Nhiều sai sót trong một cuốn sách tiểu sử

Chủ Nhật, 01/03/2020, 09:02
Cuốn sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành năm 2018, thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu; viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam, có quá nhiều sai sót.

Cuốn sách gồm 7 chương, “giới thiệu một cách cụ thể cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp lãnh đạo của đồng chí Lê Quang Đạo, từ quê hương, gia đình, tuổi thơ, những hoạt động yêu nước đầu tiên tại quê nhà đến những trọng trách lãnh đạo lớn lao được Đảng và Nhà nước giao phó” như Nhà xuất bản cho biết.

Thiếu kiến thức về cổ sử

Điều đầu tiên cho thấy, có lẽ những người viết sách này thiếu kiến thức về cổ sử Việt Nam cho nên viết nhiều sự kiện, nhân vật sai sót và võ đoán. Chúng tôi xin nêu một vài ví dụ cụ thể dưới đây.

Trang 21 viết Nguyễn Đăng Đạo được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Không rõ ai phong cho Nguyễn Đăng Đạo là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”? Phải chăng là nhóm tác giả viết sách? Chứ còn Trạng nguyên phải do nhà vua phong. Trong lịch sử thì Nguyễn Đăng Đạo đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, được vua Lê Hy Tông phong Trạng nguyên nhưng chưa bao giờ Nguyễn Đăng Đạo được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Vẫn trang 21 này, sách viết về Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang “nhiều lần được cử tiếp sứ nhà Nguyên”. Tuy nhiên, các tác giả không cho biết đó là những lần nào. Theo chúng tôi được biết thì trong chính sử (“Đại Việt sử ký toàn thư”) không chép lần tiếp sứ nhà Nguyên nào có Nguyễn Quan Quang. Còn trong dân gian thì chỉ viết có một lần (Chuyện Nguyễn Quan Quang đuổi quân Mông Cổ  bằng hòn đá ném xuống ao bèo). Mà chuyện dân gian thì chỉ mang tính chất giải trí, khi chép vào chính sử phải hết sức cân nhắc.

Sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” nhiều sai sót.

Trang 22, sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” viết: “Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhiều nhà thơ, nhà văn có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Thời Lê có Vũ Mộng Nguyên với “Vị Khê thi tập”, Nguyễn Thiên Tích với “Tiên sơn thi tập”, Đào Cừ - Đàm Văn Lễ với “Thiên Nam dư hạ tập”, Nguyễn Đăng Đạo với “Phụng sứ tập…””.

Thứ nhất, nhóm tác giả viết “Thiên Nam dư hạ tập” gồm Đào Cừ và Đàm Văn Lễ là sai. Đây là tác phẩm do Lê Thánh Tông (chủ trì), Đỗ Nhuận và Nguyễn Trực (biên soạn). Thứ hai, chỉ có Tiến sĩ Đào Cử, chứ không có Đào Cừ.

Về tác phẩm “Vị Khê thi tập”, những người viết sách không dẫn nguồn cho nên chúng tôi không rõ có sách này hay không? Chúng tôi có tra trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì không có tên tác phẩm này. Và tác giả Vũ Mộng Nguyên cũng không để trước tác độc lập nào. Về tác phẩm “Tiên sơn thi tập”, nhóm tác giả viết là của Nguyễn Thiên Tích nhưng kiểm tra trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi cũng không thấy có. Duy trên trang mạng Thivien.net lại ghi là “Tập văn tiên sơn” nhưng chỉ dẫn ra có 1 bài tên “Mao trai thi hoài”. Có phải những người viết sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” muốn nhắc đến bài thơ này chăng?

Liền đó, trang 23 có viết về các danh tướng theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương năm 542. Trong đó có danh tướng mang tên Tuy Ông ở huyện Gia Lương. Huyện Gia Lương là tên cũ, nay là hai huyện Gia Bình và Lương Tài. Không rõ danh tướng Tuy Ông quê ở đâu. Những người viết sách cũng không cho biết Tuy Ông được xã nào, làng nào thờ. Hành trạng danh tướng này cũng không rõ. Theo chúng tôi võ đoán, chắc là nhóm tác giả chép trong thần tích vãng lai nào đó (?).

Cũng phải nói thêm về sự cẩu thả của những người viết sách khi trích dẫn tài liệu. Điều này thể hiện ở trang 20, chú thích đánh số 1, có giới thiệu cuốn sách của hai tác giả Huy Cơ – Trần Đình Luyện mang tên “Danh nhân kinh tế”, NXB Văn hóa Dân tộc, 1999. Song, chúng tôi biết hai ông Huy Cờ – Trần Đình Luyện chỉ có cuốn sách mang tên “Danh nhân Kinh Bắc”, do NXB Văn hóa Dân tộc phát hành năm 1999.

Nhiều sai sót về sự kiện và nhân vật

Trong sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” còn cho thấy nhiều sai sót về sự kiện Lịch sử Đảng và cán bộ Cách mạng. Đây là điều khó hiểu vì sách thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu; viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam. Tham gia biên soạn đều là những chuyên gia đầu ngành Lịch sử Đảng. Vì sao lại để nhiều sai sót như vậy? Chúng tôi xin dẫn chứng cụ thể.

