Đọc tiểu thuyết "Miền trần gian", thấy bình tâm

Thứ Hai, 03/12/2018, 07:22
Đón chào du khách từ khắp thế giới về với ngôi đền linh thiêng thờ thần Apollo ở Delphi có dòng chữ TỰ HIỂU MÌNH ở ngay lối vào, tôi cứ nghĩ mãi về ý nghĩa sâu xa từ dòng chữ này. Và, không hiểu sao khi đọc xong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của nhà văn Dương Kỳ Anh, cuốn “Miền trần gian” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) tôi bỗng hiểu, hay nói đúng hơn là bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của dòng chữ này.


Nhân vật TA chính là cậu Bính, mới lên 9 tuổi đã chứng kiến cảnh gia đình mình bị đuổi ra khỏi nhà, mẹ chết đói cùng hai đứa em sinh đôi chưa đầy tháng; cậu phải dắt hai đứa em nhỏ đi ăn xin, rồi đi làm thuê, ở đợ cho nhà người ta...

Đói, rét, bị làm nhục, bị vu oan đủ điều... Những người thân yêu, ruột thịt trong gia đình cậu Bính như người ông, người bố... cũng vậy, sống trong một hoàn cảnh tưởng như không thể sống, không thể chịu đựng nổi... Ấy vậy nhưng, vẫn vượt lên, vẫn hài hước, vẫn yêu đời, vẫn giàu yêu thương, không hận thù, không nổi đóa, không oán trách ai...

Hình ảnh người ông ở trong nhà tù đế quốc thực dân đã ngồi kiên nhẫn đẽo gọt cái gông tù bị gẫy vứt ở góc phòng thành bức tượng ông DILẶC tượng trưng cho sự lạc quan yêu đời thật cảm động. Tôi đọc nhiều chương trong tiểu thuyết "Miền trần gian" mà không cầm được nước mắt...

Mảnh đất miền Trung khắc nghiệt nơi cậu Bính sinh ra và lớn lên với cảnh chiến tranh, bom đạn, đói nghèo, nắng như đổ lửa làm mủn cả áo tơi, rồi lũ lụt, bão tố đến kinh hoàng với những sự kiện đảo điên, ấy vậy nhưng nhân vật cậu Bính cũng như những người trong gia tộc cậu vẫn vượt lên để sống... làm cho người đọc thực sự thấy bình tâm. Đúng như một nhà thơ Nga đã viết đại ý: "Trong lòng bão tố thấy bình yên”!

Tôi đã đọc ba cuốn tiểu thuyết trước đó của nhà văn Dương Kỳ Anh “Xuyên Cẩm” (2004); “Thổ địa” (2006); "Cõi ta bà”  (2008) và khi đọc cuốn tiểu thuyết mới này của anh,  tôi nhận thấy tính nhân văn luôn nhất quán, luôn thấm đẫm trong tư tưởng của nhà văn. Con người sống trên mảnh đất này dù trải qua khổ đau, oan khuất vẫn luôn mỉm cười, vẫn rộng lượng, bao dung.

 Biết oan trái mà không hận thù, ấy là sống để yêu thương, là vượt qua hận thù để yêu thương. Thông điệp này được tác giả thể hiện trong hầu hết những nhân vật ở tiểu thuyết "Miền trần gian". Từ nhân vật như cậu Bính, đến người ông, người bố, O Hạnh... được tác giả khắc họa tính cách thật sinh động. Mối tình éo le, khó lý giải gữa cậu Bính với O Hạnh, người con gái xinh đẹp nhất làng luôn xuyên suốt, luôn là sợi dây nối mọi sự kiện với nhau.

Hôm đến phỏng vấn nhà văn Dương Kỳ Anh, tôi hỏi ông rằng có phải gia tộc cậu Bính trong tiểu thuyết "Miền trần gian" chính là gia tộc ông không?

Nhà văn Dương Kỳ Anh cười, bảo tôi: “Có thể có hình bóng gia tộc tôi trong đó, nhưng đây là tiểu thuyết, tiểu thuyết là hư cấu, là tưởng tượng ra... Nghệ thuật là sáng tạo, sáng tạo ra một thế giới không có thực nhưng lại rất giống đời thực. Văn chương nghệ thuật không phải là thứ sao chép cuộc sống đơn thuần, nếu như thế thì chẳng cần văn chương nghệ thuật làm gì...”.

Phải, nghệ thuật là sáng tạo, sáng tạo vì con người, sáng tạo cho con người, sáng tạo để khi đọc xong một tác phẩm như tiểu thuyết "Miền trần gian" với bao cảnh đời éo le, với bao sự kiện nóng bỏng, bao nhiêu điều trái ngang trong cuộc đời, bao hoàn cảnh khổ đau làm ta không cầm được nước mắt... Nhưng, sau tất cả những điều đó, ta thấy bình tâm, bởi ta tự hiểu mình, khi tâm ta sáng, thì dù bất cứ điều gì xảy ra với ta, ta vẫn sẵn sàng đối mặt, ta vẫn BÌNH TÂM.

Thảo Dương
.
.
.