Tìm đồng hương giữa mùa World Cup

Thứ Tư, 14/12/2022, 20:30

Qatar là thiên đường của người lao động nhập cư. Nhưng, lạ thay, nơi đây lại không phải mảnh đất đủ hấp dẫn đối với cộng đồng người Việt. World Cup 2022 có thể xem là dịp hiếm hoi để những người Việt tìm kiếm thêm thu nhập, từ lao động phổ thông tới kinh doanh hàng quán.

Từ Dubai đến Doha

“Không nhiều người Việt Nam tại Qatar đâu anh. Cả tháng nay, các anh cũng là những vị khách hiếm hoi mà em được nói tiếng Việt khi tiếp đón và phục vụ”, Gia Hân - một thanh niên 27 tuổi đến từ Đồng Nai tâm sự thật lòng, khi bưng bát phở bò tái chín còn nghi ngút khói và dậy mùi hồi, quế lẫn hành lá đặt lên bàn.

Cửa hàng mà Gia Hân làm việc có tên là “Món Hội An”, nằm ở khu vực phố Al Sadd sầm uất tại Qatar. Đối diện cửa hàng là dãy khách sạn 5 sao có tiếng. Cũng vì thế mà thực khách ghé thăm cửa hàng nườm nượp. “Cả tháng qua, hôm nào cũng đông khách. Có hôm, chúng em phục vụ tới hơn 200 lượt khách. Phở cũng là món mà nhiều du khách nước ngoài từ Brazil, Pháp, Đức muốn thử khi vào cửa hàng, nên dù nhập 2 tấn bánh phở khi cửa hàng khai trương cách đây 2 tháng, chúng em đã lên đơn hàng tiếp theo để đưa bánh phở đến Qatar”.

Tìm đồng hương giữa mùa World Cup -0
Gia Hân từ Đồng Nai qua Dubai trước khi sang Qatar để tìm việc.

“Món Hội An” còn rất mới, ai tinh ý một chút là phát hiện được mùi sơn còn phảng phất đâu đó. Mặt tiền không lớn nhưng sạch sẽ, được trang trí bởi những đèn lồng treo dọc tường phía trong. Chưa có nhà hàng đồ Việt chuyên biệt bán tại Doha trước khi “Món Hội An” mọc lên giữa khu phố sầm uất Al Sadd. Cũng dễ hiểu, bởi người Việt Nam tại Qatar không đủ nhiều để tạo nên một cộng đồng lớn, như cách mà người ta từng hình dung và được trải nghiệm khi đến Đức, Czech hay Nga.

“Tôi là người Việt Nam sang Dubai (UAE) sinh sống. Thấm thoát cũng đã 20 năm rồi”, anh Nguyễn Trọng Phú - chủ cửa hàng tâm sự. Ở Dubai, tôi cũng đã mở 1-2 cửa hàng về món ăn Việt Nam. Khi World Cup gần kề, một người bạn gợi ý với tôi rằng nên mở một cửa hàng nhỏ ở Doha. Khi ấy, với lượng du khách lớn trên toàn thế giới, bao gồm những đồng hương Việt Nam, cửa hàng hứa hẹn là đắt khách. Phải công nhận là trong một tháng trở lại đây, doanh thu của cửa hàng vượt xa kỳ vọng ban đầu của tôi”.

Anh Phú nói tiếp: “Đầu bếp, nhân viên phục vụ phần lớn là người Việt Nam. Có người sinh ra và lớn lên ở Hải Dương như tôi. Cũng có em ở Bình Thuận, Ninh Thuận hay cậu Gia Hân là ở Đồng Nai. Đa số chúng tôi đều đang ở Dubai, nơi cộng đồng người Việt lớn hơn so với Qatar nhiều”. Gia Hân tiếp lời: “Ở Dubai, cuộc sống có phần dễ dàng và cởi mở hơn. Lâu lâu có liên hoan, chúng em vẫn dễ dàng mua được bia, rượu”.

Tìm đồng hương giữa mùa World Cup -0
Bên trong “Món Hội An”, quán ăn Việt hiếm hoi ở Qatar.

