Syria - chiến trường nước rút

Thứ Tư, 11/10/2017, 13:06
Cục diện Syria sắp ngã ngũ cũng là lúc các bên tham chiến tranh thủ tìm phần cho mình. Quân đội Nga đang đạt đến gần cột mốc chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, khi các báo cáo cho thấy, gần 90% lãnh thổ quốc gia Trung Đông này đã được giải phóng khỏi tay các chiến binh của nhóm cực đoan IS.

“Anh hùng” giờ mới xuất chinh!

Chiến trường Syria giờ đây sẽ càng thêm khốc liệt, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xác nhận nước này sẽ can thiệp quân sự vào tỉnh biên giới Idlib của Syria. Ngày 9-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu triển khai một chiến dịch quân sự mới tại Idlib, tỉnh duy nhất hiện nay nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của quân khủng bố, trong đó chủ yếu là nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir Al-Sham, thường được biết đến với tên gọi cũ là Al Nusra, và nằm giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông báo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hoạt động trinh sát nhằm thiết lập các trạm giám sát, nằm trong chiến dịch được tiến hành tại tỉnh Idlib”. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ số lượng binh lính tham gia vào hoạt động này.

Trước đó, theo AFP, sáng 8-10, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo dọc biên giới tại một khu vực của tỉnh Idlib do các nhóm phiến quân. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ không cho phép một “hành lang khủng bố” do dân quân người Kurd thiết lập nhằm kết nối lãnh thổ của lực lượng này từ miền Đông Syria tới Địa Trung Hải.

Thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 9-2017 là cơ sở giúp Ankara mở chiến dịch tại Idlib.

Mục đích của Ankara là thành lập một vùng “giảm căng thẳng” ở sát biên giới phía nam. Trước hết là phải chiếm toàn bộ tỉnh Idlib. Giai đoạn kế tiếp là cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến Idlib để “bảo đảm an ninh”.

Tại hội nghị ngày 28-9 ở Astana (Kazakhstan), Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran thỏa thuận thiết lập vùng đệm giảm căng thẳng ở tỉnh Idlib và Ankara đảm trách vai trò chính trong giám sát thực thi ngừng bắn. Kết quả này là nền tảng và xuất phát điểm cho chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ được các nhà quan sát quốc tế cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “nóng mắt” trước sức tấn công và những chiến công của quân Nga trên chiến trường này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 7-10 đã công bố video các máy bay chiến đấu của nước này không kích nhằm vào mục tiêu của IS ở khu vực giữa thành phố al-Mayadeen và Albukamal, miền Trung Syria theo Almasdar News. Video cho thấy nhiều phương tiện cơ giới và kho tàng của IS nổ tung dưới đòn tấn công của không quân Nga. Nguồn tin quân đội Nga cho biết tổng cộng hơn 80 phiến quân IS, trong đó có nhiều tay súng nước ngoài, đã bị tiêu diệt trong đợt không kích này.

Trong khi đó, lực lượng Kurdistan-Syria do Mỹ yểm trợ cũng loan báo, đêm 8-10 đã mở màn trận đánh “dứt điểm” Raqqa, thủ phủ tự phong của IS tại Syria. Tại Deir Ezzor, đông bắc Syria, không quân Nga gia tăng oanh kích yểm trợ cho quân đội Syria. Al-Masdar News dẫn nguồn tin quân sự cho biết, ngày 8-10, các đơn vị đặc nhiệm Sư đoàn cơ giới số 4 của quân đội Syria đã tấn công và giành toàn quyền kiểm soát làng Hatlah Fokkani, có vị trí then chốt trên bờ đông sông Euphrates và tiếp giáp với khu vực do lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.

Với cuộc tấn công này, các lực lượng vũ trang Syria bao vây hoàn toàn nhóm IS trong thành phố Deir Ezzor, địa bàn bị IS kiểm soát từ năm 2012, khống chế hỏa lực trên toàn bộ các khu phố mà IS đang chiếm giữ trong thành phố. Trước tình hình tuyến đường tiếp vận phía đông Syria đã bị chặn đứng, các nhóm chiến binh IS đối mặt với cuộc phong tỏa toàn bộ và bị tiêu diệt dần cho đến tay súng cuối cùng.

Các thủ lĩnh IS trong vòng vây bắt đầu cuộc rút quân quy mô lớn từ thành phố Deir Ezzor nhằm thoát hiểm ra vùng khủng bố vẫn còn kiểm soát trên vùng nông thôn gần biên giới Iraq.

Mục tiêu của Nga tại Deir Ezzor trước tiên là đánh bọc hậu lực lượng thánh chiến và bao vây hoàn toàn nhóm chiến binh hiện đang còn chiếm giữ một phần ba thành phố Deir Ezzor. Mục đích thứ hai là ngăn chặn liên quân Arập - Kurdistan do Washington ủng hộ và ở một số nơi, liên minh chỉ còn cách bờ sông Euphrate khoảng 6 km.

