Vị thế đồng USD đang bị thách thức
USD từ lâu đã nắm giữ vị thế là đồng tiền thống trị thế giới, chủ yếu do quy mô và sức ổn định to lớn của nền kinh tế Mỹ cũng như tính thanh khoản vô song đến từ thị trường tài chính nước này. Những yếu tố đó đã củng cố vị thế thống trị của USD trong thương mại và tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của hai loại tiền tệ khác - đồng euro của châu Âu và đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc - như những đối thủ tiềm năng thách thức vị thế thống trị của USD.
Euro, được hỗ trợ bởi khuôn khổ thể chế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sở hữu sự ổn định chính trị và quyền lực tiền tệ vững chắc. Đây là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới tính đến năm 2022 và có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, qua đó khiến euro trở thành ứng viên hấp dẫn cho vị trí tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Tuy nhiên, tính đến năm 2023, Euro chỉ chiếm 21% dự trữ ngoại hối toàn cầu so với 58% của USD. Việc Liên minh châu Âu (EU) liên tục phân mảnh về mặt cấu trúc và chính trị cùng chính sách tài khóa khác biệt giữa các quốc gia thành viên đã làm suy yếu độ tin cậy của euro như một tài sản dự trữ toàn cầu. Eurozone vẫn thiếu các thị trường nợ đủ sâu và thanh khoản cần thiết để nâng cao vị thế của euro như một loại tiền tệ dự trữ.
Về phía Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và vai trò ngày càng mở rộng của nước này trong thương mại toàn cầu đã thúc đẩy đáng kể vị thế toàn cầu của NDT. Theo Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), trong năm 2023, NDT chiếm 3,71% giá trị thanh toán toàn cầu. Tỷ trọng thanh toán tài trợ thương mại của NDT đã tăng gấp đôi từ 4% vào năm 2022 lên 8% vào năm 2024. Những tiến bộ này, được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế Trung Quốc, đã đưa NDT lên thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu tiềm năng.
Dẫu vậy, NDT vẫn phải đối mặt với những trở ngại đáng kể ngăn cản các quốc gia khác sử dụng NDT như một loại tiền tệ dự trữ, trong đó bao gồm hoạt động kiểm soát vốn chặt chẽ, thị trường tài chính thiếu minh bạch và quyền lực chính trị tập trung của Chính phủ Trung Quốc. Tỷ trọng của đồng NDT trong dự trữ toàn cầu cũng còn rất nhỏ, chỉ ở mức 3% so với 58% của USD.
Sức cạnh tranh của USD
Rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh nhiều nỗ lực nhằm hiện thực tham vọng quốc tế hóa đồng NDT. Vào năm 2023, thị trường trái phiếu Panda của Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục khi các nhà phát hành nước ngoài huy động được hơn 15,3 tỷ USD trái phiếu bằng NDT, tăng từ 12,4 tỷ USD của năm 2022. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này báo hiệu sự tin tưởng ngày càng tăng vào NDT như một loại tiền tệ tài trợ, có khả năng thúc đẩy vị thế của đồng tiền trở thành tiền tệ dự trữ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thành lập Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) vào năm 2015 và phát triển đồng NDT kỹ thuật số (e-CNY) nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tài chính do Mỹ thống trị như SWIFT và tăng cường khả năng tiếp cận toàn cầu của NDT. Việc giới thiệu các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể định hình lại bối cảnh tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, sự thống trị của USD trong giao dịch DeFi (tài chính phi tập trung), nơi 99% stablecoin (các loại tiền mã hóa được gắn với một tài sản có giá cả ổn định) được neo theo USD, cho thấy việc mở rộng bất kỳ đồng tiền kỹ thuật số nào cũng có khả năng củng cố vai trò của USD.
USD vẫn sẽ tiếp tục duy trì vị thế
Nhiều khả năng USD sẽ tiếp tục vững chắc ở vị trí dẫn đầu bất chấp sự hiện diện ngày càng nhiều hơn của euro và NDT. Báo cáo "Giám sát sự thống trị của đồng USD" được Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) công bố hồi tháng 6/2024 cho thấy USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu BRICS đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào “đồng bạc xanh” khi USD vẫn là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ, với vai trò là đồng tiền dự trữ chính toàn cầu sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn và trung hạn.
Các yếu tố địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự thống trị của USD. Vị thế của USD được củng cố bởi quyền tối cao về mặt chính trị và quân sự của Mỹ. Các quốc gia phụ thuộc vào USD trong giao dịch tài chính và thương mại quốc tế nhiều khả năng sẽ điều chỉnh chính sách theo lợi ích của Mỹ, qua đó càng củng cố thêm vai trò trung tâm của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo quan điểm econophysics (nghiên cứu, ứng dụng các lý thuyết vật lý giải quyết các vấn đề kinh tế), sức mạnh của USD rõ ràng vẫn bền bỉ so với euro và NDT. Bằng cách định lượng tỷ lệ phân kỳ giữa USD và các loại tiền tệ này, phân tích đã tái khẳng định vai trò của USD là cốt lõi trong hệ thống tài chính toàn cầu từ năm 2001 đến năm 2022. Rất có thể USD sẽ duy trì quyền thống trị ngay cả trước những đối thủ mới nổi, được hỗ trợ bởi tính thanh khoản vô song của thị trường tài chính, ảnh hưởng địa chính trị Mỹ cùng di sản lịch sử của hệ thống tiền tệ Bretton Woods.
Mặc dù euro và NDT đã có những bước tiến đáng kể trong thương mại và tài chính toàn cầu, nhưng vẫn chưa thể là lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho vị trí đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Những thách thức về cấu trúc và chính trị cả hai loại tiền tệ này phải đối mặt cho thấy USD sẽ tiếp tục thống trị trong tương lai gần