Kia
Mobifone

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt

Thứ Tư, 30/08/2023, 12:38

Những trận cháy rừng bùng phát khắp nơi đang khiến Hy Lạp mất đi rất nhiều “lá phổi” xanh vô giá. Thực trạng ấy làm dấy lên nỗi tức giận của người dân nước này, khi cho rằng chính quyền chịu phần trách nhiệm lớn trong việc để xảy ra thảm họa.

Từ đám cháy ở “lá phổi” của Athens...

Hơn 600 lính cứu hỏa, bao gồm lực lượng tiếp viện từ một số nước châu Âu, được hỗ trợ bởi một đội máy bay cánh quạt và trực thăng thả nước, đang chiến đấu với 3 đám cháy lớn ở Hy Lạp, 2 trong số đó đã hoành hành nhiều ngày.

Đám cháy rừng lớn nhất nằm ở khu vực Evros và Alexandroupolis phía Đông Bắc, được cho là nguyên nhân khiến 20 trong số 21 người chết trong tuần trước, đã bùng cháy sang ngày thứ 9. Một đám cháy khác, cũng nghiêm trọng không kém, đang tàn phá khu rừng quý giá ở phía Tây Bắc thủ đô Athens.

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt -0
Máy bay trực thăng thả nước dập lửa trong vô vọng tại khu rừng gần thủ đô Athens, Hy Lạp. Ảnh: EPA

Núi Parnitha, khu bảo tồn động vật hoang dã được biết đến rộng rãi là “lá phổi” của Athens, thường là nơi nghỉ ngơi cho người dân thành phố. Nhưng, một trận cháy rừng lớn bùng phát từ đầu tuần trước đã thiêu rụi nhà cửa và toàn bộ công viên quốc gia trên núi Parnitha.

Sở Cứu hỏa Athens cho biết 260 lính cứu hỏa, 1 máy bay và 3 trực thăng thả nước đã được huy động nhưng phải đến cuối tuần qua, đám cháy mới được dập tắt một phần, ở phía Nam của khu rừng.

Giữa không khí ngột ngạt nồng nặc mùi gỗ cháy, người dân sống trong khu vực núi Parnitha cũng như các nhà bảo tồn đều phẫn nộ về việc mất đi một trong số ít không gian xanh còn sót lại gần thủ đô. Họ cáo buộc chính quyền đã không bảo vệ được vùng đất rừng quý giá, nơi sinh sống của hơn 1.000 loài thực vật và động vật, bao gồm cả hươu đỏ và chó sói.

Demet Karavellas, Giám đốc Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) của Hy Lạp, buồn bã nói với báo New York Times về mất mát to lớn khi rừng tại núi Parnitha bị cháy: “Không có thủ đô châu Âu nào khác may mắn có được một điểm đặc biệt về đa dạng sinh học như vậy ngay trước cửa ngõ thành phố”.

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt -0
Xe cộ bị thiêu cháy tại thị trấn phía bắc Athens. Ảnh: New York Times

Chính quyền Hy Lạp khẳng định họ đã làm mọi cách có thể để bảo vệ khu rừng và các khu dân cư xung quanh. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa điều kiện khô hanh - do các đợt nắng nóng liên tiếp gây ra - và gió giật mạnh đã khiến công việc của họ trở nên đặc biệt khó khăn.

Lực lượng cứu hỏa Hy Lạp cũng chỉ trích những kẻ phá hoại đã góp phần tạo ra thảm họa. Đài truyền hình nhà nước đưa tin một người đàn ông đã bị bắt trên đảo Evia với cáo buộc đốt cỏ khô ở khu vực Karystos. Người đàn ông này thú nhận đã gây ra 4 vụ cháy khác trong khu vực vào tháng 7 và tháng 8. Một kẻ tình nghi khác bị bắt ở khu vực Larissa, miền trung Hy Lạp cũng bị buộc tội cố ý đốt thảm thực vật khô.