Đoàn xe quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới giáp với tỉnh Idlib của Syria, ngày 8-10.

Như vậy, quân đội Syria và đồng minh đã quyết định không chia sẻ lãnh thổ Deir Ezzor với Mỹ và các đồng minh. Rõ ràng là họ muốn tiếp tục đà tiến quân về phía đông, hướng biên giới Syria - Iraq và ở phía đông nam, nhắm vào hai cứ địa của lực lượng thánh chiến tại Syria, đó là các thành phố Al Mayadeen và Boukamal.

Theo hãng tin Russia Today của Nga, chiến dịch quân sự ở Syria là hoạt động chiến đấu lớn nhất trong lịch sử của quân đội Nga ở nước ngoài, nơi họ đã tung vào hàng loạt vũ khí hiện đại nhất nhằm tận dụng cơ hội đặc biệt hiếm có để thử nghiệm, nâng cấp, thậm chí đôi khi là đem “vứt bỏ”, loại biên nếu không chứng minh được hiệu quả chiến đấu.

Chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong mục đích tương tự như trên. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn một mực khẳng định, mục đích chính của đợt triển khai quân lần này không phải là tìm kiếm xung đột với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hay các lực lượng địa phương trong khu vực, mà chỉ nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực nơi mà những cuộc xung đột bạo lực nhất đang diễn ra.

Bất kể được cho là ngầm ủng hộ lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA), thì một trong những nhiệm vụ then chốt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi hiện diện ở Idlib vẫn được khẳng định là sẽ làm cho cuộc đình chiến giữa quân chính phủ và các lực lượng đối lập địa phương trở nên “bền vững”. Với mục đích này, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hình thành các điểm quan sát và giám sát ngừng bắn.

Khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép một hành lang khủng bố được thiết lập dọc biên giới, ông Erdogan đồng thời thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với nhóm Quân đội Syria tự do trong phạm vi tỉnh Idlib và phối hợp với Nga ở ngoài phạm vi tỉnh này. Hiện nay phần lớn tỉnh Idlib đang nằm trong sự kiểm soát của Mặt trận Al-Nusra nhưng đây cũng là nơi có một khu vực giảm căng thẳng nhằm đảm bảo không xảy ra xung đột giữa phiến quân đối lập và quân đội Syria.

Mặc dù phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định mục tiêu chính của các chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria vẫn là nhằm vào các phần tử khủng bố, tuy nhiên lâu nay, chính quyền Syria liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Syria. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Syria chỉ có thể được tiến hành với sự phối hợp với chính quyền Damacus.

Theo giới quan sát, có lẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, kết quả cụ thể của chiến dịch Idlib không quan trọng bằng thông điệp cho thấy nước này có vai trò và ảnh hưởng mạnh ở khu vực. Đúng là Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu thiết thực về hành lang an toàn dọc biên giới, nhưng mọi hoạt động quân sự của nước này tại Idlib cũng làm suy yếu cả lực lượng nổi dậy nên có lợi cho Chính phủ Syria, Nga và Iran.

Nhưng mục tiêu sâu xa khác của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này còn là tạo ra tiền lệ ở Syria để chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh kết thúc. Tiền lệ đó là phạm vi ảnh hưởng và tự do hành động quân sự, xác lập và khẳng định vai trò không thể bỏ qua trong giải pháp chính trị cho toàn bộ vấn đề Syria.

Trong bối cảnh quân IS đang bị dồn vào đường cùng trên khắp các mặt trận, ngày 9-10, người phát ngôn của liên quân chống tổ chức IS, Đại tá Ryan Dillon cho rằng IS có thể đang giam giữ dân thường để dùng họ làm "lá chắn sống" trong các cuộc giao tranh tại nhiều địa điểm.

Đại tá Dillon dẫn lời người dân địa phương cho biết IS đã dồn nhiều dân thường vào những căn hộ tại các tòa nhà mà chúng ẩn náu để hạn chế các đợt tấn công của liên quân. Chiến thuật của IS nhằm làm chậm bước tiến của liên quân và các lực lượng ủng hộ quân đội chính phủ.

Toan tính của những “đại gia”

Trên mặt trận ngoại giao, tình hình căng thẳng không kém. Ngày 9-9, Trung tướng Ali Al Ali, Giám đốc cơ quan mật vụ chính của quân đội Syria cho biết Mỹ đang ngấm ngầm cung cấp vũ khí cho những tay súng khủng bố ở Syria, chứ không phải cho phe đối lập.

