Kia
Mobifone

Những mảnh ký ức

Chủ Nhật, 30/07/2023, 11:51

Giữa làn khói mỏng, vấn vít từ những cây nhang trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, người cựu chiến binh già ngước mắt nhìn về hướng dãy núi, nấc lên nghẹn ngào: “Đồng đội ơi! Tao về đây rồi!”.

Bao năm sau hòa bình, ông Nguyễn Xuân Canh ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội mới được trở lại chiến trường xưa, nơi hàng trăm đồng đội của ông đã ngã xuống trong trận chiến đấu khốc liệt nhất của đời chinh chiến. Nhìn ông bước đi cà nhắc với một chiếc chân giả, lọt thỏm giữa những hàng bia mộ tưởng như vô tận sao mà ngậm ngùi đến thế. Những ngày cuối tháng 7, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này vẫn có nước mắt rơi, vẫn có những nỗi đau quặn thắt, cho dù, đã có biết bao nghĩa cử để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Còn rất nhiều câu chuyện ẩn chứa trong lòng những người lính…

Chuyện của Ronald Reddy và những cựu chiến binh Mỹ

Ronald đã gần 80 tuổi. Ông từ Mỹ sang Việt Nam đúng lúc cuộc chiến đấu giành độc lập của Việt Nam diễn ra khốc liệt nhất. Năm 1968, đơn vị của Ronald là Sư đoàn FSB14, cắm chốt ở điểm cao huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Sau những ngày cầm súng vô nghĩa ở Sa Thầy, Ron được rời Việt Nam, nhưng trước khi trở về Mỹ ông phải qua Thái Lan điều trị tâm lý trong thời gian 6 tháng. Chiến tranh, súng đạn, cái chết… ám ảnh, khiến người thanh niên hồi ấy tưởng như không thể trở lại cuộc sống đời thường. Ông về nước, cố quên đi quá khứ đau buồn.

ông nguyễn xuân canh (bên phải) cùng thân nhân liệt sĩ nghẹn ngào trong lễ dâng hương.jpg -0
Ông Nguyễn Xuân Canh (bên phải) cùng thân nhân liệt sĩ nghẹn ngào trong lễ dâng hương.

Rồi một ngày, có người bạn rủ ông quay trở lại Việt Nam. Ông không dám nhận lời. Ông sợ. Những ám ảnh thời chiến trở về, hiện lên từng chi tiết trong tâm trí ông dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Ông sợ người Việt Nam sẽ không tha thứ cho tội ác của lính Mỹ trong quá khứ. Ông sợ sẽ gặp phải lòng hận thù của người dân mất mát quá nhiều do người phía ông mang lại. Thế nhưng, khi người bạn đến Việt Nam và trở về an toàn đã giúp ông vững tâm. Năm 2009, Ron trở lại Việt Nam tìm gặp những người từng đứng bên kia chiến tuyến. Ông ngỡ ngàng khi lòng hận thù đã được gác lại, thay vào đó là một tinh thần bao dung và thân thiện của người dân Việt Nam, đặc biệt là những cựu chiến binh Việt Nam mà ông từng đối đầu năm xưa.

Nhớ lại, ngày 26/3/1968, Trung đoàn lính mũ sắt 209 (chủ yếu là các thanh niên Hà Nội, thuộc Sư đoàn 3) đã tấn công để giành lại điểm cao và chịu tổn thất nặng nề. Hơn 200 người lính mũ sắt vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Tây Nguyên ở tuổi mười tám đôi mươi trong một trận tấn công lúc rạng sáng. Phía Mỹ cũng thiệt hại lớn. Sau đó, lính Mỹ thu dọn chiến trường, gom xác các liệt sĩ của ta đưa vào hố chôn tập thể. Ngày quay trở lại Việt Nam, Ronald cùng những người bạn Mỹ như Lt Ralph Haun, Steve Edmunds Chủ tịch cựu chiến binh Mỹ Sư đoàn 4 tại Việt Nam… đã mang theo thông tin, tài liệu về các hố chôn tập thể, hỗ trợ các cựu chiến binh Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ. Không ít lần, các cựu chiến binh Mỹ lặn lội vào rừng, leo núi, vượt bao trở ngại để cùng Ban liên lạc tìm mộ liệt sĩ Trung đoàn 209 tìm hài cốt liệt sĩ.

Tôi gặp Ronald tại sân bay Nội Bài cuối tháng 3/2023, đi cùng chuyến bay vào Kon Tum dự lễ giỗ trận của những người lính bộ đội Cụ Hồ hi sinh ngày 26/3/1968. Tôi hỏi: “Lý do ông quay trở lại Việt Nam?”. Ronald chỉ về phía người cựu chiến binh Việt Nam đã mất một con mắt, nói: “Tôi quay lại đây vì những người bạn của tôi”. Giờ, Ronald đã gọi các cựu chiến binh Việt Nam là bạn – điều mà trước khi trở lại Việt Nam ông không bao giờ tưởng tượng ra được.

