Tư lệnh pháo binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 23/05/2020, 16:10
Không mấy người biết Đại tá Đào Văn Trường, quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351, đã chỉ huy pháo binh Việt Nam dội bão lửa lên đầu quân viễn chinh Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười nói với Chính ủy Phạm Ngọc Mậu và quyền Tư lệnh Đại đoàn Long Châu (tên gọi bí mật của Đại đoàn Công pháo 351) Đào Văn Trường: "Kẻ địch đã rất sợ bộ binh của ta, lần này các đồng chí phải làm cho chúng khiếp đảm pháo binh Việt Nam".

Chiến công thần kỳ

Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tổ chức bản thảo sách "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ" (1964). Nhà văn Vũ Sắc (Phòng Văn nghệ) được giao phụ trách. Trong bếp núc chuyện nghề, ông kể hôm thông qua lần cuối cùng bản thảo, đến đoạn viết về pháo binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Pháo binh Điện Biên Phủ chiến công thần kỳ lắm đấy"! Xong Đại tướng hỏi “ông bầu” Vũ Sắc: "Thế bên pháo, anh Đào Văn Trường, anh Phạm Ngọc Mậu đã viết xong cả rồi chứ?".

Nửa thế kỷ tiếp sau, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), tôi cứ lật đi lật lại hai tập sách "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ" của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân từ bản in đầu đến tái bản lần thứ tư, để tìm bài viết của Tư lệnh Đào Văn Trường mà không thấy. 

Hồi ký "Thử thách mới" của “cụ Mậu” được in ngay lần đầu tiên và tái bản liên tục. Lại xem tiếp đến bộ tuyển tập hồi ký đồ sộ của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cái đận 50 năm dày trên 1.000 trang khổ lớn, cũng không thấy bài nào của "anh Đào Văn Trường". Cuối năm ấy, sau đôi bận liên hệ, lựa một ngày sức khỏe tốt, cụ bà điện nhắn tôi đến.

Đại tá Đào Văn Trường (1916-2017).

Không khó để tôi tìm thấy ngôi nhà của người Tư lệnh Pháo binh năm xưa trong một ngõ trên phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tính theo tuổi ta thì ông đã sang tuổi 100. Cụ bà, nhà giáo Lê Diễm Tuyết, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (Hà Nội) pha nước mời tôi trong khi chờ cụ ông. Tôi thoáng ngại ngần nghĩ rằng với một người thập thững bước vào tuổi tròn thế kỷ thì hẳn sẽ phải căng tai ra mà nghe. Nào ngờ khi cụ Trường cất tiếng chào thì vang như pháo! Sau cú giật mình, tôi kịp trấn tĩnh, "nhất thanh nhị tướng", cụ được cả tướng cả thanh...

"Quê gốc ở làng Bạch Mai, nay là phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, nhưng tôi sinh tại huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, năm 1916", cụ Trường mở đầu câu chuyện. Bé trai kháu khỉnh, đôi mắt to, sáng, chào đời ngày 25 tháng 8, được đặt tên là Thành Ngọc Quảng. Sau đó, thấy tên Quảng trùng với tên của một vị đại thần nào đó, cha mẹ cắt đi chữ "g" và đổi lại là Thành Ngọc Quản. Tham gia hoạt động cách mạng, ông lấy bí danh là Đào Văn Trường. Tên cúng cơm được thay bằng bí danh theo thời gian đã thành tên chính thức, in dấu ấn trong khúc quân hành thời gian.

Trong lúc tôi cứ mải nghe cụ ông say sưa kể thì cụ bà nhắc nhẹ: "Ông hơi nặng tai đấy và chú phải nhớ nhắc ông nói vào chuyện chính ở Điện Biên Phủ, đừng để ông sa đà". Sau lời nhắc của cụ bà, tôi cũng vội bẻ lái, hỏi về chuyện "ông ầm". Vị tư lệnh của đàn voi thép giữa lòng chảo Điện Biên Phủ cười khà khà đầy sảng khoái. Đôi mắt ông ánh lên đầy sự tinh anh. 

