Tác động thương mại sau vụ AUKUS

Thứ Ba, 12/10/2021, 16:47

Việc thiết lập thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) kèm theo sáng kiến đầu tiên về một thỏa thuận tàu ngầm đã gây căng thẳng quan hệ giữa Pháp và Australia. Hiện mối căng thẳng không chỉ dừng lại ở những chỉ trích ngoại giao mà còn lan sang cả quan hệ kinh tế, làm chệch hướng tiến trình đàm phán thương mại giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Australia.

EU cũng đang rơi vào tình thế khó xử khi xem xét tiến trình làm hồi sinh quan hệ thương mại với Mỹ vốn đã bị suy giảm từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Vì đâu... nên nỗi?

Tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Australia đã bị trì hoãn chỉ vài tuần sau khi Canberra hủy thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp. Hãng tin Reuters ngày 1-10 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan xác nhận vòng đàm phán thứ 12 dự kiến vào ngày 12-10 đã bị hoãn lại 1 tháng song từ chối bình luận về vai trò của thỏa thuận tàu ngầm trong quyết định trì hoãn đàm phán. Thay vào đó, ông Tehan hôm 1-10 nói rằng: “Chúng tôi hiểu được phản ứng của Pháp đối với quyết định tàu ngầm của chúng tôi song rốt cuộc bất kỳ quốc gia nào cũng cần hành động vì lợi ích quốc gia, điều mà Australia đã làm”.

a3.jpg -0
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee hồi tháng 6-2021.

Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Eric Mamer nói với hãng tin AP rằng, việc trì hoãn này không phải là “đòn trả đũa”, giải thích rằng “EU không trừng phạt bất kỳ nước nào”.

Bất bình sau vụ tàu ngầm, truyền thông quốc tế đã công khai đưa tin việc Pháp từng kêu gọi các đối tác của EU xem xét ngừng tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa liên minh này với Australia. Một quan chức EU giấu tên thừa nhận với AP rằng vụ tàu ngầm chính là nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn này. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng cho dù không có vụ tàu ngầm này thì thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Australia cũng chưa thể được ký kết. Trước đó, cả EU và Australia đều hy vọng có thể ký kết một thỏa thuận thương mại tự do vào trước cuối năm 2021.

Đối với Canberra, quá trình đàm phán để đi đến một FTA với EU đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Australia với Trung Quốc suy giảm. Hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia được chuyển đến thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã dựng hàng rào thuế quan với những đòn thuế cao áp vào một số mặt hàng nông sản của Australia, động thái trả đũa việc Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc virus Corona. Thị trường EU tiêu thụ khoảng 4% lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia trong năm 2020, tương đương 12,3 tỷ USD. Vì vậy, việc đạt được một thỏa thuận FTA với EU sẽ tạo điều kiện để Canberra đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình.

Đối với Brussels, mối quan hệ hợp tác thương mại với Australia cũng đem lại những lợi ích giá trị. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà EU công bố hồi tháng 9-2021 nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các đối tác có cùng những giá trị chung như dân chủ và nhân quyền. Theo số liệu của EU, khối 27 thành viên này là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Australia trong năm 2020, sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Trước đó, Paris cũng đã vận động hành lang để Ủy ban Châu Âu hủy bỏ cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ giữa Mỹ với EU dự kiến diễn ra tại Pittsburgh ngày 29-9. Hội đồng này đã được thành lập trong khuôn khổ “cuộc đoàn tụ vĩ đại” với Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU hồi tháng 6-2021 tại Brussels. Mục tiêu chính của hội đồng này là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế và thương mại xuyên Đại Tây Dương dựa trên các giá trị dân chủ chung.

Thế khó của châu Âu

Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, tiến hành các cuộc đàm phán thương mại dựa trên sự ủy thác của 27 quốc gia thành viên. Thông thường, ủy ban này thông báo cho các nước về tiến trình đàm phán, song các nước không trực tiếp tham gia đàm phán mặc dù một quốc gia thành viên nào đó có thể trì hoãn tiến trình. Tuy nhiên, bất kỳ một thỏa thuận thương mại tự do nào cũng cần phải được thông qua dựa trên sự đồng thuận của cả khối. Vì vậy, các nước thành viên vẫn có quyền phủ quyết.

Trong vụ tàu ngầm AUKUS, một mặt, EU cũng thấy bất ngờ và cảm thấy bị “gạt ra ngoài lề” trước thông báo về sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên này. EU cũng đã có những tuyên bố thể hiện sự đồng cảm với Paris. Mặt khác, Châu Âu coi thỏa thuận AUKUS chẳng khác nào việc chính quyền ông Biden tập trung vào chính sách “nước Mỹ trước tiên”, vốn thực chất cũng là chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump mặc dù ông Biden không “nói thành lời” chính sách này.

Đối với Canberra, các nguồn tin ngoại giao ở Châu Âu tiết lộ với tờ The Guardian rằng quyết định trì hoãn đàm phán thương mại với Australia chỉ mang tính “biểu tượng”. Một nguồn tin giấu tên giải thích: “Đó là cách giữ thể diện cho Pháp”, nói thêm rằng giới chức Châu Âu cũng khá “mệt mỏi” với những chỉ trích của Paris liên quan vụ AUKUS. Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói rằng thỏa thuận tàu ngầm giữa Australia và Pháp không quan trọng đến mức khiến tất cả thành viên EU muốn đứng về phía Paris để phản đối Canberra.

Đối với Washington, Châu Âu sẽ rơi vào tình thế khó xử trước câu hỏi làm thế nào vừa thể hiện được tinh thần đoàn kết nội khối với Pháp vừa không làm sứt mẻ hơn nữa mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.

Theo nhận định của một số quan chức Châu Âu, hiện có những yếu tố có thể giúp “câu giờ” để vụ AUKUS “lắng dịu” trước khi các bên “hạ hỏa”. Thứ nhất, các nước Châu Âu giáp Nga như Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan, phụ thuộc “ô an ninh” của Mỹ thông qua NATO nên có thể sẽ tìm cách “hãm phanh” bất kỳ động thái nào của Paris gây phức tạp tình hình. Yếu tố thứ hai là Pháp sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 4-2022.

Vì vậy, từ nay đến lúc đó, Paris có thể sẽ dồn tâm trí vào sự kiện này hơn là tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn của mình với cả Canberra và Washington. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng chính vì cuộc bầu cử này mà Paris sẽ không chịu nhún nhường trước quan điểm cứng rắn của mình vì sợ “mất mặt” trước công chúng trong nước. Thứ ba, bản thân EU cũng mong muốn hàn gắn mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ sau bốn năm bị rạn nứt dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.
.