Để lý luận, phê bình văn nghệ gắn bó với sáng tác

Thứ Sáu, 17/03/2006, 07:47

Từ đầu những năm chín mươi đến nay, thực trạng phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) đang trở thành mối quan tâm lo lắng của cả giới nghiên cứu, sáng tác lẫn công chúng. Hoạt động này không chỉ trầm lắng, mà còn bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập trên những phương diện khác nhau...

Đầu tháng 3/2006, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận, phê bình VHNT toàn quốc. Gần 250 đại biểu là các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học đã về dự. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT đã dự và chủ trì Hội nghị.

Trong những năm qua, đời sống văn nghệ của nước ta có những biến đổi, biến động mạnh mẽ, sâu sắc và phức tạp. Tư duy nghệ thuật có những chuyển động mới, xuất hiện những quan niệm mới về vị trí, vai trò, bản chất, đặc trưng… của sáng tạo VHNT. Quan hệ giữa VHNT và công chúng cũng thay đổi. Đời sống văn nghệ dân chủ hơn, cởi mở hơn và vì thế cũng đa dạng hơn, sự tiếp nhận các phương thức, phương pháp biểu hiện mới, rất khác nhau trong sáng tạo, trước đây còn né tránh và xa lạ, giờ đây đã được xã hội tiếp nhận.

Về mặt lý luận văn nghệ các nhà nghiên cứu lý luận đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới quan niệm về VHNT. Mối quan hệ VHNT với chính trị được hiểu rộng rãi hơn, tinh thần dân chủ, tính sáng tạo của văn nghệ sĩ được coi trọng, phạm vi đời sống phản ánh vào văn nghệ được mở rộng, đa dạng hóa. Tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông xưa bắt đầu được nghiên cứu có hệ thống. Các thành tựu VHNT thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng. Một số phương pháp nghiên cứu, phê bình văn nghệ được vận dụng đem lại những thành tựu mới. Một số khái niệm lý luận cũ được điều chỉnh, nhiều khái niệm mới được sử dụng trong thực tiễn nghiên cứu, phê bình.

Tuy nhiên, hoạt động lý luận văn nghệ của chúng ta còn có những nhược điểm là chưa phát huy được tác dụng tích cực cần phải có đối với đời sống văn nghệ.

Mặt bằng lý luận văn nghệ đã thay đổi, nhưng sự hiểu biết lý luận nói chung chưa sâu sắc, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lý luận chưa nhiều. Nhà lý luận có nhiều, nhưng tác phẩm lý luận VHNT thật sự có chất lượng còn ít. Lý luận ở các ngành nghệ thuật lại càng phát triển không đồng đều.

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban TT-VH TƯ và các đại biểu tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc.

Từ đầu những năm chín mươi đến nay, thực trạng phê bình VHNT đang trở thành mối quan tâm lo lắng của cả giới nghiên cứu, sáng tác lẫn công chúng, thực trạng đó không chỉ trầm lắng, mà còn bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập trên những phương diện khác nhau...

Về đội ngũ lý luận, phê bình hiện rất đáng lo ngại. Những người làm lý luận, phê bình có tên tuổi, có uy tín trong đời sống văn nghệ những năm trước đây, hoặc vì tuổi tác, hoặc vì ngại va chạm, đã lặng lẽ trở về với công việc khác. Trận địa lý luận, phê bình trở nên trễ nải, thiếu hụt những phẩm chất mà người sáng tác cũng như công chúng văn nghệ chờ đợi. Một số ngành nghệ thuật thiếu vắng sinh hoạt phê bình. Rõ ràng, đội ngũ lý luận, phê bình như hiện nay là không đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, không đáp ứng yêu cầu là “ý thức triết học của văn nghệ”, là yếu tố kích thích cho sự phát triển khỏe mạnh của một nền VHNT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chúng ta chưa định hình một hệ thống chuẩn mực lý luận, một hệ thống tiêu chí đánh giá, thiếu một hệ giá trị tin cậy làm thước đo kiểm định tác phẩm văn nghệ. Do vậy, đã xuất hiện hiện tượng, một số cá nhân lấy mình làm chuẩn, “duy ngã độc tôn” dẫn đến tình trạng lộng ngôn trong phê bình, không có căn cứ để phán xử. Tình trạng đó khiến cho văn đàn có vẻ ồn ào nhưng thực chất lại đang rơi vào những khoảng lặng đáng lo ngại. 

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình đã kết luận:

Đây là một Hội nghị rất có ý nghĩa với những người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn nghệ. Với một không khí dân chủ, cởi mở, chân thành, những ý kiến của chúng ta tại Hội nghị này sẽ giúp cho Hội đồng các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham mưu cho Ban Bí thư về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Ba vấn đề lớn chúng ta rút ra được từ Hội nghị này là: chúng ta có thể hình dung ra bức tranh chung của các hoạt động lý luận, phê bình văn nghệ, về đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình với các mặt ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân và cả những giải pháp lý luận, phê bình văn nghệ đã góp phần thúc đẩy sáng tác, song còn nhiều điều bất cập. Một trong những nguyên nhân là sự chậm đổi mới, chưa đánh giá đúng vai trò của công tác lý luận, phê bình và trách nhiệm của đội ngũ làm công việc này với sáng tác và công chúng.

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm cũng chỉ ra một số giải pháp trước mắt để đưa công tác lý luận, phê bình văn nghệ phát triển như đào tạo, dịch thuật, tập hợp đội ngũ, có diễn đàn cho những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình. Trên cơ sở đó khẳng định nhiệm vụ của Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương là cơ quan tham mưu của Đảng về VHNT. Trách nhiệm của các Hội, Hội đồng lý luận, phê bình của Hội chuyên ngành cần chủ động, sáng tạo trong quá trình đánh giá các tác giả, tác phẩm, phát hiện những vấn đề trong sáng tác và định hướng cho công chúng.

Thực tiễn của đời sống văn nghệ hiện nay, vừa là thách thức vừa là thời cơ lớn cho các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình sáng tạo, đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển VHNT của dân tộc

Đỗ Kim Cuông
.
.
.