Mỹ-Triều Tiên: “Vừa đấm vừa xoa”!

Thứ Năm, 19/10/2017, 08:32
Ngày 16-10, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động 5 ngày tập trận ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên bất chấp đe dọa trả đũa đến từ Bình Nhưỡng. Theo hải quân Hàn Quốc, đợt tập trận lần này huy động một loạt máy bay tiêm kích cũng như trực thăng của hai bên, cùng 40 tàu hải quân và tàu ngầm, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc xác nhận rằng nội dung tập huấn bao gồm cách phản ứng trước các hành vi khiêu khích của Hải quân Triều Tiên, đồng thời nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến giữa các đồng minh. Các cuộc tập trận cũng bao gồm các bài tập bắn đạn thật do các chiến hạm và chiến đấu cơ thực hiện, cùng với các bài tập chống tàu ngầm.

Như để thị uy thêm, Mỹ cũng đã gửi 4 chiến đấu cơ hiện đại - 2 chiếc F-22 và 2 chiếc F-35 - đến tham gia cuộc triển lãm hàng không mở ra từ ngày 17-10 tại Seoul.

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan trên đường tham gia cuộc tập trận Mỹ-Hàn ngày 16-10.

Mỹ-Hàn Quốc tập trận chung - thị uy hay khiêu khích?

Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là “chuẩn bị cho chiến tranh”. Trước đó, ngày 13-10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tố cáo hành động khiêu khích của Mỹ, và một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ có những phản ứng tự vệ, bao gồm cả một vụ phóng tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam của Mỹ.

Về phần Hàn Quốc, trong một cuộc điều trần trước nghị viện ngày 16-10, Phó Tham mưu trưởng liên quân nước này, tướng Jeong Kyeong Doo, cho biết là quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tác chiến mới để chống lại các mối đe dọa “tiên tiến” từ Triều Tiên. Kế hoạch này độc lập với các kế hoạch hiện thời mà Seoul và Washington đang áp dụng để đối phó với Bình Nhưỡng.

Cuộc tập trận được tiến hành gần như trùng hợp với Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18-10, vì vậy các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể xem cuộc tập trận này là một “cử chỉ không thân thiện”. Những cuộc tập trận này diễn ra không chỉ tại vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên mà còn ở phần phía tây mà Trung Quốc gọi là Hoàng Hải.

Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Cát Lâm, ông Wang Sheng, nhận định: cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể là một cách gây áp lực đối với Trung Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Nếu như vậy, cuộc tập trận này sẽ có ảnh hưởng ngược.

Hồi năm 2010, Trung Quốc phản đối cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sau khi tàu hộ tống Cheonan bị đánh chìm mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh im lặng không phản đối những cuộc tập trận tương tự diễn ra cách đây 1 năm.

Có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa để đáp trả cuộc tập trận trên. Các nhà lập pháp Nga trở về sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng trong tháng cho hay, Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa tầm xa có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ. Thêm vào đó, giới chức tình báo và các nhà phân tích Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên có thể cố ý thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa trùng hợp với Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Bình Nhưỡng có lịch sử thực hiện các vụ thử nghiệm khi Trung Quốc đang tổ chức một sự kiện quan trọng để bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc hiện đang cộng tác với Mỹ và cộng đồng quốc tế để làm áp lực lên Triều Tiên. Do đó lần này căng thẳng sẽ rất cao”, ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán nói.

Thêm một đồng minh bị đe dọa

Trong khi mở cuộc tập trận cùng Hàn Quốc ngay sát nách Triều Tiên, Mỹ tuyên bố vẫn sẽ theo đuổi nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng leo thang. Ngày 15-10, tức một ngày trước khi Mỹ-Hàn mở cuộc tập trận lớn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho ông phải tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng leo thang với Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn của chương trình “State of the Union” trên kênh CNN, ông Tillerson cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của thông điệp mà ông Trump từng viết trên Twitter về chuyện quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phí thời gian tìm cách đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên.

Hôm 7-10, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter: “Các đời tổng thống và chính quyền Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên 25 năm qua, các thỏa thuận và các khoản tiền lớn được trả... Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả!”.

Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Triều Tiên, thậm chí còn cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là điều gây mất thời gian, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu lên đề xuất này. Sau đó, ông Trump lại nói rằng, ông vẫn còn mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, dù vẫn còn một số bất đồng.

Ngoại trưởng Rex Tillerson và Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó mối quan hệ giữa Triều Tiên với một đồng minh khác của Mỹ lại trở nên căng thẳng vào những ngày qua. Ngày 14-10, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã lớn tiếng tố cáo là “Australia gần đây đã có những bước đi nguy hiểm khi hùa theo các hành động khiêu khích chính trị và quân sự điên rồ của Mỹ nhằm chống lại Triều Tiên”.

Hãng tin Bắc Triều Tiên đã cảnh cáo: Nếu tiếp tục theo chân Mỹ để “áp đặt áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên, Australia sẽ không thể tránh được thảm họa”.

Lời cảnh cáo nói trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, nhân chuyến công du Hàn Quốc hôm 11-10 vừa qua đã ghé thăm làng Bàn Môn Điếm trong vùng phi quân sự ở biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên. Tại đây, 2 vị bộ trưởng này đã nhấn mạnh việc phải gây áp lực ngoại giao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình thử nghiệm vũ khí, hạt nhân và tên lửa.

Ngày 15-10, phát biểu với báo giới tại Sydney, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã cho rằng, lời lẽ của Bình Nhưỡng không có gì mới, và điều đó chỉ làm cho Canberra kiên định hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Đối với Ngoại trưởng Australia, Triều Tiên vẫn “quen thói dọa không chỉ Australia mà còn các nước khác trong khu vực, và đó là lý do tại sao Australia tham gia vào một chiến lược tập thể nhằm gây sức ép tối đa trên Bình Nhưỡng để buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.

Cùng một quan điểm với bà Bishop, ông Dan Tehan, một quốc vụ khanh trong Bộ Quốc phòng Australia, cũng xác định rằng, Canberra sẽ tiếp tục làm tất cả để bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ các đồng minh, và không khiếp nhược trước những lời hù dọa của Bình Nhưỡng.

Liên quan tới nỗ lực ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, các chính trị gia từ hai miền Triều Tiên đã không đối thoại trực tiếp ở Nga vào ngày 16-10 về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, dù cùng tham dự một sự kiện.

Báo chí Nga cho biết, bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Thượng viện Nga, dự kiến sẽ thảo luận vấn đề trên trong các cuộc gặp riêng rẽ với Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên và người đứng đầu Quốc hội Hàn Quốc bên lề hội nghị nghị viện thế giới ở St Petersburg. Hãng tin TASS trích lời một dân biểu nói hôm 14-10 rằng, Moscow kêu gọi hai nước tận dụng cơ hội này để thảo luận trực tiếp nhằm thu hẹp các khác biệt.

Nhưng hãng RIA hôm 15-10 dẫn lời ông Piotr Tolstoi, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga và một thành viên không nêu tên của phái đoàn Triều Tiên nói rằng sẽ không có bất kỳ các cuộc đối thoại trực tiếp nào, việc Mỹ gây áp lực lên Bình Nhưỡng, cùng các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và Hàn Quốc cho thấy các điều kiện tiên quyết dẫn tới một cuộc đối thoại như vậy đã không được đáp ứng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.