“Quả bom nghỉ hưu” của kinh tế Mỹ

Thứ Năm, 22/02/2024, 08:05

Dân số già không phải là vấn đề mới đối với các quốc gia phát triển. Giới trẻ tại các quốc gia này phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như mất cân bằng thu nhập, lạm phát tăng vọt, thiếu nhà ở, áp lực công việc đè nặng, v.v... khiến họ không muốn có con nữa. Vậy nhưng vấn đề không chỉ nằm ở mỗi giới trẻ.

Nền kinh tế các nước phát triển sẽ trở nên thế nào khi hàng chục triệu cá nhân thuộc lứa sinh ra trong giai đoạn thập niên 1950-1970 đi vào độ tuổi nghỉ hưu? Đó là câu hỏi đang khiến chính phủ Mỹ phải đau đầu.

“Quả bom hẹn giờ”

Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, 44% số người sinh ra trong giai đoạn 1950-1970 sẽ nghỉ hưu trong vòng 5 năm tới. Đến năm 2030 thì tất cả những người trong nhóm này sẽ hơn 65 tuổi. Đây là một con số đáng chú ý bởi vì nhóm dân số này (được gọi là baby boomer) gồm những con người sinh ra trong giai đoạn phồn thịnh nhất của Hoa Kỳ, khi mà cả dân số lẫn nền kinh tế nước này liên tục đạt những kỷ lục mới. Hiện nay có khoảng 56 triệu người Mỹ trên 65 tuổi, chiếm 17% tổng dân số, nhưng nhóm công dân này đang nắm giữ trong tay hơn một nửa (96,4 nghìn tỷ USD) tổng tài sản của toàn bộ người Mỹ.

“Quả bom nghỉ hưu” của kinh tế Mỹ -0
Việc Tổng thống Joe Biden đắc cử nhiệm kỳ thứ hai không tác động rõ rệt với thị trường lao động chăm sóc người già.

Từ trước đến nay đa số chuyên gia kinh tế cho rằng thế hệ baby boomer sẽ nghỉ hưu trong sự giàu sang. Với khối tài sản họ đã tích góp được cả sự nghiệp, chắc hẳn người Mỹ trên dưới 60 tuổi sẽ có đủ tiền để theo đuổi thứ họ muốn trong những năm cuối của cuộc đời. Lối phân tích này tuy vậy bỏ qua một chi tiết rất quan trọng: Không phải người già nào ở Mỹ cũng giàu như nhau.

Viện nghiên cứu y tế công AARP Public Policy Institute mới đây đã công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy 43% số người trong độ tuổi từ 55 đến 64 ở Mỹ không có bất kỳ khoản tích trữ nghỉ hưu nào. 17 triệu người, tương đương 30% số cá nhân trên 65 tuổi luôn ở trong trạng thái kinh tế bấp bênh, nghĩa là lương hưu cùng các khoản thu nhập khác của họ trong một tháng còn chưa đến 27.180 USD. 64% người thuộc thế hệ baby boomber không có đủ khả năng chỉ trả hết cho các khoản chăm sóc sức khỏe của họ.

Nếu tính trung bình thì mỗi người Mỹ từ 65 đến 74 tuổi nắm trong tay 1,8 triệu USD tài sản. Vấn đề nằm ở chỗ sự giàu có không được phân chia đều trên thực tế. Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hơn một nửa số người trên 65 tuổi ở nước này sở hữu khối tài sản ít hơn 410.000 USD, mà trong đó bất động sản - một thứ tài sản liên tục biến động giá trị - lại chiếm tỷ trọng lớn. Đa số người trong độ tuổi nghỉ hưu mới chỉ tiết kiệm được khoảng 200.000 USD sau cả một đời lao động.

Bà Sara Evermane, chuyên gia nghiên cứu của AARP, cho biết: “Mức thu nhập trung bình của người Mỹ trên 75 tuổi là khoảng 49.000 USD/năm, trong đó lương hưu trung bình rơi vào tầm 21.162 USD/năm. Từng đó là đủ để sống ở Mỹ nếu như bạn có nhà, không phải trả lãi các khoản nợ, và sống ở nơi có mặt bằng giá cả thấp. Nhưng người già còn phải chi tiền cho thuốc men, bác sĩ, người giúp việc, v.v... 49.000 USD/năm hoàn toàn không đủ với họ. Ngoài ra thì người già càng lấy tiền từ trong sổ tiết kiệm của họ để trả cho các khoản chi hàng ngày, khoản lãi tiết kiệm mà họ nhận được lại càng ít đi”.

