Chuyện của những nữ quản giáo

Thứ Năm, 01/01/2015, 07:20
Những phụ nữ mà chúng tôi đã gặp đều là những người can đảm gắn bó với các các khu giam giữ, cải tạo phạm nhân (PN) hàng chục năm. Có người thậm chí suốt đời - từ khi mới bước chân vào lực lượng Công an đến tận lúc về hưu. Ai cũng biết, làm giáo dục là khó nhưng hành trình giáo dục lại những con người lầm lỗi còn khó hơn gấp bội lần. Nhất là khi, họ, cũng giống như tất thảy những phụ nữ bình thường khác, còn phải gánh trên vai trách nhiệm làm vợ, làm mẹ…

1. Làm Phó Giám thị quản lý một phân trại PN nữ với mấy trăm PN, trong đó có nhiều PN từng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, chịu án tù chung thân nhưng Thiếu tá Nguyễn Thị Ảnh ở Trại giam Tân Lập nom vẻ ngoài khá dịu dàng. Dịu dàng từ gương mặt đến cách nói năng nhỏ nhẹ. Chúng tôi đến Trại đúng vào đợt lạnh nhất kể từ đầu mùa đông. Trại nằm giữa bốn bề rừng núi nên hứng trọn cái tê tái của mùa đông miền sơn cước.

Chúng tôi co ro trong lớp áo trong áo ngoài, còn Ảnh thì khá thoải mái, nhẹ nhõm trong bộ cảnh phục. Ảnh bảo, quê chị ở miền xuôi, một làng quê rất đẹp và hiền hòa thuộc tỉnh Bắc Giang. Ngày về nhận công tác ở Tân Lập chị mới 20 tuổi, cô gái đồng bằng chưa quen với cái lạnh của miền sơn cước nơi này cũng tái tê như thế.

Thiếu tá Nguyễn Thị Ảnh nhận quyết định Phó Giám thị Trại giam Tân Lập.

Nhưng giờ đã 20 năm gắn bó với nơi này, chịu rét quen rồi, cả mưa nữa, cũng quen, Ảnh kể khá hồn nhiên về những cực khổ. Mưa miền núi mới kinh khủng, mưa cả tuần liền, đường sá từ Trại ra thị trấn cũng chỉ mới đẹp đẽ được ít năm nay chứ trước thì lầy lội. Có anh chiến sĩ trẻ về nhận công tác, hỏi mãi đường mới vào được tới đây. Gặp đúng hôm mưa, đường trơn trượt, không xe nào tải được đành phải cuốc bộ cả chục cây số. Vào Trại thấy xung quanh toàn núi với rừng, có buổi thấy cả hoẵng sà vào đường đi, đã có lúc chán định bỏ về phố.

Ảnh đến Trại cũng vào thời kỳ khó khăn ấy. Cô gái trẻ sau khi tốt nghiệp trung cấp y tế được về nhận công tác ở Trại Tân Lập làm cán bộ y tế không bao giờ ngờ được có một ngày lại gánh trên vai trách nhiệm quản lý cải tạo PN như bây giờ. Đồng cam cộng khổ với anh em cán bộ chiến sĩ nơi đây, Ảnh yêu mảnh đất này, yêu công việc. Ảnh dẫn chúng tôi đi vào khu giam, chân bước thoăn thoắt qua những con đường nhỏ nơi mà Ảnh thân thuộc đến từng gốc cây ngọn cỏ.  Suốt 20 năm qua, mỗi tuần những cán bộ trại giam như chị chỉ được ngủ ở nhà mỗi tuần 3 đêm, còn lại là trực ở Trại, giữa bốn bề tường rào, song sắt. Từ ngày lên làm Phó giám thị, có khi cả tuần chị mới về nhà được 1 lần dù nhà ở cách Trại chỉ chừng 5 km. Hai đứa con - cháu lớn học Trường chuyên THPT huyện, ngày ngày tự đạp xe đến trường, trưa về tự nấu ăn. Cháu nhỏ học lớp 4, mọi việc đưa đón hầu hết đều do chồng chị đảm đương. Cũng may, chồng chị cũng là cán bộ Trại, biết nhau từ thủa mới đặt chân đến đất này, hiểu nhau nhiều như yêu nhau nên sẵn sàng chia sẻ.

