Công an xã vùng cao bám bản ngăn đại dịch

Thứ Sáu, 17/04/2020, 15:42
Gió mùa tràn về cùng những cơn mưa xối xả khiến cái rét miền biên viễn càng thêm tê tái. Vượt qua những khó khăn về điều kiện thời tiết, sự khác biệt về phong tục, tập quán, hàng trăm cán bộ Công an xã chính quy của Công an tỉnh Lào Cai vẫn ngày đêm bám bản, bám địa bàn; phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát các vực đường biên, lối mở và quản lý chặt chẽ, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.

Trong khi thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị thuộc Công tỉnh làm việc với 50% quân số thì 100% cán bộ Công an xã vẫn căng mình làm nhiệm vụ, không ít người đã phải hy sinh cả niềm hạnh phúc của mình.

Dò sóng làm khai báo y tế cho người dân

Chiếc xe máy ì ạch rồi cũng phải dừng lại ở 1/3 đoạn đường, từ đây Đại úy Phạm Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và các thành viên buộc phải đi bộ. Những cơn mưa như trút nước đổ xuống vào đêm hôm trước khiến con đường vốn đã lầy lội càng trở nên khó đi hơn.

Chốt tuần tra dựng bằng bạt, nằm ngay ở mép sông, gió từ sông Hồng thổi vào ràn rạt. Từ nhiều tháng nay, đây là nơi Công an xã Bản Vược và các đơn vị phối hợp gồm quân đội, dân quân.. căng mình làm nhiệm vụ. Điều kiện vật chất còn thiếu thốn, bên trong chỉ có một chiếc giường bạt, điện thì kéo nhờ nhà dân chỉ đủ để thắp sáng và duy trì điện thoại nhưng Công an xã Bản Vược cùng các lực lượng 24/24 giờ mỗi ngày thay phiên nhau làm nhiệm vụ, ngăn tình trạng người nước ngoài vào địa bàn và ngược lại trên dọc tuyến biên giới dài khoảng 5km.

Bà con ở vùng xa may lắm mới có được một cái máy “cục gạch” để gọi và nghe nên họ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn các thủ tục khai báo y tế. Sau đó, công an xã lại tìm đến một nơi có sóng điện thoại để nhanh chóng chuyển dữ liệu cho y tế.

Vừa trở về từ xã, Đại úy Phạm Văn Hoàn và công an bán chuyên trách lại vội quay vào địa bàn. Trong quá trình rà soát, hai công an viên của Công an xã Bản Vược đang phải thực hiện cách ly nên công việc của anh và các công an xã bán chuyên trách vất vả hơn bình thường. Thông tin cho biết, người dân thôn San Lùng, một trong các xã vùng cao của xã Bản Vược truyền nhau việc luộc trứng, uống cây cỏ để chữa COVID-19 nên đã vi phạm quy định cách ly, đổ xô đi tìm cây cỏ chữa bệnh. 

Công an xã Thanh Bình gặp dân tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Con đường 14 km từ trung tâm xã Bản Vược đến thôn San Lùng vào những ngày bình thường đi lại đã khó khăn, những lúc thời tiết khắc nghiệt thì là một trở ngại lớn. Thường ngày, công an viên muốn ra xã họp thì phải đi từ chiều hôm trước, thế nên ngay trong đêm Đại úy Hoàn và công an xã bán chuyên trách phải băng rừng, vượt núi mà đi dưới ánh đèn nhờ nhờ hắt ra từ chiếc đèn pha xe máy. Có những đoạn trơn, chiếc xe rú lên liên hồi, bánh xe trượt quay tít chực đổ nhào xuống đường.

Khoảng 2h đồng hồ, đôi bàn tay mỏi nhừ, Trưởng Công an xã Bản Vược mới vào đến địa bàn, lúc này nhà của Trưởng thôn Tẩn Láo San và Bí thư chi bộ Lò Kim Châu đã tắt đèn. Khi nghe thấy tiếng xe máy, hai cán bộ thôn bật dậy. Trong đêm đen tĩnh mịch, họ lặn lội đến từng nhà dân. Nhiều người không giao tiếp, họ chống chế bằng việc nói rằng trên báo dạy như vậy nên làm thế. Có người lại lập luận: “Nếu tôi chết, cán bộ có chịu trách nhiệm được không?”...