Trong bối cảnh hệ thống y tế công của Mỹ đang trong trạng thái quá tải và thiếu ngân sách trầm trọng, việc có quá nhiều người cao tuổi trong cảnh nghèo quả là vấn đề mang tính sống còn. Đối với mỗi gia đình thì gánh nặng chăm sóc cha mẹ, ông bà của họ càng đặt thêm gánh nặng về tài chính và con người giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang ốm yếu. Bà Rita Choula, Phó giám đốc của AARP, nhận xét: “Bây giờ chẳng có ai ở Mỹ muốn nghỉ hưu cả. Người cao tuổi chỉ biết sống từng ngày mà không biết tương lai sẽ như thế nào. Nhiều người hoặc là không chịu nghỉ hưu, đi tìm thêm việc làm, sống một mình hay là vào hẳn viện dưỡng lão bán công trước tuổi. Họ đang tìm mọi cách nhằm tránh việc bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Hết hy vọng

Ngay cả các gia đình Mỹ khá giả cũng bị ảnh hưởng bởi câu chuyện chăm sóc người già. Bà Stevie Kuenn là trưởng phòng marketing tại một tập đoàn lớn ở Chicago. Ngoài công việc và đứa con gái 12 tuổi, toàn bộ thời gian của Stevie dành để chăm sóc bà mẹ chồng 91 tuổi. Bà Stevie cho biết: “Tôi còn cảm thấy mình may mắn hơn người khác vì ít ra mẹ chồng còn tiết kiệm được một khoản. Trước đây mẹ chồng tôi sống ở Ohio cách nhà tôi hàng trăm km. Mỗi khi có việc khẩn cấp là vợ chồng tôi không thể có mặt ngay lập tức bên mẹ hay tìm được người giúp cả. Cuối cùng thì tôi đành phải thuyết phục mẹ dọn đến sống chung để vừa an toàn, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí... Mạng lưới an sinh xã hội cho người già ở Mỹ có cũng như không. Tôi không dám nghĩ đến cảnh những gia đình nghèo hơn hay ít người hơn xoay xở như thế nào với cha mẹ họ”.

“Quả bom nghỉ hưu” của kinh tế Mỹ -0
Các khoản tiết kiệm của người cao tuổi Mỹ đang ngày càng ít đi.

Bà Stevie Kuenn rơi vào thế hệ “bánh mì kẹp thịt”, nghĩa là những người phải chăm sóc cùng lúc cho cả con cái lẫn cha mẹ họ. Theo Cục Thống kê Mỹ thì có đến 23% dân số nước này thuộc thế hệ “bánh mì kẹp thịt”. Ước tính mỗi tuần thì ngoài công việc toàn thời gian, những người này còn phải dành ra 20 tiếng lao động không công để chăm sóc trẻ con và người già trong gia đình. Họ còn phải chi ra trung bình 72.000 USD/năm để chăm sóc người thân. Cái giá mà họ trả không chỉ có mỗi công sức, thời gian hay tiền bạc mà còn cả tinh thần và triển vọng công việc nữa - có đến 15% số người thuộc thế hệ “bánh mì kẹp thịt” bị buộc phải giảm giờ làm, xin nghỉ đột xuất hay thậm chí là bỏ việc hoặc nghỉ hưu sớm.

Nhà kinh tế Mỹ Richard D. Wolff cảnh báo: “Nền kinh tế Mỹ chắn chắn sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng khi hàng triệu baby boomer nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới... Chúng ta đang nói về một thế hệ những người đang ở độ tuổi trung niên không có tiền cho vào quỹ lương hưu của họ hay chi cho việc học hành của con cái, vì mọi khoản thu nhập đều được dùng hết để chăm sóc cha mẹ già của họ. Không nền kinh tế nào có thể phát triển về lâu dài nếu điều này xảy ra”.

“Quả bom nghỉ hưu” của kinh tế Mỹ -0
Nhiều người Mỹ phải tự mình chăm sóc cha mẹ già trong khi vẫn còn bị gánh nặng công việc đè trên vai.

