Vì sao Mỹ muốn khơi lại vấn đề Syria?

Thứ Tư, 18/03/2015, 16:10
Sau hơn một năm những căng thẳng về vấn đề Syria với phương Tây lắng dịu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại vừa khơi lại vấn đề thay đổi chế độ của Tổng thống Syria al-Assad. Mỹ muốn xới lại cuộc khủng hoảng Syria nhằm mục đích gì?

Ngày 15/3/2015 là tròn 4 năm xảy ra cuộc xung đột tại Syria. Các báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy, cuộc nội chiến này đã gây ra những thiệt hại nhân mạng và hậu quả xã hội chưa từng thấy: 215.500 người chết và hơn 4 triệu người trên 18 triệu dân phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng.

Trong nước, 7 triệu người phải bỏ nhà tìm nơi yên ổn tạm cư. Cũng theo các tổ chức này, hơn 13.000 nạn nhân đã chết vì bị tra tấn trong các nhà tù của Syria. Hàng chục nghìn người khác vẫn còn bị giam. Ngày 13/3, LHQ ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên có liên quan tới cuộc xung đột ở Syria chấm dứt ngay mọi hành động đàn áp, bạo lực nhằm vào dân thường, dỡ bỏ rào cản đối với các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn lãnh thổ Syria.

Hình ảnh ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên một bức tường ở khu phố Al-Zahraa trong thành phố Homs.

Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Washington sẽ phải tiến đến một thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để mở ra một cuộc chuyển đổi quyền lực chính trị và chấm dứt cuộc xung đột. “Chúng tôi đang tích cực làm việc với các bên liên quan để có thể tái khởi động các hoạt động ngoại giao. Tại sao? Vì mọi người đều đồng ý là không có giải pháp quân sự. Chỉ có giải pháp chính trị.

Tuy nhiên để đưa Chính quyền Al-Assad đến bàn thương thuyết, chúng ta phải làm cho ông ta biết rõ là tất cả mọi người đều có quyết tâm tìm kiếm một giải pháp chính trị và ông ta cần phải thay đổi những sự tính toán về vấn đề thương thuyết. Việc này hiện đang được tiến hành. Và tôi tin là với những nỗ lực của đồng minh chúng ta và những nước khác, sẽ có áp lực ngày càng tăng đối với ông Assad” - Ngoại trưởng Kerry phát biểu trên chương trình Face the Nation của Đài CBS từ Ai Cập, nơi ông tham dự một hội nghị về đầu tư, hôm 15/3.

Theo ông Kerry, mục đích của Mỹ và các đồng minh là khuyến khích một giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ trong lúc trả lời CBS không nhắc lại lập trường cố hữu của Chính phủ Obama là Tổng thống Al-Assad đã mất tính chính đáng và nhà lãnh đạo này phải ra đi. Ông Kerry cũng không nói rõ là một thỏa thuận sắp tới có thể đạt được với chính quyền Al-Assad sẽ bao gồm những điều kiện cụ thể nào.

Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arập" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối. Từ đó đến nay, đã có hai Thông cáo chung Geneva được đưa ra về vấn đề Syria.

Năm 2012, Mỹ vận động LHQ đưa đến Thông cáo chung Geneva 1, một văn kiện về kế hoạch 6 điểm để chấm dứt bạo động và thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Kế hoạch này đã bị Chính phủ Syria bác bỏ. Hội nghị kế tiếp là Hội nghị Geneva 2 vào năm 2014 đã kết thúc trong bế tắc. Nỗ lực thương thuyết gần đây nhất được Nga bảo trợ vào tháng 1 năm nay, nhưng Liên minh Quốc gia Syria, tổ chức đối lập, từ chối tham dự.

John Brennan phát biểu: “Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ trong hỗn loạn”.

Giữa lúc đó lại xuất hiện Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đóng ở Syria. Washington và Damas đã riêng rẽ mở các cuộc hành quân chống IS. Mỹ đã thực hiện các cuộc oanh kích dường như mỗi ngày nhắm vào các mục tiêu của nhóm cực đoan này ở miền Bắc và miền Đông Syria. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông ở châu Âu hồi cuối năm ngoái, ông Assad nói rằng các cuộc không kích không giúp gì được cho cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến IS, mà lực lượng bộ binh mới là thiết thực để đập tan nhóm Hồi giáo cực đoan này. Còn ông Kerry thì nói rằng các cuộc không kích đã gây "ảnh hưởng đáng kể" đối với IS.

Trong cuộc chiến chống IS, Mỹ chủ tâm viện trợ cho lực lượng đối lập ở Syria để xây dựng lực lượng này như một lực lượng bộ binh của Mỹ, trước là nhằm giúp đẩy lui IS tại Syria, sau là mục tiêu lật đổ chế độ Assad. Hôm 13/3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói chính quyền Obama đang yêu cầu Quốc hội cấp thêm 70 triệu USD viện trợ cho phe đối lập Syria, nâng số viện trợ của Mỹ lên đến gần 400 triệu USD kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Hoạt động của nhóm IS chống ông Assad có vẻ như làm cho lập trường của phương Tây đối với nhà lãnh đạo của Syria phần nào dịu lại. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan ngày 13/3 cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ trong hỗn loạn khi điều này có thể mở đường cho các phần tử cực đoan Hồi giáo tiếm quyền.

Phát biểu tại một sự kiện ở Hội đồng Đối ngoại, Giám đốc CIA cho hay Mỹ có lý do để lo ngại về đối tượng có thể thay nếu chính phủ của ông Assad sụp đổ, qua đó trao cơ hội cho nhóm IS và các phần tử thánh chiến khác ở Syria. Ông Brennan nêu rõ: “Không một ai trong chúng tôi kể cả Nga, Mỹ, liên minh quốc tế và các nước trong khu vực muốn chứng kiến một sự sụp đổ của các thể chính trị và chính phủ ở Damas”.

Brennan nhấn mạnh lập trường của Mỹ là ông Assad không nên có vai trò gì ở Syria trong tương lai nhưng chính phủ của Tổng thống Barack Obama và các chính phủ khác muốn có một giải pháp chính trị nhằm đảm bảo cho một chính phủ mang tính đại diện ở Syria.

Theo giới phân tích độc lập, việc Mỹ nêu lại vấn đề Syria vào lúc này nhằm mục đích khác chứ không phải vì sinh mạng và cuộc sống của người dân Syria. Trong bối cảnh Nga, một đồng minh của chính quyền Assad, đang bị phương Tây “bủa vây”, việc thay đổi chế độ ở Syria vào lúc này là có nhiều cơ hội.

Năm ngoái khi mà phương Tây do Mỹ dẫn đầu dọa sử dụng biện pháp quân sự lật đổ chính quyền Assad thì Nga đã đứng ra làm trọng tài, dàn xếp mọi chuyện và Tổng thống Assad nhờ thế mà tại vị, nay Nga đang bị phương Tây phong tỏa cấm vận, lại đúng lúc giá dầu mất giá khiến kinh tế Nga điêu đứng. Việc trợ giúp chính quyền Syria vào lúc này đối với Nga mà nói sẽ rất hạn chế, không thể như một năm trước.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.