Với sự giúp đỡ của những người có uy tín, đến 2h sáng công việc đã hoàn tất. Người dân sau khi được tuyên truyền, giải thích đã hiểu rõ đây chỉ là thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Chỉ kịp chợp mắt vài tiếng, tờ mờ sáng hôm sau, khi gà vừa cất tiếng gáy đầu tiên, Trưởng Công an xã Bản Vược lại lên đường. Lần này phải gặp bằng được một số hộ dân để thu thập lịch trình đi lại, anh tự nhủ với mình. Vượt con dốc thẳng đứng, một lần nữa anh và công an xã bán chuyên trách lại thất vọng khi căn nhà gió lùa giữa đỉnh đồi, vắng lặng. Đang vào vụ mùa nên dù phải cách ly xã hội người dân cũng phải đi nương, làm rẫy.

Đại úy Hoàn tiếp lời: Người dân vùng cao quanh năm chỉ trông chờ vào một vụ lúa, nếu không bỏ phân, chăm sóc thì đến mùa giáp hạt chẳng có gì mà ăn. Vì thế, trong quá trình tuyên truyền, cán bộ công an xã chính quy cũng phải hiểu được phong tục, tập quán của người dân; việc tuyên truyền trên cơ sở pháp luật nhưng cũng phải có cái lý, cái tình thì người dân mới tin, mới nghe. 

Trong quá trình đó, họ cũng còn phải đối mặt với những câu chuyện dở khóc, dở cười. Sau khi được vận động, người dân đều hiểu việc phòng, chống dịch bệnh là cần thiết nhưng đói thì đầu gối phải bò, họ vẫn phải vào rừng, xuống chợ bán con gà, bó củi kiếm cân gạo... Người dân vùng cao đến kiếm cái ăn còn khó, bây lâu nay tự ốm, tự khỏi, có khi bị bệnh nặng lắm mới đến trạm y tế khám, nói gì đến việc có trang thiết bị phòng, chống dịch.

Nếu phát khẩu trang y tế thì chỉ được một chiếc mà chỉ sử dụng một lần thì những người khác trong gia đình sẽ như thế nào? Trong khi ở bản vùng cao với đặc thù địa bàn có nhiều thế hệ con cháu đều sống chung trong một gia đình. Có những hộ, công an xã chính quy phải dùng đến quyển sổ thứ hai mới ghi đủ các thành viên trong gia đình...

Những khó khăn ấy, cho thấy công tác phòng, chống dịch ở đia bàn vùng cao đúng là khó trăm bề. Có những việc, nếu ở dưới xuôi chỉ mất vài tiếng thì ở đây là vài ngày. Khó khăn là vậy, gian nan là thế nhưng với phương châm chống dịch như chống giặc, bất kể lúc nào nhận thông tin, họ lại cơm nắm muối vừng lên bản rà soát. Cùng với khó khăn về vật chất còn những trở ngại về nhận thức. Thời gian đầu, không ít người dân kỳ thị với những người đi từ Trung Quốc về; ở bản có một người lạ đến là họ xôn xao...

Khi thực hiện giãn cách xã hội, công an xã là lực lượng tuyến đầu, xử lý và định hướng thông tin, vận động nhân dân hạn chế ra ngoài. Lực lượng công an xã vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Phía sau những chuyến đi là những câu chuyện cảm động, đầy tình người của các cán bộ công an xã chính quy.

Vượt núi, băng rừng để “rà từng ngõ, gõ từng nhà”

Từ trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) vào đến xã Thanh Bình, địa danh được coi là xứ sở mờ sương khoảng 30km đường rừng nhưng để vào đến 9 thôn trong xã phải đi nhiều ngày đường. Muốn gần phải đi bộ. Chia sẻ của Trưởng Công an xã Thanh Bình, Thượng úy Phạm Văn Thịnh đã phần nào cho thấy sự khắc nghiệt về thời tiết cùng những khó khăn ở địa bàn quanh năm mây mù che phủ, với 100% người dân tộc thiểu số.

Trụ sở Công an xã Thanh Bình là nhà văn hóa cũ rộng chừng 50m2, ban ngày là nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ, tối đến lại là nơi sinh hoạt chung của công an xã. Ngoài 3 công an chính quy thay phiên nhau túc trực 24/24h làm nhiệm vụ, còn có sự trợ giúp của các công an viên bán chuyên trách.

Từ tết Nguyên đán đến nay, Trưởng Công an xã Thanh Bình mới được về gia đình một lần dù đơn vị chỉ cách nhà khoảng vài km. Hôm ấy, đứa con 10 tháng tuổi của anh Thịnh không nhận ra mặt cha, khóc ngằn ngặt... Lúc đấy, Thịnh cũng cảm thấy tủi thân nhưng cảm giác ấy nhanh chóng qua mau, anh hiểu rằng lúc này nếu lơ là, thiếu cảnh giác có thể xảy ra những hậu quả khôn lường.

