Cơn bão lạm phát càn quét Đông Nam Á

Thứ Hai, 22/08/2022, 08:34

Indonesia tán thành dự luật ngân sách lớn hơn để tăng trợ cấp, trong khi Malaysia thành lập một tổ công tác đặc biệt có tên “Jihad chống lạm phát” để giải quyết cuộc khủng hoảng. Singapore tự tin về khả năng kiểm soát lạm phát, trong khi các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ Philippines rơi vào suy thoái và Thái Lan trông chờ vào du lịch để cứu vãn nền kinh tế hiện nay.

Giá lương thực và dầu thô toàn cầu tăng mạnh, nhiều khả năng sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới bởi nguồn cung lúa mì và năng lượng đang trong tình trạng căng thẳng do phải chịu tác động kép từ chiến sự Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc, chỉ tính riêng tháng 5, giá lương thực thế giới đã tăng 22,8% do sự leo thang của giá thịt và ngũ cốc. Ngân hàng Thế giới dự kiến giá lương thực sẽ tăng khoảng 20% trong năm 2022 do áp lực ngày càng lớn về chi phí năng lượng và phân bón kéo dài từ đầu năm 2021. Tình trạng này sẽ tiếp tục đẩy giá lương thực lên mức cao hơn nếu chi phí năng lượng và phân bón vẫn không được điều chỉnh trong năm 2023.

Dầu thô Brent đạt mức đỉnh gần 140 USD/thùng vào tháng 3. Mặc dù đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng giá dầu theo dự báo của các nhà giao dịch vẫn sẽ neo ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt do các quốc gia sản xuất dầu trong nhóm OPEC+ không tuân thủ mục tiêu sản lượng hằng tháng. Các nhà nghiên cứu tại Fitch Solutions dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 105 USD/thùng trong năm 2022, cao hơn 2 lần so với cuối năm 2020.

Cơn bão lạm phát càn quét Đông Nam Á -0
Thái Lan trông chờ vào du lịch để cứu vãn nền kinh tế hiện nay.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt nhu cầu trong nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75%, còn theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, lạm phát năm của Mỹ đã chạm mốc 8,6% vào tháng 5 - mức tăng nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ qua.

Các nền kinh tế Đông Nam Á đương nhiên không thoát khỏi các tác động từ giá thực phẩm, dầu thô tăng cao và khó khăn có thể tiếp tục chồng chất nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra ngay khi những nước này vừa nhìn thấy một vài dấu hiệu tích cực về sự phục hồi sau đại dịch. Giới phân tích và chuyên gia cho rằng, việc một số nước, nhất là các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải

tăng chi tiêu để giảm thiểu tác động của lạm phát có thể khiến ngân sách của họ ngày càng bị thâm hụt. Thế nhưng, những quốc gia này có thể chi thêm bao nhiêu và vượt qua cuộc khủng hoảng như thế nào?

Với Indonesia, lạm phát trong 6 tháng đầu năm đã tăng 4,35% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua và vượt xa mục tiêu năm 2022 mà Ngân hàng Trung ương Indonesia đặt ra là 2 đến 4%. Chế độ giá do Indonesia quản lý cho thấy chính phủ nước này đã đưa ra chính sách giá thả nổi đối với các mặt hàng được trợ giá như nhiên liệu, điện và phương tiện giao thông công cộng. Theo nhận định của Zamroni Salim - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô và tài chính của Cơ quan nghiên cứu và sáng tạo quốc gia Indonesia - nếu lạm phát duy trì ở mức tương đối cao (khoảng 10%), thì điều này có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm giảm sức mua của người dân.

Còn theo một chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Đầu tư Natixis (Pháp), thì dự luật trợ cấp ở mức cao của Indonesia được dự kiến sẽ gây ra thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm 2022, bất chấp thu ngân sách cũng tăng do giá hàng hóa cao hơn. Mức trợ cấp cao đồng nghĩa với việc Indonesia phải cắt giảm đáng kể các khoản chi tiêu khác như đầu tư cơ sở hạ tầng và điều này cũng khiến thâm hụt lớn hơn mức dự kiến.

Sự phản đối dữ dội của công chúng trước việc giá cả tăng cao cũng khiến Chính phủ Malaysia phải công bố khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung 639 triệu ringgit (tương đương 142,2 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp, bên cạnh khoản hỗ trợ tiền mặt 8,2 tỷ ringgit đã được trích trước đó từ ngân sách năm 2022. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã thành lập tổ công tác đặc biệt “Jihad chống lạm phát” - khuyến nghị các nhà bán lẻ và trung tâm mua sắm tổ chức các chiến dịch giảm giá bán hàng và chỉ đạo các cơ quan chính phủ thiết lập cơ chế giảm giá bán lẻ dầu ăn. Thế nhưng, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, chính phủ cần phải đưa ra các chính sách bền vững hơn để giúp nền kinh tế và công chúng nước này tránh được tác động của các cú sốc giá cả, đặc biệt là do hầu hết các rủi ro lạm phát đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Giá dầu đột ngột tăng đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong gần 4 năm qua ở Philippines - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giao thông, dịch vụ, thực phẩm tăng là động lực đẩy lạm phát tới mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 10-2018. Giá thực phẩm và tiện ích tăng cũng là bài toán khó mà Singapore đang phải đi tìm lời giải. Chỉ số giá tiêu dùng tại Singapore đã tăng 3,6% so với cùng kỳ - tốc độ nhanh nhất trong vòng 13 năm qua.

Thái Lan là số ít trong các nước ASEAN có lượng dự trữ USD rất lớn. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn đi vay mượn trong khả năng có thể để vượt qua đại dịch và điều này khiến nợ công đang ở mức cao, chiếm tới 62% GDP. Piyasak Manason - chuyên viên phòng nghiên cứu tài sản của SCB Securities - nhận định các biện pháp kiểm soát lạm phát của chính phủ khiến thâm hụt và nợ công tăng. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu mới và phá vỡ mức trần nợ công để xử lý vấn đề giá dầu diesel, trong khi việc tăng lương tối thiểu cũng có thể nằm trong kế hoạch khi chính phủ chuyển hướng sang khu vực tư nhân trong nỗ lực xử lý lạm phát. Cụ thể, chính phủ có thể giảm bớt gánh nặng bằng cách cho phép tăng lương tối thiểu.

Tóm lại, các nước Đông Nam Á đang khá vất vả đối phó với tình trạng lạm phát. Tuy mỗi quốc gia sẽ có một hoặc một loạt biện pháp mang tính đặc thù riêng phù hợp, song điều quan trọng nhất là tất cả đều phải hướng tới một sự ổn định nhất định. Mọi sự rối loạn trong lúc này đều có thể dẫn đến hệ lụy không nhỏ, những bất ổn, cả về xã hội và chính trị.

Đan Thanh (Tổng hợp)
.
.
.