Trung tướng Al-Ali giải thích rằng, những vũ khí này được đưa đến Trung Đông bằng đường biển và đi vào Syria thông qua các khu vực biên giới mà lực lượng của chính phủ không kiểm soát. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những cáo buộc liên quan tới việc Mỹ viện trợ vũ khí cho khủng bố ở Syria. Hôm 4-10, Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc Mỹ hỗ trợ IS, giúp nhóm khủng bố này có thể tiến hành hàng loạt cuộc phản công tại miền Đông Syria.

Cũng trong ngày 4-10, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Asharq al-Awsat, cáo buộc liên quân do Mỹ chỉ huy đã thực hiện “những hành động gây hấn đẫm máu” nhằm vào quân đội Nga ở Syria. Theo Ngoại trưởng Nga, Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), được liên quân quốc tế hậu thuẫn, đã gián tiếp khuyến khích những kẻ Hồi giáo cực đoan tấn công những cứ điểm chiến lược đã được Damascus giành lại.

Lực lượng Kurdistan YPG tại Raqqa, Syria.

Trong khi ấy, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đột ngột trở nên căng thẳng. Ngày 9-10, cả 2 chính phủ bất ngờ tuyên bố họ sẽ ngừng cấp thị thực nhập cư cho công dân 2 nước.

Các nhà quan sát nhận định rằng, vào thời điểm hiện nay, bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên đều có thể khiến Syria - đất nước vốn bị tàn phá nặng nề bởi xung đột sẽ lại càng lún sâu hơn vào vòng xoáy bất ổn. Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria thời điểm này được giới chuyên gia cảnh báo sẽ càng khiến tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông này trở nên phức tạp hơn, và tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường.

Và cũng không thể loại trừ khả năng Syria sẽ trở thành mồi lửa làm bùng nổ “thùng thuốc súng” Trung Đông lâu nay vốn đã tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn giữa các lực lượng và phe phái phức tạp.

Trên bàn cờ tàn Syria đã hết bóng dáng của Saudi Arabia, Qatar... cùng hàng chục tổ chức cái gọi là lực lượng nổi dậy, phiến quân “ôn hòa” đã được “đóng băng” trong 4 “vùng giảm leo thang” thì chiến dịch giải phóng Deir Ezzor là trận cuối loại bỏ IS, kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp chính trị hòa bình cho Syria.

Có thể nói, liên quân Nga-Syria-Iran-Hezbollah đã giải phóng 85% Deir Ezzor, đồng hồ đếm ngược thời gian tính bằng ngày cho sự tồn tại của IS tại Syria đã được khởi động. Nhưng dường như Mỹ không để cho Nga giành chiến thắng dễ dàng, trọn vẹn như thế. Thay vì tập trung giải phóng Raqqah, một lực lượng của SDF tràn về phía Bắc Deir Ezzor. Không biết bằng chiến thuật gì, trong tuần qua người Nga đã theo dõi bằng cả thiết bị bay không người lái, nhưng không phát hiện ra có giao tranh giữa SDF và IS nhưng SDF đã chiếm được một phần phía Bắc Deir Ezzor mà không tốn một viên đạn!

Ý đồ của Mỹ và SDF là phát triển về phía đông bắc Deir Ezzor đánh chiếm luôn cả Al Bukaman. SDF đã thành lập cấp tốc “Ủy ban tiếp quản Deir Ezzor” và cùng các tuyên bố gây sốc như “không cho phép quân đội Syria vượt sông Euphrates”...

Về phía Nga. Đã 2 năm trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria. Liệu Nga có phải đang muốn tìm lối đi ra khỏi cuộc chiến dai dẳng này khi một chiến thắng đang cận kề hay không? Quân đội Nga đang đạt đến gần cột mốc chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, khi các báo cáo cho thấy, gần 90% lãnh thổ quốc gia Trung Đông này đã được giải phóng khỏi tay các chiến binh của nhóm cực đoan IS. Bước đi tiếp theo là gì?

Moscow chắc chắn sẽ không từ bỏ căn cứ quân sự ở Tartus và Latakia, và các công ty Nga cũng không muốn mất các hợp đồng ở Syria. Danh sách các câu hỏi giới lãnh đạo Nga có thể suy nghĩ bao gồm: Thời điểm rút quân khi những kẻ khủng bố bị đánh bại? Ai có thể đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận hòa bình ở Syria?

Và liệu Syria có trở thành “một Afghanistan thứ hai” cho Nga nếu những kẻ khủng bố trả thù ngay khi quân đội Nga rời đi? Do đó, Moscow cần xác định chiến lược của mình tại Syria trong nhiều năm tới. Nếu không, tất cả các thiệt hại mà họ phải chịu đựng và tất cả các khoản đầu tư sẽ là vô ích.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.
.