Công an xã Bản Vược đến từng bản vận động người dân phòng, chống dịch.

Những ngày này, Công an xã Thanh Bình phải đi các thôn, vào từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân không vì lợi ích kinh tế mà để dịch bệnh diễn biến phức tạp; đồng thời, vận động họ tham gia phát hiện, thông báo với chính quyền khi phát hiện những người địa phương từ nơi khác trở về; người nghi vấn đến từ các nước và vùng có dịch... 

Tiếng gọi rè rè của người trong bản cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, một phụ nữ Mông đi ngang qua, mang đến cho công an xã một chút rau rừng. Mùa nào thức nấy, có khi là một mớ rau rừng, có lúc là nắm măng sặt còn tươi nguyên để trước cửa trụ sở công an xã. Tấm lòng người vùng cao đơn giản nhưng mộc mạc và thấm đẫm nghĩa tình. Những ai đã từng gắn bó với nơi đây chẳng muốn rời... Thượng úy Thịnh chia sẻ. Quả đúng như vậy, ở mảnh đất khắc nghiệt đó, có lẽ chỉ tình cảm mới có thể giữ chân người ở lại. Nhưng phía sau những nhọc nhằn của một cán bộ công an cơ sở cũng là niềm vui riêng khi được người dân đồng tình, ủng hộ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với sự giúp đỡ của công an bán chuyên trách, Công an xã Thanh Bình chia làm các mũi lặn lội xuống địa bàn. Ở dưới xuôi, việc rà soát vất vả một thì ở vùng cao khó khăn gấp mười. Cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình còn là sự khác biệt về ngôn ngữ... Một chiếc ba lô, dăm ba bộ quần áo, vài gói lương khô và những gói mỳ tôm, họ lại ngược rừng mà đi bất kể ngày hay đêm. Ban đầu là rà soát các trường hợp người dân từ nước bạn trở về...

Để tránh bị cách ly, nhiều người dân đi làm thuê từ bên kia biên giới trở về đã tìm cách che giấu thông tin. Từ những ngày ở địa bàn, Công an xã Thanh Bình đã vận động người dân ủng hộ lực lượng công an, cung cấp thông tin. Sau đó họ lật ngược trở lại xác minh xem họ đi đâu, làm gì. Một số thì do nhận thức còn hạn chế đã chống đối, gây khó khăn cho việc rà soát thông tin.

Bình thường, họ vẫn sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp nhưng khi công an xã đến vận động phòng, chống dịch thì dùng ngôn ngữ địa phương để giao tiếp. Họ chống chế rằng bị kỳ thị, họ sống ở đây đã nhiều năm... Đó là những trở ngại công an xã chính quy phải đối mặt. Kiên trì và nhẫn nại với sự giúp đỡ của những người có uy tín trong bản, họ đã phân tích, giải thích để tạo được sự đồng thuận.

Cho đến bây giờ, cán bộ Công an xã Thanh Bình vẫn còn nhớ lần phát hiện hai du khách người Anh, đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17. Thượng úy Thịnh chia sẻ: Sau khi nghe thông tin về chuyến bay VN0054 có bệnh nhân dương tính với virus Corona, thực hiện chỉ đạo của Công an thị xã Sa Pa, Công an xã Thanh Bình tiến hành rà soát các cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Đầu tiên là sàng lọc những người hay đi bán hàng rong, thổ cẩm, tiếp đó là khách du lịch và một số khách sạn trên địa bàn. Phương tiện phòng hộ lúc đó chỉ là chiếc khẩu trang... Khi phát hiện được hai người Anh có tên như trong danh sách yêu cầu rà soát thì họ đã có biểu hiện mệt mỏi. Hai người này lúc đó đã đeo hai khẩu trang nhưng Thịnh vẫn nằm trong diện phải cách ly y tế do tiếp xúc gần với trường hợp F0.

Những ngày anh cách ly tại khách sạn, bà con đi rừng qua đó đều để lại những món đồ lặn lội mang về từ trong rừng sâu, của một đồng công một nén, rồi gọi điện thoại cho trưởng công an xã ra lấy. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ Công an xã Thanh Bình đã có những giây phút lo âu thậm chí hoang mang nhưng các anh vẫn không chùn bước trong cuộc chiến với một kẻ thù vô hình.

Xuân Mai
.
.
.