Văn chương và trạng thái của đời sống...

Thứ Năm, 04/04/2024, 11:16

Với cái nhìn thật sâu vào mục đích của văn chương nghệ thuật, cái khó của viết lách, sáng tạo không phải là kể lại được câu chuyện, sự kiện, nhân vật, hay thậm chí là trình ra lối viết, thủ pháp, mà cái khó nằm ở chỗ, nhà văn cần thể hiện được trạng thái của đời sống. Thông qua nhiều dữ kiện, các tác phẩm văn chương nghệ thuật kết nối, xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật, để thể hiện khí hậu chung của một thời đại.

Trạng thái ấy, có thể từ một chi tiết nhỏ đến một sự kiện lớn, từ một thân phận đơn lẻ đến khía cạnh phổ quát của nhân loại, nhưng tựu chung, bao trùm lên thời đại, thế hệ người viết, người đọc, định hình một sinh quyển, trước hết như là cái lõi của nhân sinh, sau là cơ sở cho thực hành sáng tạo, thưởng thức, nghiên cứu về sinh thái tinh thần xã hội.

Vậy, trạng thái của đời sống là gì? Hiểu một cách tương đối, trạng thái của đời sống là tính chất, sắc thái của những vận động đang diễn ra, ở cả bề mặt, bề sâu và bề sau của xã hội loài người. Do tính chất bao trùm và xuyên suốt này, trạng thái của đời sống sẽ nằm ở những biến cố, sự kiện, kiểu loại nhân vật… đặc sắc, phổ quát, được lặp đi lặp lại (sẽ có những biểu hiện khác, đi chệch ra khỏi quỹ đạo chung, mang sắc thái khác, nhưng không phải là chủ đạo hay bao quát) nói lên tâm trạng của con người trong đời sống đương đại, với tất cả những can dự có thể, làm nên hiện diện của họ.

Văn chương và trạng thái của đời sống... -0
Văn hóa gắn kết con người, làm con người sống đẹp hơn (Ảnh chụp tour du lịch văn học chữ Tâm chữ Tài tại Bảo tàng Văn học Việt Nam).

Sự âu lo và bất an xuất hiện ngày càng nhiều. Tại sao vậy? Sẽ có nhiều nguyên do để lý giải, tuy nhiên, xét ở góc độ có tính quy luật, thuộc về nguyên lý, âu lo và bất an sinh ra từ việc con người đoàn thể, tập thể đã từng bước nhường chỗ cho con người cá nhân - bản thể. Một khi, con người bản thể kia, phải tự bước ra để định đoạt đời sống của mình, gặp phải muôn vàn thử thách trực tiếp - gián tiếp đến từ kẻ khác, hiện tại, từ quá khứ và cả những dõi nhìn vọng tưởng vào tương lai. Làm sao có thể không âu lo cho được, khi con người phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, những dằn vặt về sinh kế, y tế, giáo dục, công lý, môi trường, dịch bệnh, đạo đức, hệ giá trị, hay cả những mơ mộng hoài bão cùng các khả năng thành bại hay dở còn nằm trong mịt mờ bất trắc.

Vận hành trong những âu lo và bất an ấy, hình thái sống là nhịp điệu của những trăn trở không ngừng, tìm kiếm và định dạng, định vị chính mình. Từ những năm tháng bản lề sau cuộc chiến chống Mỹ (1975), đến trước Đổi mới (1986) Hữu Thỉnh viết trường ca "Đường tới thành phố" (1979) đã chú tâm nhiều hơn đến nỗi lo âu của người phụ nữ trước sự phai tàn của tuổi xuân, nhan sắc: "Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/…/ Một mình một mâm cơm, ngồi phía nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền".

Thời chiến tranh, nỗi bận tâm này, đã được tạm quên đi, chìm lắng xuống để người phụ nữ đứng trong đội hình ra trận, kiên cường với những phẩm chất anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang… Nhanh, mạnh mẽ, khỏe khoắn, hào hùng, sôi sục là nhịp điệu thời chiến. Còn giờ đây, khi đối diện chính mình, con người cá nhân đã thấm thía tận cùng những diễn biến máu thịt từ thể xác tới tâm hồn. Cái nhìn vào trong để tự thấm thía kết hợp với cái nhìn ra ngoài để xác lập, định vị, mang đến chân dung một con người đương đại bồn chồn âu lo, thấp thỏm bất an, khắc khoải trong từng hơi thở.

Mọi thứ không còn được bao bọc trong không khí “nhiệm màu” của thời đại huyền thoại sử thi nữa. Tâm thế lạc quan thời chiến thay bằng “nỗi bất an thời bình” bởi có rất nhiều thứ tự mình (con người cá nhân ấy) phải lo, phải đối mặt. Và dĩ nhiên, cũng có nhiều thứ đã không còn như xưa: "Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ/ Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ/ Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ/ Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn" ("Tản mạn thời tôi sống", Nguyễn Trọng Tạo, 1981).