Trong quá khứ, một số trường hợp được cho là đã cố tình đốt cháy cây cối để dọn đường cho việc xây dựng nhà trái phép tại các khu rừng gần những thành phố lớn như Athens. Bất chấp các cuộc trấn áp thường xuyên của chính quyền, những ngôi nhà không giấy phép sau đó lại được các chính phủ liên tiếp phê duyệt theo lệnh ân xá - điều mà những nhà phê bình tại Hy Lạp cho rằng đã khuyến khích hành vi lấn chiếm đất công.

Những gì xảy ra với “lá phổi của Athens” đã thổi bùng cuộc tranh luận giận dữ trên mạng xã hội, nơi mọi người bày tỏ sự tiếc nuối về việc khu rừng nguyên sơ bị tàn phá. Nhiều nhóm chính trị kêu gọi người dân xuống đường phản đối chính phủ và ít nhất 2 cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại Athens khi những người tham gia mang theo khẩu hiệu “Chúng tôi không thể thở được” diễu hành trên phố.

Than hồng vẫn âm ỉ khắp nơi

Hy Lạp đã phải hứng chịu hàng chục vụ cháy rừng trong tuần qua khi gió giật mạnh và điều kiện mùa hè khô nóng kết hợp lại khiến ngọn lửa bùng phát và cản trở các nỗ lực chữa cháy. Lực lượng cứu hỏa Hy Lạp cho biết, họ đã xử lý 122 đám cháy, trong đó có 75 đám cháy bùng phát trong 24 giờ chỉ từ tối Thứ sáu đến tối Thứ bảy vừa qua.

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt -0
Đám cháy bùng mạnh khiến những người dập lửa hoảng sợ bỏ cả phương tiện chữa cháy để chạy thoát thân. Ảnh: New York Times

Trong số này, trận cháy rừng lớn bắt đầu vào Thứ bảy trên đảo Andros thuộc quần đảo Cycladic và vẫn đang cháy ngoài tầm kiểm soát. Chính quyền Hy Lạp đã gửi 73 lính cứu hỏa, máy bay chữa cháy nhằm dập tắt ngọn lửa nhưng chưa có kết quả. Sét đánh được cho là nguyên nhân gây cháy.

Với lực lượng cứu hỏa bị căng ra đến mức tới hạn, Hy Lạp đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước châu Âu. Đức, Thụy Điển, Croatia và Síp đã gửi máy bay chữa cháy, trong khi hàng chục lính cứu hỏa từ Romania, Pháp, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Albania, Slovakia và Serbia đang hỗ trợ trên mặt đất.

Bộ trưởng Khủng hoảng khí hậu và Bảo vệ dân sự Hy Lạp, Vassilis Kikilias cho biết rằng quy mô của các vụ cháy ở nước này hiện nay là tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Trong khi đó, Janez Lenarcic - Ủy viên Quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá đám cháy ở Alexandroupolis, với hơn 73.000 ha bị thiêu rụi, là “thảm họa cháy rừng lớn nhất mà EU từng phải đối mặt”.

Cũng ở Alexandroupolis, lính cứu hỏa đã tìm thấy 18 thi thể trong một khu rừng vào Thứ ba tuần trước, 1 thi thể vào Thứ hai và 1 thi thể vào Thứ năm (24/8). 18 nạn nhân đầu tiên bao gồm 2 cậu bé từ 10 đến 15 tuổi. Do không có ai được báo cáo mất tích trong khu vực kể trên nên chính quyền tin rằng các nạn nhân có thể là những người di cư vừa vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp.

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt -0
Hàng nghìn người Hy Lạp phải sơ tán khi cháy rừng lan rộng. Ảnh: AFP

Hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế

Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu, trên khắp Hy Lạp, các đám cháy rừng đã thiêu rụi 130.000 ha trong năm nay, một kỷ lục của EU. Ngoài đám cháy lớn nhất từng được ghi nhận ở Alexandroupolis, thiệt hại do vụ cháy ở núi Parnitha cũng vô cùng tồi tệ.