Quản lý cả một kho người mang đủ loại tội: giết người, buôn ma túy, buôn bán người … đủ cả không giống với quản lý một kho gạo. Ai cũng cứ tưởng, trông coi một kho người, lại là người đã bị tạm giam, ở trong mấy lần cửa bị khóa kín như thế, có gì là khó. Nhưng nếu đó là một kho gạo vô tri vô giác thì với ngần ấy lần cửa khóa, chỉ cần người coi kho thanh liêm, làm việc có trách nhiệm thì đảm bảo, gạo sẽ không suy suyển một hạt. Song đây lại là một “kho người”, biết ăn, biết nói, biết suy nghĩ, biết hành động, biết vui, biết buồn thì việc trông coi sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Khác với đa phần những người làm  các nghề nghiệp khác, cứ hết giờ làm việc là thanh thản trở về nhà, vui vầy với gia đình, còn người làm nghề quản giáo thì không. Sau 8 tiếng làm việc trong khu giam, trở về nhà, họ vẫn không được thanh thản hoàn toàn.

Có người quản giáo kể, họ bị ám ảnh bởi tiếng động. Cũng do nghề nghiệp mà ra thế. Bởi, ở trong khu giam, cứ hễ có tiếng động lớn là ngờ đã xảy ra chuyện gì bất thường. Thế mới có chuyện, có anh quản giáo về quê nghỉ phép với vợ. Nhà gần đường cái, có công trường xây dựng. Đêm đêm, nghe đánh rầm, đang ngủ cạnh vợ liền bật dậy như lò xo. Vợ ngơ ngác bảo, chỉ là tiếng xe đổ đá làm đường thôi mà sao anh hốt hoảng thế, mới bừng tỉnh biết rằng đang ở nhà với vợ chứ không phải ở Trại.

Hai mươi năm làm việc trong Trại là 20 năm Ảnh trải qua những cảm giác nhiều căng thẳng như thế. Từ ngày Trại Tân Lập có phân trại nữ, Ảnh chuyển hẳn sang đây. Làm quản lý PN nữ có những phức tạp do đặc điểm riêng biệt về giới tính trời định. PN nữ dễ bị tác động bởi những chuyện bên ngoài hơn nam giới. Mỗi tháng, theo quy định PN được gọi điện thoại về nhà 1 lần. Có chị, gọi về biết chồng đã bỏ nhà theo người khác là sinh ra chán nản, thậm chí đòi tự tử. Có chị, chồng đến thăm, đưa đơn ly dị, lúc ký thì tỏ ra bình thản nhưng khi về đến buồng giam rồi thì suy sụp hoàn toàn, nằm bẹp một chỗ, không chịu ăn uống gì, suốt ngày đòi chết.

Cùng là phụ nữ, Ảnh hiểu và thông cảm với những đau đớn của họ khi mà thân phận đã ở tù thì gia đình dường như là mối dây liên hệ cuối cùng. Ảnh đã từng có nhiều ngày bám trụ ở khu giam để tự tay chăm sóc cho những PN đáng thương ấy, để bằng tình thương, bằng sự cảm thông giúp họ vượt qua nỗi đau đớn, để họ yên tâm cải tạo. Khi xuống khu giam cùng Ảnh, chúng tôi thấy đến đâu, PN cũng ríu rít chào Ban. Có cả PN mà nói như lời họ là "không có Ban Ảnh, cháu đã tự vẫn chết rồi!". PN ấy giờ khỏe mạnh, lao động cải tạo tốt, mấy lần được giảm án. Mấy PN nữ ốm nằm dưới bệnh xá, thấy Ban Ảnh xuống là tươi tỉnh.