Trước khi pháo binh của ta xuất trận, quân Pháp rất coi thường. Đại tá Piroth khẳng định chắc nịch với Đại tướng Navarre là sẽ khiến cho những khẩu pháo của Việt Minh câm họng tức khắc ngay khi xuất hiện. Lần đầu tiên pháo mặt đất cỡ lớn 105 ly xuất trận, Bộ tư lệnh Đại đoàn Long Châu lo nhất là "pháo ta đấm lưng quân ta". Tản xạ của pháo 105 ly lại lớn mà ở Him Lam, ta và địch chỉ cách nhau có vài hàng rào dây thép gai với một dãy lô cốt tiền tiêu.

Chiều 13/3/1954, sương mù xuống mỗi lúc một nhiều. Trên một cao điểm ở phía bắc Him Lam, trong hầm, quyền Đại đoàn trưởng Đào Văn Trường đang đứng chờ bên máy điện thoại với nét mặt lo âu. Ban chỉ huy Long Châu đã đề nghị với Sở chỉ huy cho "voi gầm" sớm hơn dự kiến. Chuông điện thoại dã chiến kêu. Ông vội nhấc ống nghe và nhận ra giọng nói của Tổng tư lệnh: "Pháo binh đã sẵn sàng cả chưa?".

Tư lệnh pháo binh đáp: "Báo cáo đồng chí, tất cả các khẩu đội đều sẵn sàng, các pháo thủ chỉ còn chờ lệnh nổ súng".

Qua đường dây điện thoại dã chiến, tiếng của Đại tướng - Tư lệnh Chiến dịch rõ ràng: "Đồng ý với đề nghị của pháo binh, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định cho nổ súng sớm. Chúc các đồng chí trong trận này sẽ làm cho kẻ thù khiếp sợ pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cho nổ súng".

Ngay trong loạt đạn đầu tiên, Đại đội 806 với 4 viên đạn đã bắn trúng hầm chỉ huy của cụm cứ điểm Him Lam. Khói đen trùm lên. Qua ống nhòm, Tư lệnh Đào Văn Trường thấy lá cờ ba sắc của khu trung tâm Him Lam rớt xuống như một chiếc lá rụng. 

Vài giây sau, nó chìm nghỉm trong làn khói. Còn ký sự chiến dịch ghi lại một hình ảnh lý thú: Trung tá Langgle - chỉ huy quân nhảy dù - đang đứng giữa trời khoan khoái giội lên người những gáo nước mát của dòng sông Nậm Rốm. Bất thần nghe thấy một tiếng sét nổ ngay gần đó, Langgle hốt hoảng lao vào một căn hầm như con chuột chui tọt vào lỗ.

Pháo ta cấp tập nện 20 viên, hiệp đồng với bộ binh Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) để giải quyết Him Lam. Một đám lửa đỏ dữ dội bùng lên trên sân bay bốc theo cột khói xám xịt. Năm chiếc máy bay chưa kịp cất cánh bị trúng đạn. Kho xăng cũng bốc cháy dữ dội. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn chỉ huy đơn vị đánh trận Him Lam phấn khởi khen qua điện thoại: "Hoan hô Long Châu".

Pháo binh địch hoàn toàn tê liệt. Những tên pháo thủ gục đầu trong hố cá nhân, nhận từng quả cầu lửa của pháo binh ta “khạc” tới ầm ầm. Đại tá Piroth hai mắt đỏ ngầu, không hiểu pháo Việt Minh từ đâu bắn tới. Nhục nhã ê chề, ông ta đã tự vẫn bằng lựu đạn ngay trong hầm chỉ huy.

Khẩu đội trưởng chỉ huy Tư  lệnh

Cụ Đào Văn Trường chỉ cho tôi xem một tấm ảnh. Đó là cuộc hội ngộ với Anh hùng Phùng Văn Khầu, Khẩu đội trưởng pháo binh trên đồi E trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng, người chiến sĩ pháo binh gặp lại Tư lệnh của mình, đã xúc động ôm chầm lấy. Hai người lính già giàn giụa nước mắt. Đúng nửa thế kỷ rồi. "Trời còn để có hôm nay".

Đại tá Đào Văn Trường (đứng giữa) trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự hiện vật về Điện Biên Phủ (2016).