Đấy là nói về người cao tuổi còn có con cháu, vậy còn những người không có thì sao? Ước tính có khoảng 6,6% người trên 55 tuổi ở Mỹ không có vợ chồng hay con cháu để chăm sóc lúc tuổi già. Nước Mỹ đang thiếu trầm trọng nhà dưỡng lão để chăm sóc nhóm người này. Hiện nay ở Mỹ có khoảng 15.000 cơ sở dưỡng lão trên toàn quốc. Theo nhận định chung của giới chuyên gia thì mỗi năm phải có thêm 20% nhà dưỡng lão mới ở Mỹ thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó thì kể từ năm 2020 đến nay đã có 579 cơ sở an dưỡng đóng cửa ở Mỹ, đa phần là do đại dịch COVID-19. Nếu tính trên số giường bệnh thì nước Mỹ hiện đã ít hơn 45.000 giường so với lúc trước khi đại dịch nổ ra.

77% cơ sở dưỡng lão ở Mỹ cho biết họ đang thiếu nhân lực trầm trọng. Từ trước đến nay các cơ sở này dựa nhiều vào lao động nước ngoài hay dân di cư sẵn sàng nhận những công việc nặng nhọc mà lương thấp. COVID-19 gây tác động không nhỏ lên nguồn lao động trên. Tuy đại dịch đã qua nhưng nguồn lao động cho các viện dưỡng lão vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, mặc cho số người nhập cư và lao động nước ngoài đều tăng. Nhiều nhà quan sát đang hồi hộp theo dõi liệu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có ảnh hưởng mạnh tới thị trường lao động an dưỡng không, nhất là khi cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đều đã hứa sẽ thắt chặt chính sách nhập cư nếu thắng cử.

Loay hoay đi tìm giải pháp

Câu trả lời cho vấn đề người nghỉ hưu tại Mỹ không có gì là bí mật. Giới chuyên gia cho rằng chính phủ Mỹ cần tăng mạnh các khoản chi an sinh cho người già, từ tăng lương hưu đến xây dựng thêm bệnh viện và các viện dưỡng lão. Cần có những nới lỏng về luật pháp và tăng cường chính sách lương thưởng, đãi ngộ để thu hút lao động tham gia lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Về lâu về dài thì nước Mỹ phải tìm giải pháp tăng tỷ lệ sinh, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong - cả hai chỉ số này đều đang ở các mức kho có thể chấp nhận được ở một quốc gia phát triển.

“Quả bom nghỉ hưu” của kinh tế Mỹ -0
Không nhiều người già Mỹ dám mơ tưởng đến cảnh tận hưởng khi mình nghỉ hưu.

Một số bang tại Mỹ như California, Minesota, Oregon và Vermont đang học hỏi mô hình của Singapore bằng cách tổ chức chương trình tiết kiệm lương hưu tự động. Người lao động tham gia chương trình này sẽ trích một khoản tiền lương tháng của họ để đóng vào quỹ lương hưu, và doanh nghiệp của họ cũng đóng một khoản ngang bằng vào quỹ. Kể từ khi được đưa vào triển khai vào năm 2018, đã có 800.000 người lao động Mỹ tình nguyện tham gia chương trình và tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra hiện nay đối với các nhà quản lý quỹ là làm sao đầu tư để tăng trữ lượng của quỹ nhằm chuẩn bị cho ngày người đóng đồng loạt nghỉ hưu.

Giải pháp rõ ràng như trên nhưng vấn đề nằm ở chỗ hệ thống chính trị Mỹ không muốn làm vậy. Washington hiện đang bị tê liệt vì cuộc tranh cãi xoay quanh việc phân bổ ngân sách, một vấn đề nhức nhối từ gần hai thập niên trở lại đây ở Mỹ. Việc tăng chi an sinh xã hội không được cả hai đảng chính trị Mỹ coi trọng mà bị đặt sau các ưu tiên về quốc phòng và ngoại giao.

Sâu xa hơn nữa là vấn đề mất bình đẳng, hố sâu ngăn cách giàu - nghèo tại nước này càng ngày “phình to”. Theo thống kê của tờ Forbes thì 20 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng khối tài sản của họ thêm 30% trong năm 2023. Trong khi đó thì tổng các khoản nợ hộ gia đình ở Mỹ trong năm 2023 đã tăng 228 tỷ USD (1,3%) để chạm mức kỷ lục 17,29 nghìn tỷ USD. Thế hệ baby boomer sinh ra trong thời kỳ phồn thịnh nhất của nước Mỹ, nhưng chỉ có vài người trong số họ được hưởng hết những “quả ngọt”.

Lê Công Vũ
.
.
.