Phương Đông và phương Tây từ góc nhìn toàn cầu hóa

Thứ Tư, 07/09/2011, 08:00
Nói đến sự tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây, người ta thường nói đến sự đụng độ giữa các nền văn minh, hoặc dẫn ra câu nói của nhà văn Anh R. Kipling - người được giải Nobel về văn học năm 1907: "Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau".

Thật ra xuất xứ của câu nói trên là câu đầu của khổ thơ trong bài thơ "Khúc ca Đông - Tây" được Kipling sáng tác năm 1889. Kipling sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, am hiểu văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Ấn. Câu thơ trên chỉ là ước lệ. Vấn đề lớn mà tác giả muốn nói là sự gặp gỡ, thân thiện giữa các nền văn hóa, ảnh hưởng và bổ sung cho nhau. Lại nữa, nếu học tập, tiếp nhận của Người thì cũng có sự chọn lọc các giá trị phù hợp với truyền thống, tình cảm, tính cách của Ta, không sao chép, không đánh mất bản sắc, cốt cách của mình. Người xưa nói: "Tri kỷ, tri bi, bách chiến bất đãi" (có nghĩa khái quát: Biết mình, biết thời vận, trăm trận không chùn bước). Thật ứng nghiệm với thời đại nhiều thách thức hôm nay. Nghĩ như vậy, chí ít là trong lĩnh vực văn hóa chúng ta đã đến sát biên giới của toàn cầu hóa.

Vậy giữa phương Đông và phương Tây có gì khác nhau: Qua nhiều tài liệu mà chúng tôi đã thống kê được có thể khái quát như sau về mặt văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất:

- Phương Đông nghiêng về tư duy tổng hợp, trực giác, hướng nội, làm chủ bản thân; phương Tây vốn tư duy độc lập, phân tích, lý tính, làm chủ thiên nhiên.

- Phương Đông suy tưởng bằng trực giác, văn minh nông nghiệp là cơ sở chủ đạo của tư duy, tôn vinh siêu nhiên; phương Tây lấy con người, nguồn lực con người, chinh phục thiên nhiên làm chủ đạo cho các hành vi của mình.

- Về đạo đức, luân lý, phương Đông lấy đẳng cấp tôn ti trật tự làm cơ sở ứng xử: quân, sư, phụ, tứ đức, tam tòng; phương Tây là bình đẳng, đồng đẳng.

- Về tôn giáo, tín ngưỡng: phương Đông nghiêng về duy linh, duy cảm, tôn trọng truyền thống, tôn giáo như đạo phật là nhất quán, thông suốt; phương Tây là duy vật, là biện chứng, tồn tại các yếu tố phản biện trong các học thuyết ra đời sau; đạo cơ đốc luôn luôn thay đổi, cải cách, thậm chí ly giáo.

Về mặt mỹ học và lý luận nghệ thuật, chúng ta cũng thấy có sự khác nhau và ít nhiều có sự tương đồng. Từ thời cổ đại, ở phương Đông, các triết gia Lão giáo như Lão Tử, Trang Tử đã nêu một số quan niệm về cảm thụ và sáng tạo cái Đẹp trong các điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định. Lão Tử cho rằng, cái Đẹp có thể nhận biết qua cảm tính cá nhân. Cái Đẹp ở đây là của Đạo. Người cảm thụ và sáng tạo phải biết kiềm chế những dục vọng cá nhân, giải thoát những ức chế bản năng. Trang Tử thì lập luận đầy mâu thuẫn, vừa nhận thức cái Đẹp bằng cảm tính, vừa phủ nhận tính chân lý của nhận thức ấy, coi nó chỉ là chủ quan và tương đối.

Về phương diện này thì ở phương Tây được kiến giải có hệ thống hơn. Có thể khái quát thành bốn quan niệm cơ bản về lý luận nghệ thuật để giải quyết các vấn đề của sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ.