Hy vọng đổi đời

Câu chuyện của Gia Hân là một câu chuyện đặc biệt về một người Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống định cư ở nước ngoài. Anh tâm sự: “Gia đình em có 3 anh chị em. Ngoại trừ bố mẹ đã già cả và muốn dành thời gian ở lại Đồng Nai, 3 chị em lần lượt tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài. Chị cả đi làm nail ở nhiều nước, từ Singapore, Hong Kong rồi bây giờ là Dubai. Chị lấy chồng là người Việt Nam, đang làm giảng viên tại đó.

Cuộc sống ổn định, sắm nhà sắm xe, chị gọi về báo là muốn đưa hai em sang lập nghiệp. Nhưng, em không được nhanh nhẹn như anh hai nên tới giờ vẫn chưa biết phải làm gì cho tương lai phía trước. Thế rồi một hôm, khi lướt Facebook, em đọc được thông báo tuyển dụng của anh Phú. Em quyết định cùng anh sang Qatar làm việc thời vụ. Tính đến nay, em làm được hơn 1 tháng. Thu nhập chưa biết sao nhưng với việc cửa hàng kinh doanh có lãi, đón khách nhiều thế này, em tin anh Phú sẽ trả cho em mức lương xứng đáng. Đó cũng là đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời mà em kiếm được. Với lại, có đi làm mới thấy bản thân vỡ ra nhiều điều. Em cứ học mót từng từ, từng câu tiếng Anh. Thế mà sau 1-2 tuần, em có thể hiểu được khách đặt món gì và mình trả lời được một số câu cơ bản ra sao. Em cảm thấy vui và bắt đầu suy nghĩ tích cực, thay vì cảnh không nghề ngỗng ngồi chờ hết ngày như dạo trước”.

Tìm đồng hương giữa mùa World Cup -0
Các phóng viên chụp ảnh kỷ niệm với gia đình a Tuấn, chị Hạnh.

Được sự cho phép của chủ cửa hàng, tôi có dịp vào bếp để tận mục sở thị những đôi tay thoăn thoắt chế biến các món ăn đậm chất Việt Nam. “A, có phóng viên đến từ Việt Nam này”, anh Hùng - đầu bếp chính của cửa hàng reo lên, khi tìm thấy người đồng hương ở Qatar. Anh tâm sự: “Tôi cũng mới sang Qatar khoảng 1 tháng rưỡi, khi cửa hàng này mở cửa. Trước đó, tôi ở Dubai hơn 1 năm và cũng làm đầu bếp. Cũng may là khi còn ở Bình Thuận, tôi cũng đã được dạy về chế biến, nấu nước các món ăn của Huế hay phở, trước khi xa quê hương tìm kiếm lối đi tại Trung Đông”.

Gia đình Việt ở Qatar

Thật khó để tìm kiếm người Việt Nam sinh sống lâu năm tại Qatar. Theo lời giới thiệu của đồng nghiệp và Đại sứ quán Việt Nam ở Qatar, tôi tìm thấy gia đình anh chị Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị Hương, những người Việt Nam “thâm niên nhất” tại Qatar. Họ đã dành gần 20 năm để làm việc tại đây, trước khi nên duyên vợ chồng. Hai con của anh chị sinh ra ở Qatar. Hiện tại, hai cháu cũng đang theo học một trường nam sinh tại đất nước này. Anh chị chia sẻ họ đều là dân văn phòng tại đây. Cuộc sống của gia đình hiền hòa, êm ả. Mức thu nhập đủ tốt, tuy không giàu sang nhưng đủ, thậm chí là có dư để gia đình trang trải cho mức sống đắt đỏ ở Doha.

Tìm đồng hương giữa mùa World Cup -0
Ở Qatar rất khó để tìm được một đầu bếp sành món Việt như anh Hùng.

Trong dịp World Cup này, anh Long mua được 25 vé theo dõi các trận đấu đỉnh cao. Ngoài những trận đi xem với gia đình, anh cũng gửi tặng một số tấm vé cho các công nhân Việt Nam trong khu lân cận, để mọi người đều được trải nghiệm bầu không khí tuyệt vời World Cup mang lại. Anh Việt, một trong 300 lao động Việt Nam góp phần tạo ra mái vòm của sân vận động 974 tâm sự: “World Cup đã mang đến nhiều công việc cho anh em công nhân Việt Nam. Tháng cao điểm, chúng tôi kiếm được 30-35 triệu đồng. Nhưng, sau World Cup, có lẽ tôi trở về Dubai, bởi nơi đó dễ tìm được việc hơn. Dân lao động tứ xứ mà, nay đây mai đó”.