PN Hằng ở Sơn La án phạt 20 năm tù về tội buôn bán ma túy kể về Ban Ảnh mà cứ khóc ròng vì cảm động: "Tôi bị đau thận, mấy hôm rét, đau quá, Ban Ảnh chẳng quản ngày đêm xuống đây cùng với cán bộ y tế thăm khám". Ảnh nghe thế, chỉ cười dịu dàng. PN chắc không bao giờ biết được, để có thời gian ở đây, Ảnh đã phải hy sinh thời gian mà lẽ ra chị dành cho tổ ấm bé nhỏ của riêng mình. Làm cán bộ trại giam đã vất vả nhưng người làm quản lý, phụ trách cả một phân trại lớn như chị còn vất vả hơn nhiều. 47 năm lịch sử của Trại giam Tân Lập, Ảnh là nữ Phó giám thị duy nhất, kể cả cụm Trại giam vùng núi phía Bắc. Trách nhiệm nặng nề, công việc vất vả, tưởng như chỉ phù hợp với đàn ông nhưng Ảnh bảo, ở trại giam này, những phụ nữ làm công tác giáo dục cải tạo PN như chị có đến hơn 20 chị em.

2. Thì, ngay ở xưởng may ngoài gần cổng Trại, chúng tôi cũng đã được gặp một quản giáo nữ trong số đó - Thượng úy Nguyễn Thị Thu Hằng. Thượng úy Hằng quê ở Việt Trì, tốt nghiệp Trung học Cảnh sát xong là về công tác ở đây. Chồng vẫn dạy học trên Việt Trì. Hai đứa con còn quá nhỏ cháu lớn mới 4 tuổi, cháu nhỏ mới vừa đầy năm đành theo mẹ về… Trại.

Thượng úy Nguyễn Thị Thu Hằng hướng dẫn nghề cho một phạm nhân.

Nói vậy chứ Thượng úy Hằng suốt ngày ở trong khu giam, mọi việc chăm bẵm hai đứa trẻ đành nhờ cả ông bà ngoại đang sống ngoài thị trấn. Làm quản giáo phụ trách một đội PN nữ lao động cải tạo trong xưởng may, Hằng bận hơn con mọn. Đội có 38 PN, người án cao nhất là chung thân, án thấp nhất cũng 7 năm rưỡi, trong đó có đến gần một nửa là người dân tộc, nói tiếng Kinh có khi còn chưa sõi. Họ phạm đủ các loại tội, kể cả giết người nhưng nhiều nhất là buôn bán ma túy; PN từng là con nghiện, từng làm gái mại dâm cũng có. Đủ mọi thành phần phức tạp.

Dạy chữ, dạy nghề, dạy cho họ biết nhận thức đúng - sai là cả một hành trình khó nhọc nhưng lại là nhiệm vụ của những sĩ quan công an như Hằng. Chúng tôi đi khắp xưởng may, dừng lại ở tất cả các nơi đặt máy may, đặt bàn cắt và thực sự thấy tất cả các PN đều thành thạo nghề và hiểu rằng, những người làm công tác giáo dục cải tạo ở đây phải dày công lắm mới có được "thành quả" này.

Thượng úy Hằng kể, có những PN ban đầu mới đến Trại do tư tưởng chưa ổn định nên có khi còn chống đối không chịu lao động. Nhưng sau một thời gian được giáo dục họ lại trở nên rất chăm chỉ học nghề và trở thành thợ may lành nghề. Họ mong muốn sau này ra Trại, có cái nghề để mà kiếm sống chân chính, hoàn lương làm lại cuộc đời. Như PN kia chẳng hạn, vừa nói, Thượng úy Hằng vừa chỉ cho chúng tôi một PN đang miệt mài bên chiếc máy may công nghiệp ở cuối xưởng. Đó là một PN đã luống tuổi nhưng vẫn còn khá xinh đẹp dù trong trang phục tù nhân. Chị này quê tận Thanh Hóa, bị án tù chung thân, thi thoảng mới được gia đình thăm nuôi.

Có một thời gian, qua công tác nắm tình hình, Thượng úy Hằng biết PN này đang rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần sau khi được tin chồng đã bỏ đi lấy vợ hai, để lại một đàn con không có người nuôi dưỡng. Hàng ngày đến xưởng PN này không thiết làm việc, cũng chẳng trò chuyện với ai mà chỉ ngồi khóc. Biết vậy, Thượng úy Hằng lựa lời gợi chuyện để PN này dốc bầu tâm sự, chí ít là cho vơi bớt muộn phiền bấy lâu chất chứa trong lòng.