Loại thứ nhất coi sáng tạo và cảm thụ cái Đẹp là lĩnh vực huyền bí gắn liền với Thần Thánh. Platon - trong tác phẩm "Ion" (427 - 347) trước công nguyên - cho rằng, cảm thụ và sáng tạo của nghệ sĩ chủ yếu dựa vào Thần hứng, Thần nhập sinh ra Thần lực. Ở đây không có tính người, vì nghệ sĩ là người phát ngôn cho Thần Thánh. Suốt hàng nghìn năm sau, các đồ đệ của Platon giải thích sáng tạo và cảm thụ cái Đẹp bằng giáo lý Thần học, bắt nguồn từ Chúa. Trong tác phẩm "Đại thành về thần học", Thomas D'aquin tuy có tìm thấy các giác quan khi bàn đến cái Đẹp, nhưng xuất phát từ Chúa Trời, nên ông không sao giải thích được nguồn gốc trần thế của mỹ cảm và sáng tạo cái Đẹp.

Loại thứ hai mà tiêu biểu là Hegel (1770 - 1831). Theo Hegel, năng lực liên tưởng, sức tưởng tượng phản ánh hiện thực, đó là năng lực sáng tạo, cảm thụ đặc trưng của nghệ sĩ. Năng lực cảm quan nghệ sĩ không chỉ là thuộc tính của từng nghệ sĩ, mà còn là của một dân tộc: người Ý có thẩm âm rất tốt và năng khiếu âm nhạc vượt trội; người Hy Lạp có con mắt tuyệt vời tạo nên tài năng hàng đầu về điêu khắc và tạc tượng v.v…

Loại quan niệm thứ ba mà tiêu biểu là I.Kant coi cái sáng tạo và cảm thụ cái Đẹp bằng sự thích thú vô tư, là sự thỏa mãn về tinh thần chứ không phải là lý trí, chủ yếu dựa vào năng khiếu và thị hiếu. Sau Kant và trước Freud, các nhà triết học Shiller, Spencer đã phát triển sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ bắt nguồn từ sinh lực dư thừa của con người. Freud tiến xa hơn, coi sự thỏa mãn tình dục, dục vọng là động lực của sáng tạo nghệ thuật, là những khoái cảm nồng nhiệt lúc thăng hoa của vô thức và dục vọng (libido).

Loại quan niệm thứ tư giải thích sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ là sự tái hiện những hình ảnh của thế giới khách quan trong ý thức chủ quan của con người.

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều quan niệm về sáng tạo nghệ thuật đã bị thời đại vượt qua, nhưng cũng có nhiều ý tưởng có thể phù hợp với tư duy, tâm trạng, tình cảm của nhiều nghệ sĩ thời đại chúng ta, cho dù là những hệ thống triết - mỹ đó bắt nguồn từ phương Đông hay phương Tây, từ nền văn minh Hy La hay nền văn minh cổ đại Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ.

Sự gặp gỡ nhau giữa phương Đông và phương Tây là một sự thật lịch sử, có từ xa xưa. Chỉ riêng về nguồn lực con người, chúng ta cũng có thể dẫn ra những tổng kết khái quát của cổ nhân. Nếu ở phương Đông có: Thiên, Địa, Nhân thì ở phương Tây có: Con người, Trí tuệ, Đất (Man, Mind, Land); nếu ở Việt Nam có phương châm Chân - Thiện - Mỹ thì ở Nhật Bản có một mô hình hình trụ mà đỉnh là Đức, đoạn giữa là Kinh tế, đáy là Thẩm mỹ v.v… Do đặc điểm của thời đại, đặc biệt là do thành tựu các ngành: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Kinh tế trí thức, Công nghệ vật liệu… v.v… đang đi vào mọi lĩnh vực đời sống, nền văn học, nghệ thuật nước ta phát triển theo phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng, dân chủ, nhân văn. Hiện tượng đó cũng xảy ra với hầu hết các nước. Hàng ngày, hàng giờ, các sản phẩm văn học, nghệ thuật vừa tốt, vừa phế phẩm, độc hại như những đợt sóng ùa vào thị trường văn hóa các dân tộc. Bây giờ không thể chỉ "đóng cửa", chỉ sợ "gió độc" tràn vào. Toàn cầu hóa vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội là học tập cái hay, cái đẹp của bên ngoài. Thách thức là tâm lý sùng ngoại, phục ngoại, sao chép của ngoại, làm mất bản chất, bản lĩnh dân tộc. Đây là một cuộc đấu tranh, cạnh tranh triền miên giữa ý thức, hành vi bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với những dòng đục, yếu tố phi đạo lý, phi nhân tính, không phù hợp với tâm lý, thị hiếu, phong tục, trình độ mặt bằng dân trí của dân tộc ta, nhân dân ta

Hồ Sĩ Vịnh
.
.
.