Những nỗi niềm chung riêng, giờ đây được nhìn qua con mắt cá nhân, với những soi chiếu mật thiết từ đời sống, đã đặt con người vào dòng chảy của thế sự, vốn chìm khuất trong thời đại sử thi. Tâm trạng thời đại, nhịp điệu của thời đại được thể hiện rất rõ trong những thực hành viết của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Dương Hướng, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều,… từ cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, tiếp tục và sau đó định hình một nhịp điệu đến các tác giả hiện thời như Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh… hay gần đây như Hạnh Nguyên, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Phạm Thu Hà…

Như là sự tập trung để làm sáng rõ không khí của đời sống đương đại, các tác giả đã bằng cách này hay cách khác, chú tâm vào phần ẩn sâu của tâm trạng, cái nhìn, thái độ con người. Đó là tự sự về cái ác hay phía khuất tối của tâm hồn con người trong sáng tác Nguyễn Bình Phương, nơi mà câu chuyện và ngôn ngữ lặn sâu vào lớp trầm tích chưa bị phong hóa bởi các định kiến quan phương. Ta cũng có thể nhận ra những khắc khoải không ngừng về tình thế của tồn tại người, những phôi pha của giá trị nhân văn phổ quát đang đe dọa sự sống hiện sinh một cách ráo riết làm nên “cơn ác mộng hiện đại” trong thơ Trương Đăng Dung.

Cũng tại đây, ta bắt gặp trạng thái “trôi” và muôn vàn bế tắc (chính xác là trôi trong bế tắc) ở những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Khắc Ngân Vi.... Có thể nói, với Nguyễn Ngọc Tư, từ "Cánh đồng bất tận" đến "Không ai qua sông", "Gió lẻ", "Hành lý hư vô", "Sông", "Biên niên sử nước", "Đảo", "Trôi"… đã thể hiện một cách đậm nét tâm trạng của đời sống đương đại.

Thế giới nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là những con người bé nhỏ, trôi dạt, lưu lạc, cô đơn, và khát thèm những neo đậu bên đường. Họ cứ trôi nổi giữa kênh rạch bưng biền, sông - cánh đồng - phố thị như là định mệnh, nhưng luôn chứa sẵn những hy vọng, kiếm tìm, một ngày nào đó có thể đậu lại. Dẫu có lần, trong miên man trôi, những thân phận ấy đã xác quyết căn cước của mình là thuộc về “xứ không đâu” thì nỗi buồn thương mênh mang vẫn gợi lên hy vọng ở phía cuối dòng, cuối con đường.

Cũng như vậy, nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vi ("Phúc âm cho một người", "Đàn bà hư ảo", "Vạn sắc hư vô"), nói như nhà nghiên cứu Phùng Gia Thế, là không sống mà trôi trong đời sống. Đó là một đời sống uể oải, mệt mỏi, nhiều âu lo của đô thị hiện đại. Trôi là trạng thái của điệu sống. Nhưng, ở vào những tình thế khắc nghiệt nhất, trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Khắc Ngân Vi (và có thể nhiều nhà văn khác viết về đời sống đô thị hiện đại), ta sẽ bắt gặp cú trôi đứng (rơi), như là cách kết thúc hành trình trôi nhọc nhằn, ám ảnh của con người.

Khắc khoải âu lo và bất an là tâm thế chung của con người đương đại. Văn chương nghệ thuật chỉ thâm nhập và trích xuất được một phần nhỏ, nhưng qua đó cũng nhận ra tình thế của hiện tại. Những âu lo, đe dọa đến từ nhiều phía, thậm chí đến ngay từ những thành tựu kỳ vĩ của con người, vốn sinh ra nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên. Internet, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo… có thể xem là đang ở trên đỉnh cao của thành tựu văn minh. Nhưng, mặt trái của nó (và cả tính ưu việt của nó), đang thách thức nhân tính một cách mãnh liệt.

Máy móc có thể thay thế con người trong nhiều việc, thậm chí, đến mức con người hoài nghi chính khả năng của mình trước những việc máy móc công nghệ có thể xử lý. Thành trì cuối cùng, hóa ra lại vẫn là những an ủi đến từ cảm xúc, rằng máy móc thì vô tri, còn con người thì chẳng vô tình. Nhưng, chẳng phải, chính con người đang âu lo về sự vô cảm của mình hay sao? Thật mâu thuẫn, nhưng sẽ thế nào nếu một ngày, máy móc lại cũng có thể có cảm xúc giống như con người?

Văn hóa gắn kết con người, làm con người sống tốt đẹp hơn. Song hành, văn minh với thành tựu vượt bậc từng ngày từng giờ, hy vọng làm cho con người sung sướng hơn, giải phóng con người khỏi rất nhiều công việc phải cần đến trí não hay gân thịt. Mặc dù vậy, trong trạng thái của đời sống hiện đại, dần dà con người lại có xu hướng chối từ công nghệ để quay về với bản thân mình, trải nghiệm sự sống bằng những gì cốt thiết, máu thịt nhất.

Văn chương nghệ thuật, thông qua những hình tượng, sự kiện, cách nhìn, lối thâm nhập khám phá hay biểu đạt… đều là phương tiện để khắc họa trạng thái của đời sống. Tầm vóc của người nghệ sĩ, chính là ở chỗ, anh ta nhìn ra được trạng thái chủ đạo này, trong dòng chảy bộn bề của thời gian. Xét cho cùng, tư tưởng nghệ thuật có thể là gì khác nếu không phải là những bận tâm không dứt về trạng thái sống của nhân loại.

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.