Đẻ thuê - những bi kịch khó nói thành lời

Thứ Ba, 27/04/2021, 21:44
"Yêu nhau nhưng không đến được với nhau", anh H. và chị T. (cùng trú tại Hà Nội) khao khát có một đứa con chung. Họ đã tìm đến các đối tượng môi giới, bỏ ra cả tỷ đồng để làm dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và thuê liền hai phụ nữ để cấy phôi mong có một thằng cu. Trớ trêu thay, cuối cùng cả hai sản phụ đều đẻ ra bé gái.


Và cho tới thời điểm này, nhóm đối tượng tham gia tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đã bị Công an TP Hà Nội điều tra, bắt giữ.

1. Cuối năm 2019 chị Hoàng Thị T.T, trú tại quận Long Biên, Hà Nội sau nhiều năm không kiếm được một mụn con đã vào một số hội kín trên mạng xã hội Facebook nhằm tìm kiếm thông tin. Nhiều năm trước đó, chị T. và anh Nguyễn Thanh H., trú tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã qua lại với nhau như vợ chồng song không có con. Dù cuộc tình ngang trái, song cả hai vẫn khao khát có một thằng cu.

Nhóm đối tượng Thư, Thảo trong đường dây môi giới đẻ thuê.

Trong hội nhóm của những người hiếm muộn, chị T. đã đăng thông tin đặt vấn đề cần tìm bác sỹ tư vấn, hỗ trợ làm các thủ tục tạo, cấy phôi vào người khác (bản chất là mang thai hộ). Ngay sau đó chị T. được một tài khoản Facebook giới thiệu cho đối tượng Nguyễn Anh Thư, sinh năm 1992 thường trú tại Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - là "chuyên gia" trong lĩnh vực chữa hiếm muộn. Do từng kết nối với đối tượng Phạm Ngọc Thảo, sinh năm 1981, thường trú tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh nên Thư tự tin ra giá 480 triệu đồng cho một lần cấy phôi thành công. Sau đó Thư bàn bạc với Thảo thì đối tượng này cho biết chi phí hết khoảng 400 triệu đồng.

Cảm thấy thương vụ này rất khả quan, Thư đã book vé máy bay ra gặp chị T. và anh H. để bàn việc cụ thể. Ban đầu Thư yêu cầu chị T. đặt cọc số tiền 240 triệu đồng. Khoảng vài tuần sau, Thư đưa đối tượng Thảo (xưng là trợ lý bác sỹ số 1 về sản khoa) đến gặp chị T., anh H. để Thảo tư vấn, hỗ trợ các quy trình thủ tục cấy phôi. Đồng thời Thư yêu cầu chị T. chuyển nốt số tiền 240 triệu đồng còn lại.

Bác sỹ Nguyễn Danh Hòa.

Về phần đối tượng Thảo, khoảng 4 năm trước Thảo từng làm thụ tinh nhân tạo tại một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh nên nắm được quy trình, thủ tục tại bệnh viện. Cũng từ đây, Thảo phát hiện nhiều cặp đôi có nhu cầu thụ tinh nhân tạo nhưng không đủ điều kiện để làm theo quy định của Bộ Y tế. Thảo nảy sinh ý định làm môi giới cấy ghép phôi và mang thai hộ.

Thảo kết nối với bác sỹ Nguyễn Danh Hòa, sinh năm 1962, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội để tiến hành việc cấy ghép phôi cho anh H và chị T. Trước đó, cũng qua hội nhóm "Hiếm muộn" trên mạng xã hội Facebook, Thảo biết tài khoản "Bác sĩ Nguyễn Danh Hòa" đăng bài quảng cáo bán thuốc hỗ trợ thụ tinh nhân tạo. Thảo đã liên hệ bán thuốc cùng Hòa.

Quá trình kinh doanh cùng nhau vị bác sỹ này đã trao đổi với Thảo nếu biết người nào có nhu cầu sinh con theo ý muốn thì giới thiệu cho Hòa. Mỗi lần chọc trứng, lấy tinh trùng thành công chi phí là 80 triệu đồng, Thảo sẽ hưởng lợi từ 5-10 triệu đồng/lượt. Còn nếu muốn sàng lọc phôi là 15 triệu đồng/ lần, Thảo hưởng hoa hồng 5 triệu đồng. Vậy là đường dây môi giới mang thai hộ đã hình thành…

2. Sau khi đã nhận đủ tiền từ anh H. chị T., Thảo và bác sỹ Hòa tổ chức làm giấy tờ thủ tục cho bệnh nhân. Đầu tiên cặp vợ chồng hờ này sẽ được đưa đến các phòng khám tại quận Hoàn Kiếm và quận Đống Đa để thăm khám. Sau khi có kết quả, Hòa sẽ báo lại cho Thảo để nhắn cho bệnh nhân tiến hành cấy phôi. Nếu bệnh nhân không đủ giấy tờ tạo, cấy phôi theo qui định thì Thảo hướng dẫn đến phòng khám riêng của Hòa tại một chung cư trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để Hòa cấy phôi cho bệnh nhân.

