Cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc
- 30 ngày điều hành nước Mỹ của tân Tổng thống Donald Trump
- Ông Donald Trump “đánh võng” trong đường lối đối ngoại?
Với tình hình không thể “rối” hơn của tháng đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, người ta có thể nhận định rằng ông đang “ném đá dò đường” trong nhiều chính sách, cả đối nội lẫn đối ngoại. Trong đối ngoại, những vấn đề gai góc, trong đó Trung Đông là một trong những vấn đề gai góc nhất, đang trải qua một tiến trình có vẻ đúng như người ta đánh giá.
Đơn cử vấn đề công nhận hay không công nhận chính sách “Một Trung Quốc” mà nhiều đời tiền nhiệm của ông luôn theo đuổi. Tháng 12-2016, khi chưa lên nhậm chức, Trump tuyên bố rằng Mỹ không nên tiếp tục ràng buộc với chính sách “Một Trung Quốc” - một nguyên tắc đối ngoại đã tồn tại 44 năm được xem là then chốt trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng. |
Thay vào đó, Trump đề xuất dùng nguyên tắc đó để mặc cả trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Dĩ nhiên Bắc Kinh phản ứng, vì đối với Bắc Kinh nguyên tắc “Một Trung Quốc” là bất di bất dịch, là không thể mặc cả, và phát tín hiệu mạnh cho Trump hiểu rằng việc phá bỏ nguyên tắc truyền thống đó sẽ gây ra những hệ lụy khó lường trong quan hệ hai nước, nhất là về kinh tế. Thế rồi ông Trump đã đột ngột thay đổi quan điểm sau khi lên nhậm chức.
Thượng tuần tháng 2-2017, trong cuộc “ngoại giao điện thoại” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã hứa sẽ tuân theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, và khi đó Trump mới thấy rằng chỉ sau khi tuyên bố ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” thì ông mới được Chủ tịch Tập Cận Bình vui vẻ tiếp chuyện.
Từ câu chuyện về chính sách “Một Trung Quốc”, có thể nhìn ra cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với vấn đề xung đột Israel - Palestine và giải pháp “Hai nhà nước”. Các nhà ngoại giao ở Mỹ và khu vực Trung Đông đã đưa ra dự đoán về cách ông Trump xử sự tương tự như “Một Trung Quốc”.
Ngày 15-2, Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến viếng Washington kể từ khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đang “cân nhắc giữa hai công thức nhà nước và một nhà nước” để giải quyết vấn đề xung đột Israel – Palestine, và nói thêm rằng “Tôi thích giải pháp mà cả hai bên đều thích”.
Tuyên bố này của Tổng thống Trump ngay lập tức được giới ngoại giao hiểu rằng ông đang phá bỏ chính sách mà các lãnh đạo Mỹ đã theo đuổi suốt nhiều thập kỷ qua, đó là thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Nhà nước Do Thái (Israel). Tuy nhiên, giới ngoại giao cũng nhanh chóng chỉ rõ, rồi đây ông Trump cũng sẽ phải nhận ra không thể có giải pháp nào khác thay thế cho giải pháp “Hai nhà nước”.
Giải pháp “Hai nhà nước” ra đời từ năm 2001, với đề xuất của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và sau đó được đưa vào lộ trình đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine được “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ) bảo trợ vào năm 2003. Trải qua 16 năm, cho dù tiến trình đàm phán giữa Palestine và Israel có những lúc thăng trầm, thậm chí có lúc đàm phán đã “chết lâm sàng”, nhưng “Hai nhà nước” vẫn là giải pháp số 1 cho mọi phương án giải quyết vấn đề xung đột Palestine và Israel.
Giải pháp này dựa trên cơ sở hai bên đồng thuận một số vấn đề then chốt để bảo đảm hòa bình, an ninh cho Israel cũng như cho cả khu vực Trung Đông. Trong các vấn đề then chốt đó, vấn đề các khu định cư Do Thái trên đất Palestine, vấn đề an ninh cho Israel và việc công nhận Nhà nước Do Thái để hai bên cùng chung sống hòa bình được xem là những vấn đề lớn nhất, mấu chốt quan trọng nhất cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Không đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề này thì đừng mong giải quyết được xung đột.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki R. Haley. |
Thực tế cho thấy việc giải quyết các vấn đề về an ninh, các khu định cư Do Thái không đơn giản, thậm chí rất khó. Những vấn đề gút mắc cứ kéo dài mãi gây khó khăn cho đàm phán để đi đến thỏa thuận về các vấn đề then chốt. Người Palestine luôn mong muốn thành lập một nhà nước riêng, độc lập, tách khỏi Israel, với ranh giới là đường ranh giới các vùng lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây sông Jordan có trước cuộc chiến Trung Đông 1967 và Dải Gaza.
Trong khi đó, người Israel mong muốn điều ngược lại, và đã tiến hành thủ đoạn lấn chiếm đất của người Palestine bằng cách xây nhà ở tại các khu định cư trên đất của người Palestine, đồng thời dùng sức mạnh quân đội phá nhà cửa, ruộng vườn, trục xuất người Palestine ra khỏi những khu vực vốn là của họ. Người Palestine yếu thế hơn nên đấu tranh bằng những hình thức bạo lực tiêu cực, như đánh bom, tấn công bằng dao, mìn tự chế,... gây ra tình trạng mất an ninh cho người Israel.
Ngược lại, Israel sử dụng sức mạnh quân sự độc tôn của mình trong các chiến dịch thảm sát người Palestine, bị cả thế giới lên án, nhưng được Mỹ đứng sau lưng hậu thuẫn vô điều kiện. Hai nhiệm kỳ với nhiều lần gây sức ép, ra điều kiện đủ điều, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không thể buộc Israel dừng các dự án lấn chiếm đất này. Hễ Israel còn lấn chiếm đất, còn đối xử thô bạo với người Palestine thì vấn đề an ninh không thể được bảo đảm, vì người Palestine không chịu ngồi im nhìn Israel chèn ép, áp bức dân tộc mình. Do vậy mà đàm phán hòa bình liên tục bế tắc, thậm chí là “chết lâm sàng”.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 15-2, Thủ tướng Israel Netanyahu đá trái bóng sang cho người Palestine, rằng có tiếp tục theo đuổi giải pháp “Hai nhà nước” hay không còn tùy thuộc vào việc “người Palestine nghĩ gì”. Ngày 16-2, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki R. Haley tái khẳng định chính sách của chính quyền Mỹ là “tuyệt đối” ủng hộ giải pháp “Hai nhà nước”.
Sau tuyên bố trái chiều của Tổng thống Trump, đến tuyên bố của Thủ tướng Israel Netanyahu và lời khẳng định của Đại sứ Haley, dư luận quốc tế một lần nữa lại thấy “rối” không biết nên có một giải pháp nào khác thay thế cho giải pháp hiện nay?
Quan sát từ câu chuyện về chính sách “Một Trung Quốc”, có thể thấy rằng Tổng thống Trump chắc rồi cũng lại ủng hộ giải pháp “Hai nhà nước”, nhưng theo cách mà ông thấy thích hợp nhất với chính sách của ông tại Trung Đông.