Ấn Độ và những lựa chọn giải quyết xung đột

Thứ Hai, 13/07/2020, 11:16
Cho đến nay, những nỗ lực của Ấn Độ trong việc thực hiện sách lược "ngoại giao im lặng" mà họ xem là chuẩn mực trong các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc được cho là đã thất bại. Chính phủ Ấn Độ đang rơi vào tình thế khó khăn khi phải cân nhắc các phản ứng.

Hiện nước này được cho là đang phải đối mặt với các lựa chọn ở mức độ khác nhau, từ khó khăn đến khó khăn hơn và cả ở mức cực kỳ nan giải.

Sau các cuộc đụng độ và xâm lấn xảy ra, Ấn Độ đang phải đối mặt với thách thức tìm cách khôi phục nguyên trạng. Không may, thời điểm tốt nhất để xử lý tình thế "việc đã rồi" là trước khi nó được hoàn tất, đã qua rồi. Nếu không thể nhanh chóng ngăn chặn hay đảo ngược một việc đã rồi, thì chắc chắn sự thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi những vị trí bị xâm lấn được phía đối phương củng cố và thiết lập trạng thái bình thường mới.

Thống kê cho thấy trong 47/59 cuộc xâm chiếm lãnh thổ trên thế giới, bên xâm lược liên tục kiểm soát vùng lãnh thổ đó trong ít nhất 10 năm tiếp theo. Đây có thể là những tiền lệ mà Trung Quốc có vẻ như đang mong muốn để duy trì vùng lãnh thổ mới của họ trên dãy Himalaya.

Vậy hiện tại Ấn Độ đang có những lựa chọn nào trong bối cảnh đối phương đang cố thủ tại những điểm xa hơn dọc hồ Pangong, thung lũng Galwan và Depsang? Trước tiên, theo các phân tích, họ cần chấm dứt hành động gây đổ máu. Lục quân Ấn Độ phải ngăn không để bị xâm chiếm thêm, tại các điểm xâm nhập hiện tại lẫn các điểm khác có khả năng bị tấn công. Điều này có nghĩa là chấp nhận tư thế phòng thủ tích cực để ngăn chặn mọi cuộc xâm nhập sâu hơn vào các điểm xung đột hiện có.

Ấn Độ cũng nên xác định các điểm dễ bị tấn công khác dọc biên giới, tập trung các phương tiện thu thập thông tin tình báo, giám sát và thăm dò vào việc phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng từ phía đối phương đối với những điểm này và triển khai lực lượng để ngăn chặn không để bị mất thêm những điểm khác. Nói một cách đơn giản, Ấn Độ có vẻ như không đủ sức chống đỡ trên các mặt trận tiếp theo hay xâm nhập sâu hơn vào những khu vực mà họ đã phải chịu thiệt hại nữa.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra biên giới.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, điều này nói dễ hơn làm. Việc cố sức ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo trong tình huống đối phương đã có chủ định, sẽ có nguy cơ dẫn đến hành động leo thang có chủ ý nếu phải đối đầu trực tiếp. Nguy cơ xuất hiện những hành động leo thang không có chủ ý cũng gia tăng nếu ngọn lửa giận dữ bùng phát trở lại, trong trường hợp binh lính có thể dễ nổi nóng khi phải đóng quân ở những điểm cao trong điều kiện khắc nghiệt, hoặc nếu xảy ra tai nạn, chẳng hạn như tai nạn liên quan đến máy bay trực thăng đang hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu và địa hình khó khăn hay giữa các xuồng cao tốc mà hai bên đang triển khai trên hồ Pangong.

Aidan Milliff, nhà phân tích quân sự, đã chỉ ra rằng địa hình đồi núi trên cao ở Đông Ladakh có thể hạn chế nỗi lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn, nhưng nó lại tạo nhiều cơ hội ở cấp chiến thuật có khả năng gây ra các cuộc đụng độ gây sát thương. Cả hai bên được cho là đã tập hợp một lực lượng đáng kể, bao gồm cả lục quân, không quân và pháo binh ở khu vực này. Mối lo ngại lại dày lên thêm khi Ấn Độ đã xóa bỏ những hạn chế trước đó về việc hạn chế vũ khí tại khu vực biên giới và trao cho các chỉ huy quân sự toàn quyền tự do hành động để đối phó với những tình huống đặc biệt sau cuộc xung đột hôm 15-6. Tất cả những yếu tố gây tổn thất hơn nữa về người vẫn tồn tại, cho dù mục tiêu duy nhất của Ấn Độ là ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo.

Câu hỏi đặt ra là nếu Ấn Độ thành công trong việc ngăn chặn tổn thất hơn nữa, thì họ có thể làm gì để khôi phục nguyên trạng trước tháng 5-2020? Theo đánh giá của các nhà phân tích, có 3 lựa chon và đều là những lựa chọn không dễ dàng vào lúc này.

Lựa chọn đầu tiên của Ấn Độ là đánh bật các lực lượng xâm chiếm và khôi phục lại nguyên trạng. Điều này đồng nghĩa với việc tập hợp đủ sức mạnh quân sự để thực hiện thành công các cuộc tấn công có giới hạn để nhằm tái thiết lập sự kiểm soát đối với những vùng lãnh thổ đó. Đây là một khu vực rộng lớn trải dài khoảng 200km, từ đồng bằng Depsang ở phía bắc qua vị trí diễn ra cuộc xâm nhập vào thung lũng Galwan và khu vực suối nước nóng đến hồ Pangong ở phía nam. Với một địa hình phức tạp như vậy, lợi thế rõ ràng nằm trong tay bên phòng thủ, với những điểm chiếm đóng được củng cố. Và một cuộc tấn công quân sự là hạ sách, trong mọi trường hợp.

Lựa chọn thứ hai là tạo ra các ảnh hưởng đòn bẩy tại các điểm hay lĩnh vực khác để đổi lấy việc tạo sức ép cho đối phương rút quân, hoặc hiểu một cách đơn giản hơn là như một hình thức trao đổi. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy là có giới hạn và tỏ ra thiếu sức thuyết phục. Trong quá khứ, hoạt động gây sức ép thường không mang lại kết quả như mong muốn và quan trọng là hiệu quả của nó, nếu có, sẽ đến rất chậm, sau những cân nhắc chi li từng tí một của tất cả các bên. Tham gia các liên minh quốc tế mạnh để kiềm chế đối thủ cũng là một cách, xong nó sẽ chỉ phát huy tác dụng ở những cuộc xâm lấn tiếp theo (nếu có) chứ khó có thể giúp khôi phục lại hiện trạng của một "việc đã rồi".

Lựa chọn cuối cùng, đó là chấp nhận "việc đã rồi". Trong trường hợp không thể đảo ngược được tình thế, thì lựa chọn này được cho là sẽ giúp cho "đương sự" có thời gian lùi lại để đánh giá đầy đủ các yếu tố và đề ra sách lược thích hợp cho tương lai, thay vì bị sa đà hay dẫn dắt vào những tranh chấp vụn vặt hiện tại. Nó có thể không quá tồi tệ như người ta nghĩ, nhưng tất nhiên, đó là một lựa chọn cay đắng và hoàn toàn toàn không dễ để chấp nhận.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.