Đời phu mùa khô khát

Chủ Nhật, 09/05/2021, 12:12
Những tảng đá lạnh thấu xương nằm trên vai phu vượt hơn 1.500 bậc dốc lên tới đỉnh núi Bà Đen. Đội quân phu vác, có người đã chạm ngưỡng 70 "mùa nắng nóng" nhưng đôi chân vẫn dẻo quánh, đôi vai đã chai sần, dày bì với nhức buốt và xây xước...


1. Tháng 5, nắng len lỏi qua tán rừng bao phủ núi Bà Đen (Tây Ninh), hàng vạn du khách thập phương nô nức viếng chùa Bà linh thiêng. Lẩn khuất giữa dòng người trẩy hội, là những đôi vai phu khuân trĩu nặng.

Nhìn từ sau lưng, không ai nghĩ người phu đang vác khối đá to ngang bằng người thong thả rảo những bước nhẹ nhàng lên từng bậc dốc là cụ ông ngoài 70 tuổi Lê Văn Tài. Từ chân núi lên tới đền Linh Sơn Thánh Mẫu là 1.500 bậc đá. Mỗi chuyến như thế, ông Tài được trả 100.000 đồng tiền công. Nếu có sức khỏe, trong vòng 30 phút sẽ chạm đích, ai yếu thì mất 45 đến 1 tiếng.

Làm phu vác, ông Tài nhận tất cả những thứ người ta thuê như: Đá lạnh, gạo, đồ ăn thức uống... Khi núi Bà Đen có công trình xây dựng, ông còn tham gia vác gạch, đá, xi măng, sắt thép... Đôi vai ấy, chai phẳng và mòn cứng, như một chiếc ghế gối đầu giường mà người ta có thể đấm đá, cấu véo cũng không hề có cảm giác đau.

Ông Tài ngồi nghỉ giữa chặng đường lên núi.

Trên cung đường lên đỉnh núi, chúng tôi đi tay không mà còn rệu rã, chân muốn khuỵu xuống, thở hắt ra. Còn ông cứ thong dong từng bước, nhẹ tênh như đi dạo bộ. Người đi ngay bên cạnh còn chẳng nghe thấy tiếng thở của ông. Dường như, mọi thứ đều được ông ém vào bên trong cơ thể nhỏ bé, gân guốc kia. Làm công việc này, ai nhiều sức khỏe thì có lợi thế, nếu căng sức ra mà vác mỗi ngày có thể kiếm gần 1 triệu. Riêng ông Tài, mỗi ngày đi được 3 chuyến ngược núi, thu về trên 300 ngàn. Với ông, như thế là quá đủ so với sức lực của mình.

Trong đoàn phu, anh Trần Đức Hạnh (42 tuổi, quê Thái Bình) là lính mới toanh. Trước khi đầu quân ở đây, anh Hạnh từng nhiều năm kiếm sống nơi thị thành với nghề bán bánh giò, xôi gấc dạo. Ra tết 2021, anh Hạnh trở vào Tp. Hồ Chí Minh, thời điểm này dịch COVID-19 đang hoành hành, hàng quán chưa được phép hoạt động.

Những tưởng anh là dân bán hàng rong, không mặt bằng, không quán xá, bạ đâu ngồi đó, xê dịch khắp ngõ ngách nên sẽ có “cửa” làm ăn hơn. Nào ngờ, người ta sợ dân chạy chợ như anh, họ tránh như tránh tà. Có ông bảo vệ dân phố ở Q.1 thấy anh dù không ngăn cấm nhưng ông buông một câu thật đau lòng: “Các anh là đối tượng có khả năng gây lây lan dịch bệnh cao lắm đó, tốt nhất là đừng đi vào khu phố chúng tôi”. Anh Hạnh cúi đầu lầm lũi đi ra, xe bánh giò, xôi gấc nóng hổi của anh đi đến nguội lạnh vẫn còn ăm ắp đầy.

Anh gặp một em sinh viên ghé lại ăn bánh. Nghe anh than bán ế ẩm, làm ăn thời buổi này khó khăn quá. Em sinh viên cười buồn, cảm thông với anh, cho anh vài lời tâm sự thật: “Nghề của các anh lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp gỡ, tiếp xúc biết bao nhiêu người, ăn uống nói cười pha phả. Người ta sợ các anh sẽ nhập nguồn bệnh vào rồi phát tán ra, họ tránh anh là lẽ đương nhiên”.

