Afghanistan trong tấm gương Iraq

Thứ Tư, 14/07/2021, 13:24
Ngày 31-8, tiến trình triệt thoái binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan mới chính thức hoàn tất - theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, tình hình đã trở nên hỗn loạn, đến mức các nước láng giềng của quốc gia Trung - Nam Á ấy đã phải chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch bảo vệ an ninh, trước nguy cơ bất ổn gắn liền với bước tiến của Taliban.


90% và 85%

Ngày 6-7, Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo: Tiến trình triệt thoái binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, sau 20 năm hiện diện ở mảnh đất này, đã được hoàn thành hơn 90% khối lượng. CENTCOM cho biết đã chính thức bàn giao 7 căn cứ cũ của Mỹ cho các lực lượng an ninh Afghanistan, đồng thời đã tiến hành sơ tán lượng trang thiết bị - khí tài quân sự tương đương 1.000 chuyến máy bay vận tải C17 khỏi quốc gia Nam Á này.

Chỉ 3 ngày sau, tại một cuộc họp báo ở thủ đô Moskva của Nga, đại diện đàm phán của Taliban đang có mặt tại Nga xác nhận đã kiểm soát 85% lãnh thổ, bao gồm khoảng 250 trong số 398 khu vực của Afghanistan. Phía Taliban cam kết đảm bảo tất cả các cơ quan hành chính và bệnh viện ở vùng lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát sẽ tiếp tục được hoạt động, cũng như cam kết không để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.

Các chiến binh Taliban.

Người đại diện lực lượng Taliban - Shahabuddin Delawar - nhấn mạnh: “85% lãnh thổ Afghanistan đã thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế tiếp tục hoạt động. Trong số những điểm chính trong thỏa thuận của chúng tôi với phía Mỹ, chúng tôi chỉ nhất trí không tấn công quân đội Mỹ khi họ rút khỏi Afghanistan”.

Như vậy, gần như không phải là nguy cơ nữa, những mối lo ngại mà giới quan sát quốc tế đưa ra ngay từ khi tiến trình đàm phán Mỹ - Taliban bắt đầu được xúc tiến dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở nên vô cùng rõ ràng trong hiện thực: Taliban chỉ đợi đến khi Mỹ và các lực lượng quốc tế rút hết quân, là sẽ tiến hành đòi lại những gì đã mất suốt 20 năm qua.

20 năm qua, cuối cùng, người Mỹ ở lại đây để làm gì? Đây là câu trả lời của ông chủ Nhà Trắng hiện tại - Joe Biden. Nhưng, nó cũng tương đồng với quan điểm của người tiền nhiệm: “Mỹ không đến Afghanistan để xây dựng đất nước” và “người dân Afghanistan cần phải tự quyết định tương lai của họ”. Bởi vì: “Mỹ không thể tiếp tục theo đuổi các chính sách được tạo ra để phản ứng với tình hình thế giới 20 năm trước đây. Chúng ta cần đáp ứng những mối đe dọa hiện tại”. Hay nói cách khác: Mỹ đã phủi tay xong và cũng đã gần rút chân được hẳn khỏi vũng lầy - cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử của họ.

Ở lại và tiếp quản toàn bộ, theo một phương thức giống như bị bỏ rơi khi chưa sẵn sàng cho tất cả những biến chuyển này, chính quyền Afghanistan ở thủ đô Kabul chỉ còn lựa chọn duy nhất: Cố gắng đứng vững, nỗ lực kiểm soát tình thế, để có thể tiến đến một nghị trình hòa đàm “chấp nhận được” với Taliban, nghĩa là không để mất tất cả. Vấn đề là, ngay từ trước tuyên bố từ phía Taliban, đã liên tục có những tin tức gây hoang mang, về chuyện các binh sĩ của chính quyền Kabul đào ngũ.

Người lính Afghanistan - một hình ảnh đơn độc đầy tính ẩn dụ.

Ngày 22-6, các quan chức an ninh Tajikistan cho biết có 134 quân nhân Afghanistan đã chạy sang nước này. Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Uzbekistan báo cáo về sự vụ tương tự, với 53 lính biên phòng Afghanistan và dân quân địa phương vượt biên sang Uzbekistan. Biên phòng Iran cũng gặp tình cảnh ấy, nên quân đội và lực lượng Vệ binh Cách mạng của họ sẽ “giám sát chặt chẽ mọi hoạt động nhỏ nhất sát biên giới” với Afghanistan, nhằm ngăn chặn “những hành động bất hợp pháp tại các đường biên giới này”. Ngày 8-7, Iran tạm dừng tất cả các hoạt động giao thương xuyên biên giới qua 2 cửa khẩu chính.

Trong khi đó, đến ngày 11-7, đã liên tục có những vụ đụng độ giữa Taliban với quân đội Afghanistan. Được Không quân Afghanistan (AAF) hỗ trợ, lực lượng quân đội và an ninh quốc gia Afghanistan (ANDSF) đã chặn đứng các cuộc tiến công của Taliban ngày 9-7 vào tỉnh Kandahar. ANDSF tuyên bố tiêu diệt 109 tay súng Taliban và làm bị thương hàng trăm tay súng khác trong ngày 10-7. Hôm sau, đến lượt các cuộc tập kích của Taliban vào tỉnh Takhar trọng yếu bị đẩy lui. Ở tỉnh Helmand, giao tranh cũng nổ ra dữ dội.

Kabul đang gồng mình chiến đấu. Tuy vậy, họ vẫn như đang phải chiến đấu giữa một vòng vây.