Đã mười mấy năm nay, ngoài 2 năm COVID -19 không được di chuyển thì năm nào Ron cũng đến Việt Nam vào dịp cuối tháng 3 để thắp hương cho những người lính đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Niềm hạnh phúc lớn nhất của Ronald là ông không còn bị coi là kẻ thù ở trên đất nước này, ông đã được các cựu chiến binh Việt Nam gọi ông là bạn, họ vui mừng đón ông tới Việt Nam như những người bạn lâu ngày mới gặp. Họ ôm nhau, vỗ vai nhau, chia nhau nén nhang để thắp lên tưởng nhớ liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất này, họ rót rượu cho nhau, cùng nhau tếu táo kể lại chuyện ôm súng săn lùng nhau khi ở hai chiến tuyến… Đó là những hình ảnh, câu chuyện đầy xúc động mà tôi và những người thuộc thế hệ sau được chứng kiến.

Câu chuyện tìm về Việt Nam không chỉ của riêng Ronald mà là của rất nhiều người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Đó là Stephen Holmes Hassett, Kinbourne Lo, Ivory Whitaker Jr và Spencer John Matteson - 4 cựu chiến binh Mỹ từng có mặt trong trận chiến ngày 6/12/1966 ở khu vực đồi Xuân Sơn, Bình Định. Họ đã quay trở lại chiến trường xưa để tiếp tục hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Trước đó, chính nhờ những thông tin quý giá từ họ, chúng ta đã tìm thấy được ngôi mộ tập thể, chôn cất 60 liệt sĩ hi sinh trong trận đánh kinh hoàng năm ấy. Bộ phim tài liệu đặc biệt về những mảnh vụn ký ức của các cựu chiến binh Mỹ đã được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng tối 23/7/2023 gây xúc động cho người xem.

…và chuyện của hôm nay

Cuối tháng 7, cơn bão đầu mùa mang đến những trận mưa tầm tã. Nhìn lên những ngọn cây ngả nghiêng vì gió, những người cựu chiến binh già lại thở dài, ở chiến trường xưa nơi Tây Nguyên, giờ cũng đang là mùa mưa. Bao năm rồi, ông Hồ Đại Đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh… của Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 vẫn trăn trở vì còn nhiều đồng đội vẫn đang nằm dưới tán cây rừng ướt lạnh. Đã bao năm nay các ông đi khắp các chiến trường để tìm đồng đội đưa về quy tập, nhưng sức người có hạn, quỹ thời gian cũng ngày một ngắn đi.

Khi cả nước hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, trong lòng những cựu chiến binh ấy lại dội lên nỗi nhớ đồng đội, nỗi day dứt về người nằm lại mảnh đất trộn đầy máu xương tuổi trẻ. Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này, các cựu chiến binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ lại tổ chức một buổi gặp mặt tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ. Và, lần nào các cựu chiến binh cũng rưng rưng nghĩ đến “món nợ” với gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt đưa về quê hương. Ông Nguyễn Xuân Canh, người thương binh ¼ vui mừng vì được dự buổi gặp mặt nhưng lại đầy day dứt: “Mình có công với đất nước nhưng có tội với đồng đội vì các anh vẫn chưa được trở về…”.

ông ron (đứng giữa) cùng cựu chiến binh nguyễn văn chúc (phải) tại đài tưởng niệm liệt sĩ  chư tan kra, huyện sa thầy, tỉnh kon tum.jpg -1
Ông Ronald (đứng giữa) cùng cựu chiến binh Nguyễn Văn Chúc (bên phải) tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong 10 năm qua, cả nước đã dành hơn 350.000 tỉ đồng để chăm lo đời sống cho người có công. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước.

Mới đây, ngày 22/7/2023, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỉ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) đã nhấn mạnh: “Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ và tốt đẹp hơn”.

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự tri ân với người có công với cách mạng đã khắc phục được rất nhiều hậu quả của chiến tranh. Thế nhưng, không phải tất cả đã trở thành quá khứ. Vẫn còn đó những nỗi đau hiển hiện. Trên khắp dải đất hình chữ S, vẫn còn nhiều người lính đi tìm đồng đội trong nỗi day dứt không nguôi. Vẫn còn nhiều thân nhân liệt sĩ tìm hài cốt người thân trong sự xót xa, nhớ nhung.

Những cựu chiến binh như ông Ronald và những người lính Mỹ tìm về Việt Nam để mong phần nào bớt đi nỗi day dứt, sự ám ảnh trong quá khứ. Đất nước ta đã hoà bình, thống nhất đã gần 50 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu từng ngày trên gương mặt của những cựu chiến binh năm xưa, trong vết hằn tâm lý của chính những người đi gây chiến ngày đó, và trong nỗi niềm của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Chúng ta hãy nhìn thật kỹ hậu quả của chiến tranh để hiểu giá trị của hòa bình, để gìn giữ nền độc lập mà biết bao xương máu đã đổ xuống mảnh đất này. 

Minh Phương

.