Do anh H., chị T. không phải là vợ chồng nên Thảo trao đổi lại với Hòa, nhờ làm giả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì mới tạo, cấy phối được. Sau đó, Hòa cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giả đưa cho Thảo để Thảo đưa anh H. chị T. đến một bệnh viện ở quận Hà Đông và một bệnh viện tại quận Ba Đình (Hà Nội) để làm thủ tục rút phôi.

Cũng do đây là thủ thuật khá phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành tại các bệnh viện lớn, có đầy đủ thiết bị cùng đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm nên Hòa buộc phải đưa hai bệnh nhân đến các bệnh viện trên. Sau khi đã tạo được phôi, anh H. làm thủ tục rút phôi đưa cho Thảo bảo quản "vì muốn cấy phôi tại bệnh viện uy tín". Dù vậy Thảo đã nhận phôi từ anh H. sau đó chuyển về phòng khám của Hòa.

Một số bé sơ sinh được cơ quan Công an giải cứu trong một vụ đẻ thuê.

Một công đoạn cũng không kém phần phức tạp là phải tìm được người mang thai hộ. Tháng 5-2020, Thảo và Thư nhờ một đối tượng tìm giúp các phụ nữ trẻ có thể đáp ứng được nhu cầu. Chị Hoàng Thị T.Y., sinh năm 1991 thường trú tại Krông Pắk, Đắk Lắk và Lý Thị T.K., sinh năm 1989, thường trú tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã nhận việc này với giá là 230 triệu đồng/1 bé. Nếu đẻ mổ sẽ bồi dưỡng thêm 20 triệu đồng. Chị T. có trách nhiệm nuôi ăn ở, thuê người chăm sóc, hàng tháng đưa đi khám định kỳ thai nhi và sức khỏe sản phụ. Mỗi tháng chị T. sẽ tạm ứng khoảng chục triệu đồng, khi nào sinh con xong xuất viện thì chị T. sẽ có mặt nhận con và thanh toán nốt.

Tháng 5-2020, Y. và K. được đưa đến phòng khám của bác sỹ Hòa khám, sàng lọc trước khi cấy phôi. Đến tháng 6-2020, cả hai được đưa đến phòng khám của Hòa để cấy phôi. Đến cuối tháng 2-2020 Y. và K. mỗi người đều sinh được một bé gái tại Bệnh viện Phụ sản TW.

Đến nay cơ quan điều tra xác định, đối với trường hợp tổ chức mang thai hộ này, Thư hưởng lợi 70 triệu đồng. Thảo hưởng lợi 60 triệu đồng, bác sĩ Hòa hưởng hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, hai đối tượng khai nhận đã nhận của khoảng 10 người để tạo, cấy phôi, sinh con theo ý muốn.

3. Một chỉ huy Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội chia sẻ với chúng tôi. Khoảng đầu tháng 3-2021, từ nguồn tin trinh sát phát hiện tại một cơ sở y tế có hai bà mẹ nhưng cùng một ông bố. Điều trùng hợp là cả 2 có cùng địa chỉ và sinh hai bé gái trong hai ngày liên tiếp, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự đã tổ chức điều tra.

Cuối tháng 3-2021, đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại này đã lộ diện với 3 đối tượng chính. Đáng chú ý, 2/3 đối tượng sinh sống tại các tỉnh phía Nam và đối tượng còn lại là bác sỹ chuyên ngành sản khoa, là cộng tác viên của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cơ quan công an đã tổ chức vận động và hai đối tượng Thảo, Thư ra đầu thú, khai nhận tất cả.

