Lạm bàn về trách nhiệm nêu gương

Thứ Năm, 11/10/2018, 14:17
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2-10. Trong phiên bế mạc, ngày 6-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày bản báo cáo tổng kết với 7 nội dung đã được nghiên cứu, thảo luận tại hội nghị, trong đó có nội dung thứ 4 cực kỳ quan trọng, liên quan tới yếu tố con người, liên quan tới niềm tin của quần chúng đối với Đảng cầm quyền, được cán bộ, đảng viên, nhân dân mừng vui ủng hộ.

Song, không phải không có những ý kiến bàn tán trong triển khai thực hiện.

Nội dung thứ 4 đó là: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII”.

Nội dung quan trọng mang tính thời sự ở phần này, đó là việc ban hành quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên... Thực ra, đây không phải là vấn đề hoàn toàn mới, bởi từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lãnh đạo Đảng, tiêu biểu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới nội dung này: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, rồi “Đảng viên có đi thì quần chúng mới đông” và “Cán bộ nào, phong trào đó”... Nhớ một dạo ở miền Bắc dấy lên phong trào “Bình dân học vụ”, phong trào “Tổ đổi công”, “Hợp tác xã”... không có đảng viên nào tránh né vì thế mà quần chúng nhất lòng tham gia.

Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nhìn rộng, nhìn xa hơn, cái thời chỉ có mấy ngàn đảng viên Cộng sản lãnh đạo mà toàn dân tộc noi theo, nhất tề tham gia vào cuộc cách mạng thần thánh, xóa sạch chế độ phong kiến, thực dân, giành độc lập cho Tổ quốc. Bởi thời đó, những người cộng sản không có quyền lợi gì ngoài hành động xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Thời nay, khác xa với thời đó. Cái khác ấy đã được Đảng công bố công khai trên nhiều văn kiện. Xin tóm lược như sau: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cả cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý) vì thiếu tu rèn phẩm chất đạo đức đã dẫn tới thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; độc đoán chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ; mất đoàn kết nội bộ, chia bè chia phái, hình thành lợi ích nhóm; ức hiếp quần chúng, bưng bít sự thật, bao che cho kẻ phạm tội...”. Tất cả việc làm trên đã gây mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước.

Những hiện tượng trên, Đảng đã nhận ra và kiên quyết tìm giải pháp khắc phục, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm. Trong nửa nhiệm kỳ qua đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật mà trong đó có tới trên năm chục người thuộc diện Trung ương quản lý (bao gồm cán bộ cấp bộ, cấp tỉnh, tướng lĩnh, có cả Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng đương nhiệm và đã nghỉ chế độ hưu trí).

Ngoài ra, Đảng đã bổ sung nhiều giải pháp phòng ngừa thông qua các chỉ thị, nghị quyết. Và, nội dung thứ tư Nghị quyết Trung ương 8 lần này đã thể hiện cái mới trong đó. Thứ nhất, quy định nêu gương, để tránh tản mạn, quy định đã khoanh vùng quá rõ: “Trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Có nghĩa là trên, dưới 200 người. Đó là đầu kéo của đoàn xe lửa. Đầu kéo khỏe, không trục trặc gì thì đoàn tàu băng băng chạy, đúng tốc độ và tới đích an toàn và ngược lại, sẽ là khốn khổ cho hành khách.

Thêm nữa, dư luận xã hội gần đây bàn tán nhiều về vấn đề văn hóa từ chức. Việc này thế giới người ta làm từ lâu rồi. Tỷ như, cách đây mấy năm, bên Hàn Quốc sập chiếc cầu lớn, một tháng sau đó Bộ trưởng Giao thông nước này đệ đơn xin từ chức; Ở Nga, đầu năm nay, một vụ hỏa hoạn thiêu rụi trung tâm thương mại ở vùng Viễn Đông, mấy ngày sau, Bộ trưởng Thương mại xin từ chức ngay.

Trông người lại ngẫm đến ta. Việc này ở xứ ta còn khó hơn “tìm trái cấm”.

Đó là chuyện quá khứ, chuyện của ngày hôm trước. Nhưng bây giờ thì khác chứ. Hãy tin nhau đi! Bởi, trong quy định tại Hội nghị Trung ương lần này đã nêu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cái băn khoăn, bàn tán trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của một số quần chúng là ở chi tiết này. Cụm từ “...không đủ uy tín... thì chủ động xin từ chức”. Nói tới uy tín có nghĩa là phải thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Mà lấy phiếu tín nhiệm với 3 hình thức: “Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” như vừa qua đã làm thì chỉ là hình thức, để rồi tất cả đều “bình chân như vại”.

Nói thế, song, vẫn có cơ sở để tin chứ:

Thứ nhất: Cán bộ cỡ đó có đủ trí tuệ để tính cho số phận mình nếu như vẫn còn một chút liêm sỉ. Người xưa đã dạy: “Trí dạ tự xử - Ngu dạ quan sai” - người có trí tuệ, thông minh thì biết tự giải quyết những phiền toái liên quan tới mình. Người kém thông minh, tối dạ mới phải để tới bề trên phán xử.

Thứ hai, Trung ương đã đề ra quy định, tất nhiên phải có biện pháp kèm theo để chống chây ỳ, lấy lại niềm tin của quần chúng. Nhất là quy định ra đời trong bối cảnh “không phải lò mới nhen, mới nhóm, mà nó đã cháy rực lên rồi”.

Thiết nghĩ, niềm tin vào quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vừa được Hội nghị Trung ương đề ra là hết sức cần thiết, kịp thời góp phần củng cố xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển không ngừng trong tiến trình đổi mới.

Khổng Minh Dụ
.
.
.