Chi nhánh Hy Lạp của Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết gần 6.000 ha đã bị san bằng trong một ngày, so với 5.600 ha bị thiêu rụi trong toàn bộ vụ cháy lớn nhất từng diễn ra ở nơi này, vào năm 2007.

Tác động của vụ cháy Parnitha đối với người dân và khách du lịch Athens vốn đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng liên tiếp trong mùa hè này cũng làm dấy lên lo ngại.

Các chuyên gia y tế và nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác như tâm lý hoặc kỹ năng sinh tồn đã lên truyền hình Hy Lạp để tư vấn cho những người Athens lớn tuổi hoặc dễ bị tổn thương khi ra ngoài vì tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch.

Nhưng, mối lo đột quỵ chưa phải là tất cả. Cháy rừng cũng đang đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Hy Lạp khi thiêu rụi nhà cửa, cây trồng, cơ sở sản xuất và đẩy hàng nghìn người rơi vào cảnh trắng tay, đồng thời tạo ra gánh nặng chi phí cho chính phủ và hệ lụy đối với nhiều ngành nghề, nhất là du lịch.

Ngành du lịch rất quan trọng đối với Hy Lạp. Theo Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới, 18,5% ​​GDP của quốc gia Nam Âu này năm ngoái (tương đương gần 38 tỷ USD) đến từ du lịch. Để tiện so sánh, tại hai nước Nam Âu khác là Tây Ban Nha và Ý, tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP thấp hơn nhiều so với Hy Lạp, lần lượt chỉ là 12% và 9%.

Cơn giận bùng lên khi những “lá phổi” của Hy Lạp bị thiêu đốt -0
Du khách tại Hy Lạp phải sơ tán khẩn cấp khỏi những nơi bị cháy hoặc sắp có nguy cơ bắt lửa. Ảnh: DW

Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng quốc tế Moody's cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng, các điểm đến du lịch của Hy Lạp có thể mất đi sức hấp dẫn về lâu dài do nắng nóng, cháy rừng và dĩ nhiên sẽ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế. Sarah Meier, nhà nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động kinh tế của hỏa hoạn tại Đại học Birmingham, cũng nói rằng khi cháy rừng hoành hành, GDP sẽ giảm. “Số liệu việc làm trong ngành du lịch cho thấy có ít người được tuyển dụng hơn sau các vụ cháy rừng”, bà Meier phát biểu với DW.

Hậu quả cụ thể dĩ nhiên còn tùy thuộc vào các nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp cũng như người dân nước này trong tương lai. Nhưng, trước mắt, thiệt hại đã gõ cửa các doanh nghiệp du lịch. Gần 20.000 người, chủ yếu là du khách, đã buộc phải rời bỏ các cơ sở lưu trú tại Rhodes, hòn đảo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hỏa hoạn, chỉ trong một ngày. Hoạt động này được mô tả là cuộc sơ tán lớn nhất từng được thực hiện ở Hy Lạp.

Ông Panagiotis Tokouzis, Phó Chủ tịch Liên đoàn Du lịch Hy Lạp, cho biết 30% lượng đặt phòng trên đảo Rhodes trong 2 tuần tới đã bị hủy, đồng nghĩa với thiệt hại hàng triệu USD. Mà Hy Lạp đâu chỉ có đảo Rhodes. Nếu các đám cháy tiếp tục bùng phát trên khắp toàn quốc như thời gian qua, không biết những chủ khách sạn tại các thiên đường nghỉ dưỡng ở quốc gia Nam Âu này sẽ cầm cự kiểu gì. Bởi khi ấy, du khách gần như chắc chắn sẽ lại hủy tour và chọn một điểm đến khác an toàn hơn!

Nguyễn Khánh

.
.