Đọc “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” của Trần Thanh Bình, NXB Lao động, 2021

Trần Thanh Bình với “Sài Gòn - Nhật ký cách ly”

Thứ Bảy, 15/01/2022, 08:03

Trên báo chí, nhà báo Trần Thanh Bình có một lượng độc giả mến mộ khá đông với những đoản văn thấm đẫm tình đời, tình người trong mục “Nhàn đàm” đều đặn xuất hiện trên Báo Thanh Niên cuối tuần, từ cả chục năm nay.

Nhưng về văn chương, dù đã công bố không ít thơ, truyện ngắn, bút ký, ghi chép… thì Trần Thanh Bình vẫn là người kín tiếng, cho đến những ngày cuối năm 2021, khi anh cho ra mắt cuốn “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” (Nhà xuất bản Lao Động tháng 12/2021).

Với cuốn sách riêng lần đầu tiên ra mắt độc giả này, ngoài một số ít trang dành để ghi lại cảm xúc như thường khi viết nhàn đàm, một ít nữa là nhật ký bằng thơ, còn lại gần như trọn vẹn trên 300 trang in được anh dành cho thể loại thường gặp là nhật ký bằng văn xuôi.

ảnh 3.jpg -0
Nhà báo Trần Thanh Bình trao quà cho các cháu học sinh mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19, trong chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh niên tổ chức (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nói là nhật ký, nhưng “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” không dừng lại ở khái niệm thô mộc ban sơ của 2 chữ NHẬT KÝ, cũng không dừng lại ở những ghi chép ngắn và nhanh dưới dạng tư liệu hay phác thảo thường thấy, mà là những tác phẩm thực sự được cô đọng trong cái nhìn bao quát của một nhà báo chuyên nghiệp, của một cây bút từng trải với cuộc chơi chữ nghĩa.

Viết nhật ký mà viết hay thì không dễ. Người viết không chỉ có nghề, mà phải giỏi nghề mới biến được ti tỉ con số, tư liệu ngồn ngộn của đời sống trở thành thứ ma lực cuốn hút độc giả. Ở “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” Trần Thanh Bình đã làm được điều ấy.

“Sài Gòn - Nhật ký cách ly” là toàn cảnh về những ngày Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh căng thẳng nhất trước áp lực khủng khiếp của “cuộc chiến” chống đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Đó là khoảng thời gian tháng 7 và 8 của năm 2021, khi Sài Gòn hết lần này đến lần khác giãn cách. Một Sài Gòn sôi động bỗng chốc rơi vào “vực thẳm” đáng sợ của sự im ắng khủng khiếp. Không còn một Sài Gòn lung linh hoa lệ. Phố xá im lìm đến lạnh lùng. Xuyên màn đêm là những chuyến xe cấp cứu liên tục hụ còi.

Giãn cách rồi phong tỏa, cách ly. Bắt đầu từ chính ở quận Gò Vấp - nơi tác giả đang cư ngụ, rồi bùng phát ra toàn thành phố. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm. Quá tải bệnh viện, quá tải cả nơi hỏa táng bệnh nhân xấu số. Những tiếng kêu cứu, tin nhắn từ các hẻm dân cư, những khu nhà trọ đã bị rào chặt, vì không tìm được xe đưa người bệnh đi cấp cứu. Tình cảnh không khác gì thời chiến.

Trong bối cảnh chính quyền và người dân đều phải nỗ lực để chống chọi với dịch bệnh thì có những kẻ đang tâm trục lợi trên nỗi đau của đồng bào, và Trần Thanh Bình bày tỏ thái độ kiên quyết đấu tranh với những hành vi này.

Anh viết: “Dịch bệnh đang khốc liệt, cả xã hội đang gồng mình. Những đau thương diễn ra hằng ngày hằng giờ ở nhiều điểm nóng COVID-19 hoành hành. Thế mà lại có những người đang tâm trục lợi trên nỗi đau của đồng bào. Thật không có lời nào tả nổi sự tàn nhẫn ấy.

Những kẻ ấy đã nghĩ ra đủ chiêu để “làm tiền” trong mùa dịch. Đó là lợi dụng để cấp lậu giấy phép “luồng xanh”, là in lậu giấy đi đường đem bán, là giả thu tiền “đi chợ hộ” để rồi ôm tiền cao chạy xa bay, là thu tiền xét nghiệm trong khi đơn vị xét nghiệm xác định là miễn phí, là len lỏi đưa người trái tuyến đến tiêm vắc xin để thu lợi trên từng mũi tiêm… Khó tin giữa một bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” khiến bao người trả giá bằng sinh mạng ấy lại xuất hiện những cách làm ăn phi pháp, táng tận lương tâm như thế” (Trục lợi trên nỗi đau đồng bào, tr 168).

screen shot 2022-01-15 at 08.04.51.jpg -0
Bìa cuốn sách “Sài Gòn - Nhật ký cách ly” của Trần Thanh Bình.

Vụ kít test liên quan Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vừa được cơ quan Công an phá án, tiếc là sách đã ra, nếu sớm hơn thì chắc chắn Trần Thanh Bình cũng sẽ chỉ mặt điểm tên ngay trong những trang nhật ký nóng bỏng này.

