Dốc im lặng, kí họa cảm xúc xôn xao
Là người của thế hệ đầu 7X, họa sĩ Trần Thắng- cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã chênh vênh trên triền đời không ít thời gian để nhận ra nỗi đa mang sâu thẳm trong hồn thơ bị đọa đầy bởi những cơn phong du. Trái tim tứ tán đã "Dốc im lặng" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) qua mỏm cô đơn vời vợi để năm 2023, cái cây Trần Thắng trổ vào đời trái thảo xôn xao cảm xúc.
Hoa bay
Thơ Trần Thắng nghiêng nhiều về yếu tố tượng trưng siêu thực, trong sự kết nối với bút pháp hội họa. Anh dụng công vào chi tiết, hình ảnh cụ thể gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu chất triết lý, đánh thức độc giả về bản chất sâu xa của con người và thế giới. Thắng bị ám dụ bởi mùi hương sen trinh khiết, thứ ngôn ngữ riêng của thức dâng đất trời và da thịt thiếu nữ. "Lang thang sen" là bức xuân tình trễ nải, e ấp.
Những đóa sen ngủ quên trên ngực
thức một miền ngan ngát đồng quê
mùa tóc dài tự tin mặc yếm
thả dáng sen
thả rông sức sống
…
bất ngờ hát
bất ngờ trật yếm
tồi tội đài sen trố mắt ngây ngô
Nếu nhân gian chỉ có một mùa hạ chói chang để níu sen từ độ ngó trắng ngần đến khi tàn cánh mỏng, thì thơ Thắng sen không mùa. Đó là đóa tinh khôi kết từ trái tim gầy guộc của người thơ. Anh đã chớp được nét thời gian chạy qua phận hồng nhan, khi sen chớm dậy thì. Câu thơ vừa họa hình lại họa tình. Trong cõi biến ảnh, có một loài sen đã qua đời để vào xanh. Niềm xanh sen, tôn giáo sen trong anh vuột rơi vẻ kiều mị đẹp hơn cả giọt lệ vỡ. Một cách tiễn mùa đi kiêu hãnh rất Trần Thắng. "Có mùa sen trốn biệt/ Tu mình dưới bùn đen/ Vẹn nắng gió luân hồi/ Trong ngần bung hương sắc…./ Ẩn vi giữa đồng nội/ Loang loáng búp tỉnh mơ/ Đài sen non ngơ ngác/ Thì hồng nhan vụt qua/ Thuyền hoa đầy nắng vỡ/ Lá miên man che đầu/ Sen ngủ trần thả dáng/ Người ôm sen vào xanh'' (Mùa sen).
Trong "Sắc hoa", Trần Thắng đã gói ghém những triết lý. Mỗi loài hoa là mỗi gương mặt của đời sống, mỗi sắc hoa ứng với một tuổi người. Thời khắc khôi nguyên, "Hoa trắng" trong, "xăm" một ban đầu say mê. "Hít một hơi tức vồng lồng ngực/ ngỡ mình nở trắng hoa". Thì "Hoa đỏ" lại là hiến dâng tuyệt tận. Tôi xem đây là một bức tranh thơ. Cuộc yêu nồng nàn lứa đôi được tác giả gợi ra trong nét vẽ tượng trưng siêu thực: "Hương trăng và sắc nắng". Ngòi bút trong tay họa sĩ - thơ đã họa được bản thể sự sống bằng "hương" và "sắc" "khải huyền"- mở ra những điều màu nhiệm. Mỗi câu thơ là mỗi cấp độ sắc màu để mặc khải tận cùng. Mỗi "bung hết" như mỗi lần hoa tự bứt cánh. "Hương trăng và sắc nắng dậy thì/ khoảnh khắc diệu kì đổi bằng mạng sống/ đỏ khải huyền sắc đẹp tình yêu/ đỏ hực máu hiến dâng vô ngã…./ Đẫm ban mai/ bung hết cửa căn nhà toang đỏ/ bung hết bung hết/ bung hết".