Quả vậy, sau nhiều cuộc trò chuyện với Hằng, tinh thần của PN này có vẻ khá hơn. Chị không còn khóc trong xưởng nữa nhưng đêm đến về phòng giam, chị hầu như thức trắng đêm, vật vã khóc lóc. Hằng chủ động đề xuất với Ban giám thị cho PN này được gọi điện về nhà thêm thời gian so với quy định để chị ta được trò chuyện với các con nhiều hơn, để được cha mẹ già ở quê an ủi động viên nhiều hơn. Sau đó, thi thoảng Hằng dường như tình cờ ngang qua thăm buồng giam vào những giờ PN nghỉ lao động, ghé vào thăm PN và tặng cho chị ta những vật dụng mà chị ta còn thiếu thốn do ít được gia đình thăm nuôi.

Sau một thời gian dài như thế, PN này dần dần lấy lại được tinh thần. Chị ta trở lại hăng say lao động, cố gắng cải tạo thật tốt để mong sớm có ngày được trở về đoàn tụ với gia đình, trả nghĩa cho cha mẹ già và chăm sóc con cái.

3. Không chỉ ở những nơi miền rừng núi xa xôi mà ngay tại Hà Nội, nơi phồn hoa đô hội thì công việc của những người nữ quản giáo trại giam cũng đầy gian nan, vất vả. Mấy năm trước khi chúng tôi vào khu giam dành cho các nữ PN đã bị kết án tử hình ở Trại tạm giam Hà Nội, đã từng gặp 2 nữ quản giáo đã có thâm niên 20 năm làm công tác quản lý nữ tử tù. Những nữ sĩ quan cảnh sát này suốt ngày đêm làm việc trong khu giam tử hình, sau mấy lần cửa đóng then cài.

Quản lý những PN đã bị Tòa tuyên mức án cao nhất, các chị gặp phải những khó khăn riêng khi mà tâm lý của PN hầu hết đều bất ổn, nói như ngôn ngữ của Trại giam là "sáng nắng - chiều mưa - trưa giở mặt". Sự hoảng loạn khi cái chết sắp đến gần khiến họ thoắt vui lại thoắt buồn, cười đấy mà khóc đấy, bình tĩnh đấy mà lập tức trở nên điên loạn đấy.

Những người quản giáo như các chị có nhiều khi phải như một bác sĩ tâm lý cừ khôi để trấn an họ, giúp họ vượt qua cơn hoảng loạn trong những ngày được sống cuối cùng. 20 năm làm việc trong khu giam tử tù, các chị đã trải qua nhiều lắm những đêm trực trại  trong những ca đi tuần, suốt những dãy buồng giam dài hun hút, yên lặng như tờ, chỉ có tiếng gót giày khua lộc cộc và bóng mình đổ dài ở phía trước lặng lẽ theo tiếng bước chân. PN mang án tử hình, do những thủ tục đặc biệt nên thường một vài năm mới thi hành án. Làm quản giáo, hàng ngày các chị phải xuống buồng, thăm hỏi, động viên cũng là thực hiện nhiệm vụ quản lý, riết rồi thành thân thuộc. Đến nỗi, tử tù quen cả tiếng bước chân của họ, nghe tiếng bước chân là nhận ra của quản giáo nào.

Thế nên, khi tử tù đau ốm, không ai ngoài các chị, biết đầu tiên và chăm sóc đầu tiên. Nên khi họ ra đi, trước giờ họ thi hành án thì cũng không ai khác ngoài các chị, giúp họ làm những công việc cuối cùng như mặc áo quần, đi tất chân, tất tay, chải đầu rồi dìu họ ra khỏi khu giam.

Giờ khắc ấy, họ, những người quản giáo đã trải qua một cảm giác thật lạ kỳ và khi nào họ cũng nắm tay tử tù, nói những lời tiễn biệt cuối cùng: "Thôi, ra đi thanh thản nhé!". Cũng có những tử tù được "xuống xiềng" tức là được giảm án, cũng chính các chị sẽ là người được chứng kiến niềm vui tột độ này cùng họ. Và, vui cùng họ nữa.

Thế nên, niềm vui của những người quản giáo tử tù, cũng đặc biệt!

Đặng Huyền - Nguyễn Thiêm
.
.
.