Ấn Độ chống lạm dụng lao động trẻ em

Thứ Hai, 30/10/2006, 08:30

Theo Tổ chức Khảo sát Mẫu quốc gia (trụ sở tại New Dehli), gần 16,4 triệu trẻ em Ấn Độ từ 5 đến 14 tuổi có liên quan đến những hoạt động kiếm tiền.

Trong đêm mưa, ẩn mình phía sau một chiếc xe thực phẩm bán dạo đang đỗ trước một quầy hàng tạp hóa, Raju bận làm việc túi bụi. 10 tuổi, nhút nhát, suốt 12 tiếng đồng hồ/ngày nó làm thứ công việc phục vụ người mua hàng và chùi rửa một đống dụng cụ bếp núc bằng đôi tay bé nhỏ bị xà phòng ăn lở loét.

Sau một ngày làm mệt nhọc, chủ thường trả cho nó không quá 1 USD. Nếu còn thức ăn thừa, nó sẽ được một phần tạm ấm bụng. Ngược lại, nó sẽ trở về nhà với cái dạ dày rỗng không.

Băn khoăn về tương lai của những trẻ em như Raju, từ ngày 10/10/2006, Ấn Độ bắt đầu áp dụng lệnh cấm trên toàn quốc chủ thuê trẻ em dưới 14 tuổi phụ việc nhà hoặc trong lĩnh vực bệnh viện. Những ai cố tình vi phạm luật này có thể bị phạt rất nặng: Ngồi tù tối đa 2 năm cộng với khoản tiền phạt đến 430 USD.

Trẻ em ở Ấn Độ trước đây đã bị cấm làm việc trong các xí nghiệp, bãi mìn, và những công việc nguy hiểm khác. Đạo luật Lao động Trẻ em của Ấn Độ, lần đầu tiên được thông qua vào năm 1986, giờ đây thêm 2 nghề nữa được đưa vào danh sách 57 nghề rất có hại cho trẻ em.

Các nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em tại Ấn Độ nói rằng đây là một bước quan trọng trong việc đấu tranh chặn đứng nạn khai thác lao động trẻ em. Nhưng một số người khác vẫn còn băn khoăn Chính phủ sẽ không làm hết sức mình để cung cấp những giải pháp kinh tế tích cực khác cho những gia đình lệ thuộc vào thu nhập từ con cái của họ. Một số người lại hoài nghi về tính hiệu lực thi hành của lệnh cấm.

Ấn Độ có số lao động trẻ em lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiết lộ tỉ lệ trẻ em giúp việc nhà để kiếm tiền bị lạm dụng tình dục, bạc đãi và bóc lột sức lao động rất... kinh hoàng. Theo Tổ chức Khảo sát Mẫu quốc gia (trụ sở tại New Dehli), gần 16,4 triệu trẻ em Ấn Độ từ 5 đến 14 tuổi có liên quan đến những hoạt động kiếm tiền như buôn bán cho chủ, phụ giúp việc nhà và vô khối những hoạt động không tên khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định con số đó phải là 44 triệu. Các tổ chức NGO đang yêu cầu Chính phủ ban hành quy định rõ hơn: Lệnh cấm phải bao gồm tất cả những trẻ em dưới tuổi 18. Nghiên cứu của SC cho thấy 74% lao động trẻ phụ việc nhà tại Ấn Độ nằm trong độ tuổi 12-16, như vậy là trước mắt sẽ có một khoảng hở pháp lý để các chủ thuê lao động lách luật.

Theo Ingrid Srinath, Tổng giám đốc một NGO mang tên Quyền Trẻ em và Bạn (CRY) tại New Dehli, lệnh cấm lao động trẻ em đề cập chưa đầy đủ những nguyên nhân ràng buộc trẻ em vào việc kiếm tiền: nghèo khó, nợ nần, gia đình chưa an cư lạc nghiệp.

Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ (IMLE) vẫn chưa quyết định bất cứ kế hoạch giáo dục và đào tạo nào cho những đứa trẻ bị mất việc. Tuy nhiên, IMLE bảo đảm rằng, một kế hoạch chi tiết sẽ sớm được ban hành, cho phép trẻ em được học hành đàng hoàng hơn. Các nhà hoạt động quyền trẻ em cho biết, lệnh cấm không dễ đạt hiệu quả trừ khi người sử dụng lao động thay đổi thói quen suy nghĩ xưa nay.

Theo bà Srinath: “Nếu chỉ thấy trẻ em có cái ăn và tiền mà bảo chúng được lợi là sai lầm. Chúng được trả tiền công rẻ mạt và phải làm quá nhiều giờ mà không dám đòi hỏi bất cứ thứ gì. Đó là bóc lột. Lệnh cấm giờ đây tăng thêm trọng lượng cho câu nói: “Làm thế là sai!” của chúng tôi”

Lê Minh (theo CS Monitor)
.
.
.