Nhưng cảm xúc lại là một thứ sinh mệnh vô thường. Mới "đỏ hực" hiến dâng, đã đi vào tàn phai "Hoa vàng". Đằng sau "gặp gỡ thiên đường" lại là cửa ngõ địa ngục. Ái tình đẹp và day dứt lại chính là sự mất mát - "hoa vàng", phù sinh ngắn ngủi: "Sỏi đá cọ nhau gửi dấu vết/ ta va nhau nát vụn trăng tròn/ đã bạc đầu đã thấu điều sinh tử/ nhìn nhau vàng/ ký ức đau hơn…./ đến lúc chẳng còn gì chờ đợi/ thân xác phù hoa/ thả cõi trăng”.
Nhưng những cánh hoa cuối cùng lại tím ngần chung thủy, đã qua tuổi tri thiên mệnh, Thắng vẫn khờ ngốc yêu như một chàng trai tuổi dại. Gã trung niên vẫn tháng Sáu hạ chan, tháng Mười úp mặt gió khan, nhưng nhức nhớ đến tím biếc.
“Ngăn ngắt tháng Sáu đau đáu tháng Mười/ Những nếp nhăn còn nguyên ngây dại/ Thần tượng/ dằn hắt/ nước mắt lên ngôi…./ Bỗng mộng du sắc tím/ Cuồng điên chém dọc ngang tan biến/Lăn lóc hé/ Nụ thủy chung bất diệt/ Giọt mực rơi mất dòng nhật kí/ Khóc tím nhòe hai tay”.
Phố chờ
Thắng dâng hiến trọn vẹn những sắc hoa cho cõi mê tình. Nó nới rộng địa hạt, từ tình cảm lứa đôi, đến tình yêu nghệ thuật. Nếu tim anh không mong manh như hoa bay thì sao hồn anh vẫn còn ngụ mãi chốn rơm rạ quê hương để con phố trở mình xao xác chờ mong. Anh vẽ phố bằng màu hiện sinh, về cuộc thiên di mờ mịt của con người trong lặn ngụp mưu sinh. "Rác rưởi phềnh với mưa tuôn/ Phố thành sông chở nỗi buồn ngàn năm/ Người chen lấn hóa xa xăm/ Ngã chìm trong sóng ì ầm khói xe…../ Xe lặn ngụp mỏi phố dài/ Lung linh bóng nước khẳm khai nhụa nhầy/ Mưa ơi lại nỗi đọa đầy/ Cờ treo rợp phố mặc bay khóc cười". (Phố mưa)
Là gã mộng mơ, quyến luyến bờ tre gốc rạ, Thắng luôn thấy nỗi chật hẹp trong “Giới hạn” của thị thành. Những khối bê tông xám xịt, tự kể những câu chuyện của chủ nhân. Con người có khi phải tự ru mình trong thân xác vô thường, khóc/ cười; hạnh phúc/ bất hạnh; mọi trạng thức đều được anh đưa về trong những triết lý sâu sắc. Khoảnh khắc nhận ra giới hạn của mình là phút giây vụn vỡ, để sống người hơn. "Cười ngủ trong khóc/ khóc thức trong cười/ nay khóc mai cười chẳng lạ/ rồi song hành vô tư/ Nắng trong nắng/ mưa trong mưa/ đường vòng vòng bước thẳng vẫn vênh/ chạm môi ngực xuân thì/ gặp mình trong thân xác tạm/ ngơ ngác phố bụi mưa" (Giới hạn)
"Thư mùa đông" Thắng gửi vào con phố trầm tư, đẹp siêu thực. Nụ hôn lửa cháy, giữa làn mưa buốt chân trời, 2 mảnh thiên hà xôn xao, cơn dâng bã bời. "Ghì tay mảnh vỡ thiên thạch/ dư chấn than cời bỏng môi/ hắt đông mềm rũ cơn say/ tình theo nhạc thức/ bỏ ngày lơ mơ…./ Phố trầm nhốt gió ồn ào/ lá bật vàng đỏ bay ấm đông/ nương theo thì thầm không tuổi/ mùa thoáng lạc trôi tóc hai đầu". "Phố chờ" Thắng đủ yêu như quyến luyến mái rạ, hay Thắng chờ Kinh Kỳ rót đầy vào mình niềm quê dậy mật?