Nhưng người Sài Gòn sau những ngày bàng hoàng, có cả hoảng loạn, đã dần bình tâm trở lại, chấp nhận đối diện với những khó khăn để tháo gỡ từng vấn đề. Rồi những bao gạo, thùng rau, hộp cá, gói măng được người dân từ khắp các miền quê gửi vào giúp dân Sài Gòn; những đoàn y, bác sĩ tăng cường; những đoàn cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang tiếp nhau vào với tâm dịch. Tất cả đã cộng hưởng trong bài ca đoàn kết, tạo nên sức mạnh giúp Sài Gòn gượng dậy.

Những điều đó cứ như những thước phim quay chậm, chân thực, trải ra trên các trang viết của “Sài Gòn - Nhật ký cách ly”. Và cũng trong chừng ấy trang sách, một “Sài Gòn nội lực và hồn nhiên”, một “Sài Gòn nghĩa tình” (góc nhìn của Trần Thanh Bình) hiện lên rõ dần qua cách ứng xử của người dân với nhau, của chính quyền với người dân, của người Sài Gòn với dân tứ xứ bị kẹt lại ở đây trong những ngày khó khăn nhất. 

Có một loại “vắc xin tinh thần” rất đáng được xem là phát hiện tinh tế của Trần Thanh Bình trong những ngày tưởng sẽ cùng quẫn vì COVID-19 khi anh viết: “Trong số rất nhiều thông tin nhận được hàng ngày, vẫn có không ít tin tức đem lại cảm xúc tích cực. Đó là sự cưu mang, đùm bọc nhau bằng nghĩa đồng bào qua hoạn nạn. Kể từ lúc dịch bắt đầu bùng phát, mấy tháng qua, biết bao nghĩa cử được nhân rộng. Lòng nhân ái lan tỏa khắp nơi, nhen lên niềm hy vọng và phần nào khỏa lấp đi những thông tin ảm đạm buộc lòng phải nghe, phải thấy.

 Những động thái với nỗ lực cao nhất có thể để lo toan cho người dân trong vùng dịch của chính quyền, ngày đêm tập trung hết sức để giữ lại hơi thở cho người bệnh của lực lượng y tế tuyến đầu, rồi sự bảo bọc yêu thương nhau trong từng ngõ hẻm, khu phố… được lan tỏa trên không gian mạng, đã tạo nên những đốm sáng trong một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Không chỉ ở phạm vi một đô thị, một quốc gia, mà hiển lộ trên khắp thế giới bằng biểu cảm cao nhất của hai từ: Tình người” (Vắc xin tinh thần, trang 131).

Ở một đoạn trong bài “Góp thêm chút ấm lòng mùa giãn cách”, trang 175, anh xúc cảm: “Không thể kể xiết những nghĩa cử vẫn hàng ngày hàng giờ hiện diện trên mảnh đất yêu thương đang phải gồng mình chống dịch. Hình ảnh của những ký gạo, trái bầu trái bí, bó rau, hộp sữa gom góp trao đi với niềm mong mỏi giúp thêm một chút để những người yếu thế vượt qua được tình cảnh nghiệt ngã. Đó là điểm son minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết và lòng nhân ái của dân tộc, cho tinh thần tương thân tương ái cha ông đã truyền lại từ đời này sang đời khác: Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Trần Thanh Bình rời giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế từ năm 1987, đã có những năm dạy học rồi làm công tác Đoàn tận vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, trước khi bén duyên với nghề báo. Nhưng dù đã rời xa bục giảng thì tố chất sư phạm vẫn nguyên vẹn, dễ nhìn thấy qua sự mẫu mực của câu chữ, sự tử tế trong nhãn quan trước những vấn đề thời cuộc.

“Văn học là nhân học” là câu nổi tiếng của Maksim Gorky- nhà văn Nga, người đặt nền móng cho trường phái hiện thựcxã hộitrong văn chương. Điều này rất đúng với Trần Thanh Bình khi anh chọn đến với văn chương không phải để trình diễn kiến thức hay khoe khoang năng lực chữ nghĩa, mà là để viết về nhân tình thế thái trong sự giản đơn nhất của ngôn ngữ.

Rất nhiều câu văn hay trong cuốn sách nhưng có lẽ không là chủ đích của anh, mà chỉ là chút ngẫu hứng, tựa như những nốt hoa mĩ vô tình vướng trên dòng nhạc. Chỉ vô tình thôi, nhưng thiếu những nốt hoa mĩ ấy thì bản nhạc sẽ mất đi sự tinh tế.

“Tôi lẫn vào đồng bào tôi mùa Covid” là một câu Trần Thanh Bình viết trong cuốn sách này, khi anh nói về lựa chọn của mình trong việc tận lực tỉ mẩn ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe trong những ngày gian khổ nhất của “mùa COVID”. Lẫn vào đồng bào không phải để ẩn nấp, mà để biết đồng bào khổ lụy thế nào trong dịch giã, để biết đồng bào đã làm gì để cùng Chính phủ chống dịch, để hiểu được tình người trong hoạn nạn.

Minh Khôi
.
.
.