Chia tay gia đình anh Long, chị Hương và những anh em công nhân người Việt tại hai cụm sân 974 và Al Bayt, tôi có dịp trở lại với căn hộ ấm cúng của hai vợ chồng anh Tuấn, chị Hạnh - những người Việt đang làm tại Đại sứ quán Việt Nam ở Qatar. Vừa theo dõi World Cup qua màn hình tivi, thưởng thức các món quen thuộc như nem, giò, gà luộc, mực xào, bữa cơm này là bữa ăn ngon nhất, ấm cúng nhất của tôi và một số đồng nghiệp trong 1 tháng rong ruổi khắp Qatar.

“Gia đình mới nhận nhiệm vụ sang Qatar khoảng 1 năm nay. Con trai cũng đi theo nên chúng tôi cảm thấy thân thuộc, ít có cảm giác lạc lõng dù trong lòng luôn hướng về quê hương. May mắn là bạn bè, anh em họ hàng thường xuyên tiếp tế, gửi đồ sang Qatar nên bữa cơm chẳng mấy khi thiếu vắng hương vị Việt. Chỉ khác một chút là Qatar không bán thịt lợn nên thay vì nem thịt đúng nghĩa, tôi thường băm thịt thăn gà rồi trộn với cà rốt sợi, miến. Được cái nước mắm cũng đúng vị quê hương nên món nem rán vẫn được cậu con trai khen lấy khen để. Tôi chỉ nhớ mỗi thuốc lá Việt Nam thôi. Thuốc lá ở Qatar không thiếu, nhưng cái vị thuốc ở quê nhà vẫn khác biệt. Trời lạnh, uống chén trà nóng, hút điếu thuốc, đấy là cảm giác tôi luôn nhớ về”, anh Tuấn giãi bày.

Du học sinh người Việt làm cộng tác viên World Cup

Diệp Hưng Phát (19 tuổi), du học sinh tại Đại học Carnegie Mellon (Doha, Qatar) đã được FIFA duyệt làm cộng tác viên của World Cup. Nhiệm vụ của Phát là hỗ trợ, hướng dẫn khan giả di chuyển tại mỗi trận đấu tổ chức ở sân Ahmed bin Ali. Nhờ làm cộng tác viên cho World Cup 2022, Hưng Phát có cơ hội được tận mục sở thị 8 sân bóng tổ chức giải đấu.

Ở một góc nhìn khác, du học sinh Nguyễn Ngọc Mai tại Qatar cảm nhận rõ rệt sự thay da đổi thịt của Qatar, từ giai đoạn gần kề tới thời điểm World Cup khởi tranh. Cô chia sẻ: “Mọi thứ đều thay đổi. Những con đường, tòa nhà, trung tâm thương mại, ga tàu trong thành phố đều được bao phủ bởi lá cờ của 32 nước dự World Cup. Hình ảnh các cầu thủ nổi tiếng xuất hiện khắp mọi nơi. Khi đi tàu điện ngầm, tôi gặp rất nhiều fan bóng đá mặc áo đội tuyển, cầm cờ nước họ và cổ động náo nhiệt”.

Anh Nguyễn Ngọc Phát, vận động viên biểu diễn bóng đá nghệ thuật được mời sang Qatar chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tôi có dịp được trải nghiệm một kỳ World Cup.

Nhưng, khác với nước Nga cách đây 4 năm, World Cup 2022 ở Qatar diễn ra giữa mùa đông. Khác biệt đó là quá đủ để tôi cảm thấy háo hức hơn. Suốt 1 tháng tại Qatar, tôi cũng có dịp khám phá từ những nơi cổ kính nhất đến các công trình hiện đại nhất của quốc gia này”.

An Khánh (Từ Doha, Qatar)
.
.
.