Cụ Trường vẫn sang sảng kể. Tháng 5/1954 bước sang đợt tấn công thứ ba. Để chuẩn bị cho đợt tấn công này, Tư lệnh Đào Văn Trường theo trinh sát của bộ binh đi thăm các trận địa giả. Để thu hút hỏa lực phản pháo cực mạnh của địch, bộ đội ta đã mưu trí dùng lượng thuốc nổ nhỏ, có khói bốc lên y như pháo thật đang bắn. 

Tư lệnh của đàn voi thép sải những bước chắc nịch lên đồi E để kiểm tra trận địa sơn pháo 75 ly. Đồi E chỉ cách Phân khu trung tâm Mường Thanh chừng 400m theo đường chim bay. Mặt đồi bị cày xới và khét lẹt mùi thuốc cháy. Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu đã đón và đưa Tư lệnh đi thăm trận địa của ta, quan sát các trận địa pháo của địch ở Mường Thanh. Tư lệnh Đào Văn Trường đang quan sát trận địa địch bằng mắt thường qua nòng pháo, bỗng Phùng Văn Khầu nói to: "Nó ngóc đầu! Nó ngóc đầu! Đồng chí bắn đi".

Nghe ba chữ "Nó ngóc đầu!", Tư lệnh hiểu ngay là pháo binh địch sắp nhả đạn. Sẵn lúc đứng kề bên khẩu pháo đã nạp đạn và được chỉnh hướng từ trước, cụ Trường giật mạnh cò pháo. Viên đạn xé không khí lao vút vào trận địa pháo của địch, nổ ầm khiến chúng thất kinh. Nhắc lại chi tiết này, cụ Trường hóm hỉnh bình luận: "Tôi là Tư lệnh Đại đoàn mà chịu sự chỉ huy của khẩu đội trưởng như thế đấy!".

Người lính can trường

Thế kỷ đời người, đường binh nghiệp của ông bất chợt đến và cũng bất chợt rẽ ngang. Đang là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 6/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ truyền đạt quyết định của Trung ương Đảng cử ông thay đồng chí Phùng Chí Kiên làm Chủ nhiệm Ủy ban Quân sự Chính trị Bắc Sơn - Võ Nhai, Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân. "Lý do là vì ở Xứ ủy lúc này chỉ còn có tôi là tương đối biết quân sự". Người cán bộ chính trị mới 25 tuổi đã chuyển sang phụ trách quân sự lần đầu tiên như vậy khi nhiệm vụ cách mạng phân công.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền, ông lần lượt làm Khu trưởng Khu 8 (Nam Bộ), Phó tư lệnh Liên khu 1 (Việt Bắc), Sư đoàn trưởng Sư đoàn Pháo binh 351… Hoàn thành nhiệm vụ tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông chuyển ngành ra Bộ Giao thông Vận tải, rồi nghỉ hưu tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Chuyên viên bậc 7). Là người có ý thức chấp hành sự phân công của tổ chức nên ông không hề than phiền. Những người biết về ông thì có phần tiếc nuối khi ông sang dân sự. Người ta cứ rì rầm với nhau rằng ông “nặng căn giai cấp”. 

Ông nội là cụ Thành Ngọc Uẩn, Phó bảng khoa Ất Sửu (1865) đời vua Tự Đức, quan Giám sát Ngự sử, Đốc học Hà Nội, Hội trưởng Hội Tư văn Thọ Xương… Mẹ ông lại là cháu nội của Hiệp biện đại học sĩ Trần Đình Túc, đại thần nhà Nguyễn. Còn cha ông, với gánh nặng gia đình 14 người con phải theo Tuần phủ Hoàng Thụy Chi, Phó bảng Nguyễn Can Mộng vào làm việc cho Pháp ở Phòng Kiểm duyệt Báo chí ở Phủ Thống sứ. Đấy là miệng thế gian cứ đồn đoán vậy, còn cụ bà Lê Diễm Tuyết nhẹ nhàng chia sẻ: "Đảng và Nhà nước phân công bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ đâu, thấy ông nhà tôi đều vui vẻ".

Đại tá Đào Văn Trường (1916-2017) tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, vào Đảng năm 1938; nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng). Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đại tá Đào Văn Trường nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng nhất; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng…
Kiều Mai Sơn
.
.
.