Màu nhớ
Với Trần Thắng, nhớ mang màu không tên. Vì khi vẽ, anh chủ ý biểu hiện thế giới tâm trạng, mà không dụng công theo chủ đề, để người đọc tranh tự tưởng thưởng theo cách họ muốn. Nỗi nhớ "Tháng Mười quê", có mùi hoa chanh mang hương trinh nữ phập phồng sau tà áo mỏng. Nhớ màu em. "Thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực/ dụ trai làng thiêu thân/ tối trời rạng mặt/ trăng lưỡi liềm khía rượi lông măng/ ráng vàng ngửa ngang song/ hút hơi ấm cuối ngày lấp loáng".
Tháng Ba bời bời hoa gạo, đỏ như máu ứa triền quê. Thắng đã dùng phép nhân hóa để thổi bừng khao khát. Đó là một tiết "háo nước", khiến thiếu phụ xuân thì thèm dâng mình cạn kiệt. "Sông xanh gầy rộc" đi trong âm vang phù sa hạnh phúc. Nắng, gió, đường cong thiếu nữ nẩy nở bến sông trăng… Khi nàng đắm mình trong hạnh phúc, thì anh đêm đêm trầm vào phù sa đời, vớt lên toàn chênh vênh. "Ngỡ chân trời thật gần/ sau khúc uốn mềm mại hoa gạo dịu lửa miếu thờ/ Tháng Ba háo nước/ sông xanh gầy rộc bãi ngô non…/ Nắng gió trộn phù sa nở/ chảy trong người căng nhức khúc quanh/ hóng một dáng gánh nước bến trăng/ bâng khuâng ngắt đóa bồ công anh thổi tung đầu gió/ đò xuôi bên lở ướt váy cô dâu/ úp mặt cỏ nhòe đôi bờ hoa cải"…."Đêm đêm sông hiện về theo gió/ lung linh trên dải ngân hà/ ký ức gọi phù sa nức nở/ vớt tim mình dưới đáy vực sâu".
Giữa ngày tháng "Vu lan", Thắng trong nỗi bơ vơ phận người. Ai trong chúng ta không từng trải qua hơn một lần nỗi trơ trọi trần ai? Nỗi sầu vạn kỉ, buồn kiếp người dìm Thắng xuống đáy vực nhưng cứu rỗi anh bằng tiếng khóc trẻ thơ. "Sao trong mơ cha mẹ chẳng nói gì/ Con đuổi theo cháy bùng quần áo giấy/ Tranh cô hồn lướt thướt mưa Ngâu/ Chuông chùa mênh mang tâm nguyện chúng sinh/ Nến lụi vào ngọn khói/ Tiếng chào đời khóc qua cửa hé/ Bóng ai đợi ấm hơi nhà rồi tan".
Cây cọ trong tay Thắng bị làn tóc đàn bà mê dụ. Khi em "Hong tóc", cả một bầu thương nhớ cuốn anh vào mùi đất ngai ngái, thịt da ngậy ngào, viền môi như chiếc lá niêm xôn xao tim trai, bờ vai mảnh, đi vào nhau một "mơ hồ", một "mê mải", một "thong thả", một "ẩm ướt"… Những phức âm của bữa tiệc hồng trần. Cái màu không tên ấy, đã thêu vào thơ anh một bức tâm hồn đa sắc. Vẽ màu nhớ, chính là cách Thắng phô bày cái đẹp của thơ trừu tượng, một cách tân nghệ thuật vượt xa cả chủ ý của anh. "Hoa bay", "Phố chờ", "Màu nhớ" chính là những nút thắt đầy hưng cảm của Trần Thắng ở tập thơ "Dốc im lặng".
Đi sâu vào tâm tư anh, tôi thấy một cuộc độc thoại với chính anh. Thực ra, viết thơ chính là cách Thắng khám phá sự thú vị của bản thân. Thắng thật hạnh phúc vì khi tận dâng cho hội họa, thì trong tim ý thơ đã căng ứa. Cọ đưa màu, thơ trao cảm xúc. Có thể xem "Dốc im lặng" là một kí họa cảm xúc, người đọc thấy Trần Thắng và cũng chạm tới mình trong xôn xao.