Vào năm 1939, tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Phát xít Đức xâm lược Ba Lan, mở màn cho Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để chống đế quốc, chống chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong kiến, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Ở trang 53 và trang 54 sách “Lê Quang Đạo tiểu sử”, nhóm biên soạn viết: “Chỉ đạo phong trào tỉnh Bắc Ninh là đồng chí Trần Quốc Hoàn. Trực tiếp hoạt động ở Từ Sơn, Bắc Ninh là các đồng chí Phạm Văn Đông (Đồng), Kỳ Vân”. Chúng tôi đối chiếu với sách Lịch sử Đảng bộ huyện Từ Sơn do Ban chấp hành Đảng bộ huyện Từ Sơn xuất bản năm 2004, cho biết, người chỉ đạo phong trào tỉnh Bắc Ninh thời gian này là đồng chí Lê Hoàng và đồng chí Phạm Văn Đông, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ (trang 62). Đồng chí Lê Hoàng sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (1970-1976).

Như vậy, không có chuyện đồng chí Trần Quốc Hoàn chỉ đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Ninh năm 1939. Thêm vào đó, khi viết “Phạm Văn Đông (Đồng), Kỳ Vân” khiến bạn đọc hiểu đây là hai người nhưng thực sự chỉ là một người. Đó là ông Phạm Văn Đông tức Kỳ Vân, chứ không phải Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Văn Đông tức Kỳ Vân, sau này tham gia Biên ủy Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).

Chúng tôi đối chiếu với “Lịch sử xã Đình Bảng” (tập 1), xuất bản năm 2001, viết như sau: “Đình Bảng giáp Hà Nội, là cửa ngõ mở thông lên phía Bắc. Đến giữa năm 1939, ở đây đã có một mạng lưới cơ sở cách mạng rộng, có phong trào cách mạng sôi nổi. Nhìn rõ tầm quan trọng ấy, đồng chí Lê Hoàng đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ về trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Bắc Ninh – Bắc Giang đã cử đồng chí Phạm Văn Đông (tức Kỳ Vân) cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ đi sâu xuống Đình Bảng và khu vực Phù Lưu, Cẩm Giang, Trang Liệt, Phù Chẩn để nhanh chóng thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ” (trang 82).

Xem thêm sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh”, tập I (1926-1954) do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh xuất bản, năm 1998, cũng ghi rõ: “Mùa xuân năm 1939, đồng chí Lê Hoàng được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về phụ trách hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang” (trang 88) và “Tháng 4-1940, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Phạm Văn Đông (Kỳ Vân) phụ trách tỉnh Bắc Ninh thay đồng chí Lê Hoàng” (trang 89).

Sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” viết tiếp: “Đầu năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tháng 5-1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám” (trang 59).

Năm 1941 tên gọi Hồ Chí Minh chưa ra đời, khi đó vẫn là Nguyễn Ái Quốc. Phải đến tháng 8 năm 1942, tên gọi Hồ Chí Minh mới chính thức xuất hiện. Các tác giả đang viết tiểu sử cho nên sự kiện lịch sử cần phải chính xác với thời điểm lịch sử của một con người.

Trang 76 viết: “Cuối năm 1944, đồng chí Lê Quang Đạo chủ trương cho phát hành tại Hà Nội tờ báo bí mật mang tên “Hồn nước”, làm cơ quan tuyên truyền cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc, do đồng chí Lê Đức Vân phụ trách, đặt trụ sở tại số nhà 15 phố Hàng Phèn”.

Chú thích đánh số 1 cho biết: “Cán bộ báo Hồn nước có các đồng chí Trần Thư, Mai, Luận, Phúc”. Không có 2 người làm báo “Hồn nước” có tên là Mai và Luận, mà đó là một người tên gọi Mai Luân. Ông Lê Đức Vân hiện còn sống. Những người viết sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” có thể đến hỏi ông để biết rõ về ông Mai Luân.

Trang 35 sách “Lê Quang Đạo tiểu sử” viết: “Khi thực dân Pháp xâm lược, Đình Bảng từng là địa điểm Đề Thám đóng đại bản doanh để chỉ đạo vụ đầu độc ở Hà Thành”. Nhằm chứng minh và làm rõ cho nhận định này, các tác giả dẫn bài vè ở Đình Bảng ghi lại sự kiện này như sau: “Đình Bảng rền tiếng súng vang/ Ông Đề xuống chiếm Bắc Giang tỉnh thành/ Sơn, Tuyên, Thái, Lạng, Nghệ, Thanh/ Bốn phương hưởng ứng dẹp bình như chơi”.

Có vẻ như sự kiện được nhắc đến và bài vè chẳng ăn khớp gì với nhau. Mong các tác giả xem lại. Bởi vì các tài liệu lịch sử cho thấy, vụ đầu độc ở thành Hà Nội năm 1908 là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ đầu bếp và binh lính người Việt. Mục đích của họ nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, thêm sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Đề Thám cùng với sự tham gia của Phan Bội Châu.

Nhưng đây hoàn toàn chỉ là cuộc đầu độc trong bữa ăn của Đội Nhân (tức Đặng Đình Nhân) cùng bếp Hiên (tức Hai Hiên), cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, tất cả 13 người. Sự kiện này chẳng có gì liên quan đến việc Đề Thám xuống chiếm thành Bắc Giang như trong bài vè ở Đình Bảng mà những người viết sách nêu ra. Trong dân gian vẫn có câu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, xét trong trường hợp này, chúng tôi thấy cũng có lý.


Khải Mông
.
.
.