Cạnh tranh bên bờ Ấn Độ Dương

Thứ Hai, 04/11/2024, 11:40

Mặc dù không nổi bật như các điểm nóng khác, song cục diện địa chính trị đang thay đổi trên khắp khu vực Ấn Độ Dương. Khu vực này đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Trung Quốc - Ấn Độ, Trung Quốc - Mỹ, Nga - phương Tây.

Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các cường quốc khu vực như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Ấn Độ, Indonesia và Australia, là những bên có vị thế địa chính trị, địa kinh tế hùng mạnh cũng đang có tác động sâu sắc.

Biến động địa chính trị

Trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi này, các tác nhân phi nhà nước như lực lượng Houthi ở Yemen và các quốc đảo nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương, chẳng hạn như Maldives, cũng đang nổi lên như những bên tham gia quan trọng. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc đang đưa các tác nhân phi nhà nước và các quốc gia nhỏ hơn vào cuộc chơi. Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn là một ví dụ điển hình về xu hướng này.

1.jpg -0
Tàu chiến Nga, Trung Quốc và Nam Phi tham gia cuộc tập trận Mosi-2 ngoài khơi cảng Durban, bên bờ Ấn Độ Dương.

Do cuộc chiến của Israel ở Gaza, Houthi đã tấn công các tuyến vận chuyển toàn cầu có liên kết với Israel đi qua Biển Đỏ và vịnh Aden. Các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu nói chung, nghiêm trọng đến mức Mỹ, Anh và Ấn Độ đã điều động hải quân để bảo vệ các lợi ích của họ.

Trong bối cảnh biến động địa chính trị, người ta phải xem xét sự hiện diện chiến lược ngày càng mở rộng của Nga và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đây vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của địa chính trị Ấn Độ Dương luôn thay đổi. Nhìn về phía trước, cả hai cường quốc này thực sự có khả năng phối hợp hành động để thách thức cán cân quyền lực hiện tại.

Tập trận chung

Hải quân Nga và Trung Quốc đều đã mở rộng sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương trong những năm gần đây và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung. Năm 2023, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận hải quân với Pakistan trong khi hải quân Nga tiến hành các cuộc tập trận với Myanmar và Bangladesh. Tháng 3, Nga, Trung Quốc và Iran đã tiến hành tập trận hải quân tại vịnh Oman - đây là lần thứ 6 trong vòng 6 năm 3 nước này tiến hành các cuộc tập trận như vậy.

Nhiều quốc gia khác như Azerbaijan, Kazakhstan, Ấn Độ, Oman, Pakistan và Nam Phi đã cử đại diện hải quân đến tham gia các cuộc tập trận này. Mục đích được nêu theo thông báo của các bên tham gia là “thực hành các biện pháp đảm bảo an toàn ch hoạt động kinh tế hàng hải”. Tuy nhiên, rõ ràng là các cuộc tập trận này nhằm mục đích tăng cường phối hợp chiến lược giữa các bên tham gia và mang thông điệp thấy rõ.

Nga và Trung Quốc cũng đã can dự với một thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS) khác là Nam Phi trong hoạt động ngoại giao tập trận hải quân. Lần gần đây nhất Nga, Trung Quốc và Nam Phi tập trận chung là vào tháng 2/2023, đây là lần thứ 3 các nước này bắt tay nhau tập trận hải quân. Điều đáng nói là Nam Phi đã từ chối tập trận với hải quân Mỹ và thay vào đó là với Nga và Trung Quốc. Các cuộc tập trận hải quân này cho thấy sự hiện diện và mối quan tâm ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Tây Ấn Độ Dương.

Thiết lập căn cứ quân sự

Nga và Trung Quốc tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự tiền phương trong khu vực. Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ tại Djibouti vào năm 2017 và để mắt tới cảng Gwadar ở Pakistan làm căn cứ hải quân. Năm 2022, Trung Quốc đã tiếp cận được căn cứ hải quân Ream ở Campuchia. Trung Quốc còn được cho là đã cân nhắc tiềm năng bố trí căn cứ quân sự tại các quốc gia như Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Guinea Xích đạo, Seychelles, Tanzania, Angola, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan.

Trong số này, ngoại trừ Guinea Xích Đạo, Angola, Namibia, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan, tất cả các khả năng khác đều nằm ở Ấn Độ Dương. Điều đáng chú ý là mặc dù Trung Quốc đã có căn cứ quân sự tại Djibouti, các quốc gia Đông và Nam Phi khác như Kenya, Tanzania, Mozambique và Seychelles vẫn nằm trong tính toán của Trung Quốc về việc thành lập các căn cứ quân sự trong tương lai. Trung Quốc đã ghi dấu ấn kinh tế sâu sắc ở hầu hết các quốc gia này, điều đó sẽ bổ sung cho động thái tiếp cận chiến lược của Bắc Kinh. Có từ 3 đến 6 tàu chiến của hải quân Trung Quốc luôn hoạt động ở Ấn Độ Dương. Sự hiện diện thường xuyên của các tàu khảo sát và tàu do thám cũng là một thực tế. Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, một căn cứ quân sự khác có thể hữu ích để giúp mở rộng dấu ấn hải quân của nước này trong khu vực.

Đối với Nga, thỏa thuận với Sudan về cơ sở tại Port Sudan mở ra triển vọng về một căn cứ quân sự có thể tiếp cận Ấn Độ Dương. Căn cứ ở Sudan sẽ bổ sung cho căn cứ hải quân hiện có tại Tartus ở Syria và sẽ củng cố sự hiện diện của Nga ở Trung Đông và Tây Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Tuy nhiên, cuộc nội chiến thảm khốc ở Sudan đã làm phức tạp những nỗ lực này.

Đối với Moscow, những đòi hỏi chiến lược dọc theo vùng ngoại vi phía Tây và phía Bắc được đánh giá quan trọng hơn. Những diễn biến ở Bắc Cực, biển Baltic và Biển Đen có ý nghĩa sâu sắc đối với an ninh của Nga. Trong khi đó, tổn thất kinh tế và nhu cầu quân sự phát sinh từ cuộc chiến tại Ukraine, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với NATO đang hạn chế khả năng của Nga trong việc có được và duy trì một căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, việc mở rộng sự hiện diện chiến lược dưới hình thức các cuộc tập trận hải quân, các chuyến thăm cảng, triển khai các nhà thầu quân sự tư nhân như Tập đoàn Wagner, xuất khẩu quốc phòng và các thỏa thuận chính trị - quân sự sẽ tiếp tục là phương pháp can dự được Moscow lựa chọn.

Huy Thông
.
.
.