Đêm về, anh Hạnh trằn trọc mãi. Anh gọi cho mấy người bạn thân, cũng đang chật vật kiếm ăn ở khắp các quận, huyện của thành phố. Ai cũng kêu than não nề, ế đi kèm với lỗ vốn nặng, đe dọa trực tiếp đến sinh tồn của họ.

Dù mới vào nghề nhưng đôi vai anh Hạnh đã cứng cáp sau những chuyến hàng vượt núi

Trong một buổi chiều ảm đạm, có nhóm khách phượt toàn nam thanh nữ tú kéo tới xe hàng của anh ăn. Trong câu chuyện, họ nhắc tới núi Bà Đen cho chuyến cắm trại sắp tới. Có anh chàng trong nhóm nói với anh một câu vu vơ: “Nếu ở đây làm ăn khó quá thì anh thử lên núi Bà Đen xem. Ở đó, người ta bán nhiều thứ nhưng món bánh giò, xôi gấc nóng như anh thì chưa có. Tiện thể đi cho biết Bà Đen là thế nào”.

Anh cười xòa cho qua nhưng khi ngồi một mình trong góc nhỏ của con hẻm ngột ngạt, lòng anh chợt lóe lên niềm tin về phía núi kia. Anh nhờ em gái sắp xếp đưa mình về Bà Đen một chuyến. Trở về thành phố, anh Hạnh quyết định gửi con trai cho em gái trông nom, còn mình sẽ quẩy gánh ngược phố lên rừng, bắt đầu làm lại cuộc đời nơi vùng đất xa lạ. Ngày anh lang thang đi hỏi thăm chỗ thuê trọ thì gặp ngay vợ chồng ông Hai Thăng, bán tạp hóa dưới chân núi. Ông bà đang thừa một phòng ở phía sau nhà, nơi này trước kia là nhà kho nhưng dọn dẹp đi thì có thể ở tốt. Bà Hai nói anh một thân một mình thì ở đây là hợp nhất, trước mắt không phải trả gì hết, sau này làm ăn được thì tính sau. 

Anh Hạnh bắt đầu lên kế hoạch lập nghiệp bằng món bánh giò, xôi gấc quen thuộc của mình. Ngày đầu tiên gánh hàng lên những bậc đá của núi Bà Đen, anh Hạnh bị hụt hơi, tim thắt lại, không thể thở được. Bán được chiếc bánh giò cũng phải đánh đổi nhiều sức lực.

Tuy nhiên, chỉ những dịp lễ tết, người lên núi mới đông đúc, ngày thường thì lẻ tẻ, thi thoảng mới có đoàn khách du lịch. Những đợt dịch COVID-19 liên tiếp ập tới, khách vắng tanh, gánh hàng của anh Hạnh quay về trạng thái ế ẩm. Công cuộc làm ăn trên đỉnh núi linh thiêng xem ra thất bại, anh Hạnh cảm thấy sự lạc lõng, bất lực đến tận cùng. Trong lúc tận cùng của bế tắc, khốn khổ đến mê dại, anh Hạnh gặp được ông Lê Văn Thương (Tám Thương), là phu đá lâu năm chốn này.

Phu khuân vác những khối gạch nửa tạ lên núi.

2. Tám Thương (52 tuổi, quê Bạc Liêu) xuất thân là dân xứ muối nhưng lại trưởng thành bằng nghề “giang hồ”. Tuổi 20, Thương bỏ nhà lên Tp. Hồ Chí Minh đầu quân cho đại ca  Tuấn “đầu bò”, chuyên nghề đòi nợ thuê khắp Bắc - Trung - Nam. Những năm tháng xăm trổ lăm lăm đao kiếm đi “xin huyết” đối thủ, Tám Thương phải trả giá bằng vài vết thương chí mạng. Nặng nhất phải kể đến vết chém ngang ngực trong lần đụng độ với nhóm đối thủ ở Vũng Tàu vào năm 1997, may mắn chưa vào tới tim nên Tám Thương còn giữ được mạng sống.

Sau lần bị thương nặng đó, Tám Thương không đủ sức khỏe để tiếp tục hành nghề đâm thuê chém mướn nữa. Ông trở về quê nhà ở Bạc Liêu tìm đến người con gái một thời trót thương thầm nhớ trộm mình, định bụng sẽ lấy cô ấy làm vợ nhưng người xưa giờ đã là mẹ của hai con. Tám Thương thất tình, buồn đời trở lại Tp. Hồ Chí Minh.