IS vẫn đang lẩn khuất và xây dựng lực lượng tại những vùng lãnh thổ hoang vu của Afghanistan.

Khoảng trống quyền lực và mầm mống hận thù

Kabul đã hiện hữu 20 năm qua, với bàn tay hậu thuẫn của quân đội Mỹ sau lưng. Bây giờ, họ thực sự sẽ phải “tự lực cánh sinh” nhằm bảo vệ quyền lực của mình trước tham vọng mà phía Taliban - những người đã chiến đấu trong thế yếu suốt 20 năm ấy - không buồn che giấu.

Sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu Afghanistan có được những sự trợ giúp quý báu từ cộng đồng quốc tế, hay nói ngắn gọn là các quốc gia láng giềng - những người hàng xóm. Vấn đề là, khi quân đội Mỹ cùng những lực lượng quốc tế khác rút đi và để quân đội Chính phủ Afghanistan ở lại, dù muốn dù không, trong thực tế vẫn sẽ có những khoảng trống quyền lực địa chính trị xuất hiện.Bởi vậy, tất cả những ai liên quan đều muốn lấp vào khoảng trống ấy.

Nhưng, trước đó, không ai muốn lửa xung đột từ Afghanistan lan sang lãnh thổ của mình. Và, không ai muốn vội vã động tay vào lò lửa mà đến cả cường quốc số 1 thế giới cũng đang phải bỏ lại.

Afghanistan có đường biên giới giáp với Tajikistan, Turkmenistan, Iran, Pakistan, Uzbekistan và Trung Quốc. Từ ngày 9-7, hai ngày sau khi tuyên bố đóng cửa khẩu, Turkmenistan đã triển khai một đoàn tàu chở thiết bị quân sự hạng nặng bao gồm xe tăng, pháo, xe tải hạng nặng, xe bọc thép tới thị trấn Serhetabat, phía Đông Nam Turkmenistan gần biên giới với Afghanistan. Các mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu cũng được kích hoạt.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng dùng căn cứ quân sự tại Tajikistan để đảm bảo an ninh cho đồng minh.

Trong khi đó, Tajikistan gia nhập liên minh với Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia thông qua Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Qua đó, Moskva cam kết hỗ trợ an ninh cho Dushanbe, giúp duy trì sự ổn định ở biên giới với Afghanistan. Tajikistan đã buộc phải đặt lực lượng bảo vệ biên giới của mình trong tình trạng báo động vào tháng trước, chỉ ra “tình hình bấp bênh ở Afghanistan”.

Ngày 7-7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã khẳng định: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra ở Afghanistan, nơi tình hình đang có xu hướng xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  gấp gáp rút quân”, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng sử dụng căn cứ quân sự tại Tajikistan, một trong những căn cứ lớn nhất của Nga ở nước ngoài, để đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong khu vực - một phần thuộc Liên Xô trước đây và một khu vực mà Moskva đang cố gắng duy trì ảnh hưởng.

Nước Nga rõ ràng đã cảm thấy những mối nguy hiểm cũng như những cơ hội đang cùng lúc ập đến, để siết chặt lại hệ thống phòng thủ an ninh trong không gian hậu Xôviết. Nhưng, hơn thế, từ ngày 2-7, một nguy cơ nữa đã được “điểm mặt chỉ tên”, khi chính Bộ trưởng Ngoại giao Nga hé lộ với hãng Interfax rằng các phần tử IS cũng đang tăng cường xây dựng lực lượng ở miền Bắc Afghanistan.

Giới quan sát quốc tế từ lâu đã biết rằng những vùng hoang vu và thiếu kiểm soát như thế, từ lâu, vẫn là các căn cứ địa được IS lựa chọn để “dưỡng thương”, tái tổ chức lực lượng và chờ đợi cơ hội quật khởi, từ sau khi bị quét sạch khỏi lãnh thổ Syria và Iraq. Nhưng, đến lúc này, cơ hội để thực hiện một sự trỗi dậy nào đó lại đang trở nên rõ ràng hơn hẳn.

Nếu bùng lên, Lò lửa tại đây có thể lan ra rất nhiều quốc gia trong khu vực.

IS, trong quá khứ, đã từng “nuốt chửng” một cách nhanh chóng những phần lớn lãnh thổ Iraq, ngay sau khi quân đội Mỹ rút đi, để lại quân đội Chính phủ Iraq trong tình trạng không biết trông cậy vào đâu - như tình cảnh của Chính phủ Afghanistan hiện tại. Điều IS giỏi nhất là tận dụng những hiềm khích, những mâu thuẫn và những thù hận, qua đó vừa tuyển mộ chiến binh dưới chiêu bài tôn giáo cực đoan. Mà lúc này, khi quân đội Afghanistan với lực lượng Taliban - một kiểu lực lượng Hồi giáo cực đoan khác - vẫn còn bắn vào nhau thì điều kiện hồi sinh của IS lại càng trở nên lý tưởng.

Các nước láng giềng của Afghanistan vừa không muốn “mua dây buộc mình”, vừa phải tự bảo đảm an ninh cho lãnh thổ của mình, lại cũng vừa phải để mắt trông chừng những bóng cờ đen đầy ám ảnh đó. Khi nước Mỹ chỉ muốn nhanh chóng hoàn tất quá trình triệt thoái, việc nước Nga bày tỏ ý định sẵn sàng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết lại là một hình thức bảo đảm giàu sức nặng.

Trước khi tất cả những điều tồi tệ nhất trở thành hiện thực, ai cũng muốn Kabul và Taliban “ngồi lại với nhau”, nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình.

Mây Linh
.
.
.