đã đặt cược vào một cuộc thay đổi nội bộ ở Ankara để định hình lại các động lực trong khu vực có lợi cho họ.

Thứ ba là số phận của thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015 giữa Mỹ và Iran. Các cuộc đàm phán giữa chính quyền ông Biden và Chính phủ Iran để kích hoạt lại thỏa thuận sẽ quyết định thái độ của các bên.

Thứ tư là tình trạng mất an ninh lương thực đang nổi lên ở Trung Đông. Cuộc chiến Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt chống lại Nga, đang làm gián đoạn việc xuất khẩu lúa mì, ngũ cốc, ngô và các nguồn thực phẩm thiết yếu khác, khiến giá của chúng tăng vọt trên toàn cầu. Nếu cuộc chiến kéo dài, không thể loại trừ khả năng một cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập cùng với giá lương thực tăng vọt sẽ gây ra các cuộc nổi dậy. Kịch bản này sẽ có các tác động chính trị, kinh tế và an ninh khu vực.

Thứ năm là những diễn biến ở Đông Địa Trung Hải. Việc Nga vũ khí hóa năng lượng trong cuộc chiến chống Ukraine đã đặt châu Âu vào tầm ngắm của Moscow. Tình hình này đã tạo ra mối quan tâm cấp thiết ở châu Âu trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và quản lý rủi ro. Một nguồn khí đốt chưa được khai thác vẫn nằm ở lưu vực Đông Địa Trung Hải. Xem xét tình hình xuống thang trong khu vực, Mỹ và một số nước châu Âu đã đưa ra tín hiệu về khả năng sử dụng các nguồn này.

Một vấn đề nữa, đó là nếu các nước thực sự muốn biến thời điểm xuống thang này thành một tình huống bền vững thì không chỉ xem qua lời nói mà phải bằng hành động thực sự. Đó có thể là những ưu tiên khía cạnh kinh tế trong quan hệ song phương. Không gian kinh tế về bản chất là một không gian phi chính trị hóa, có thể dễ dàng giúp thiết lập một công thức cùng có lợi cho các bên liên quan. Việc xây dựng dựa trên lợi ích kinh tế sẽ củng cố các quá trình hòa giải, mang lại lợi ích thực sự và hữu hình cho tất cả các bên.

Các bên cần xác định các điểm có lợi ích chung trong các lĩnh vực khác như an ninh và chính trị. Tiếp theo là tham gia vào một cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các lĩnh vực khác biệt giữa các cường quốc khu vực. Theo nghĩa này, điều quan trọng là các bên liên quan phải thiết lập một cơ chế có khả năng kiềm chế/giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong tương lai. Cuối cùng là duy trì các kênh thông tin tình báo mở và hoạt động. An ninh là vấn đề quan trọng đối với tất cả quốc gia.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.