Cũng theo cơ quan Công an, quá trình khám sàng lọc, tạo phôi, rút phôi, thụ tinh nhân tạo cho đến chăm nuôi sản phụ mất rất nhiều thời gian, thường sẽ kéo dài vài năm trời. Do đó các đối tượng trong đường dây khi đã xác định tham gia là phải cùng "lên một chuyến tàu". Các thông tin đều được đối tượng giữ hết sức bí mật, không dễ gì mà để lộ ra cho người ngoài biết. Hơn nữa, nhóm đối tượng chủ yếu giao tiếp qua mạng xã hội, thường xuyên thay đổi địa điểm sinh hoạt nên gây không ít khó khăn cho công tác điều tra.

Về phần bác sỹ Hòa, vốn là một bác sỹ sản khoa, hiện đang làm cộng tác viên cho nhiều bệnh viện khác nhau trên địa bàn thành phố. Để thuận tiện cho công việc, bác sỹ Hòa có mở một phòng khám tại nhà nhưng không có giấy phép hoạt động. Vị bác sỹ này có một niềm đam mê lớn với những đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Dù vậy ông ta không thực hiện theo đúng pháp luật mà cố tình làm "chui", tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.

Sau khi nhận được đơn "đặt hàng" của anh H. chị T. khao khát có "thằng cu" nên bác sỹ Hòa đã cố gắng để lọc phôi. Nhưng cuối cùng chỉ lấy được 1 phôi nam, và hai phôi nữ. Để đạt hiệu quả cao nhất, sau khi tìm được hai người phụ nữ mang thai hộ, bác sỹ Hòa đã cấy vào một người hai phôi một trai một gái. Người còn lại cấy 1 phôi nữ. Song éo le, phôi nam đã không giữ được và cuối tháng 2-2021, hai người phụ nữ đã sinh 2 bé gái tại bệnh viện. Anh H. và chị T. được xác định là cha mẹ của 2 bé gái.

Vụ án hiện đang tiếp tục được Cơ quan công an điều tra, truy bắt các đối tượng liên quan, lập hồ sơ xử lý.

Nam Định triệt phá đường dây đẻ thuê tỷ đồng/bé

Mới đây Công an tỉnh Nam Định vừa triệt phá thành công một đường dây "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại". Nhóm đối tượng Bùi Thị Hiền, sinh năm 1988, trú tại số 63, đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Lộc Hòa, TP Nam Định và Khổng Thị Lan, sinh năm 1987, quê xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã bị khởi tố, bắt giữ.

Đối tượng Bùi Thị Hiền

Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an cho thấy, nhiều năm trước Hiền sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm những người hiếm muộn, có nhu cầu thuê người mang thai hộ đồng thời tìm kiếm những phụ nữ có nhu cầu "đẻ thuê". Sau khi có thông tin liên quan về hai bên, Hiền kết nối, giao dịch, thỏa thuận, thống nhất giá cả. Mỗi vụ đẻ thuê do Hiền sắp đặt có giá dao động từ 830-850 triệu đồng. Trong đó, người đẻ thuê được Hiền trả cho 250 triệu đồng.

Sau khi đạt được thỏa thuận giữa các bên liên quan, Hiền đưa những phụ nữ đẻ thuê tới các bệnh viện để xét nghiệm, cấy phôi thai dưới vỏ bọc mẹ đơn thân đi xin phôi để có con.

Hoàn thành bước cấy phôi, những phụ nữ đẻ thuê được Hiền đưa về sống, chăm sóc tại nhà mình ở tổ 29, phố Thành Nam, phường Trần Tế Xương, TP Nam Định.

Giúp sức cho Hiền thực hiện hành vi trên là Khổng Thị Lan. Lan được Hiền thuê làm nhiệm vụ lên mạng, truy cập vào các hội nhóm liên quan đến việc mang thai hộ để tìm những cô gái trẻ muốn kiếm tiền bằng nghề đẻ thuê. Tìm được 1 người, Lan được Hiền trả thù lao 10 triệu đồng.

Lan còn được Hiền giao thêm nhiệm vụ chăm sóc những cô gái đẻ thuê tại địa chỉ  tổ 29, phố Thành Nam, phường Trần Tế Xương, TP Nam Định. Mỗi trường hợp "Mẹ tròn, con vuông", Lan được Hiền trả thù lao thêm 10 triệu đồng.

Tại thời điểm bị bắt, Hiền và Lan đang nuôi, chăm sóc 9 phụ nữ đẻ thuê, trong đó có 3 người đang mang thai từ 12 đến 16 tuần tuổi.

M.Tiến - M.Trí
.
.
.