Lúc này, ông nhận ra, mình vốn chẳng có nghề ngỗng gì, nếu cứ bám trụ ở đất này sẽ sớm muộn đi vào vết xe đổ rồi "bóc lịch" là điều sớm hay muộn. Ông không chống cự nổi cám dỗ của đời giang hồ cùng những thú chơi thác loạn xuyên đêm. Huynh đệ, đàn em lúc nào cũng chầu chực sẵn sàng đón Tám Thương trở lại đường đua.

Để tránh phù phiếm đời giang hồ, Tám Thương bước một mạch về núi Bà Đen, nơi từng là điểm dừng chân của đồng nghiệp Ba Trại. Người bạn cùng thời đã giác ngộ, rửa tay gác kiếm và đang làm nghề trồng chuối dưới chân núi Bà Đen.

Ngoài phu khuân vác, Tám Thương còn là hướng dẫn viên trên những lối mòn trắc trở dẫn lên núi Bà Đen.

Ngày Tám Thương về đây, Ba Trại tiếp đón nồng hậu. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người bạn nối khố vẫn sẵn lòng cưu mang. Thời gian đầu ông chẳng biết làm gì, mùa chuối thì đi vác chuối, mùa xoài đi hái xoài, ông vác bất cứ thứ gì người ta thuê mướn lên đỉnh núi. Bàn chân ông xuyên mòn con đường đá lên núi, đôi vai ông bè ra, vạm vỡ như lực điền. Quanh năm lên đỉnh, xuống chân, ông không còn thời gian và cơ hội nào để kiếm vợ. Một thời, ông khao khát mái ấm gia đình, lúc nào cũng nghĩ về những đứa con. Tuổi ngày càng cao, thời gian đếm theo bậc đá lên núi, Tám Thương không còn ham muốn lấy vợ, cũng lạnh nhạt với con cái. Ông xác định sống trên núi và sẽ chết trên núi.

Vài năm trở lại đây, địa danh núi Bà Đen thu hút nhiều lượt khách hành hương cũng như dân phượt. Mặc dù đã có cáp treo nhưng nhiều người vẫn muốn chinh phục đỉnh núi bằng đôi chân và sức khỏe của chính mình. Có nhiều đường mòn, lối nhỏ dẫn lên núi, Tám Thương chính là “thổ địa” thông thạo tất cả các luồng lạch, ngõ ngách. Nơi nào đá lăn, nơi nào vực cao, suối sâu, vùng nào nhiều rắn độc, thú dữ, ông đều nắm rõ và hướng dẫn du khách thực hiện chuyến vượt núi an toàn.

Những ngày vắng khách phượt, ông trở thành phu đá bền bỉ leo xuyên suốt 1.580 bậc dốc. Những khối đá lạnh có trọng lượng trên 50kg, đòi hỏi người vác phải di chuyển mau lẹ để không chảy nước, hao mòn. Nước đá lạnh buốt thấm vào mồ hôi khiến quần áo phu đá ướt từ đầu đến chân. Cái rét buốt của đá tảng tỏa khắp thân thể, tạo cảm giác mát mẻ, khoai khoái, giúp người vận chuyển bớt phần nhọc nhằn.

Dù nghề phải vất vả bán sức lực và mồ hôi nhưng nhiều người vẫn gắn bó cả cuộc đời.

Vốn tính giang hồ trượng nghĩa, vừa gặp anh Hạnh, Tám Thương đã xởi lởi chia sẻ các bí kíp nghề nghiệp, tận tình hỏi thăm về công việc, cuộc sống. Ông vỗ vai anh Hạnh cười ha hả, nói rằng: "Đàn ông con trai phải làm nghề phu mới xứng. Cái quang gánh này để cho cánh đàn bà. Hơn nữa, ở đây hàng quán nhan nhản từ chân lên tới đỉnh, người ta bán không thiếu thứ gì, sẽ rất ít đất cho chú em dụng võ. Chỉ có nghề vác này thôi, mình còn sức khỏe là còn kiếm ăn được, nghề bán mồ hôi này không bao giờ lo thất nghiệp".

Nghe ông Tám Thương nói rất khí thế, anh Hạnh như được tiếp thêm lửa lòng. Vậy là anh theo nghề phu khuân. Ông Tám Thương chọn cho anh việc nhẹ nhất là vác rau củ, đồ ăn thức uống. Chờ cho đôi chân cứng cáp, đôi vai chai sần thì mới chuyển sang vác gạch đá. Hơn 3 tháng gia nhập làng phu vác, anh Hạnh thấy cái nghề có thể sống tốt. Dịch giã ở đâu nóng bỏng chứ nơi này, cứ rúc đầu vào tán rừng, mọi thứ đều bình yên.

Ngọc Thiện - Cát Tường
.
.
.