Khi họa sĩ là nạn nhân

Thứ Sáu, 23/03/2018, 08:42
Những cuộc đấu giá tranh thành công trong khoảng 2 năm trở lại đây đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Điều đáng mừng là nếu như trong quá khứ, hoạ sỹ Việt trông chờ nhiều vào việc bán tranh cho nhà sưu tập nước ngoài thì hiện nay, số lượng người sưu tầm trong nước đã bắt đầu tăng lên đáng kể. 


Nhưng cũng như bất kỳ thứ gì hễ trở nên hấp dẫn, có khả năng mang lại doanh thu là lập tức sẽ nảy sinh tiêu cực, thị trường mỹ thuật cũng bắt đầu phát lộ những hiện tượng thực sự đáng lo ngại. Đầu tiên là chuyện tranh chép, một chuyện đã quá cũ nhưng nay đã biến tướng ở cấp độ cao hơn.

Nếu ngày trước, những bức đã được bán, đã nổi tiếng của các hoạ sỹ tên tuổi bị sao chép, làm giả hoặc có số ít hoạ sỹ tự sao chép lại chính mình thì bây giờ, những tranh của các hoạ sỹ mới chỉ công bố trên internet cho bạn bè cùng xem và đánh giá đã bị chép trắng trợn, mà điển hình là website xuongtranh.vn vừa rồi đã rao bán một loạt tranh giả sao chép lại từ các tác giả nổi tiếng như Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình, Mai Huy Dũng, Hoàng Văn Điểm, Đoàn Đức Hùng…

Và vụ việc ấy chỉ là một ví dụ điển hình cho những rủi ro mà giới họa sỹ phải nhận về ở thời đại này mà thôi. Còn nhiều vụ việc khác, với những chiêu trò khác khiến những người sáng tạo mỹ thuật phải vất vả, thậm chí còn phải nhờ cậy vào tòa án.

Ví dụ như vụ họa sỹ trẻ Hoàng Anh và nhóm 11 đồng nghiệp trẻ của mình bắt tay vào ký hợp đồng với Công ty TNHH KWELL Đà Lạt để thực hiện vẽ tranh 3D cho dự án "Trickland 3D Paintings Museum" của công ty này. Hợp đồng được ký kết vào tháng 4-2017, với giá trị khoảng 1 tỷ 4 trăm triệu đồng và hồ hởi với một dự án thú vị, họa sỹ Hoàng Anh đã huy động các đồng nghiệp từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế cùng tham gia với mình.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong toàn bộ dự án theo yêu cầu, hai bên ký kết thanh lý hợp đồng vào ngày 18-8-2017. Nhưng kể từ sau khi ký thanh lý hợp đồng, phía khách hàng đã cao chạy xa bay, không chịu thanh toán nốt số tiền nợ còn lại là 346.707.000 đồng, bất chấp mọi nỗ lực đề nghị thanh toán của nhóm họa sỹ trẻ.

Thậm chí, họ đã phải nhờ đến cơ quan công an địa phương tới lập biên bản vụ việc mà cũng không ăn thua. Cuối cùng, vào tháng 3-2018, họ phải gửi đơn khởi kiện lên Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và tất nhiên chúng ta đều hiểu rằng đã ra tòa thì còn phải chờ đợi dài dài.

Trước vụ việc này, nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng có thể đơn vị chủ đầu tư đang gặp khó khăn nên họ phải trì hoãn thanh toán, song chúng ta đều hiểu rằng, nếu xin trì hoãn thanh toán vì khó khăn tạm thời thì chí ít cũng phải có thiện chí liên lạc với những họa sỹ đã nhận thực hiện dự án kể trên. Đằng này, phía Công ty KWELL Đà Lạt lại nại lý do một vài hạng mục trong dự án không được thực hiện đúng nên kiên quyết trừ đi khoản nợ còn lại. Đây là lý do khá nực cười bởi nếu nhóm họa sỹ của Hoàng Anh nếu làm không đúng, không theo yêu cầu thì phía chủ đầu tư chấp nhận ký thanh lý hợp đồng để làm gì?

Chuyện của nhóm họa sỹ trẻ kể trên cũng không khác gì chuyện mà họa sỹ Nguyễn Thanh Bình từng gặp với một chủ đầu tư khác cũng ở Đà Lạt. Được mời vẽ một loạt tranh cho một khu du lịch, hoạ sỹ Nguyễn Thanh Bình tập trung thực hiện suốt thời gian dài và tính đến nay, hơn 5 năm trời ông chưa nhận được một đồng nào, đồng thời toàn bộ số tranh ông đã vẽ cũng không được hoàn trả lại. Mọi nỗ lực liên lạc qua điện thoại đều "ngoài vùng phủ sóng". Chỉ tiếc cho Nguyễn Thanh Bình là vì tin người mà ông không ký kết bất kỳ hợp đồng nào và coi như ông đã bị lừa một vố cay đắng.

Rõ ràng, tranh là một thị trường có giá trị cao (những bức rẻ nhất cũng phải tính bằng tiền triệu) và nó khiến  nhiều kẻ tham lam cho rằng đó là nơi có thể dễ dàng trục lợi, nhất là khi giới họa sỹ cơ bản làm việc trên cơ sở của niềm tin giữa con người với nhau. Chính vì thế, họ gặp phải nhiều rủi ro, trở thành nạn nhân của rất nhiều vấn nạn từ trộm cắp sở hữu trí tuệ cho tới lừa đảo trắng trợn. Vì thế, việc đòi hỏi có những sàn giao dịch mỹ thuật, từ cố định cho tới cơ động, online với sự tham gia xác thực của các bên thứ ba là rất quan trọng. Nó bảo vệ cho những người sáng tạo được an toàn hơn.
Văn Đoàn
.
.
.